Để vụ tôm 2012 thành công
(Baonghean) - Nghệ An là tỉnh đi đầu trong phong trào nuôi tôm của các tỉnh phía Bắc với diện tích 1.770 ha (trong đó 1.638 ha nuôi tôm thẻ chân trắng, còn lại là tôm sú).
Năng suất bình quân vụ tôm 2011 đạt khá cao, đối với tôm sú 1,5 tấn/ha, tôm thẻ là 6-7 tấn/ha (có nhiều hộ đạt 15-18 tấn/ha). Năm 2011 đạt 9100 tấn (trong đó tôm thẻ đạt 900 tấn) là sản lượng tôm nuôi cao nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được thì rủi ro về dịch bệnh vẫn thường xuyên xảy ra, năm 2011 diện tích tôm bị bệnh 160 ha (chiếm 9,2%) đã ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, sản lượng vụ nuôi.
Nguyên nhân do nguồn tôm giống không đảm bảo chất lượng; công tác cải tạo ao đầm trước, sau vụ nuôi và xử lý môi trường của người dân chưa thực hiện tốt nên mầm bệnh vẫn đang tồn dư trong và ngoài ao nuôi.Cơ sở hạ tầng: Nhiều vùng nuôi không sử dụng ao chứa lắng, xử lý trước khi lấy vào ao nuôi; người dân tự ý hút chất thải trong ao nuôi tôm thải ra môi trường bên ngoài làm nguy cơ lây lan dịch bệnh ngày càng cao. Trong khi đó, nhiều hộ nuôi chưa tuân thủ công tác dập dịch như khi phát hiện tôm bị bệnh chưa đạt kích cỡ thương phẩm vẫn tiến hành thu hoạch.
Nuôi tôm cho thu nhập cao ở Quỳnh Thanh (Quỳnh Lưu). Ảnh: Thanh Lê
Ngoài ra, do thời tiết, khí hậu diễn biến phức tạp, thời gian đầu năm rét đậm, rét hại kéo dài đã làm ảnh hưởng lớn đến sản xuất giống và nuôi trồng thủy sản. Vào giữa vụ nuôi, xuất hiện nhiều cơn mưa trái mùa làm môi trường ao nuôi biến động lớn, gây phát sinh bệnh, sự chuyển đổi đối tượng nuôi nhanh, các cơ sở sản xuất giống không chuẩn bị giống cung ứng kịp thời. Môi trường ô nhiễm kèm theo cơ sở hạ tầng không đồng bộ dẫn đến việc kiểm soát nguồn bệnh gặp nhiều khó khăn. Một số bệnh mới xuất hiện trên tôm nuôi, dẫn đến công tác phòng ngừa bệnh cho tôm chưa có hiệu quả.
Từ những nguyên nhân trên, để vụ nuôi 2012 thắng lợi, cần thực hiện một số giải pháp sau:
Về nguồn giống: Tuyển chọn con giống có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, chất lượng tốt, đã qua kiểm định không bị nhiễm bệnh. Các hộ nuôi (nhất là nuôi tôm thẻ chân trắng) cần quan tâm tái kiểm định, kiểm dịch giống trước khi thả.
Tôm giống nhập về phải được ương gièo trong bể 2 ngày trở lên, sau đó lấy mẫu kiểm tra các chỉ tiêu virus đốm trắng, Taura, MBV đạt yêu cầu mới được xuất bán.
Diện tích ao chứa (lắng) chiếm từ 15-20% tổng diện tích mặt nước của cơ sở, vùng nuôi; bờ và đáy ao chắc chắn, không rò rỉ, thẩm lậu; có hệ thống xử lý nước thải từ ao nuôi tôm trước khi thải ra môi trường.
Ao nuôi phải có diện tích mặt nước tối thiểu 3.000m2; độ sâu đáy ao đến mặt bờ phải đạt tối thiểu 2,0m; bờ ao phải chắc chắn, không rò rỉ. Cống cấp và thoát nước riêng biệt đảm bảo chắc chắn, không rò rỉ. Cống cấp phải có lưới chắn lọc nước nhằm loại bỏ cá tạp, địch hại và cỏ rác khi cấp nước vào ao
Thực hiện tốt công tác cải tạo xử lý ao đầm trước và sau vụ nuôi. Đặc biệt, với các ao nuôi tôm bị bệnh cần thực hiện đúng quy trình trong việc khử trùng tiêu độc, vệ sinh môi trường chung.
Thực hiện nghiêm túc lịch thời vụ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra. Đối với tôm thẻ chân trắng: Nuôi 2 vụ/năm, mật độ nuôi 80-100 con/m2, kích cỡ giống P12, thời gian thả giống vụ 1 từ 20/3 - 30/6, thả giống vụ 2 từ 20/9 - 5/11. Đối với tôm sú: Chỉ nuôi 1 vụ/năm, thời gian thả giống từ 15/4 - 15/6. Trong đó nuôi thâm canh, bán thâm canh: mật độ 15-20 con/m2; quảng canh cải tiến: mật độ dưới 6 con/m2, kích cỡ giống P15.
- Đẩy mạnh áp dụng quy trình nuôi tôm sú, tôm thẻ thâm canh đảm an toàn vệ sinh thực phẩm VietGAP.
+ Cho tôm ăn đầy đủ số lượng và đảm bảo chất lượng, đặc biệt khi thời tiết thay đổi và tôm nuôi đến giai đoạn 30-50 ngày tuổi cần có chế độ chăm sóc (bổ sung Vitamin C, khoáng,... nhằm nâng cao sức đề kháng) và quản lý môi trường thích hợp.
+ Thức ăn và chất bổ sung thức ăn phải nằm trong danh mục được phép lưu hành tại Việt
+ Thuốc, chế phẩm sinh học, sản phẩm xử lý và cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản phải nằm trong các danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam.
+ Cơ sở nuôi phải ghi nhật ký và lưu giữ hồ sơ về hoạt động sản xuất nuôi tôm.
+ Quy hoạch các vùng sản xuất giống tôm thẻ chân trắng nhằm có được nguồn con giống sạch bệnh cung cấp cho người nuôi trên địa bàn tỉnh.
- Rà soát quy hoạch lại diện tích mặn lợ trên địa bàn tỉnh cho phù hợp với tình hình phát triển, xây dựng các khu chứa chất thải ở các vùng nuôi tập trung.
- Đầu tư xây dựng mới, nâng cấp hệ thống kênh cấp và tiêu nước riêng biệt trong vùng nuôi.
- Xây dựng khu xử lý bùn và chất thải.
+ Có chính sách ưu đãi, thu hút, khuyến khích các công ty, doanh nghiệp sản xuất giống tôm thẻ chất lượng tốt về sản xuất tại địa bàn tỉnh như: cho thuê đất sản xuất lâu dài và hưởng mọi chế độ chính sách như các trại sản xuất giống trong tỉnh.
+ Tăng cường sự kiểm tra, giám sát và phối hợp của các cơ quan, ban, ngành từ tỉnh xuống địa phương.
- Tăng cường công tác quan trắc, cảnh báo môi trường và dịch bệnh cho các vùng nuôi.
- Thực hiện kiểm tra, kiểm soát, kiểm định, kiểm dịch chặt chẽ chất lượng con giống và vùng nuôi trồng. Xử lý nghiêm những tổ chức cá nhân sản xuất, kinh doanh tôm giống không chấp hành quy định của Nhà nước.
Phạm Ngọc Hùng