Để sách trở thành người bạn của học trò

Mỹ Hà 20/04/2024 16:17

(Baonghean.vn) - Internet phát triển, điện thoại di động, mạng xã hội và rất nhiều mối quan tâm khác khiến giới trẻ ngày nay không còn nhiều người mặn mà với sách. Chính vì thế, gây dựng và phát triển văn hóa đọc trong các nhà trường là điều hết sức cần thiết, dù với ở độ tuổi nào.

Đưa sách đến với học sinh nghèo

Ngày hội bé và những cuốn sách hay là hoạt động nhằm hưởng ứng Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam (21/4 hàng năm) do Trường Mầm non Xá Lượng (Tương Dương) tổ chức. Dù chương trình chỉ diễn ra trong quy mô nhỏ của một trường mầm non nhưng hoạt động này đã thu hút rất đông học sinh, giáo viên và cả phụ huynh cùng tham gia.

Ngày hội đọc sách cũng trở thành ngày hội văn hóa với nhiều nội dung ý nghĩa như đóng kịch sáng tạo theo nội dung câu chuyện trẻ thích, tổ chức cuộc thi Rung chuông Vàng “tìm hiểu những câu chuyện hay trong chương trình giáo dục mầm non”. Bằng cách thể hiện hồn nhiên, bằng cái nhìn trong trẻo của học sinh mầm non, những câu chuyện kể được tái hiện vừa sống động nhưng cũng vừa gần gũi, gửi đến nhiều thông điệp ý nghĩa.

Phụ huynh Trường mầm non Xá Lượng (Tương Dương) mua tranh hưởng ứng để xây dựng thư viện trường.jpg
Phụ huynh Trường mầm non Xá Lượng (Tương Dương) mua tranh hưởng ứng để xây dựng thư viện trường. Ảnh: NTCC

Đặc biệt, với việc tham gia cuộc thi Rung chuông Vàng, là cơ hội để các em học sinh thể hiện sự hiểu biết của mình về những câu chuyện mà các em đã được học ở trường, ở nhà. Trong chương trình này, lần đầu tiên phụ huynh của trường cũng được trải nghiệm khi tham gia với vai trò là những người cứu hộ.

Ngày hội bé và những cuốn sách hay của Trường Mầm non Xá Lượng có ý nghĩa hơn khi trong chương trình này đã diễn ra triển lãm và bán đấu giá hơn 100 bức tranh đá do cô và các trẻ ở các lớp tự làm, trao tặng đèn đọc sách cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều phụ huynh đến với chương trình cũng đã mua tranh để ủng hộ nhà trường mua sách cho thư viện trường và xây dựng góc đọc sách ở các điểm trường lẻ.

Với đặc thù của một xã miền núi thuộc vùng khó khăn của huyện Tân Kỳ, việc có những cuốn truyện, những cuốn sách hay dường như vẫn là điều xa xôi đối với học sinh ở xã Tân Hợp. Có lẽ cũng chính vì điều này nên Ngày hội đọc sách và văn hóa đọc năm nay của Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Tân Hợp được tổ chức với chủ đề “Tặng sách hay - mua sách thật".

Trong chương trình này, ngoài việc các lớp tổ chức trưng bày, giới thiệu những cuốn sách hay, nhà trường còn tổ chức vận động phụ huynh, học sinh và giáo viên quyên góp sách cho thư viện của nhà trường.

Ngày hội đọc sách ở Trường PT DTBT Tiểu học và THCS Tân Hợp - Tân Kỳ.jpg
Ngày hội đọc sách ở Trường PT DTBT Tiểu học và THCS Tân Hợp - Tân Kỳ. Ảnh: NTCC

Nói thêm về điều này, thầy giáo Trần Quốc Mạnh – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường chúng tôi có hơn 700 học sinh ở cả hai bậc học gồm tiểu học và THCS, con em là đồng bào dân tộc thiểu số, con em thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo chiếm đến hơn 50%. Hoàn cảnh của các em rất khó khăn vì nhiều em bố mẹ đi làm ăn xa, các em ở với ông bà, nên hầu như không được quan tâm nhiều về đời sống tinh thần.

Ngoài đi học ở trường, về nhà các em chủ yếu là xem ti vi, chơi điện thoại hoặc đi sông, đi suối. Việc đọc sách cũng rất hiếm hoi, vì các em không có thói quen đọc sách, không có sách để học. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của các em.

Nhằm khuyến khích học sinh yêu thích đọc sách và tạo cho các em một không gian đọc sách ở nhà trường, những năm qua Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Tân Hợp cũng đã xây dựng thư viện nhà trường.

Tuy nhiên, do điều kiện nhà trường còn nhiều khó khăn, không có nhiều kinh phí để đầu tư nên số lượng đầu sách không nhiều, các cuốn sách phù hợp với độ tuổi học trò càng ít ỏi.

434855066_427701013000072_3460362751642754320_n.jpeg
Mô hình thư viện thân thiện được xây dựng ở nhiều nhà trường. Ảnh: NTCC

Với việc triển khai chương trình “Tặng sách hay – mua sách thật”, lần đầu tiên nhà trường tổ chức một cuộc quyên góp sách với quy mô toàn trường. Sau chương trình này hơn 700 cuốn sách đã được quyên tặng và đó sẽ là nguồn tri thức vô giá để học sinh của trường có cơ hội để đọc, khám phá và từng bước giúp nhà trường phát triển văn hóa đọc.

thầy giáo Trần Quốc Mạnh – Hiệu trưởng trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Tân Hợp (Tân Kỳ)

Xây dựng văn hóa đọc trong nhà trường

Thư viện Trường THPT Nguyễn Duy Trinh (Nghi Lộc) là một trong những thư viện được đầu tư khá bài bản từ phòng đọc, số đầu sách và cả không gian đọc sách để học sinh trải nghiệm. Từ ngày thư viện đi vào hoạt động, đây cũng trở thành điểm đến thường xuyên của giáo viên và học sinh nhà trường.

