Để tiếng cồng vang mãi

(Baonghean) - Theo chân anh Nguyễn Văn Dần – Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Mai, qua những con đường đất đỏ bazan gập ghềnh, chúng tôi đến làng Cáo – nơi có Câu lạc bộ cồng chiêng dân tộc Thổ lớn nhất huyện Nghĩa Đàn.

Tiếp chúng tôi, ông Trương Minh Niêm – 71 tuổi, chủ nhiệm CLB cho biết: “Không ai biết cồng chiêng có mặt trong đời sống của người Thổ từ lúc nào. Chỉ biết từ nhỏ tôi đã thấy người lớn chơi cồng, thổi kèn, đánh trống trong những ngày vui như Tết cổ truyền, các ngày lễ của dân tộc, lễ xuống đồng, mừng nhà mới, đám cưới, mừng thọ… Tiếng cồng chiêng khiến người ta quên đi những vất vả, mệt nhọc trong cuộc sống, mọi người gắn bó, đoàn kết với nhau hơn”. 

Năm 2010, với sự định hướng của UBND xã và Hội Người cao tuổi, Câu lạc bộ ca hát, cồng chiêng làng Cáo (xã Nghĩa Mai) được thành lập. Ban đầu CLB có 15 hội viên là những người cao tuổi trong làng. Một tuần 3 buổi, hội viên tập trung luyện tập các bài cồng, các điệu kèn, điệu múa và những làn điệu dân ca Thổ. Không khí rộn ràng của những buổi tập đã thu hút rất đông người đến xem và cùng tham gia, ngày càng có nhiều người xin gia nhập CLB. Đến nay, CLB cồng chiêng làng Cáo có 22 thành viên.
Bên cạnh những thành viên kỳ cựu là những người cao tuổi như các cụ Trương Minh Niêm, Hoàng Minh Duyên (73 tuổi), Trương Thị Kỳ (67 tuổi), Hoàng Thị Thỏa (72 tuổi), CLB còn có sự tham gia của những người trung niên như  các chị Lô Thị Hường, Hoàng Thị Mỹ, Lang Thị Mân (đều 47 tuổi)… Ngoài biểu diễn trong các ngày hội, ngày lễ, CLB còn tham gia các chương trình văn nghệ của huyện và giao lưu với các CLB, đội, nhóm cồng chiêng ở các xã trên địa bàn huyện và Thị xã Thái Hòa. Kinh phí tập luyện, biểu diễn do các hội viên tự nguyện đóng góp và sự ủng hộ của những người yêu mến cồng chiêng trong làng. Được biết, ngoài CLB cồng chiêng làng Cáo, trên địa bàn xã Nghĩa Mai còn có 5 đội, nhóm cồng chiêng khác ở làng Nạn, làng Cây Da, làng Lai Châu, làng Bái 2 và làng Giàng. 
Đồng bào Thổ (Nghĩa Đàn) đánh cồng chiêng tại Lễ hội làng Vạc. Ảnh: Hữu Nghĩa
Đồng bào Thổ (Nghĩa Đàn) đánh cồng chiêng tại Lễ hội làng Vạc. Ảnh: Hữu Nghĩa
Huyện Nghĩa Đàn hiện có 2,8 vạn người thuộc đồng bào dân tộc Thổ, chiếm hơn 8% dân số, tập trung ở các xã Nghĩa Mai, Nghĩa Lợi, Nghĩa Thọ, Nghĩa Lạc, Nghĩa Lâm, Nghĩa Minh, Nghĩa Yên, Nghĩa Long, Nghĩa Đức, Nghĩa An và Nghĩa Thắng. Cũng như các dân tộc thiểu số khác, văn hóa của người Thổ cũng có những nét đặc sắc riêng, về chữ viết, trang phục, sinh hoạt tín ngưỡng và đặc biệt là văn hóa cồng chiêng. 
Về mặt nhạc cụ, cồng chiêng của dân tộc Thổ không có sự khác biệt so với cồng chiêng của các dân tộc khác, nhưng cách đánh và tiết tấu, nhịp điệu lại có những nét riêng. Nếu như cách đánh cồng của người Thái đa dạng hơn với các kiểu đánh cồng đơn, cồng đôi, cồng ba và cồng bốn thì người Thổ chỉ đánh cồng ba và cồng bốn. Cồng chiêng thường do phụ nữ đánh, còn đàn ông con trai thì thổi kèn, đánh trống và múa hát. Tiếng cồng rộn ràng của người Thổ luôn kết hợp với tiếng khèn xô-ma dìu dặt, da diết và tiếng trống đại chắc khỏe. 3 nhạc cụ kết hợp với nhau tạo thành một nét đặc sắc riêng của người Thổ. Đặc biệt, trong biểu diễn cồng chiêng của dân tộc Thổ không thể thiếu các điệu múa. Khi tiếng cồng chiêng, tiếng kèn, tiếng trống cất lên, mọi người cầm tay nhau, đứng bên nhau múa hát theo các điệu múa sạp hay nhảy múa vòng tròn quanh bộ chiêng. Các điệu múa của người Thổ sử dụng nhịp chân rất nhiều, tạo nên sự mạnh mẽ, sinh động. 
Theo anh Lương Bá Viễn - Giám đốc Trung tâm Văn hóa – Thông tin huyện, những năm qua, ngành Văn hóa huyện Nghĩa Đàn đã rất quan tâm bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số nói chung và văn hóa cồng chiêng của dân tộc Thổ nói riêng. Phòng Văn hóa đã tham mưu cho UBND huyện ra văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các xã có đồng bào dân tộc thiểu số khảo sát, tái thành lập các đội, nhóm, CLB văn hóa văn nghệ dân gian Thái, Thổ; tăng cường biểu diễn các tiết mục văn nghệ dân gian trong các chương trình văn nghệ, các lễ hội của địa phương. Đến nay, đã có 3 CLB cồng chiêng được thành lập ở các xã Nghĩa Mai, Nghĩa Thắng và Nghĩa An, mỗi CLB xấp xỉ 20 hội viên. Các CLB cồng chiêng không những tái hiện lại những giá trị văn hoá vốn có mà còn sáng tạo nó cho phù hợp với hơi thở mới, gắn liền với đời sống của người Thổ hôm nay.
Tuy nhiên, hiện nay, công tác bảo tồn, phát huy văn hóa cồng chiêng dân tộc Thổ gặp không ít khó khăn. Những người biết biểu diễn cồng chiêng hiện nay chủ yếu là người cao tuổi, sức khỏe ngày một yếu đi, trong lúc lớp trẻ không mặn mà với lĩnh vực này.
Trong số 3 câu lạc bộ cồng chiêng trên địa bàn xã, chỉ có CLB cồng chiêng làng Cáo – xã Nghĩa Mai là có hội viên ở độ tuổi trung niên, còn 2 câu lạc bộ ở xã Nghĩa Thắng và Nghĩa An chủ yếu là người cao tuổi. Ngoài ra, hiện nay, trên địa bàn huyện cũng không còn nhiều những bộ cồng chiêng có âm sắc tốt, do trước đây, vào những năm 1980, 1990, đời sống khó khăn khiến một số lượng lớn cồng chiêng đã bị người dân bán đi lấy tiền, lấy gạo đắp đổi qua ngày. Do đó, hiện nay cũng có một số địa phương muốn thành lập CLB cồng chiêng, người tâm huyết thì có nhưng lại thiếu cồng chiêng để tập luyện.
Hiện nay trên địa bàn huyện không còn một nghệ nhân nào đủ khả năng chế tác cồng chiêng nên để có một bộ cồng chiêng tốt, người ta phải lên các huyện Quỳ Châu, Quế Phong tìm mua hoặc đặt đúc với giá lên tới cả chục triệu đồng một bộ cồng ba, cồng bốn. Để tiết kiệm, gần đây một số cơ sở đã xuống Diễn Châu, tìm đến các xưởng gò hàn đặt làm cồng chiêng nhưng so với các bộ cồng chiêng được đúc thủ công, sản phẩm này thua xa về âm sắc, độ vang, khiến nhiều người không hào hứng. 
Một cái khó nữa là hiện nay nhiều cán bộ văn hóa ở cơ sở thiếu kiến thức và chưa quan tâm tới văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số, do đó chưa tham mưu được cho chính quyền địa phương các biện pháp bảo tồn, phát huy những nét đặc sắc trong đời sống văn hóa của bà con. Cũng vì vậy nên các CLB, các đôi nhóm cồng chiêng hầu hết còn thành lập và hoạt động tự phát, chưa được hỗ trợ kinh phí từ chính quyền địa phương. Do đó, thời gian tới, ngành Văn hóa và chính quyền các cấp cần tăng cường các chính sách bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số nói riêng và Văn hóa cồng chiêng dân tộc Thổ nói chung, có các biện pháp xã hội hóa để thành lập, duy trì và phát huy hiệu quả các CLB cồng chiêng, có như vậy một nét văn hóa đặc sắc của người Thổ mới không bị mai một.
Minh Quân

tin mới

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

(Baonghean.vn) - Quốc Lộ 48A như dải lụa mềm vắt qua thị trấn Tân Lạc, huyện miền núi Quỳ Châu có hai con dốc khá nổi tiếng là Kẻ Lè và Bù Bài. Để tạo mỹ quan cho cửa ngõ thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu từ đầu năm nay đã tổ chức thành công đường hoa trên dốc Kẻ Lè.

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

(Baonghean.vn) - Lễ hội Môn Sơn - Lục Dạ là một trong những lễ hội độc đáo và mang đậm bản sắc văn hóa của người dân tộc Thái ở huyện Con Cuông. Bên cạnh cảnh đẹp thiên nhiên, Môn Sơn còn níu chân du khách bởi bản sắc văn hóa độc đáo của người dân nơi đây.

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

(Baonghean.vn) - Cứ mỗi độ tháng 4 về, những bông cúc biển lại tỏa sắc rực rỡ. Vẻ đẹp riêng của loại hoa được xem là biểu tượng du lịch Cửa Lò khiến cho các thiếu nữ không thể bỏ lỡ với mong muốn lưu lại những tấm hình làm kỷ niệm.

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

(Baonghean.vn) - Ngày 15/4, tại thành phố Hạ Long, Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp với tỉnh Quảng Ninh khai mạc lớp bồi dưỡng “Văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam: Vai trò của sáng tạo, lý luận, phê bình và quảng bá”.

Bệnh tan máu bẩm sinh

Sàng lọc, phòng ngừa bệnh tan máu bẩm sinh

(Baonghean.vn) - Bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) là bệnh di truyền và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của người bệnh và cả chất lượng dân số. Tại Nghệ An, dù đã được tuyên truyền thường xuyên nhưng số người mắc bệnh vẫn còn khá cao, nhất là ở các huyện miền núi.