Đề xuất chế độ đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo trong Luật Nhà giáo
Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất 2 giải pháp liên quan đến đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo trong trong Báo cáo đánh giá tác động của chính sách lập đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo.
Động lực để thu hút người giỏi trở thành giáo viên
Nhấn mạnh một số bất cập, Báo cáo nêu: Các chính sách chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo trong Luật Giáo dục chỉ mang tính “tuyên ngôn” mà chưa thể áp dụng trực tiếp trong thực tiễn do thiếu các cơ chế hữu hiệu để Chính phủ, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, các bộ chủ quản và UBND các địa phương triển khai thống nhất các quy định này.
Cán bộ quản lý giáo dục được điều động, được bầu, bổ nhiệm, tăng cường, biệt phái (mà trước đó họ là nhà giáo công tác tại các cơ sở giáo dục, đào tạo) chưa được hưởng phụ cấp thâm niên của nhà giáo dẫn tới khó khăn khi điều động, bổ nhiệm nhà giáo từ các cơ sở giáo dục lên phòng giáo dục và đào tạo, sở giáo dục và đào tạo.
Hiện tượng nhà giáo bỏ nghề sau khi được đào tạo từ nước ngoài bằng ngân sách, hoặc chuyển sang cơ sở đào tạo khác sau khi được đào tạo bằng kinh phí của cơ sở đào tạo, diễn ra khá phổ biến nhưng lúng túng trong việc yêu cầu bồi hoàn kinh phí đào tạo.
Mục tiêu của chính sách là, xác định các vấn đề trong đãi ngộ, tôn vinh, khen thưởng nhà giáo, làm động lực để thu hút người giỏi tham gia trở thành giáo viên, tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo đã vào ngành cống hiến, tận tâm với nghề;
Đồng thời, tăng cường chế độ đãi ngộ đối với nhà giáo, thiết lập cơ chế phân loại bảo đảm chế độ đãi ngộ công bằng, người làm nhiều thì được đãi ngộ cao, xây dựng chế độ phân phối tiền lương và cơ hội thăng tiến, tăng lương và đãi ngộ đối với những người có thành tích xuất sắc;
Mặt khác, thực hiện các yêu cầu để giảm gánh nặng cho nhà giáo, bảo đảm nhà giáo được yên tâm cống hiến hết mình cho việc giảng dạy và giáo dục con người.
Đề xuất 2 giải pháp
Để giải quyết vấn đề, Bộ GD&ĐT đề xuất 2 giải pháp: Giữ nguyên theo quy định hiện hành của các Luật liên quan (giải pháp 1); quy định đồng bộ, thống nhất các vấn đề về đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo tại Luật riêng (giải pháp 2). Cụ thể:
Thứ nhất, xác định các vấn đề cơ bản về chính sách tiền lương, phụ cấp, trợ cấp, chế độ hưu trí, khám chữa bệnh, bảo hiểm xã hội của nhà giáo.
Thứ hai, xác định các chính sách đối với nhà giáo công tác ở trường chuyên biệt, vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Thứ ba, xác định chính sách hỗ trợ về nhà ở, nhà công vụ đối với nhà giáo.
Thứ tư, xác định cụ thể hóa các tiêu chí thi đua, khen thưởng đối với nhà giáo.
Đánh giá tác động của các giải pháp
Bộ GD&ĐT có đánh giá tác động của các giải pháp đối với đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách và các đối tượng khác có liên quan.
Đối với giải pháp 1, tác động đối với xã hội là: Khi có không có chính sách riêng, nhà giáo sẽ không khẳng định được vị trí trong xã hội. Nhiều học sinh không có đam mê thi tuyển vào các trường sư phạm dẫn đến khả năng thiếu hụt đội ngũ nhà giáo trong tương lai.
Về tác động đối với pháp luật: Sẽ có quá nhiều văn bản dưới luật quy định về các chính sách đối với nhà giáo nhưng chưa bảo đảm tính công bằng cũng như chưa phát huy được năng lực và tinh thần cống hiến của từng nhà giáo.
