Để phát triển kinh tế miền Tây Nghệ An

Trương Công Anh 20/08/2020 15:00

(Baonghean.vn) - Kinh tế của miền Tây Nghệ An về cơ bản đang ở trình độ sản xuất nhỏ, tự cung tự cấp; cá biệt có nơi đang ở trình độ kinh tế tự nhiên. Để phát triển kinh tế miền Tây cần có các giải pháp toàn diện, đồng bộ về: Tư tưởng nhận thức, văn hóa xã hội, khoa học công nghệ, kinh tế, chỉ đạo tổ chức thực hiện... chứ không đơn thuần chỉ là giải pháp kinh tế. Phạm vi bài viết này chỉ xin đề xuất mấy giải pháp lớn về kinh tế.

Giải quyết lương thực cho các địa phương

Để giải quyết cái ăn cho người dân, cần triệt để thâm canh trên diện tích lúa nước đang có ở các bản, các xã, các huyện để đạt năng suất cao nhất, tăng sản lượng. Khảo sát kỹ để bất cứ diện tích nào có thể có nước (nước tự nhiên và nước các công trình thủy lợi nhỏ, cực nhỏ, công trình thời vụ) để có thêm diện tích cấy lúa nước.

chú thích
Guồng dẫn nước phục vụ cho sản xuất lúa Châu Tiến (Quỳ Châu). Ảnh tư liệu

Phương châm là triệt để khai thác vùng ven khe suối, thấp thì cấy lúa nước, cao hơn thì trồng ngô, hoa màu. Ở những địa phương buộc phải trồng lúa nương (rẫy) thì chủ yếu sản xuât giống nếp cẩm hoặc gạo đặc sản. Thông qua trao đổi để từ 1 kg nếp cẩm, 1 kg gạo đặc sản có thể mua được 2 kg gạo bình thường. Đây cũng là cách để tăng sản lượng lương thực.

Tập trung sản xuất các cây, con đặc sản bản địa như: khoai sọ, bí, dưa rẫy, cải, bò Mông, lợn đen, gà đen, vịt Quỳ Châu... theo phương thức sản xuất tập trung quy mô khá đến lớn, có khối lượng nhiều. Tổ chức thị trường quảng bá thương hiệu. Đây là thế mạnh nhưng lâu nay ta đang đi theo hướng tìm cây con mới du nhập vào mà chưa coi trọng khai thác thế mạnh của các cây con bản địa. Thực trạng này cần sớm được khắc phục.
Để mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất cho mấy hướng đi nêu trên, cần tập trung vào 2 yếu tố sau: Từng bước nâng cao trình độ thâm canh, tiếp nhận các tiến bộ về khoa học công nghệ cho người dân thông qua các hoạt động khuyến nông, đào tạo nghề nông với các cách thức phù hợp. Và tổ chức sản xuất theo hướng liên kết hộ, liên kết hộ, liên kết sản xuất với chế biến và tiêu thụ tạo chuỗi sản phẩm và tạo thị trường (đầu ra).

Hội chợ ẩm thực miền Tây Nghệ An. Ảnh: Quang Dũng
Hội chợ ẩm thực miền Tây Nghệ An. Ảnh: Quang Dũng

Những đề xuất trên không mới, vấn đề là ở tổ chức chỉ đạo của xã, của huyện. Lâu nay, việc tổ chức chỉ đạo còn chung chung, không thật sát và phù hợp với từng bản, từng xã. Huyện chưa đóng vai trò tổ chức liên kết, tổ chức thị trường. Từ xã đến huyện phải có tư duy mới về tổ chức và quản lý kinh tế theo hướng từng bước đưa sản xuất tự cung tự cấp lên sản xuất hàng hóa. Thực hiện có hiệu quả giải pháp đầu tiên nói trên là tiền đề, điều kiện để thực hiện giải pháp tiếp theo.

Giải pháp xây dựng chiến lược kinh tế rừng

Tài nguyên duy nhất để miền Tây khá lên, giàu lên chỉ có thể là rừng và đất rừng. Nói như vậy là bởi miền Tây Nghệ An có đến 1.235.755 ha rừng và đất rừng, trong đó diện tích rừng là 940.500 ha (cả rừng trồng và rừng tự nhiên) diện tích đất rừng còn trống là gần 300.000 ha.

chú thích
Trước vườn quốc gia Pù Mát. Ảnh: Sách Nguyễn

Tài nguyên rừng nếu biết tổ chức khai thác bảo tồn, bảo vệ sẽ đem lại hiệu quả kép: hiệu quả kinh tế - hiệu quả môi trường: tức là kinh tế rừng, sẽ phát triển bền vững không rơi vào tình cảnh đánh đổi môi trường để phát triển. Chiến lược tổng thể phát triển kinh tế - xã hội miền Tây cần được cụ thể hóa thành các chiến lược thành phần, trong đó chiến lược kinh tế rừng là xương sống.


Để phát triển kinh tế rừng, cần tổ chức làm kinh tế ngay trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng với diện tích nhất định nào đó, ở địa điểm cụ thể nào đó. Không nên giữ quan niệm hiện nay là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng chỉ có bảo vệ. Làm kinh tế ở đây có thể là: trồng dược liệu quý dưới tán rừng, đặc biệt là sâm Pu xai lai leng theo cách mà Kon Tum và Nam Trà My (Quảng Nam) đã làm: trồng các giống hoa phong lan, nuôi ong, kinh doanh dịch vụ du lịch gồm du lịch sinh thái, du lịch khám phá, du lịch mạo hiểm... Bài học từ Kon Tum và Nam Trà My cho ta kết luận rằng: Càng khai thác, tận dụng được lợi ích kinh tế bao nhiêu càng bảo vệ bền vững rừng phòng hộ, rừng đặc dụng bấy nhiêu.

Cây dược liệu được trồng trên nhiều địa phương của tỉnh Nghệ An. Ảnh: Tư liệu

Với rừng sản xuất (hay rừng kinh tế) với diện tích rất lớn hiện có: 610.579 ha phải chuyển từ chỉ trồng thuần cây nguyên liệu ngắn ngày (chu kỳ 5-7-10 năm) sang trồng rừng hỗn giao, rừng nhiều tầng; có cây ngắn ngày, có cây gỗ lớn dài ngày.
Cách làm như sau: Trên diện tích trồng thuần cây nguyên liệu ngắn ngày khi cây chưa khép tán có thể trồng các cây hàng năm như đậu, lạc, vừng, cây thuốc như gừng, nghệ... như vậy để lấy ngắn nuôi ngắn. Trồng xen cây gỗ lớn với các cây giống bản địa với tỷ lệ 20% diện tích. Sau chu kỳ khai thác cây nguyên liệu (5-7-10 năm) lại trồng xen tiếp thêm 20% diện tích cây gỗ lớn nữa... cứ thế sau 5 chu kỳ cây nguyên liệu chúng ta sẽ có 100% cây gỗ lớn. Cách thức trồng xen này chính là lấy ngắn nuôi dài.
Dưới tán rừng cây nguyên liệu xen cây gỗ lớn còn có thể trồng cây dược liệu, khoanh vùng nuôi gà, nuôi một số con đặc sản. Làm như vậy đồng nghĩa với chuyển đổi kinh doanh rừng đơn cây (thuần cây nguyên liệu) sang kinh doanh rừng tổng hợp (đa cây, đa con, đa sản phẩm). Từ đó nâng cao nhiều lần thu nhập trên đơn vị một ha rừng. Cũng đồng nghĩa với việc ta sẽ có rừng giàu để làm giàu cho miền Tây.

Rừng Pù Hoạt, xã Hạnh Dịch, Quế Phong.
Rừng Pù Hoạt, xã Hạnh Dịch, Quế Phong. Ảnh tư liệu

Để phát triển kinh tế rừng miền Tây, UBND tỉnh cần có chủ trương quy hoạch phát triển rừng lồng ghép với chủ trương quy hoạch phát triển cây dược liệu; chủ trương quy hoạch khai thác kinh tế trên một số diện tích rừng đặc dụng và rừng phòng hộ; chủ trương trồng rừng hỗn giao dần thay cho trồng rừng thuần cây nguyên liệu hiện nay.

Ngành nông nghiệp tỉnh tổ chức việc chọn các cây gỗ lớn bản địa phù hợp với từng địa bàn cụ thể. Kế đó lập các cơ sở sản xuất giống cây gỗ lớn để cung cấp cho các hộ trồng rừng, các địa phương. Tổ chức khuyến nông, khuyến lâm tỉnh, các huyện xây dựng các mô hình trồng rừng hỗn giao kinh doanh tổng hợp.

Trước mắt mỗi xã có một mô hình, từ đó nhân rộng ra thành phổ biến. Soát xét lại toàn bộ cơ chế, chính sách, như chính sách ruộng đất, chính sách hỗ trợ khuyến khích, chính sách khoa học công nghệ, chính sách đầu tư và chính sách thu hút đầu tư, chính sách đào tạo nguồn nhân lực... liên quan đến kinh tế rừng để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện từ đó thúc đẩy nhanh việc thực hiện các chủ trương của tỉnh.
UBND các huyện cần căn cứ vào các chủ trương của tỉnh, sử dụng hiệu quả các chính sách của tỉnh, với sự hỗ trợ của các tổ chức khuyến nông, khuyến lâm xây dựng kế hoạch chỉ đạo cụ thể cho từng việc, từng khâu, từng bước đến tận từng nhà, từng bản, từng xã để thực hiện có hiệu quả việc làm kinh tế rừng ở huyện mình.

Đại hội Đại biểu Đảng bộ các huyện miền Tây nhiệm kỳ 2021-2025 cần đưa nội dung này thành nghị quyết để chỉ đạo, tổ chức thực hiện ở các xã và toàn huyện. Điều cuối cùng muốn nhấn mạnh là cần có nhận thức mới về kinh tế rừng từ đó tìm ra cách nghĩ mới, cách làm mới thật sự hiệu quả, theo phương châm: Người nuôi rừng - Rừng nuôi người. Làm rừng giàu để rừng làm giàu cho miền Tây Nghệ An.

Mới nhất
x
Để phát triển kinh tế miền Tây Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO