Để thành Vinh xứng tầm cực tăng trưởng Bắc Trung bộ Kỳ 1: Dòng chảy lịch sử đô thị Vinh
Trong hơn 200 năm, nhìn lại dòng chảy lịch sử đô thị Việt Nam, Vinh là một đô thị sớm được hình thành. Cuộc gặp gỡ của các trường phái kiến trúc Đông Tây từ những biến động của lịch sử đã tạo nên sự đa dạng định hình bản sắc cho đô thị Vinh.
Trong hơn 200 năm, nhìn lại dòng chảy lịch sử đô thị Việt Nam, Vinh là một đô thị sớm được hình thành. Cuộc gặp gỡ của các trường phái kiến trúc Đông - Tây từ những biến động của lịch sử đã tạo nên sự đa dạng, định hình bản sắc đô thị Vinh.
Từ xã Yên Trường đến thị xã Vinh
Ngày 1/10/1788, cách đây vừa tròn 236 năm, Hoàng đế Quang Trung hạ chiếu xây dựng kinh đô Phượng Hoàng tại xã Yên Trường, huyện Chân Lộc dưới chân núi Dũng Quyết, nay là phường Trung Đô, thành phố Vinh; vì “chỉ đóng đô ở Nghệ An là đường vừa cân, vừa khống chế được trong Nam, ngoài Bắc và sẽ làm cho người tứ phương đến kêu kiện tiện việc đi về”. Tiếc thay sự ra đi đột ngột của người anh hùng áo vải Quang Trung và sụp đổ của triều đại Tây Sơn khiến công việc xây dựng Phượng Hoàng Trung Đô trở nên dang dở.
Dưới triều Nguyễn, chính xác là vào năm 1804, thành Nghệ An được xây dựng, mảnh đất nay là thành phố Vinh chính thức là lỵ sở của Nghệ An. Thành Nghệ An và chợ Vinh trở thành mốc định vị quan trọng cho sự phát triển của đô thị Vinh trong hơn 200 năm nay. Sau khi thực dân Pháp chiếm thành Nghệ An vào tháng 8/1885 chính thức thiết lập ách đô hộ, họ đã nhìn ra tiềm năng của Vinh để đầu tư xây dựng trở thành một trung tâm công nghiệp lớn thời đó, phục vụ cho công cuộc khai thác thuộc địa.
Những dòng ghi chép dẫu khiêm tốn trong "Xứ Đông Dương", cuốn hồi ký của Paul Doumer - Toàn quyền Đông Dương giai đoạn từ 1897-1902, Tổng thống Pháp từ năm 1931 đến 1932 (trước khi bị ám sát) về Nghệ An cho chúng ta hình dung phần nào sự biến đổi của đô thị Vinh dưới thời Pháp thuộc, từ một tỉnh lỵ phong kiến với nền kinh tế nông nghiệp trở thành một trung tâm công nghiệp như thế nào. “Nghệ An hay Vinh, mặc dù kém rộng và không đông dân như tỉnh láng giềng giàu có của nó (Thanh Hóa - PV), chắc chắn vẫn là một tỉnh rất đẹp. Nó không quá biệt lập, nhờ cảng nhỏ Bến Thủy nằm trên sông Lam, chỉ cách Vinh vài cây số. Một chiếc sà lúp chạy máy hơi nước đến từ Hải Phòng và thỉnh thoảng một thuyền buồm nhỏ vượt cửa sông, khi nước lớn đến neo đậu ở Bến Thủy. Đây cũng là điểm trung chuyển gỗ quý từ các rừng thượng nguồn, xuôi theo dòng sông. Chúng được xẻ trong một xưởng cưa máy lớn của những thương nhân người Pháp, anh em ngài Mange; từ đó họ đã tạo ra những súc gỗ cứng tinh chất và nhiều sản phẩm khác để xuất khẩu sang châu Âu. Những năm gần đây, cùng với xưởng cưa, người ta đã mở thêm một xưởng sản xuất diêm, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của cả một phần xứ Đông Dương”, Paul Doumer viết.
