Để Trung tâm học tập cộng đồng hoạt động hiệu quả

21/10/2013 14:35

(Baonghean) - Trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ)- cơ sở giáo dục thường xuyên trong giáo dục quốc dân, là trung tâm học tập tự chủ của cộng đồng cấp xã, phường, thị trấn, có sự quản lý hỗ trợ của Nhà nước; đồng thời phát huy mạnh mẽ sự tham gia, đóng góp của nhân dân trong cộng đồng dân cư để xây dựng và phát triển theo cơ chế Nhà nước và nhân dân cùng làm.

Hoạt động của TTHTCĐ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho mọi lứa tuổi được học tập thường xuyên, học tập suốt đời. Xác định rõ vị trí và chức năng của TTHTCĐ trong xã hội; Đảng Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách trong việc xây dựng, phát triển các TTHTCĐ. Nghệ An là một trong những tỉnh xây dựng và phát triển nhanh các TTHTCĐ ở các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh. Tháng 12/2002, xã Quỳnh Thanh (Quỳnh Lưu) xây dựng TTHTCĐ, đây là TTHTCĐ đầu tiên trong cả tỉnh, đến năm 2012 đã phát triển 480 TTHTCĐ, đạt tỷ lệ 100% số xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh.

Sau khi được thành lập, các TTHTCĐ trên địa bàn tỉnh đã tổ chức hoạt động mang lại hiệu quả thiết thực trên cả 4 lĩnh vực: Tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật; khoa học công nghệ; văn hóa giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng đời sống cho cộng đồng dân cư và phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn.

Đánh giá chất lượng hoạt động của TTHTCĐ theo tiêu chí được ban hành tại Quyết định số 390/QĐ-SGD-ĐT ngày 8/3/2007 của Sở Giáo dục và Đào tạo, năm 2012 có 116 trung tâm xếp loại tốt (24,2%), 159 trung tâm xếp loại khá (33,1%), 205 trung tâm xếp loại trung bình (42,7%), không có loại kém.

Tuy nhiên, đánh giá một cách tổng thể, hệ thống TTHTCĐ trong toàn tỉnh vẫn còn những khó khăn, vướng mắc cần tập trung tháo gỡ để hoạt động đi vào thực chất, có hiệu quả hơn.

Cơ sở vật chất, kinh phí và nhân lực rất hạn chế, trong khi một số cán bộ trong ban quản lý của các TTHTCĐ chưa xây dựng được cơ chế phối hợp, lồng ghép với các chương trình, dự án, các cơ sở trên địa bàn để vận dụng nguồn kinh phí cho hoạt động. Nhằm góp phần khắc phục những tồn tại nêu trên, đề tài khoa học và công nghệ cấp tỉnh “Một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của các TTHTCĐ góp phần xây dựng xã hội học tập ở Nghệ An” đã đề xuất bộ giải pháp bao gồm: Nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với TTHTCĐ; Coi trọng vai trò tham mưu và phối hợp tổ chức thực hiện của hội khuyến học; Lựa chọn và nâng cao năng lực ban quản lý của các TTHTCĐ; Tăng cường sự kết hợp giữa các chương trình dự án đưa vào hoạt động ở các TTHTCĐ; Đảm bảo các điều kiện cho việc tổ chức, quản lý có hiệu quả của các TTHTCĐ; Hoàn thiện cơ chế hoạt động và cơ chế quản lý của các TTHTCĐ; Tổ chức biên soạn chương trình, nội dung học tập ở các TTHTCĐ.

Sau gần 2 năm triển khai ứng dụng bộ giải pháp tại 4 mô hình: TTHTCĐ xã Yên Khê, huyện Con Cuông; TTHTCĐ xã Đông Hiếu, Thị xã Thái Hòa; TTHTCĐ xã Thanh Hưng, huyện Thanh Chương; TTHTCĐ phường Nghi Thu, Thị xã Cửa Lò với 8 đợt tập huấn cho 60 cán bộ quản lý của 4 trung tâm và gần 500 người dân trên địa bàn. Thông qua phối hợp và lồng ghép hoạt động của các TTHTCĐ với các khuyến nông, lâm, công... và các chương trình, dự án, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn, TTHTCĐ đóng vai trò là đơn vị khâu nối phối hợp để các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tuyên truyền, chuyển tải kiến thức, kinh nghiệm trong sản xuất... đến đúng đối tượng cần được thụ hưởng. Do đó, hiệu quả mang lại rất thiết thực, góp phần không nhỏ trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân trên địa bàn. Đây cũng là cơ chế hoạt động có hiệu quả nhất của các TTHTCĐ.

Từ những kết quả hoạt động của 4 mô hình, chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp để duy trì và nhân rộng mô hình trong thời gian tới.

- Đối với tổ chức Đảng các cấp: Triển khai rà soát việc thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TU ngày 23/2/2003 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo, xây dựng và phát triển các TTHTCĐ ở phường, xã, thị trấn, đề ra biện pháp tiếp tục chỉ đạo trong tình hình mới.

Đưa nội dung hoạt động của TTHTCĐ vào nghị quyết của đại hội và nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo hàng năm của cấp ủy đảng xã, phường, thị trấn.

- Đối với Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp: Kế hoạch và nội dung hoạt động của TTHTCĐ cần được đưa vào nghị quyết của Hội đồng nhân dân phường, xã, thị trấn và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của Ủy ban nhân dân để chỉ đạo, điều hành thực hiện.

- Đối với các cơ chế chính sách đã ban hành: Rà soát, đánh giá lại Thông tư 40 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc cử một giáo viên tiểu học hoặc trung học cơ sở sang làm việc tại TTHTCĐ. Quyết định 3779/QĐ-UBND-VX ngày 3/8/2009 của UBND tỉnh quy định mức hỗ trợ thường xuyên cho các TTHTCĐ. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện các chính sách đã ban hành, đồng thời đề xuất, bổ sung những nội dung mới để phù hợp với tình hình phát triển các TTHTCĐ.

- Đối với các TTHTCĐ: Kiện toàn lại ban quản lý, rà soát, bổ sung quy chế hoạt động. Xây dựng kế hoạch phối hợp lồng ghép với các cơ sở khuyến nông - lâm - ngư - công và các chương trình dự án trên địa bàn. Khai thác nguồn kinh phí, cơ sở vật chất từ các chương trình, dự án hỗ trợ cho các hoạt động của trung tâm.

Nâng cao hiệu quả hoạt động của các TTHTCĐ có ý nghĩa quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho mỗi người dân và góp phần phát triển kinh tế, xã hội của phường, xã, thị trấn.

Th.S Nguyễn Quốc Hồng (GĐ Trung tâm KHXH&NV Nghệ An)

Để Trung tâm học tập cộng đồng hoạt động hiệu quả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO