Đề xuất các chính sách phát triển sản phẩm OCOP Nghệ An bền vững
Sáng 20/12, Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội thảo Báo cáo khoa học nhiệm vụ điều tra, đánh giá hiệu quả của các sản phẩm OCOP đạt hạng sao giai đoạn 2019-2022 và đề xuất các giải pháp.
Tham dự chương trình có đại diện các sở, ngành liên quan; lãnh đạo các huyện, thành thị; các chủ thể OCOP và các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm OCOP. Đồng chí Nguyễn Khắc Lâm - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì hội thảo.
Theo báo cáo đề dẫn, chương trình Mỗi xã một sản phẩm (gọi tắt là OCOP) là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và tăng giá trị gia tăng. Chương trình thực hiện từ năm 2018 đến nay đã mang lại nhiều lợi ích kinh tế - xã hội tại nhiều địa phương.
Tính đến thời điểm hiện tại, Nghệ An đã có 632 sản phẩm được xếp hạng đạt OCOP 3 sao trở lên với 397 chủ thể. Nghệ An là tỉnh đứng thứ hai cả nước về số lượng sản phẩm đạt hạng sao được công nhận (sau TP Hà Nội).
Khá nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh xuất khẩu qua các thị trường lâu nay vẫn được xem là khó tính như: Pháp, Đức, Hà Lan, Thụy Điển, Đan Mạch, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore... Nhiều doanh nghiệp đã khẳng định được chất lượng sản phẩm của mình.
Để lượng hóa được hiệu quả, sự đóng góp của các sản phẩm OCOP đạt hạng sao và đề xuất các giải pháp hữu ích, Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn phối hợp với Chi cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện nhiệm vụ KHCN năm 2024: “Điều tra, đánh giá hiệu quả của các sản phẩm OCOP đạt hạng sao được công nhận từ năm 2019 - 2022 của tỉnh Nghệ An và đề xuất giải pháp”.
Theo đánh giá, các sản phẩm OCOP đã và đang mang lại hiệu quả khá rõ về mặt kinh tế, văn hóa – xã hội, môi trường và công nghệ, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nông thôn. Kết quả chung, có 12,8% số chủ thể đánh giá các sản phẩm rất hiệu quả và 60,4% số chủ thể đánh giá các sản phẩm hiệu quả.
Về hiệu quả kinh tế của sản phẩm OCOP: có 7,8% số chủ thể đánh giá sản phẩm “Rất hiệu quả” và 56,7% số chủ thể đánh giá sản phẩm “Hiệu quả”. Trong đó, 3/9 tiêu chí được đánh giá mang lại hiệu quả tốt nhất là: “góp phần gia tăng giá trị nguyên liệu địa phương, văn hóa và tri thức bản địa”; “góp phần chuyển đổi sản xuất theo hướng gia tăng quy mô gắn với chuỗi giá trị tại địa phương”; “thúc đẩy phát triển các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh”.
Về hiệu quả văn hóa – xã hội của sản phẩm OCOP: có 13.3% số chủ thể đánh giá sản phẩm “Rất hiệu quả” và 60.7% số chủ thể đánh giá sản phẩm “Hiệu quả”; Về hiệu quả môi trường của sản phẩm OCOP: có 18,1% số chủ thể đánh giá sản phẩm “Rất hiệu quả” và 65,1% số chủ thể đánh giá sản phẩm “Hiệu quả”; Về hiệu quả công nghệ của sản phẩm OCOP: có 12,0% số chủ thể đánh giá sản phẩm “Rất hiệu quả” và 58,7% số chủ thể đánh giá sản phẩm “Hiệu quả”.
Tuy nhiên, trong thực tiễn đang còn tồn tại như: Thiếu sự hài hòa giữa chất và lượng các sản phẩm OCOP; số lượng sản phẩm OCOP của tỉnh nhiều nhưng chưa có nhiều sản phẩm tiêu biểu; không ít sản phẩm sau khi được công nhận đạt sao không có sự tăng trưởng về sản lượng, chất lượng.
Việc đánh giá, công nhận lại sản phẩm OCOP gặp nhiều khó khăn, quảng bá thương hiệu, sản phẩm hàng hóa OCOP của chính cơ sở sản xuất sản phẩm đang còn rất hạn chế; liên kết sản xuất trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ, chuyển giao tiến bộ KH&CN nhiều hạn chế; Liên kết giữa phát triển các sản phẩm OCOP gắn với phục vụ cho sản phẩm và trải nghiệm du lịch chưa được quan tâm …
Kết quả nghiên cứu này là cơ sở thiết thực cho các nhà hoạch định chính sách và quản lý của tỉnh Nghệ An đề xuất các chính sách, chương trình phù hợp để phát triển các sản phẩm OCOP một cách bền vững. Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu góp phần nâng cao năng lực cho cán bộ địa phương, cũng như các chủ thể sản xuất kinh doanh các sản phẩm OCOP; đồng thời, cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn phát triển sản phẩm OCOP giai đoạn tiếp theo.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận làm rõ hơn những kết quả nghiên cứu được thể hiện trong báo cáo khoa học; nêu kiến nghị về các chính sách phát triển sản phẩm OCOP; đề xuất các giải pháp nhằm nâng hiệu quả của chương trình OCOP bền vững…