Về tác động đối với kinh tế: Chế độ đãi ngộ đối với nhà giáo còn thấp, trong khi áp lực công việc nhiều dẫn đến nhiều nhà giáo có chuyên môn và năng lực nhưng không đủ kiên nhẫn để cống hiến với nghề.
Tác động về giới và quyền con người, hạn chế của giải pháp này là tỷ lệ nhà giáo nữ cao hơn so với nam vì nhiều giáo viên nữ lựa chọn công việc gắn với điều kiện gia đình hơn là đam mê nghề nghiệp.
Đối với giải pháp 2. Tác động pháp luật của giải pháp là: Việc sửa đổi này là phù hợp với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, thể chế hóa quan điểm của Đảng về đổi mới giáo dục trong các văn bản như Nghị quyết số 29 của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, đào tạo; Kết luận số 23-KL/TW của Hội nghị Trung ương 5 khóa XI về "Một số vấn đề về tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và định hướng cải cách đến năm 2020".
Tác động xã hội là: Nếu có những pháp luật về chế độ lương, phụ cấp đối với nhà giáo mang tính ổn định, nhất quán và minh bạch sẽ tạo động lực để đội ngũ nhà giáo hiện tại tận tâm thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình;
Thu hút thí sinh giỏi, tâm huyết với nghề chọn theo học tại các trường sư phạm để bổ sung nguồn lực nhà giáo, tránh hiện tượng khủng hoảng thiếu nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp giáo dục và đào tạo.
Đảm bảo mặt bằng thu nhập, tạo sự công bằng xã hội giữa nghề giáo với các nghề khác trong xã hội
Tác động kinh tế- ngân sách: Việc điều chỉnh tăng chế độ lương, phụ cấp đối với nhà giáo (nhóm hưởng lương từ ngân sách nhà nước) gây sức ép lớn đối với ngân sách nhà nước trong điều kiện hiện tại.
Việc điều chỉnh tăng chế độ lương, phụ cấp đối với nhà giáo tại các cơ sở giáo dục, đào tạo tư thục và công lập tự chủ tài chính không ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước nhưng làm gia tăng chi phí học tập, đào tạo của gia đình- xã hội và ảnh hưởng tiêu cực đến tỷ trọng khoản chi đầu tư cơ sở vật chất của chính cơ sở giáo dục, đào tạo đó.
Nhà nước sẽ phải đầu tư kinh phí để sửa các Luật và văn bản dưới Luật hiện hành có liên quan.
Tác động về giới và quyền con người: Không có tác động về giới và quyền con người từ những sửa đổi bổ sung các quy định về chế độ lương, phụ cấp và các ưu đãi cho nhà giáo.
Từ những phân tích trên, Bộ GD&ĐT đề xuất lựa chọn giải pháp 2. Theo đó, Luật hóa các nội dung sau: Bổ sung quy định về tiền lương, phụ cấp đối với nhà giáo; bổ sung quy định về chế độ hưu trí, khám chữa bệnh và bảo hiểm xã hội của nhà giáo.
Bổ sung quy định về chính sách đối với nhà giáo công tác ở trường chuyên biệt, vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; bổ sung quy định về điều kiện, quy trình về chính sách nhà ở, nhà công vụ đối với nhà giáo; bổ sung quy định về các tiêu chí, danh hiệu thi đua, khen thưởng, tôn vinh đối với nhà giáo.
Bộ Giáo dục và Đạo tạo lựa chọn các giải pháp 2 với các lý do như sau: Đảm bảo đầy đủ các chế độ, chính sách đối với nhà giáo, có tính toán đến yếu tố đặc thù ngành để nhà giáo yên tâm công tác.
Tạo điều kiện cho nhà giáo công tác ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có cơ hội tiếp cận đầy đủ về chính sách, có các hỗ trợ đặc thù để thu hút nhà giáo về công tác. Tạo sự thu hút đối với sinh viên giỏi tham gia học Sư phạm để trở thành nhà giáo.