Để tủ sách pháp luật phát huy hiệu quả

(Baonghean) - Xây dựng tủ sách pháp luật ở cơ sở là một trong những hoạt động nhằm tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật rộng rãi trong cán bộ và nhân dân. Tuy nhiên hiện nay, tại một số địa phương, do điểm đặt tủ sách pháp luật chưa hợp lý, các loại sách chưa được cập nhật kịp thời, việc quản lý chưa tốt,... nên dẫn đến hiệu quả khai thác chưa cao.

Ngày 12/12/2013, khi chúng tôi đến UBND xã Tường Sơn (Anh Sơn), qua hướng dẫn của cán bộ tư pháp, tủ sách pháp luật của địa phương này được bố trí ở một góc thư viện của UBND xã. So với các loại sách, báo khác, sách liên quan đến pháp luật rất khiêm tốn, chỉ độ vài chục quyển, được sắp xếp rất lộn xộn trong một ô nhỏ, tên đầu sách nằm ngoảnh vào trong nên rất khó tìm. Khi chúng tôi ngỏ ý muốn tìm đọc Bộ luật Hình sự, ông Trần Sum, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học, Phó Giám đốc Thường trực Trung tâm Học tập cộng đồng, kiêm phụ trách tủ sách pháp luật xã Tường Sơn, thành thật cho biết, cuốn Bộ luật Hình sự đã quá cũ ... Theo ông Trần Sum, sách pháp luật ít, không được bổ sung, cập nhật kịp thời, có những sách người dân hỏi mượn không có, nhiều cuốn thì quá cũ như Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự... nên lượng người đến đọc, mượn sách báo liên quan đến pháp luật giảm rõ rệt. Ngoài cán bộ xã, đối tượng chủ yếu của thư viện là các cháu học sinh đến để đọc truyện.

Ông Trần Sum với tủ sách pháp luật ở xã Tường Sơn (Anh Sơn).
Ông Trần Sum với tủ sách pháp luật ở xã Tường Sơn (Anh Sơn).
Tại xã Tri Lễ (Quế Phong) vì điều kiện chưa có phòng đọc nên tủ sách pháp luật được đặt tại góc phòng Tư pháp nên người dân cũng khó tiếp cận. Bà Nguyễn Thị Lan, trú tại xóm chợ, xã Tri Lễ cho rằng: Có việc thì lên xã tìm hỏi cán bộ, chứ ngồi đọc trong khi cán bộ làm việc cũng không tiện, mượn về nhà đọc thì không có thời gian. Theo ông Lô Văn Tùng, cán bộ tư pháp xã Tri Lễ, mục đích của việc trang bị tủ sách pháp luật, ngoài giúp cán bộ trang bị kiến thức pháp luật để xử lý công việc tốt hơn, còn cho bà con mượn đọc để trang bị kiến thức pháp luật, vận dụng vào cuộc sống. Tuy nhiên, vì chưa có phòng đọc riêng, chưa có bàn ghế đầy đủ... nên hiệu quả thấp, rất ít người dân đến mượn đọc, chủ yếu là phục vụ cán bộ xã. Hơn nữa, việc quản lý tủ sách pháp luật được giao cho cán bộ tư pháp, trong khi vì bận công việc chuyên môn nên khi người dân đến hỏi mượn sách, cán bộ quản lý không có mặt cũng là một thực tế. 
Những bất cập trên không chỉ riêng tại địa bàn các huyện miền núi còn nhiều khó khăn về điều kiện kinh tế, mà đây cũng là thực tế tại hầu hết các địa phương vùng đồng bằng. Ngay như tại phường Thu Thủy (TX Cửa Lò), tủ sách pháp luật cũng chỉ “ké” một góc nhỏ tại phòng giao dịch một cửa vốn đã quá chật chội. Theo bà Lê Thị Thúy Vân, cán bộ tư pháp phường, vì phải bố trí chung phòng nên người dân ngoài việc phải sang hội trường ngồi đọc thì chỉ còn cách mượn về nhà, tuy nhiên đây cũng là một bất cập, vì số đầu sách có hạn, người này mượn về thì người khác lại không có để đọc. 
Qua khảo sát tủ sách pháp luật ở một số xã, phường, thị trấn trên địa bàn các huyện Nghi Lộc, Đô Lương… trung bình mỗi tủ sách có khoảng 40- 50 đầu sách liên quan đến các vấn đề hôn nhân và gia đình, dân sự, đất đai... Thực tế cho thấy, số lượng, chất lượng đầu sách chưa thực sự phong phú, các sách mới chưa được cập nhật kịp thời. Hầu hết các tủ sách pháp luật hiện còn thiếu những loại văn bản liên quan trực tiếp đến đời sống hàng ngày của người dân như chính sách đền bù đất đai, giải phóng mặt bằng của Nhà nước hay quy định về giá đất đai hàng năm... Một số tủ sách tại các xã, phường còn mang tính hình thức, sách về pháp luật được đặt chung trong một tủ với các hồ sơ, văn bản làm việc của UBND xã. 
Theo bà Trần Thị Thúy, Phó trưởng phòng Tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 1.512 tủ sách pháp luật (tính cả những địa phương có tủ sách pháp luật ở khối, xóm). Tuy nhiên, do phòng đọc chật, xuống cấp nên nhiều địa phương không có chỗ để bố trí tủ sách, phải tận dụng những nơi không thuận tiện. Ngoài ra, hiện nay việc quản lý tủ sách pháp luật cơ sở còn kiêm nhiệm, chủ yếu được giao cho cán bộ tư pháp xã hoặc cán bộ văn phòng. Những cán bộ này thường xuyên bận công việc chuyên môn, vì vậy việc quản lý tủ sách pháp luật vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Bên cạnh đó, người dân chưa có thói quen tự tìm hiểu pháp luật thông qua tủ sách pháp luật cơ sở, mà chỉ khi có những vướng mắc liên quan đến pháp luật hoặc quyền lợi bị xâm phạm thì lúc đó mới tìm hiểu. Hơn nữa, hiện nay các phương tiện thông tin phát triển, người dân có thể tự tìm hiểu các văn bản, chính sách pháp luật nên họ ít tìm tới tủ sách pháp luật.
Thiết nghĩ, để nâng cao chất lượng và hiệu quả của tủ sách pháp luật, các địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác đầu tư cho tủ sách pháp luật, nhất là việc cập nhật những loại sách, văn bản mới, ngắn gọn và dễ hiểu để người dân dễ dàng tiếp cận. Cùng với đó, cần tuyên truyền, hướng dẫn để người dân hiểu tủ sách pháp luật là để phục vụ cho mọi đối tượng, chứ không phải tủ sách dành riêng cho cán bộ; đưa tủ sách pháp luật đặt những nơi tiện lợi, bố trí bàn ghế đầy đủ để phục vụ người dân đến đọc. Ngoài ra, các địa phương cũng cần chú trọng hơn nữa việc nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ thư viện cho cán bộ kiêm nhiệm hiện nay...
Theo Quyết định số 06/2010/QĐ-TTg, ngày 25/1/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật, có hiệu lực từ ngày 2/4/2010, tủ sách pháp luật cấp xã, phường là nơi lưu giữ, khai thác sách, báo, tài liệu pháp luật phục vụ công tác của cán bộ, nhu cầu tìm hiểu pháp luật của nhân dân, tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật và thực hiện dân chủ ở cơ sở. Để đáp ứng yêu cầu của bạn đọc, tủ sách pháp luật phải thường xuyên được chọn lọc, bổ sung các loại sách, báo, tài liệu và phải được đặt ở vị trí thuận tiện để phục vụ nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân. Cán bộ quản lý, khai thác tủ sách pháp luật có trách nhiệm tuyên truyền, vận động, giới thiệu để người dân hiểu và đến nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật. Cũng theo quy định, UBND cấp xã, phường bảo đảm kinh phí cho việc xây dựng, quản lý tủ sách pháp luật. Ngoài ra, hàng năm, mỗi xã, phường, thị trấn sẽ được cấp tối thiểu 2 triệu đồng để bổ sung các loại sách, báo, tài liệu cho tủ sách pháp luật.
Quảng An

tin mới

Bắt đối tượng mang 2.000 viên ma túy đi tiêu thụ

Bắt đối tượng mang 2.000 viên ma túy đi tiêu thụ

(Baonghean.vn) - Vừa bước xuống xe khách, chưa kịp tẩu tán 2.000 viên ma túy tổng hợp, Lô Thị Vân trú tại xã Giang Sơn (Đô Lương) đã bị Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an tỉnh Nghệ An), Công an huyện Quỳ Hợp đồng chủ trì, phối hợp với Công an huyện Đô Lương bắt giữ.

Có cầu mới vượt sông Hiếu, hơn 3 nghìn người dân Quỳ Châu thoát nỗi lo bị chia cắt cục bộ mùa mưa lũ

Có cầu mới vượt sông Hiếu, hơn 3 nghìn người dân Quỳ Châu thoát nỗi lo bị chia cắt cục bộ mùa mưa lũ

(Baonghean.vn) - Liên tục vài năm gần đây, xã Châu Thắng (Quỳ Châu) luôn chịu ảnh hưởng bởi lũ lụt, khi nước sông Hiếu dâng cao còn bị chia cắt cục bộ, công tác cứu hộ, cứu trợ gặp rất nhiều khó khăn. Cây cầu mới vừa được xây dựng hoàn thành đã giải quyết dứt điểm vấn đề này.

Chấn chỉnh công tác quản lý thuế, không bỏ sót đối tượng nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp

Chấn chỉnh công tác quản lý thuế, không bỏ sót đối tượng nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp

(Baonghean.vn) - Cục Thuế tỉnh vừa có văn bản đôn đốc các phòng, Chi cục Thuế trực thuộc rà soát, báo cáo, quản lý thuế đối với các trường hợp sử dụng đất chưa có quyết định, hợp đồng thuê đất. Đây là vấn đề Báo Nghệ An đã phản ánh tại bài viết “Nghịch lý phía sau các cụm công nghiệp ở Quỳ Hợp”.