Dưới thời viên toàn quyền Đông Dương này, Vinh là một trong các đô thị được đầu tư lớn về hạ tầng, nổi bật nhất là hệ thống đường sắt. Ngày 17/3/1905, đoàn tàu hơi nước đầu tiên hú còi xin đường vào Ga Vinh, đánh dấu chính thức hoàn thành tuyến đường sắt dài 320km từ Hà Nội đến Vinh với kinh phí là 43 triệu phơ-răng. Trong hồi ký, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của tuyến đường sắt Hà Nội - Vinh: “Lợi ích kinh tế của những tuyến đường sẽ chạy ngang qua và kết nối các tỉnh Thanh Hóa và Vinh tươi đẹp chắc chắn cũng không ít hơn. Đây là một vùng đất rộng bị cô lập, không có đường giao thông nối với thế giới bên ngoài, sẽ được mời gọi gia nhập dòng lưu thông và trao đổi. Sự thịnh vượng của thuộc địa nhờ đó sẽ tăng lên”. Ngoài ra, người Pháp còn xây dựng đoạn đường sắt Vinh - Bến Thủy dài 5 km để vận chuyển hàng hóa.
Paul Doumer còn lựa chọn Vinh là một trong những đầu mối giao thông quan trọng để kết nối với Lào. Người Pháp đã khảo sát để xem xét xây dựng tuyến đường sắt từ Vinh sang Xiêng Khoảng (Lào) qua cao nguyên cùng tên và kéo dài tiếp, một phía tới Luông Pha Băng, phía khác tới Viêng Chăn hoặc một điểm lân cận trên thượng lưu sông Mê Kông. Lần giở lại lịch sử để thấy vị trí địa chiến lược của thành phố Vinh về phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Đặc biệt, từ cách đây hơn 100 năm, thành Vinh đã được định vị là một đầu mối quan trọng phục vụ cho giao thương trên các hành lang Bắc - Nam và Đông - Tây.
Gắn với công cuộc khai thác thuộc địa của thực dân Pháp, đến đầu thế kỷ XX, bộ mặt đô thị Vinh biến đổi sâu sắc, trở thành một thành phố công nghiệp lớn; đô thị của thợ thuyền với hàng vạn công nhân và là cái nôi của phong trào yêu nước và cách mạng. Chỉ trong chưa đầy 30 năm, liên tiếp 3 thị xã được thành lập trên địa phận thành phố Vinh ngày nay. Đó là thị xã Vinh thành lập ngày 12/7/1899 bằng đạo dụ của vua Thành Thái. Ngày 11/3/1914, vua Duy Tân ra đạo dụ thành lập thị xã Bến Thuỷ; ngày 28/2/1917, vua Khải Định ra đạo dụ thành lập thị xã Trường Thi. Đến ngày 10/12/1927, Toàn quyền Đông Dương ký Nghị định sáp nhập 3 đơn vị hành chính: thị xã Vinh, thị xã Bến Thủy và thị xã Trường Thi, đặt tên là thành phố Vinh - Bến Thủy. Tuy nhiên, quy mô của đô thị Vinh lúc này còn khiêm tốn với địa giới “Thượng Cầu Rầm, hạ Bến Thủy” chỉ khoảng 10km2 với 10 phố, từ phố Đệ Nhất đến phố Đệ Thập.
Đô thị kiểu mẫu
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cùng với cả nước, nhân dân Vinh đã đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền vào ngày 21/8/1945. Lá cờ đỏ sao vàng tung bay ngạo nghễ trên Tòa công sứ Vinh trưa hôm đó đặt dấu kết thúc cho kiếp nô lệ lầm than của nhân dân thị xã Vinh, mở ra một cuộc sống mới, nơi người dân làm chủ chính cuộc sống mình, làm chủ thành phố của mình. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Vinh trở thành thị xã tỉnh lỵ của tỉnh Nghệ An. Chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Vinh tiến hành “tiêu thổ kháng chiến” toàn diện, triệt để; hăng hái đóng góp sức người, sức của phục vụ kháng chiến, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” năm 1954.
Bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, Vinh được Trung ương Đảng và Chính phủ xác định là một trong những trung tâm công nghiệp của miền Bắc. Ngày 10/10/1963, thay mặt Hội đồng Chính phủ, Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký ban hành Quyết định số 148/CP về việc thành lập thành phố Vinh, bao gồm “thị xã Vinh cũ và xóm Trung Nghĩa thuộc xã Hưng Đông, huyện Hưng Nguyên”. Đây là mốc son quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển của thành phố.
Nhân dân thành Vinh phấn khởi, hân hoan, hăng say trong niềm vui xây dựng xã hội chủ nghĩa chưa được bao lâu, thì lại phải hứng chịu sự tàn phá nặng nề bởi cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Trong khoảng 10 năm, thành phố đã phải hứng chịu gần 5.000 cuộc không kích, với khoảng 250.000 tấn bom dội xuống. Ở những cuộc không kích cuối cùng, thành phố Vinh nằm trong đống đổ nát, chỉ rất ít công trình còn sót lại trên mặt đất đầy hố bom.
“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, “qua bao giông lửa, Vinh vẫn kiên trung”. Biết bao bom đạn kẻ thù vẫn không dập tắt nổi tinh thần kiên cường, bất khuất của người dân thành phố Đỏ. Giữa bao gian lao, vất vả, vẫn ngời sáng lên tinh thần, khí chất, cốt cách của người dân thành Vinh đầy chính trực, chịu thương, chịu khó, nguyện hy sinh vì độc lập, tự do, thống nhất của dân tộc, góp phần cùng nhân dân cả nước đánh thắng đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Sau Hiệp định Paris năm 1973, hòa bình lập lại ở miền Bắc, đô thị Vinh được CHDC Đức giúp quy hoạch, tái thiết. Từ năm 1974 đến năm 1980, hơn 200 chuyên gia Đông Đức hiện diện trên công trường. Ngày 1/3/1974, Tiến sĩ, kiến trúc sư Trần Ngọc Chính - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An, lúc bấy giờ là một kiến trúc sư trẻ, được Bộ trưởng Bộ Xây dựng biệt phái vào Vinh cùng đoàn chuyên gia 19 người của CHDC Đức khẩn trương bắt tay khôi phục lại thành Vinh.
Ông kể: Năm 1973, Chính phủ làm việc với các nước trong Hội đồng Tương trợ Kinh tế (SEV) đặt vấn đề quy hoạch, xây dựng lại các đô thị ở miền Bắc. Sau đó, một loạt quy hoạch các đô thị ở miền Bắc được các nước xã hội chủ nghĩa giúp đỡ như: Liên Xô quy hoạch thủ đô Hà Nội, Rumani quy hoạch thành phố Nam Định (tỉnh Nam Định), Trung Quốc quy hoạch thành phố Việt Trì (tỉnh Phú Thọ), Triều Tiên quy hoạch thành phố Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang), Bulgaria quy hoạch thành phố Thái Bình (tỉnh Thái Bình)… Năm 1973, Đoàn đại biểu cao cấp của Việt Nam do Thủ tướng Phạm Văn Đồng có chuyến thăm hữu nghị CHDC Đức và đặt vấn đề giúp đỡ tái thiết đất nước. Tổng Bí thư Erich Honecker tuyên bố giúp đỡ quy hoạch, xây dựng lại thành phố Vinh và thông báo trước Đại hội Liên hoan thanh niên và sinh viên thế giới lần thứ 10 tại Berlin. “Vinh là thành phố duy nhất ở Việt Nam vừa được giúp đỡ quy hoạch, vừa xây dựng khu chung cư Quang Trung”, kiến trúc sư Trần Ngọc Chính nhớ lại.
Ngay sau đó, mọi công việc được các chuyên gia Đông Đức và cộng sự Việt Nam bắt tay thực hiện trên nền thành phố bị bom đạn tàn phá ác liệt đến mức các kiến trúc sư kể lại rằng thành phố giống “khung cảnh trên Mặt trăng”. Nước bạn đã cử một chuyên gia giàu kinh nghiệm - người từng thiết kế móng cho khách sạn cao nhất Berlin lúc bấy giờ sang giải quyết vấn đề móng nhà cho khu Quang Trung để kịp ngày khởi công 1/5/1974 đã được hai bên thống nhất ấn định. Hầu hết vật tư và thiết bị xây dựng phải nhập khẩu từ Đông Đức.
Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính kể: Mẫu nhà khu Quang Trung đang thiết kế ở Đức, do đó, cả bạn và ta thống nhất lấy mẫu nhà được thiết kế ở Việt Nam để khởi công trước các nhà A1, A2 cho kịp ngày. Có một chi tiết rất thú vị là, các chuyên gia CHDC Đức và phía Việt Nam đã cùng ký vào tờ báo là cơ quan ngôn luận của Đảng Xã hội chủ nghĩa thống nhất Đức có bài viết và hình ảnh của lãnh đạo 2 nước, cũng như quy hoạch sơ bộ thiết kế thành phố Vinh và cho vào một ống hút chân không, rồi để trong chiếc hộp làm bằng đuy-ra lấy từ xác máy bay Hoa Kỳ. Đúng ngày 1/5/1974, khu Quang Trung chính thức được khởi công. Phó Thủ tướng Đỗ Mười đã vào Vinh cùng Trưởng đoàn chuyên gia CHDC Đức là Otto Knauer thực hiện nghi thức đặt hộp đuy-ra chứa số báo đặc biệt ấy vào chân móng ngôi nhà A1, sau đó đặt viên gạch đầu tiên xây dựng khu Quang Trung.
Ba năm làm việc cùng đoàn chuyên gia Đông Đức trên công trường xây dựng khu Quang Trung, ông khẳng định: Những nhà chung cư tại khu Quang Trung vào thời điểm đó tiện nghi bậc nhất miền Bắc Việt Nam. Vì trước đây, các khu chung cư chỉ có nhà bếp, vệ sinh chung, nhưng tại khu Quang Trung, mỗi căn hộ đều có khu bếp, vệ sinh riêng cho từng gia đình.
Từ Hoa Kỳ, Giáo sư Christina Schwenkel, Đại học California, là một nhà nhân học có hơn hơn hai thập kỷ nghiên cứu về ký ức đô thị và môi trường xây dựng ở Việt Nam. Bà đã dành 9 tháng sống ở nhà C2 khu Quang Trung để nghiên cứu thực địa viết cuốn sách “Building Socialism: The Afterlife of East German Architecture in Urban Vietnam” (“Xây dựng XHCN: Một đời sống khác của kiến trúc Đông Đức ở đô thị Việt Nam”) được nhà xuất bản Đại học Duke ấn hành năm 2020. Trong một bài viết của bà mà chúng tôi được tiếp cận, Christina Schwenkel khẳng định: Các kiến trúc sư CHDC Đức đã mang đến một cách tiếp cận quy hoạch đô thị rất mới, khác hẳn với các hình thức đô thị hóa tự phát ở Vinh trước đây. Trong thiết kế của mình, các nhà quy hoạch CHDC Đức tìm cách sắp đặt trật tự xã hội và không gian nhằm tạo ra một thành phố “đàng hoàng, to đẹp hơn”.
Khu tập thể Quang Trung có quy mô khác biệt so với các khu tập thể đang được xây dựng ở Hà Nội lúc bấy giờ. Thiết kế gốc khá ấn tượng với một thành phố nhỏ như Vinh: Các nhà quy hoạch đề xuất 36 tòa nhà trong năm khu vực liền kề (A-E) cho 15.000 công dân “ưu tiên” cần nhà ở. Tuy nhiên, đến cuối năm 1980, dự án khép lại với 22 tòa nhà ở khu A, B, C và một tòa ở khu D. Tổng cộng có 1.500 căn hộ được phân bổ cho khoảng 9.000 người.
“Là công trình kiến trúc 5 tầng đầu tiên ở thành phố Vinh, khu tập thể Quang Trung nhanh chóng trở thành nhà ở XHCN kiểu mẫu ở Nghệ An và cả nước Việt Nam mới thống nhất”, bà nhận định: “Đây là những căn hộ dành cho một gia đình đầu tiên ở Vinh với các tiện nghi hiện đại, chẳng hạn như hệ thống ống nước trong nhà và bếp. Khu tập thể Quang Trung sở hữu các tiện nghi tại chỗ thuận tiện giống như ở Đông Đức, bao gồm trung tâm thương mại, nhà trẻ, trường tiểu học, nhà văn hóa thanh niên, rạp chiếu phim và nhiều không gian xanh cho các hoạt động giải trí, gồm một sân vận động mới gần đó”.