Đêm giữa vùng "2 khát"
(Baonghean) - Cách đây 6 năm, tôi có hỏi người chị họ là cô giáo mầm non có hơn 10 năm dạy học tại Huồi Tụ (Kỳ Sơn) rằng, nỗi khao khát nhất của con người nơi đây là gì? Chị trả lời ngay: “Đó là điện và nước sạch”. Trong lần trở lại Huồi Tụ hôm nay, người dân trong các bản Mông vẫn sống trong nỗi khao khát nguồn điện quốc gia và hàng ngày, họ vẫn phải lội bộ 4 - 5 km để gùi nước...
Huồi Tụ là xã miền núi đầu tiên tôi có dịp đi thực tế hồi mới tập viết báo trong một lần hiếm hoi từ Hà Nội về quê. Tôi đến Huồi Tụ còn bởi bà chị họ xa của tôi dạy trẻ mầm non ở trên ấy, thường kể chuyện với cái vẻ rất buồn. Nào là chốn này khỉ ho cò gáy lắm, dân bản lại không mấy thiện cảm với người ngoài. Buồn nhất là những buổi chiều nghe băng bản nhạc Mông, dẫu không rõ nghĩa, vẫn buồn man mác. Những buổi chiều tối, ngồi chẳng biết làm gì chị lại cầm điện thoại leo lên đồi cao dò sóng rớt để gọi cho tôi, tâm sự đủ thứ chuyện... Từ những câu chuyện lạ ấy đã kéo tôi từ Hà Nội về quê, rồi ngược Quốc lộ 7 lên Huồi Tụ cách nhà ngót trăm rưỡi cây số.
Ngày ấy, muốn vào trung tâm xã chưa thể ngồi ô tô như bây giờ. Đường sá còn rặt những đất đá, mù mịt bụi. Tôi phải ngồi xe ôm gần 2 giờ đồng hồ mới tới nơi. Anh xe ôm bảo nơi này từ đầu mùa Thu cho đến cuối Xuân năm sau, cứ chiều về lại mờ ảo sương. Tôi nhìn theo những cô gái Mông mà lấy làm lạ. Lúc nào các cô cũng lặng lẽ như những chiếc bóng hiện ra rồi mất hút vào màn sương. Chỉ có mấy chú gà gô trống là vẫn thản nhiên xòe cánh làm duyên mời gọi bạn tình dọc ven đường. Lần đầu tiên đến Huồi Tụ tôi đã có một đêm khó ngủ, trằn trọc mãi cho đến gà gáy để ghi nhật ký về cuộc sống nơi đây với những dòng chứa chan xúc cảm. Đối với tôi, Huồi Tụ ngày ấy là một vùng lạnh lẽo, quanh năm thiếu nước và không có điện lưới. Tất cả cuộc sống con người lẫn phong cảnh đều nhạt nhòa như những chiều sương.
Đến Huồi Tụ lần này, tôi và anh bạn làm báo có thế chạy xe máy trên con đường nhựa êm ru. Thoắt cái những dốc dài, dốc ngắn, đèo cao, núi thấp đều đã ở lại sau lưng. Chỉ mất hơn 40 phút chúng tôi đã đi hết quãng đường 25 km từ trung tâm huyện lỵ Mường Xén vào trung tâm xã. Mặt trời đã xuống núi, cánh cán bộ xã vẫn mải mê chơi bóng chuyền. Trên cái chợ cóc ở bản Ngã Ba, những người Mông vẫn chưa dọn hàng về. Một thiếu nữ còn nán lại bên đống dứa nở nụ cười đon đả mời: “Dứa mới hái về đấy, chú à. Ngon lắm. 10 nghìn một quả” - “15 nghìn một đôi bán không?” – Anh bạn tôi mặc cả. “Không được chú à, của người ta gửi bán hộ đấy!”- “Bán hàng phải hữu nghị một chút chứ!” – Tôi chen vào cho có chuyện. “Chú không mua thì cháu cũng không bán mà”. – Cô gái đáp lời vẻ quả quyết, mặc dầu trên miệng vẫn giữ nét cười thường trực. Thế mới biết con gái Mông nói cứ chắc nịch như cái đinh đóng trên chiếc cột nhà gỗ sa mu. Tôi chợt thấy vui vui với ý nghĩ: Con gái Mông bây giờ cũng đã biết đến nghệ thuật bán hàng rồi…
Phó Chủ tịch xã Dềnh Bá Lồng vui vì có khách xa ghé nhà. Sau khi tha theo tôi trên chiếc xe máy mới coong tham quan khắp mấy bản trong xã, liền ngỏ lời mời: “Đêm nay, chú ngủ lại nhà anh nhé!”. Và khi chúng tôi trở lại căn nhà nhỏ của anh bên con đường rải nhựa thì đêm tối đã bao trùm, những chóp núi thêm vẻ huyền bí và trầm mặc. Một đợt mưa ùa đến mang theo cái vẻ lành lạnh đặc trưng của miền cao khiến tôi nổi da gà. Trước đó, anh Bá Lồng đã bảo với tôi, Huồi Tụ chưa có điện, nhưng trong nhà vẫn có chiếc bóng đèn compac tỏa ánh sáng yếu ớt khắp gian phòng nhỏ thưng gỗ. Anh bảo hôm nay nhà có khách nên xin đấu nối nhờ điện nhà hàng xóm. Họ cũng phải đấu nối nhờ nguồn điện của trạm y tế.
Trong khi chờ chị vợ người Thái quê xã Nhôn Mai (Tương Dương) nấu bữa tối, anh Bá Lồng dẫn tôi đi thăm mấy nhà trong bản Trung Tâm. Anh cho biết, bản có trên chín chục hộ thì quá nửa số này phải thắp đèn dầu. Còn nữa là nhờ nguồn điện từ những chiếc tua bin nhỏ. Chúng tôi bước vào một căn nhà mái thấp lè tè. Mái nhà kiểu truyền thống của người Mông, ban ngày vốn cũng đã thiếu ánh sáng đêm đến tựa hồ chiếc hang nhím. Trong căn bếp, có hai điểm sáng hắt ra từ cái bếp nấu bữa tối và chiếc đèn dầu treo trên cột nhà được làm từ vỏ lon đồ uống. Bà mẹ lớn tuổi không thạo nghe tiếng Kinh nên nhường câu chuyện lại cho cô con gái. Sau phát e dè ban đầu cô gái bảo: “Mình tên Y Dìa, 19 tuổi. Lấy chồng xã Mường Lống. Hôm nay về thăm cha mẹ.” Câu chuyện trong căn nhà tối lại xoay quanh chuyện điện thắp sáng. Gương mặt trẻ của Y Dìa hiện lên ửng đỏ trong ánh lửa bập bùng. Cô bảo: “Bây giờ có đường rồi. Mong nhất là cái điện lưới!”.
Chúng tôi trở lại căn nhà của anh Bá Lồng đã gần 9 giờ tối. Lúc này bữa tối của gia đình mới bắt đầu. Bữa tối hôm nay có thêm cán bộ kế toán Già Bá Lánh và Phó Chủ tịch Hạ Bá Lì dự cùng. Hạ Bá Lì là 1 trong 600 phó chủ tịch xã trong dự án của Bộ Nội vụ buông đũa sớm hơn mọi người. Anh phân bua: “Từ chiều đến giờ đã được tắm đâu?” “Bận bịu công cán quá à?” - Tôi gạn hỏi. “Bận gì đâu? Không có nước để tắm anh ạ.” Cán bộ Lì thật thà trả lời khiến tôi sực nhớ ra năm nọ, lần đầu lên với Huồi Tụ, hình ảnh các cô giáo mầm non phải gùi từng can nước từ dưới thấp lên đồi cao. Té ra bao năm nay, tình hình vẫn chưa được cải thiện.
2 cán bộ xã đi lấy nước ăn lúc 23 giờ đêm. |
Anh Bá Lồng như phần nào đoán được tâm tư của tôi liền tiếp lời: “Những năm trước, Nhà nước cũng có xây cho các bản dọc tuyến đường môt công trình nước tự chảy. Nhưng rồi lượng nước ít, một phần vì ý thức bảo vệ công trình của bà con còn kém, nên hỏng hóc hết. Thế là phải đi xa gùi”. Cứ chiều đến, những chỗ lấy nước ăn gần bản thường chật kín người đến kin nước, tắm rửa. Có khi đến 9 giờ tối vẫn chưa ngớt người. Mấy anh cán bộ trẻ cũng thật “tâm lý”, chờ cho dân bản tắm táp xong xuôi mới tìm đến những nguồn nước. “Mình cán bộ, làm việc nhẹ, không nóng bằng họ nên nhường là đúng mà”, kế toán viên Già Bá Lánh nói rồi cũng buông đũa theo.
Tôi ngỏ ý muốn cùng 2 cán cán bộ xã đi tắm. Đã quá 22 giờ, chúng tôi cưỡi xe máy tìm đến nguồn nước gần nhất cách nhà gần 1 km. Cái bể nước nằm ngay cạnh đường cái. Hạ Bá Lì rọi chiếc đèn pin vào chiếc bể khô rang, rồi thất vọng trở ra. Cả 3 chúng tôi lại tìm đến một cái bể khác gần con suối cạn. Ở đây, cũng chẳng khá hơn. Bên trong bể tối om không có lấy một tia nước nhỏ. Chỉ có bầy muỗi bị ánh đèn pin làm cho kinh động vo ve bay túa ra. “Bây giờ muốn lấy nước phải đi xa một chút”. Anh Bá Lì nói. Chỗ lấy nước của một nhà dân dẫn nước về phục vụ trang trại nhỏ phía ngoài cách bản Trung Tâm hơn 3 km. May cho chúng tôi là nguồn nước này vẫn khá dồi dào, từ ngoài đường cái vẫn nghe thấy tiếng nước chảy giữa đêm vắng. “Bình thường cả bản vẫn đến đây gùi nước đấy. Mình đi xe máy còn đỡ, người ta gùi trên lưng cuốc bộ mới nhọc anh ạ.” – Anh Bá Lì giải thích rồi mở cánh cổng đi vào. Cuối cùng thì chúng tôi cũng được tắm mát thỏa thuê còn được một can nước đầy ắp mang về. Những giọt nước mà theo anh Bá Lánh thì còn quý hơn cả… rượu, sẽ được dùng một cách chắt chiu trong 2 ngày mới phải đi lấy.
Gia đình anh Bá Lồng đã đi ngủ. Đêm ấy tôi nằm trong căn phòng của cậu con trai cả anh Bá Lồng đang đi học xa. Căn phòng như chiếc hầm nhỏ, tối bưng. Cũng may khí trời miền cao khiến nó không mang lại cảm giác ngột ngạt. Tôi mở tung các cửa chính, cửa sổ rồi buông màn đi ngủ. “Không có điện, lại thiếu nước sinh hoạt, vất vả vậy đấy chú”. Anh Bá Lồng vừa rọi đèn cho tôi mắc màn vừa phân bua. Tôi đặt lưng xuống lại chợt nhớ đến câu nói của anh Phó Chủ tịch xã mới Hạ Bá Lì: “Huồi Tụ chỉ cần có điện, có nước là sẽ khởi sắc thôi mà”. Anh Bá Lồng đã đi nghỉ. Cao nguyên Huồi Tụ chìm trong yên lặng…
Hữu Vi