Đến với thư viện, ngoài tìm các tài liệu bổ trợ cho các môn học, sách dành cho lứa tuổi học đường, học sinh của trường còn có thể đọc được khá nhiều cuốn sách do các cựu học sinh của trường viết và trao tặng. Qua mỗi cuốn sách và những câu chuyện được chia sẻ, học sinh không chỉ được bồi đắp thêm kiến thức mà các em còn học được nhiều bài học quý giá, có ý nghĩa đối với hành trình trưởng thành.

IMG_9745.JPG
Thư viện Trường THPT Nguyễn Duy Trinh. Ảnh: Mỹ Hà

Một điểm đặc biệt nữa ở thư viện của Trường THPT Nguyễn Duy Trinh, đó là bên cạnh hàng nghìn đầu sách quý, nhà trường còn trang bị thêm nhiều máy vi tính ở phòng đọc để học sinh có thể truy cập và tìm kiếm các thông tin trên mạng. Sắp tới, nhà trường cũng đang dự kiến kết nối với thư viện tỉnh để có thể xây dựng thư viện điện tử giúp học sinh có thể khai thác các nguồn sách điện tử.

Việc đọc sách đối với tuổi học trò sẽ làm giàu thêm tâm hồn và giúp các em có thêm nhiều kỹ năng khác, bổ trợ cho học tập. Ở trường chúng tôi, hoạt động của thư viện được duy trì thường xuyên và nhờ thói quen đọc sách các em sẽ hạn chế được việc chơi game, sử dụng điện thoại di động và hướng đến những hoạt động lành mạnh, thiết thực hơn.

Cô giáo Hoàng Kim Liên – Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Duy Trinh

Ngôi nhà trí tuệ ở Trường THPT NGuyễn Sỹ Sách.jpg
Mô hình Ngôi nhà trí tuệ ở Trường THPT Nguyễn Sỹ Sách. Ảnh: NTCC

Nếu như trước kia, thư viện của các nhà trường đơn thuần chủ yếu là sách giáo khoa, sách tham khảo bổ trợ cho học tập và không thu hút học sinh, thì nay ngày càng có nhiều trường học quan tâm đến việc xây dựng thư viện trường, biến thư viện thành một không gian văn hóa đọc thực sự.

Ở Trường THPT Nguyễn Sỹ Sách (Thanh Chương), từ đầu năm học này, sau khi nhà trường ra mắt mô hình “Ngôi nhà trí tuệ” - là thành viên thứ 151 trong hệ thống "Ngôi nhà Trí tuệ" toàn cầu thì nơi đây đã trở thành một không gian học tập không giới hạn cho học sinh của trường.

Nói vậy là bởi tại đây hiện đang lưu giữ hàng nghìn đầu sách với nhiều lĩnh vực khác nhau. Đến đây, học sinh không chỉ được đọc sách mà còn được tham gia nhiều hoạt động khác nhờ thường xuyên được giao lưu, kết nối bằng hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến với nhiều chuyên gia ở nhiều chủ đề khác nhau.

Ngoài xây dựng không gian văn hóa đọc, nhà trường còn thành lập câu lạc bộ sách và văn hóa đọc với nhiều hoạt động được diễn ra thường xuyên. Gần đây nhất vào cuối tháng 3, nhà trường vừa tổ chức tổng kết viết bài thu hoạch với chủ đề “Học tập suốt đời – dòng chảy thời đại”.

bna_Thư v.JPG
Thư viện là điểm đến thú vị cho học sinh ở các nhà trường. Ảnh: Mỹ Hà

Trước đó, sau gần 2 tháng phát động, Trường THPT Nguyễn Sỹ Sách cũng tổ chức thành công cuộc thi “Văn hóa đọc” cấp trường với chủ đề “Việt Nam – Đất nước – Con người”.

Trong 170 bài dự thi (gồm bài viết và video), học sinh của trường đã có cơ hội để bày tỏ những suy nghĩ của mình thông qua các cuốn sách mà các em đã được đọc như “Đường tới Truông Bồn huyền thoại”, “Tuổi thơ dữ dội”, “Những lá thư thời chiến Việt Nam”, “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”, “Nỗi buồn chiến tranh”… Từ những câu chuyện này, các em đã có những liên hệ với bản thân và rút ra được nhiều bài học ý nghĩa, thể hiện khát vọng về hòa bình, hạnh phúc.

Chúng tôi cố gắng tạo ra nhiều sân chơi trí tuệ ở nhà trường để phát triển văn hóa đọc trong học sinh. Ngoài những giá trị mà cuốn sách mang lại, đây còn là những trải nghiệm để các em được thể hiện bản thân, được bày tỏ cảm xúc và góp phần nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão cho tương lai.

Thầy giáo Trần Đình Hiền – Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Sỹ Sách (Thanh Chương)

Mới nhất

x
Để sách trở thành người bạn của học trò
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO