Để phụ nữ Nghệ An khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp hiệu quả
Nhân kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930 - 20/10/2024), đồng chí Nguyễn Thị Quỳnh Hoa - Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Nghệ An có cuộc trao đổi với Báo Nghệ An về phong trào khởi nghiệp, làm kinh tế của phụ nữ Nghệ An hôm nay.
Nhân kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930 - 20/10/2024), đồng chí Nguyễn Thị Quỳnh Hoa - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Nghệ An có cuộc trao đổi với Báo Nghệ An về phong trào khởi nghiệp, làm kinh tế của phụ nữ Nghệ An hôm nay.
Mai Hoa (Thực hiện) • 20/10/2024
Phóng viên: Thưa đồng chí! Tại Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” vòng chung kết toàn quốc năm 2024 vừa kết thúc, Nghệ An đã giành 2 giải, trong đó có giải cao nhất - giải Đặc biệt. Xin đồng chí chia sẻ một số thông tin về cuộc thi này đến độc giả Báo Nghệ An?
Đồng chí Nguyễn Thị Quỳnh Hoa: Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp” do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam khởi xướng và phát động từ năm 2018. Cuộc thi được tổ chức hàng năm theo từng chủ đề khác nhau với mục đích khơi dậy tinh thần và khả năng sáng tạo, vươn lên của phụ nữ trong phát triển kinh tế; khích lệ sự tham gia chủ động, tích cực của phụ nữ trong phong trào khởi nghiệp, đem lại lợi ích kinh tế cho phụ nữ và cộng đồng. Cuộc thi cũng nhằm thúc đẩy việc thực hiện có hiệu quả Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 939, ngày 30/6/2017.
Hưởng ứng cuộc thi này, hàng năm, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Nghệ An đã tổ chức triển khai gắn với tổ chức ngày hội khởi nghiệp nhằm quảng bá, lan tỏa các sản phẩm, dự án khởi nghiệp do phụ nữ làm chủ. Hội chú trọng đánh giá, lựa chọn các dự án có chất lượng dựa trên các nguyên tắc “minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh” với các tiêu chí rõ ràng, mức độ đánh giá được điều chỉnh theo hướng tăng tính cạnh tranh, đòi hỏi ngày càng cao sự hoàn thiện và đánh giá độ trưởng thành của dự án khởi nghiệp để tham gia các vòng cấp vùng và chung kết toàn quốc. Nhờ đó, liên tiếp từ 2018 đến nay, Nghệ An đều đạt giải cao ở cuộc thi này.
Riêng năm 2024, Cuộc thi với chủ đề “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh”, Hội Phụ nữ tỉnh đã lựa chọn 5 ý tưởng tham gia các vòng thi và đã có 2 ý tưởng đạt giải: 1 đạt giải Khuyến khích, 1 đạt giải Đặc biệt và ý tưởng đạt giải Đặc biệt của chị Nguyễn Thị Mến với Dự án “Hệ sinh thái dinh dưỡng từ nông sản xanh” được tham gia chung kết toàn quốc cùng với 40 dự án khởi nghiệp đạt từ giải Ba trở lên ở 3 vùng: Bắc, Trung, Nam. Đặc biệt hơn, tỉnh Nghệ An ngoài dự án của chị Mến còn có Dự án “Trồng cây rau má theo hướng thủy canh tuần hoàn” của chị Nguyễn Thị Phượng thuộc Hội Người khuyết tật đạt giải Ba cấp vùng và là người phụ nữ khuyết tật duy nhất trong cả nước tham gia tại vòng thi chung kết toàn quốc.
Kết quả 2 dự án của Nghệ An tham gia vòng chung kết đều đạt giải, trong đó Dự án “Hệ sinh thái dinh dưỡng từ nông sản xanh” của chị Nguyễn Thị Mến - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Mom Beauty (thành phố Vinh) đạt giải Đặc biệt và Dự án “Trồng cây rau má theo hướng thủy canh tuần hoàn” của chị Nguyễn Thị Phượng đạt giải Khuyến khích.
Kết quả của cuộc thi qua các năm đã góp phần xây dựng, lan tỏa hình ảnh người phụ nữ Nghệ An dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân để khởi sự, khởi nghiệp kinh doanh, phát triển kinh tế bằng các dự án, ý tưởng sản xuất xanh, sản xuất sạch, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; tạo ra các sản phẩm hàm lượng khoa học công nghệ cao, đem lại lợi ích cho cộng đồng.
Phóng viên: Xin đồng chí chia sẻ rõ hơn phong trào làm kinh tế, khởi nghiệp của phụ nữ Nghệ An hiện nay như thế nào?
Đồng chí Nguyễn Thị Quỳnh Hoa: Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp thành công là 1 trong 2 khâu đột phá trong nhiệm kỳ 2021 – 2026 của phụ nữ Nghệ An khóa XVI. Bởi vậy, thời gian qua, Hội Phụ nữ tỉnh đã tích cực chỉ đạo các cấp hội trong tỉnh tổ chức nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực với tinh thần đồng hành, tiếp lửa và khơi nguồn cảm hứng, giúp chị em mạnh dạn vượt qua chính mình, vươn lên phát triển kinh tế gia đình và khởi sự kinh doanh, tự tin theo đuổi đam mê và hiện thực hóa ước mơ vươn lên làm giàu chính đáng.
Cụ thể, từ 2021 - 2024 Hội Phụ nữ tỉnh cũng chỉ đạo các cấp hội tăng cường mở các lớp tập huấn nâng cao năng lực, hỗ trợ phát triển kinh tế, khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp cho 3.117 phụ nữ là chủ doanh nghiệp, quản lý hợp tác xã, tổ hợp tác, chủ hộ kinh doanh, hỗ trợ 1.222 phụ nữ khởi nghiệp. Phối hợp vận động, hỗ trợ học nghề cho hơn 2,5 vạn lao động nữ và sau đào tạo đã có hơn 2 vạn lao động có việc làm; phối hợp tổ chức các hội nghị, hội thảo tư vấn, giới thiệu việc làm cho hơn 2 vạn lao động nữ.
Hội Phụ nữ các cấp duy trì việc kết nối, hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế, khởi nghiệp với tổng dư nợ gần 5.000 tỷ đồng, với hơn 7,7 vạn đối tượng vay. Các cấp hội trong tỉnh cũng tích cực hỗ trợ thành lập 8 hợp tác xã và 73 tổ hợp tác do phụ nữ làm chủ với 1.200 thành viên, cùng với hỗ trợ kiến thức về quy trình xây dựng sản phẩm OCOP gắn với xây dựng thị trường để lan tỏa các sản phẩm, thúc đẩy phát triển các mô hình.
Hội Phụ nữ tỉnh cũng chỉ đạo các cấp hội quan tâm hỗ trợ hội viên, phụ nữ xây dựng ý tưởng khởi nghiệp, khuyến khích các ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, tham gia “Ngày phụ nữ khởi nghiệp” do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, UBND tỉnh Nghệ An và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức. Kết quả từ năm 2018 đến nay, các cấp hội đã vận động, hỗ trợ 715 ý tưởng tham gia các cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp cấp Trung ương và tỉnh.
Bằng những hoạt động cụ thể và thiết thực, các cấp hội phụ nữ đã giúp nhiều chị em vượt qua nhiều nỗi lo, mạnh dạn thay đổi tư duy, đổi mới sáng tạo trong lao động, sản xuất, tìm kiếm việc làm và tự tạo việc làm, phát triển kinh tế, cải thiện thu nhập; đặc biệt là mạnh dạn khởi sự kinh doanh, tự tin theo đuổi đam mê và hiện thực hóa ước mơ vươn lên làm giàu chính đáng. Phong trào làm kinh tế, kinh doanh trong cán bộ, hội viên, phụ nữ đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, giảm nghèo chung của tỉnh, trong đó có hơn 2.297 hộ do phụ nữ làm chủ thoát nghèo trong 3 năm gần đây.
Phóng viên: Thưa đồng chí! Thời gian tới, Hội Phụ nữ tỉnh tiếp tục có những định hướng hoạt động gì để tiếp tục thúc đẩy và lan tỏa mạnh mẽ phong trào khởi nghiệp trong các tầng lớp phụ nữ trong tỉnh?
Đồng chí Nguyễn Thị Quỳnh Hoa: Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo được xác định là một trong những động lực quan trọng cho sự phát triển đất nước và quê hương. Và như đã chia sẻ ở trên, hỗ trợ khởi nghiệp là 1 trong 2 khâu đột phá trong nhiệm kỳ 2021 – 2026 của phụ nữ Nghệ An.
Hiện nay, Trung ương và tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, trong đó có phụ nữ. Ở tỉnh ta, trên cơ sở Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tham mưu, UBND tỉnh đã phê duyệt 2 Đề án “Tuyên truyền, vận động hỗ trợ phụ nữ xây dựng sản phẩm OCOP; quảng bá, kết nối tiêu thụ hàng hóa góp phần phát triển kinh tế địa phương giai đoạn 2023 – 2027” và Đề án “Hỗ trợ Hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030”. Hàng năm, UBND tỉnh luôn quan tâm phân bổ kinh phí triển khai thực hiện Đề án 939 - "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025" của Chính phủ.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, đề án của Trung ương, của tỉnh, góp phần thúc đẩy và lan tỏa phong trào khởi nghiệp, phát triển kinh tế trong cán bộ, hội viên, phụ nữ; các cấp hội phụ nữ trong tỉnh cần tăng cường hơn nữa các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, nhất là hỗ trợ về vốn, tư vấn pháp lý, tập huấn nâng cao năng lực toàn diện cho phụ nữ, thúc đẩy hiện thực hóa các ý tưởng kinh doanh của phụ nữ. Song hành với đó là lan tỏa hưởng ứng Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp” gắn với “Ngày hội khởi nghiệp”, các diễn đàn, hoạt động biểu dương, tôn vinh nhằm khích lệ, tạo động lực, truyền cảm hứng, lan tỏa khát vọng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu trong các tầng lớp phụ nữ.
Muốn vậy, các cấp hội phụ nữ tiếp tục chủ động, tích cực tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương trong các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp nói riêng và hỗ trợ phát triển kinh tế cho phụ nữ nói chung. Đồng thời, tăng cường phối hợp, kết nối với các cấp, các ngành, tổ chức, doanh nghiệp để triển khai các hoạt động hỗ trợ phụ nữ đổi mới, sáng tạo phát triển kinh doanh và khởi nghiệp, lựa chọn các ý tưởng, mô hình khởi sự kinh doanh khả thi để hỗ trợ thực hiện.
Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh triển khai xây dựng các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ liên kết sản xuất lớn theo hướng liên kết, ứng dụng khoa học công nghệ cao, sản xuất an toàn, thích ứng với biến đổi khí hậu; tổ chức các hoạt động hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm, xúc tiến thương mại cho phụ nữ khởi nghiệp; góp phần cùng với cả tỉnh hiện thực hóa khát vọng đưa Nghệ An phát triển nhanh, bền vững, toàn diện, văn minh và hiện đại, mang đậm bản sắc văn hóa xứ Nghệ theo tinh thần Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị.
Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí về cuộc trao đổi này!