Xã hội

Để trẻ em có một mùa hè an toàn, bổ ích

Minh Quân 01/06/2024 09:40

Nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi (1/6) và Tháng hành động Vì trẻ em năm 2024, Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với bà Lê Thị Nguyệt – Trưởng phòng Trẻ em và Bình đẳng giới (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội) xung quanh vấn đề chăm sóc, bảo vệ trẻ em và hướng tới một mùa hè an toàn, lành mạnh, bổ ích.

PV: Được biết, hiện Nghệ An có hơn 926.000 trẻ em, chiếm 26% dân số. Đây chính là nguồn nhân lực chất lượng cho quê hương, đất nước trong tương lai. Bà có thể cho biết một số kết quả nổi bật trong công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em trên địa bàn tỉnh thời gian qua?

Bà Lê Thị Nguyệt: Những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các cấp ủy Đảng, chính quyền luôn quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em; triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời các giải pháp, chính sách bảo vệ, chăm sóc trẻ em, qua đó, góp phần ổn định an sinh xã hội.

Cụ thể, toàn tỉnh đã thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe và phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ em. Việc cấp phát thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi được triển khai thực hiện kịp thời, đạt 100%. Đến hết năm 2023, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể chiều cao theo tuổi giảm 0,5% so với năm 2022; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể cân nặng theo tuổi giảm 0,6%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc-xin đạt 95%.

Công tác Giáo dục - Đào tạo đối với trẻ em được đặc biệt quan tâm, nhờ đó chất lượng phổ cập giáo dục trên địa bàn toàn tỉnh được nâng lên. Tỷ lệ huy động trẻ em 5 tuổi đi học mẫu giáo đạt 99,99%; tỷ lệ trẻ em hoàn thành cấp tiểu học đạt 99%, tỷ lệ trẻ em hoàn thành cấp trung học cơ sở đạt 98,7%. Cùng với đó, các hoạt động trải nghiệm, giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử, giáo dục kỹ năng sinh tồn, kỹ năng đảm bảo an toàn trên môi trường mạng, tuyên truyền, giáo dục chủ quyền quốc gia về biên giới, biển đảo… cho trẻ em ngày càng được tăng cường.

Một lớp dạy bơi cho trẻ tại huyện Yên Thành. Ảnh: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cung cấp.
Một lớp dạy bơi cho trẻ tại huyện Yên Thành. Ảnh: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cung cấp.

Công tác phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em cũng được các cấp, ngành thường xuyên quan tâm, chỉ đạo. Đáng chú ý, HĐND tỉnh phê duyệt Nghị quyết số 09/2023/NQ-HĐND ngày 7/7/2023 “Quy định chính sách hỗ trợ đầu tư bể bơi và tổ chức dạy bơi cho trẻ em trên địa bàn tỉnh Nghệ An". Hằng năm, các địa phương tổ chức “Tháng hành động Vì trẻ em”, ký cam kết “Mùa hè an toàn cho trẻ em”; tổ chức lễ phát động “Toàn dân tập luyện môn bơi, phòng chống đuối nước”.

Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường học tăng cường phối hợp với các tổ chức đoàn thể các cấp ở các địa phương, ban đại diện cha mẹ học sinh tuyên truyền, cảnh báo cho các em học sinh đề phòng chống tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước.

Sở Giao thông vận tải phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh xây dựng mô hình cổng trường “An toàn giao thông” tiêu biểu Các cấp bộ Đoàn trong toàn tỉnh duy trì các điểm "Bến đò ngang an toàn", "Điểm giao cắt đường bộ - đường sắt an toàn", "Cổng trường an toàn giao thông", đoạn Đường thanh niên tự quản…

bna_giai-thuong-my-thuat-thieu-nhi_1-f1e135bab193c37625ab1fe8dfdaefa7.jpg
Một tiết mục văn nghệ tại Lễ phát động Giải thưởng Mỹ thuật thiếu nhi tỉnh Nghệ An lần thứ VI, năm 2024. Ảnh: Minh Quân

Các sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, các địa phương cũng tổ chức nhiều hoạt động tạo điều kiện cho mọi trẻ em được thực hiện quyền tham gia, như diễn đàn trẻ em các cấp, các hội thi, hội diễn cho trẻ em, nhất là trong dịp Tháng hành động Vì trẻ em và ngày Gia đình Việt Nam 28/6; các cuộc thi: Giải thưởng Mỹ thuật thiếu nhi, Đại sứ văn hóa đọc; các hình thức sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt trực tuyến, phát thanh măng non, sinh hoạt theo chủ đề, chủ điểm… Toàn tỉnh duy trì mô hình hộp thư "Điều em muốn nói" để học sinh có thể chia sẻ tâm tư, nguyện vọng.

PV: Thực tế hiện nay vẫn còn những trẻ em trên địa bàn tỉnh phải sống trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Vậy các cấp, ngành đã có những hoạt động cụ thể gì để huy động sự quan tâm, giúp đỡ của cộng đồng dành cho những trẻ em như thế nào, thưa bà?

Bà Lê Thị Nguyệt: Thực hiện "Đề án vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ trẻ em các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025” và các văn bản chỉ đạo thực hiện các phong trào về bảo vệ, chăm sóc trẻ em, trong giai đoạn từ 2021 đến hết năm 2023, toàn tỉnh huy động được trên 144 tỷ đồng cho Quỹ Bảo trợ trẻ em các cấp. Nhờ vậy, tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được bảo vệ, chăm sóc tăng từ 95% năm 2021 lên 97% năm 2023.

bna_cap-la-yeu-thuong_3.jpg
Trao quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trong Chương trình nghi hình "Cặp lá yêu thương" do Đài truyền hình Việt Nam phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An tổ chức. Ảnh: Minh Quân

Bên cạnh đó, ngành Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh đã thực hiện tốt trợ giúp xã hội, góp phần quan trọng vào việc ổn định đời sống và hòa nhập cộng đồng cho đại đa số đối tượng trợ giúp xã hội, trong đó có trẻ em.

Hiện nay, toàn tỉnh có 13.330 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; gần 131.844 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em có hoàn cảnh khác, trong đó có 10.763 trẻ em khuyết tật các loại, chiếm tỷ lệ 1,19% so với tổng số trẻ em.

Tính đến tháng 5/2023, số trẻ em được hưởng trợ cấp thường xuyên là 16.904 em, trong đó trẻ em khuyết tật đặc biệt nặng là 2.169 em; trẻ em khuyết tật nặng 5.873 em; trẻ em dưới 3 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo không thuộc đối tượng quy định tại các khoản 1, 3 và 6 Điều 5 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP đang sống tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn là 8.862 em.

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đẩy mạnh thực hiện phong trào “Mẹ đỡ đầu” trên địa bàn toàn tỉnh, với tổng số trẻ đã được đỡ đầu trong toàn tỉnh là 1.771 trẻ, đạt 14,8%; Tỉnh đoàn thực hiện mô hình "Em nuôi của Đoàn", nhận chăm sóc, giúp đỡ 200 em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn giai đoạn 2018 - 2022, xây dựng kế hoạch đảm nhận chăm sóc, giúp đỡ 200 em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn giai đoạn 2023 – 2027.

tre-em-mien-nui.jpg
Trẻ em miền núi Nghệ An. Ảnh tư liệu: Hoàng Tuấn

PV: Kỳ nghỉ hè trẻ nhỏ được cởi bỏ những áp lực học tập; việc tạo sân chơi an toàn và bổ ích cho thiếu nhi luôn là vấn đề được các bậc phụ huynh quan tâm hàng đầu trong dịp này. Bà có thể chia sẻ những hoạt động thiết thực thời gian qua được các ban, ngành tổ chức?

