Để Tương Dương sớm thoát nghèo!

12/05/2015 16:45

(Baonghean) - Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Tương Dương quyết tâm đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn thách thức, phấn đấu sớm đưa huyện thoát nghèo, tạo tiền đề phát triển nhanh, toàn diện và bền vững trong những năm tiếp theo.

Tương Dương xác định giải pháp đột phá là tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát huy các tiềm năng thế mạnh của địa phương. Trước hết, với lợi thế là một địa phương có diện tích tự nhiên lớn nhất tỉnh, huyện sẽ tiếp tục tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng. Trong nhiệm kỳ vừa qua, diện tích rừng trồng mới đạt hơn 8.200 ha, khoanh nuôi bảo vệ rừng hơn 175.965 ha, chăm sóc rừng đạt 5.197 ha, từ đó nâng độ che phủ rừng toàn huyện lên 62,6%, tăng 7,75% so với năm 2010. Tổ chức giao đất, giao 13.837 ha rừng cho 2.208 hộ dân.

Trên nền tảng đó, trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, kinh tế rừng được xác định là mũi tiến công mạnh mẽ nhằm nâng cao đời sống nhân dân. Do đó, công tác giao khoán bảo vệ rừng, quy hoạch các khu vực trồng rừng tập trung tạo nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến tiếp tục được đẩy mạnh thực hiện. Đồng thời, xác định các loại cây lâm nghiệp chủ lực trên địa bàn để tập trung phát triển theo tiêu chí, lựa chọn các loại cây sinh trưởng nhanh, có giá trị kinh tế cao và phù hợp với điều kiện sinh thái như: mét, mây, xoan, lát, keo, tre lấy măng, cây dược liệu...

Mô hình chăn nuôi tổng hợp của CCB Vi Đức Tuấn ở bản Mon,  xã Thạch Giám. Ảnh: S.M
Mô hình chăn nuôi tổng hợp của CCB Vi Đức Tuấn ở bản Mon, xã Thạch Giám. Ảnh: S.M

Cùng với đó, nâng cao giá trị sản xuất trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp bằng cách khuyến khích phát triển theo hướng hàng hóa với điểm nhấn là xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế. 5 năm qua, Tương Dương đã xây dựng được 269 mô hình kinh tế, trong đó có 89 mô hình trồng trọt, 163 mô hình chăn nuôi, 10 mô hình trồng rừng, vườn ươm và nông lâm kết hợp, 3 mô hình đan lát, 4 mô hình thuỷ sản. Ngoài ra còn có hàng trăm mô hình quy mô hộ gia đình do nhân dân tự đầu tư. Các mô hình đang tiếp tục duy trì phát triển đạt kết quả tốt, tạo thu nhập ổn định cho các hộ dân từ 15 triệu đồng đến 150 triệu đồng/năm.

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, huyện quyết tâm đẩy mạnh nhân rộng các mô hình kinh tế cả về số lượng, quy mô và hiệu quả ở hầu khắp các vùng trong huyện, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao đời sống nhân dân. Dựa trên tiềm năng là các vùng lòng hồ thủy điện, huyện sẽ tập trung phát triển khai thác để nuôi, thả các loại giống thủy sản phù hợp với môi trường ở địa phương, phát triển hiệu quả nghề nuôi cá lồng.

Bên cạnh đó, huyện còn chú trọng xây dựng và phát triển làng có nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch - dịch vụ thương mại, như: dệt thổ cẩm, đan lát mây, tre, rèn... với quy mô, cơ cấu sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường, thị hiếu khách hàng. Gắn hoạt động kinh tế của làng nghề với hoạt động dịch vụ - du lịch và bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống dân tộc và xây dựng nông thôn mới. Theo đó, đã hỗ trợ 30 máy thủ công chẻ mây, 40 khung cửi cho 2 bản có nghề, khôi phục nghề dệt thổ cẩm, mây tre đan truyền thống, nghề rèn cho 85 lao động.

Ngoài ra, huyện còn tập trung phát triển dịch vụ thương mại ở các khu vực thị trấn, thị tứ, các trung tâm xã. Phát triển trung tâm thương mại, đại lý bán lẻ, cửa hàng tạo điều kiện trong việc trao đổi hàng hóa, phục vụ nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân. Khai thác có hiệu quả việc kinh doanh tại các chợ thị trấn Hòa Bình, Khe Bố, Tam Thái. Tổ chức lại hệ thống chợ nông thôn. Quy hoạch mạng lưới du lịch trên địa bàn theo hướng hình thành, phát triển du lịch sinh thái gắn với du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa lịch sử, tâm linh theo hướng kết nối các điểm du lịch, tham quan lòng hồ thủy điện Bản Vẽ, Khe Bố, rừng săng lẻ Tam Đình, làng văn hóa, làng nghề truyền thống, đền Vạn - Cửa Rào, đền Pàng,... Khuyến khích đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng dịch vụ các khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng. Đẩy mạnh phát triển các loại hình dịch vụ vận tải, bưu chính viễn thông, dịch vụ ngân hàng, tài chính, bảo hiểm và các loại hình dịch vụ công cộng, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của người dân.

Đồng thời, đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng, mở rộng phát triển thị trấn, thị tứ bằng cách tạo các cơ chế, chính sách thu hút tối đa các chương trình dự án bằng các nguồn vốn trong và ngoài nước để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng như: giao thông, thủy lợi, điện, trường học, trạm xá,... Trong đó, tập trung ưu tiên phát triển các tuyến đường giao thông, điện ở các xã vùng trên. Phấn đấu đến năm 2020, có 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã cả 4 mùa, 100% số hộ được dùng điện lưới quốc gia. Bố trí danh mục dự án đầu tư theo hướng ưu tiên phân bổ vốn cho các dự án cấp thiết, trọng điểm để sớm phát huy hiệu quả; ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở vật chất để thực hiện sớm hoàn thành các chỉ tiêu về chương trình mục tiêu quốc gia: chương trình xây dựng nông thôn mới, trường chuẩn quốc gia, xã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế, xã có thiết chế văn hóa - thông tin - thể thao đạt tiêu chí quy định. Mở rộng Thị trấn Hòa Bình theo quy hoạch đã được duyệt. Quy hoạch xây dựng Thị trấn Khe Bố, xã Tam Quang; phát triển các thị tứ: Tam Thái, Lưu Kiền, Cửa Rào (xã Xá Lượng), Xiềng Líp (xã Yên Hòa), Bản Vẽ (xã Yên Na); trung tâm các xã: Nhôn Mai, Nga My.

Để những mục tiêu thành công, đòi hỏi Tương Dương phải tập trung tổ chức thực hiện với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị. Trong đó, các ngành chức năng phải tiếp tục tổ chức thực hiện tốt các chương trình, đề án đã được ban hành có thời gian thực hiện đến năm 2020, đồng thời tập trung chỉ đạo thực hiện, cụ thể hóa các chương trình, đề án, trong đó có các đề án, chương trình trọng điểm trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội. Đó là chương trình phát triển cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học công nghệ gắn với chế biến để tạo giá trị hàng hóa cao bao gồm: Dự án ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất giống cây dược liệu, giống cây trồng, sản xuất chế biến gừng và chuối tại xã Lưu Kiền và xã Tam Hợp.

Đề án phát triển rừng nguyên liệu và đề án phát triển chăn nuôi giai đoạn 2015 - 2020. Chương trình phát triển kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn; trong đó có dự án đường giao thông vào trung tâm các xã biên giới Mai Sơn, Nhôn Mai; dự án đầu tư xây dựng hệ thống điện lưới quốc gia cho các bản còn lại để phát triển kinh tế - xã hội vùng biên gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh. Chương trình giảm nghèo bền vững; gồm các đề án: Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo theo hướng bền vững đến năm 2020; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dạy nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; phát triển làng có nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch...

Trịnh Minh Châu

(Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tương Dương)

Mới nhất
x
Để Tương Dương sớm thoát nghèo!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO