Để TX. Thái Hòa là trung tâm vùng Tây Bắc
(Baonghean) - Trong chuyến công tác mới đây tại Thị xã Thái Hoà, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường đã dành phần lớn thời gian để nắm tình hình thực tế tại cơ sở. Từ thực tế các mô hình kinh tế, các dự án xây dựng khu đô thị, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu T.X Thái Hoà phải nỗ lực, quyết tâm cao hơn nữa thực hiện tốt định hướng trở thành trung tâm vùng Tây Bắc Nghệ An trên một số lĩnh vực mà thị xã có lợi thế, tiềm năng...
Thị xã Thái Hoà sau hơn 5 năm thành lập, bộ mặt một đô thị trẻ hiện đại nằm bên dòng sông Hiếu đã dần hiện hữu. Hai bên Quốc lộ 48 dẫn vào Trung tâm thị xã là những dãy nhà cao tầng kiểu dáng hiện đại, công tác chỉnh trang đô thị dần hoàn thiện với hệ thống điện chiếu sáng, vỉa hè, cây xanh theo quy hoạch ngăn nắp. Theo chân đoàn công tác của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh băng qua những lô cao su thẳng tắp đang chu kỳ khai thác thuộc Nông trường Tây Hiếu 1, chúng tôi đến thăm mô hình chăn nuôi lợn kết hợp nuôi cá của bà Nguyễn Thị Cầu, xóm Phú An, xã Tây Hiếu. Trang trại có quy mô tương đối khiêm tốn chỉ vẻn vẹn 1,3 ha nhưng nhờ bố trí, vật nuôi hợp lý theo hình thức khép kín quy trình sản xuất nên doanh thu và lợi nhuận thuộc vào dạng “mơ ước”, mỗi năm doanh thu khoảng 2 tỷ đồng, lãi ròng 300 triệu đồng.
Chủ trang trại Nguyễn Thị Cầu báo cáo với Chủ tịch UBND tỉnh: Khởi đầu làm kinh tế trang trại năm 2005 chỉ với 15 triệu đồng từ vốn vay ngân hàng, 2 năm sau (năm 2007) mới bắt đầu có tích luỹ “lấy ngắn nuôi dài” để phát triển. Cơ cấu vật nuôi đa dạng, bao gồm: lợn, cá, gia cầm, ba ba... vừa tránh rủi ro nhưng điều quan trọng là tận dụng “phế phẩm” của con này trở thành thức ăn cho loại khác, khép kín quy trình sản xuất. Quy mô 50 con lợn nái siêu nạc, mỗi năm xuất chuồng trên 800 con lợn thịt với tổng trọng lượng trên 64 tấn (mỗi con xuất chuồng khoảng 80 kg), sản lượng cá 6 tấn, 300 con ba ba, 200 con gà, vịt... Trang trại tạo việc làm với thu nhập ổn định cho 5 lao động thường xuyên.
Điều mừng là chủ trang trại đang có kế hoạch tiếp tục đầu tư nâng cấp chuồng trại và quan tâm xử lý môi trường bằng hệ thống hầm biogas dung tích 36m3 gom toàn bộ nước thải chăn nuôi tạo khí gas thay thế chất đốt khác. Tại đây, nhận thấy hiệu quả của mô hình, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu lãnh đạo Thị xã Thái Hoà, lãnh đạo xã Tây Hiếu trong xây dựng nông thôn mới cần có phương án để nhân rộng. Địa phương phải có cơ chế, chính sách hỗ trợ hợp lý để khuyến khích hình thức kinh tế trang trại, gia trại phát triển.
Chủ tịch UBND tỉnh càng phấn khởi hơn khi đến thăm Trung tâm Giống cây ăn quả - cây công nghiệp Phủ Quỳ, thuộc Viện KHKTNN Bắc Trung bộ và trực tiếp “mục sở thị” vườn quýt PQ1. Trên những hàng cây thẳng tắp, cao đến 2m, quả sai trĩu cành. Giám đốc Trung tâm Võ Thị Tuyết cho biết: Vườn quýt PQ1 trồng được 7 năm, và đã cho thu hoạch 5 năm, năng suất 30-35 tấn/ ha và nếu tính bình quân trong 7 năm thì 1 ha quýt PQ1 cho thu nhập từ 300-400 triệu đồng/năm. Với đặc tính cây sinh trưởng nhanh, ít sâu bệnh, thích nghi với vùng đất đỏ bazan, phù sa cổ, đất phiến thạch, quả chín ngọt, là giống đã được Bộ NN&PTNT công nhận chính thức và cũng đã được Trung tâm chuyển giao phát triển diện tích gần 100 ha, chủ yếu tập trung tại huyện Quỳ Hợp. Ngoài giống quýt PQ1 mang thương hiệu “PQ1- Phủ Quỳ 1” thì một loạt giống cây ăn quả, cây công nghiệp cũng được trung tâm nhân giống thành công chuyển giao cho các địa phương, như giống: bưởi hồng Quang Tiến, cây chanh leo, hay cao su RRIM712, LH82/158 và giống sắn, cà phê...
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường ghi nhận những kết quả đạt được trong công tác nghiên cứu khoa học của trung tâm và lưu ý, trung tâm phải tiếp tục nghiên cứu, phối hợp với địa phương chuyển giao, nhân rộng thành công một số giống cây ăn quả đặc trưng Phủ Quỳ- Nghệ An, áp dung chặt chẽ quy trình xây dựng thương hiệu sản phẩm. Để thấy rõ hơn kết quả chuyển giao KHKT của trung tâm đối với địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh và đoàn công tác thăm mô hình trồng bưởi hồng Quang Tiến cho hiệu quả kinh tế cao của gia đình bác Nguyễn Đình Thuỷ, khối Trung Nghĩa. Mặc dù đã qua mùa thu hoạch nhưng dư âm về một vụ bưởi bội thu vẫn còn.
Dẫn đoàn công tác lên đồi thăm vườn bưởi của gia đình - nơi cách đây 5 năm còn là rừng bạch đàn đất khô rát, bác Thủy say sưa trò chuyện với đồng chí Chủ tịch. Bằng phép so sánh ấn tượng “một cây bưởi hiệu quả hơn một sào lúa”, bác Thuỷ đã thực sự cuốn hút các thành viên của đoàn công tác. Trên diện tích hiện có 14.000 m2, gia đình bác đã trồng 400 gốc bưởi, trong đó gần 300 gốc đã cho quả với thu nhập khoảng 300 triệu đồng. Bác Thuỷ cho biết thêm: Có được kết quả này là nhờ sự tận tình chuyển giao hướng dẫn kỹ thuật của các kỹ sư Trung tâm Giống cây ăn quả và cây công nghiệp Phủ Quỳ cùng sự hỗ trợ giống, phân bón ban đầu của thị xã. Và bây giờ chính bác lại hướng dẫn, trao đổi những kinh nghiệm cũng như cung ứng giống cho các hộ dân khác trong vùng quy hoạch.
TX. Thái Hoà không những lợi thế về cây công nghiệp, cây ăn quả bởi sự ưu đãi của tự nhiên cho vùng đất đỏ mà kinh tế công nghiệp - TTCN, làng nghề cũng không ngừng được đẩy mạnh phát triển. Điều này được thấy rất rõ khi Chủ tịch UBND tỉnh thăm xưởng chế biến gỗ mỹ nghệ của Công ty lâm sản FMC bên bờ sông Hiếu và càng phấn khởi hơn khi ông chủ doanh nghiệp là một giáo dân, đồng thời cũng là một doanh nhân tiêu biểu của Hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Thị xã Thái Hoà. Không những năng động trong lĩnh vực chế biến lâm sản, tạo việc làm cho lao động, góp phần “nâng tầm gỗ Nghệ” mà chủ doanh nghiệp còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội đền ơn đáp nghĩa, ủng hộ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt.
Giám đốc Phan Hưng báo cáo với Chủ tịch UBND tỉnh: Khởi nghiệp từ một xưởng gỗ nhỏ bên bờ Tây sông Hiếu gần 15 năm và cũng ngần ấy thời gian ông luôn trăn trở để có được nhiều mẫu mã trong lĩnh vực chế biến lâm sản, nâng giá trị từ gỗ để góp phần bảo vệ, phát triển kinh tế rừng. Hiện nay, công ty có đội ngũ quản lý, thợ kỹ thuật gần 100 người có thu nhập ổn định. Đến thăm cơ sở sản xuất gỗ mỹ nghệ FMC đã quá trưa nhưng không khí làm việc của các tổ thợ, các nhóm thợ tại các phân xưởng cưa, mộc, sơn... vẫn rất sôi nổi, khẩn trương. Cũng từ sự phát triển của FMC và một số doanh nghiệp khác đang ngày càng phát huy có hiệu quả vai trò “bà đỡ” cho các làng nghề mộc trên địa bàn theo định hướng phát triển CN-TTCN của thị xã.
Đồng chí Nguyễn Xuân Đường - Chủ tịch UBND tỉnh thăm Công ty chế biến gỗ mỹ nghệ FMC. |
Sau khi đi thực tế cơ sở, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhận thấy, Thị xã Thái Hoà sau hơn 5 năm thành lập bộ mặt đô thị vùng Tây Bắc đã có bước thay đổi phát triển về diện mạo. Tuy nhiên, so với yêu cầu trở thành trung tâm vùng Tây Bắc của tỉnh theo mục tiêu đề án thành lập thị xã, đặc biệt trên lĩnh vực thương mại - dịch vụ - du lịch có nhiều lợi thế thì kết quả phát triển vẫn chưa xứng tầm. Tại buổi làm việc với lãnh đạo thị xã, đồng chí Chủ tịch đặt vấn đề với các đại biểu làm gì để Thị xã Thái Hòa phát triển nhanh trở thành trung tâm của vùng Tây Bắc? Rất hiểu về thị xã, đồng chí Hoàng Viết Đường - Giám đốc Sở Tài chính (nguyên Bí thư Thị uỷ) nêu quan điểm: “Thị xã cần tập trung rà soát quy hoạch, phải thực hiện theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt.
Trên cơ sở định hướng cần tập trung đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế dịch vụ - thương mại quy mô cấp vùng, vì đây là thế mạnh của Thị xã Thái Hoà”. Để khai thác tiềm năng quỹ đất đỏ bazan hợp lý, hiệu quả, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường, ông Võ Duy Việt đề xuất: “Thái Hoà xác định rõ triển khai thực hiện NQ 26- NQ/TƯ về Nghệ An đó là thời cơ để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, nhất là trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp để có những sản phẩm mới đặc trưng vùng Phủ Quỳ”. Đồng chí Nguyễn Hồng Kỳ, Giám đốc Sở GTVT đưa ra vấn đề mở rộng không gian đô thị, lấy sông Hiếu làm trung tâm kết nối các khu đô thị phía Tây và phía Đông đã được quy hoạch bằng việc xây dựng cầu Hiếu 2 vừa giảm tải QL 48 qua cầu Hiếu vừa tạo thế tầm vóc đô thị vùng Tây Bắc. Cũng liên quan đến đô thị, Giám đốc Sở Xây dựng, ông Hoàng Trọng Kim nêu ý tưởng: “Thái Hoà xây dựng phát triển theo hướng đô thị xanh bền vững”...
Chia sẻ với những khó khăn của Thị xã Thái Hòa sau khi thành lập do ảnh hưởng trực tiếp của suy thoái kinh tế nên dẫn đến nguồn vốn không đáp ứng được nhu cầu đầu tư phát triển xã hội, nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật về đô thị, về bệnh viện, trung tâm thương mại còn dở dang, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường yêu cầu thị xã phải tập trung rà soát quy hoạch, quản lý tốt quy hoạch, nhất là quy hoạch đô thị gắn với phát huy tối đa nội lực, thu hút các nguồn lực từ bên ngoài để xây dựng hạ tầng, thực hiện tốt thu hút đầu tư... Trước mắt thực hiện tốt kế hoạch phát triển KT-XH năm 2013 theo các chỉ tiêu đã đề ra, đồng thời tập trung các nguồn lực đầu tư phát triển theo hướng trung tâm vùng Tây Bắc về các mặt mà Thái Hoà có lợi thế vượt trội như: kinh tế dịch vụ thương mại, y tế, chuyển giao tiến bộ KHKT trên lĩnh vực nông nghiệp, phát triển công nghiệp - TTCN... từ đó tạo cơ sở động lực phát triển của cả vùng Tây Bắc.
Hữu Nghĩa