Bà Lê Thị Nguyệt: Để trẻ em có một mùa hè an toàn, lành mạnh, bổ ích, ý nghĩa, ngay khi kết thúc năm học, các tổ chức Đoàn, Hội, Đội tổ chức nhiều loại hình sinh hoạt ý nghĩa, bổ ích như: Hội trại, hội diễn văn nghệ, thể dục thể thao, đọc sách báo, kể chuyện theo sách… chương trình “Học kỳ quân đội”…

Các em thiếu nhi đọc sách tại Thư viện tỉnh Nghệ An. Ảnh: Minh Quân.
Các em thiếu nhi đọc sách tại Thư viện tỉnh Nghệ An. Ảnh: Minh Quân

Ở thành phố Vinh và một số huyện có các trung tâm công lập và cả ngoài công lập mở các lớp dạy môn năng khiếu cho trẻ, như: Múa, hát, hội họa, âm nhạc, kỹ năng sống, ngoại ngữ… Ở khu vực nông thôn, miền núi, những năm gần đây các xã, phường, thị trấn đã mở các lớp dạy bơi, quan tâm tạo các điểm vui chơi cho trẻ em. Sở Giáo dục và Đào tạo hằng năm đã chỉ đạo các trường học cho phép học sinh được vui chơi giải trí trong các sân trường, mở thư viện của trường cho các em vào đọc sách.

Sức hấp dẫn của những viên đất đã khiến các bạn nhỏ say sưa suốt cả buổi sáng. Ảnh: Diệp Thanh
Trẻ em vui thích với trải nghiệm làm đồ gốm tại Bảo tàng Nghệ An. Ảnh: Diệp Thanh

Mặt khác, các gia đình cũng có thể chủ động cùng với con xây dựng kế hoạch hè với các hoạt động rèn luyện sức khoẻ, tinh thần lao động bổ ích, như: Tham gia thực hiện kế hoạch bảo vệ môi trường; phụ việc cho ông bà, bố mẹ trong làm việc nhà... Và trong điều kiện có thể, gia đình cũng nên tổ chức những chuyến đi về quê, hoặc đi du lịch để các em có cơ hội được trải nghiệm, học hỏi, mở mang kiến thức thực tế, giao kết với anh em, họ hàng ở quê hoặc thậm chí gặp gỡ giao lưu với người nước ngoài…

Trên thực tế, tùy điều kiện mỗi gia đình để giúp các em có mùa hè với những trải nghiệm khác nhau. Nhưng, điều cần thiết là gia đình, người thân phải luôn quan tâm, có sự theo dõi, quản lý, giám sát chặt chẽ các em. Để kết thúc mùa hè, các em có được một tinh thần thoải mái, một sự trưởng thành, tự tin hơn, sống có trách nhiệm, tình cảm gắn kết hơn với gia đình, người thân, bạn bè, thầy cô và cộng đồng xã hội.

Bà Lê Thị Nguyệt - Trưởng phòng Trẻ em và Bình đẳng giới (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội).

PV: Mùa hè đến cũng là lúc trẻ em sẽ có nhiều thời gian để lên mạng internet hơn. Vậy, cần làm thế nào để bảo đảm an toàn cho trẻ trên môi trường mạng?

Bà Lê Thị Nguyệt: Hiện nay, khi công nghệ, kỹ thuật ngày càng phát triển, số người biết đến và sử dụng mạng xã hội ngày một nhiều. Đặc điểm của mạng xã hội là tính liên kết cộng đồng, tính đa phương tiện, tính tương tác, khả năng lưu giữ và truyền tải lượng thông tin khổng lồ và tính lan toả nhanh, rộng lớn. Đối với trẻ em, khi tham gia mạng xã hội sẽ là kho kiến thức miễn phí và vô tận, dễ dàng mở rộng mối quan hệ, hỗ trợ cho việc học tập, sinh hoạt, giải trí hiệu quả.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích đó, thì các em có nhiều rủi ro khi tham gia mạng xã hội, như: Nguy cơ bị lộ thông tin cá nhân; nghiện mạng xã hội; gặp các hành vi lừa đảo trên mạng xã hội; tiếp xúc và bị ảnh hưởng bởi nhiều thông tin xấu, độc hại, tin giả; dễ bị lôi kéo vào bẫy câu view, câu like, tăng sự tương tác; dễ bị cuốn theo các trào lưu phản cảm độc hại.

Để bảo đảm an toàn cho trẻ trên môi trường mạng, quan trọng nhất là gia đình và bản thân trẻ em cần trang bị kỹ năng bảo mật thông tin cá nhân trên mạng xã hội; suy nghĩ kỹ trước khi chia sẻ trên mạng xã hội; phải biết ứng xử văn minh trên mạng. Cần có kiến thức, hiểu biết để có thể nhận ra các dạng lừa đảo qua mạng.

Gia đình cũng nên giới hạn mục đích sử dụng của con, việc dùng mạng xã hội chỉ để liên lạc, trao đổi học tập với bạn và thầy cô dưới sự giám sát của bố mẹ, hoặc có thể sử dụng mạng xã hội để giải trí sau khi đã hoàn thành các việc cần thiết. Bên cạnh đó, bố mẹ nên dành nhiều thời gian bên con, hạn chế dùng mạng xã hội trước mặt con để đảm bảo sự thống nhất trong việc giáo dục và làm gương cho con.

PV: Nhân Tháng hành động Vì trẻ em, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội Nghệ An có những hoạt động trọng tâm gì nhằm tiếp tục thực hiện tốt công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em?

Bà Lê Thị Nguyệt: Tháng hành động Vì trẻ em năm nay có chủ đề “Hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực cho trẻ em” và ký cam kết “Mùa hè an toàn cho trẻ em”.

Với vai trò, nhiệm vụ được giao, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã hướng dẫn các địa phương tổ chức Lễ phát động Tháng hành động Vì trẻ em, ký cam kết thực hiện mùa hè an toàn cho trẻ em; tiến hành bàn giao, quản lý trẻ em giữa nhà trường với địa phương và gia đình trong dịp nghỉ hè; tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi, giải trí, dạy bơi, dạy các kỹ năng mềm, trang bị các kỹ năng cứu đuối nước, an toàn trong môi trường nước và khi tham gia giao thông cho trẻ em; tổ chức các diễn đàn thu hút nhiều trẻ em giao lưu với các nội dung bổ ích, phù hợp với lứa tuổi, điều kiện, đặc thù từng địa phương gắn với thúc đẩy phong trào “Toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em” và xây dựng xã, phường phù hợp với trẻ em trong quá trình xây dựng nông thôn mới, kiểu mẫu.

cac-em-nho-tu-ky-tham-gia-cac-tro-choi-van-dong.jpg
Một chương trình giao lưu dành cho các em nhỏ mắc hội chứng tự kỷ trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Minh Quân

Cùng với đó, tăng cường các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu các nguy cơ xâm hại, bạo lực với trẻ em; phòng chống tai nạn, thương tích, tai nạn đuối nước trẻ em; bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng; chỉ đạo Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh tăng cường công tác huy động nguồn lực tập trung giải quyết các vấn đề về trẻ em; tăng cường quản lý nhà nước, nhất là công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện cơ chế, chính sách, các quyền trẻ em; kịp thời biểu dương, khen thưởng gương người tốt, việc tốt; đồng thời phê phán và xử lý nghiêm các các tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm trong quá trình tổ chức thực hiện và có hành vi vi phạm pháp luật về quyền trẻ em.

PV: Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi này!

Mới nhất
x
Để trẻ em có một mùa hè an toàn, bổ ích
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO