Đêm thiêng tưởng niệm
(Baonghean) - Tháng 7, cả đất nước thành kính tri ân những người con đã ngã xuống vì dân tộc. đất trời Anh Sơn dường như cũng thẫm xanh lại trong mùa tưởng nhớ. Gần 11.000 ngọn nến linh thiêng trên những ngôi mộ lung linh tỏa sáng đêm Nghĩa trang hữu nghị Việt - Lào.
Chúng tôi lại tìm về mảnh đất thiêng Anh Sơn trong nỗi rưng rưng xúc cảm của đêm lễ uống nước nhớ nguồn 2013. Nghĩa trang quốc tế Việt-Lào - nơi an nghỉ của 10.804 liệt sỹ, trong đó chỉ có 3.879 mộ liệt sỹ đã xác định được danh tính; giăng trắng mênh mông cả nghĩa trang là những bia mộ với dòng chữ nhói lòng “Liệt sỹ chưa biết tên”…
Anh Thái Đình Khánh, cán bộ Ban quản lý nghĩa trang dẫn chúng tôi qua hàng hàng, lớp lớp những dãy mộ chí ngay ngắn như các anh vẫn đứng thành đội ngũ. Anh kể: “Chăm sóc hương khói cho các anh ở đây đã trên 10 năm, mỗi lần tìm thêm được danh tính cho một liệt sỹ, lòng chúng tôi thấy thêm một lần ấm áp”. Nghe lời tâm sự của người quản trang này, chợt nhớ hôm vào Bảo tàng QK 4 mới đây, đại úy Nguyễn Hữu Hoành đã đưa cho chúng tôi xem những bức thư của các thân nhân liệt sỹ nhờ tìm mộ - Những bức thư được xếp lại thành hình dấu hỏi (?). Dấu hỏi nghiệt ngã đó như là câu hỏi dành cho thế hệ hôm nay với trách nhiệm tìm được hết các anh về đất mẹ - Hôm nay, trước gần 7.000 tấm bia mang dòng chữ “Liệt sỹ chưa biết tên” nơi Nghĩa trang quốc tế Việt – Lào, nỗi nghẹn ngào vẫn trào dâng. Các anh ở đây có phải đã mang cùng một tên, đó là tên đất nước!
Lễ thắp nến tri ân tại Nghĩa trang Hữu nghị Việt - Lào tối 26/7/2013
Với diện tích gần 7 ha, Nghĩa trang liệt sỹ Việt – Lào là nghĩa trang lớn nhất quy tập các mộ liệt sỹ của quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam từng tham gia chiến đấu và hy sinh tại Lào. Đây cũng là nghĩa trang duy nhất của Việt Nam mang tên hai quốc gia, hai dân tộc. Tại đây, ngoài các liệt sỹ có quê hương từ Nghệ An, còn có rất nhiều các liệt sỹ khác quê ở Thanh Hóa, Hải Phòng, Nam Định, Hải Dương, Bắc Giang...
Theo ông Trần Văn Hiền, Trưởng ban Quản lý nghĩa trang, trung bình mỗi năm có hơn 1 ngàn gia đình, thân nhân đến đây thắp hương viếng liệt sỹ. Tối 26/7 năm nào cũng vậy, Ban quản trang kết hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức lễ "Uống nước nhớ nguồn" để ghi nhớ công ơn những người đã khuất. Năm nay, cùng với 568.561 ngọn nến được thắp lên tại 2.562 nghĩa trang trên toàn quốc, gần 11.000 ngọn nến cũng đã tỏa sáng lung linh, như những đốm sao nhỏ trên mỗi nơi an nghỉ của những người chiến sỹ tình nguyện Việt Lào. Mỗi đốm sao nến như ngôi sao đầu mũ của các anh năm xưa, giờ lại kết thành một rừng sao lung linh trong đêm thiêng tưởng niệm.
Trước giờ chính lễ, hàng ngàn người dân từ khắp mọi miền đất nước đã tìm về đây thắp lên những nén hương và ngắm nhìn nơi người thân mình an nghỉ. Bà Nguyễn Thị Linh, 75 tuổi, năm nào cũng lặn lội từ Bắc Ninh về đây, tay cầm bó hương to, bà thắp cho rất nhiều ngôi mộ. Bà nghẹn ngào: "Chỉ biết thằng cả nhà bác về đây, nhưng không biết nằm chỗ nào. Thôi thì, không thắp được đúng chỗ nó nằm, thắp cho anh em, đồng đội nó cũng là làm ấm lòng nó vậy!". Còn bà Đặng Thị Trung - 66 tuổi, có chồng là liệt sỹ hy sinh năm 75 ở chiến trường Miền Nam, đến nay vẫn chưa tìm thấy mộ.
Năm nào cũng vậy, cứ đến Ngày Thương binh liệt sỹ bà cũng đến nghĩa trang này để thắp hương cho các liệt sỹ với một niềm tin: ở một nghĩa trang nào đó trên đất nước Việt Nam mộ phần của chồng bà cũng đang được những người mẹ ,người chị, người em gái chăm sóc, khói hương. Trước hàng nghìn “Những ngôi sao không nói” tại nghĩa trang này , người vợ liệt sỹ đã vượt qua nỗi đau mất mát thay chồng nuôi 3 đứa con ăn học trưởng thành lại thì thầm ôn chuyện nhà, chuyện xóm làng.
Thắp nén nhang cho đồng đội ở Nghĩa trang liệt sỹ Việt-Lào, anh Nguyễn Kim Trung, thương binh 1/4, (quê Hương Xuân, Hương Khê, Hà Tĩnh) rớm nước mắt. Năm 1972, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, 2 anh em trai Nguyễn Kim Trung và Nguyễn Văn Quang lên đường. Nguyễn Kim Trung vào chiến đấu ở tuyến lửa Thành cổ Quảng Trị. Còn Nguyễn Văn Quang vào đơn vị đặc công chiến đấu ở chiến trường Thượng Lào. Vừa cưới vợ được đúng 1 ngày, Nguyễn Văn Quang nhận lệnh lập tức lên đường. Người lính trẻ đành phải xa mẹ già, vợ trẻ, hy sinh hạnh phúc riêng tư ở lứa tuổi 20. Chỉ sau 3 tháng, gia đình nhận được giấy báo tử Nguyễn Văn Quang. Còn ở chiến trường Thành cổ Quảng Trị, Nguyễn Kim Trung cũng bị thương cụt cả 2 tay và nhiều vết đạn ở chân.
Chiều Thị trấn Anh Sơn tràn ngập người. Các chị, các bà đến với nghĩa trang từ rất sớm để nhổ cỏ, chăm sóc từng ngôi mộ. Trên tay mỗi người đều đau đáu một vài thẻ hương để "Thắp cho các anh”. Nhiều học sinh vai mang khăn quàng đỏ nâng trên tay những cốc nến xinh xinh, nhẹ nhàng đặt ngay ngắn trước mỗi mộ chí - "Cháu được các thầy cô dạy về những tấm gương các chú, các bác hy sinh dũng cảm, nhưng khi đến đây, được cùng bạn bè đặt hoa, đặt nến thế này, cháu thấy thương các chú, các bác nhiều hơn” - Em Hồ Thanh Trà, học sinh lớp 5 Trường tiểu học thị trấn thủ thỉ… Ngập tràn khắp nghĩa trang là những màu áo xanh tình nguyện, họ đã làm tất cả những gì có thể để khu tưởng niệm, lễ đài, từng ngôi mộ được phong quang, đẹp đẽ hơn ngày thường. Các tình nguyện viên cũng tất bật hướng dẫn những người từ xa về thắp hương cho người thân. Nơi đây đã trở thành ngôi nhà chung cho cả người đã nằm xuống và người còn sống.
Đúng 8 giờ tối, buổi lễ chính thức bắt đầu, 2 hàng tiêu binh danh dự, đứng nghiêm trang suốt từ dưới lên đến chân đài tưởng niệm, hàng nghìn nam, nữ đoàn viên được huy động cầm nến và hồng kỳ, màu áo xanh thanh niên hòa lẫn với màu áo dài trắng tinh khôi và màu đỏ thắm của sắc cờ Tổ quốc tạo không khí trang nghiêm, thành kính và thiêng liêng. Tất cả đều lặng yên, hướng về đài tưởng niệm. Trong nghi ngút khói hương, từng hồi chiêng, tiếng trống gióng dã như lời nguyện cầu cho linh hồn các liệt sỹ được siêu thoát. Khắp nghĩa trang phủ một màu huyền ảo lung linh của hơn 1 vạn ngọn nến trước mỗi mộ chí - nghĩa trang chợt thành đài hoa rực rỡ. Hương khói trên từng ngôi mộ cứ lan tỏa, hòa quyện.
Trên lễ đài chính, sau 9 hồi chuông ngân lên, 66 nam, nữ thanh niên, mỗi người 1 cây nến trên tay đã làm thành đường dẫn cho đoàn đại biểu Bộ Tư lệnh Quân khu 4, các sở, ban, ngành đoàn thể cấp tỉnh, các huyện trong tỉnh, thân nhân liệt sỹ từ khắp mọi miền và đông đảo nhân dân Anh Sơn tiến về tượng đài chính dâng hương trong nền nhạc bi hùng.
Trong ánh sáng huyền ảo, những cơn gió Tây chợt thổi về mát lạnh. Lời văn tế vang vang lên khắc ghi ơn sâu sự hy sinh của những người con anh hùng của dân tộc. Nhiệm vụ quốc tế hoàn thành/Đất nước Việt Lào giải phóng/Thế nên/Huân chương Sao vàng cao quý Nhà nước Việt Nam ghi công đầu cho quân tình nguyện Việt Nam anh hùng/ Truyền thống dân tộc sáng ngời, lịch sử chép chữ lớn cho tình quốc tế Việt - Lào cao thượng/Nay chọn Nghệ An làm điểm hẹn, tao phùng cố lý/Trăm năm mả đẹp mồ yên/Xin cho cả nước đội vòng hoa, hương hỏa đỉnh chung, tình sâu nghĩa nặng...". Lời tế do đồng chí Đặng Xuân Quang – Phó Chủ tịch UBND huyện Anh Sơn đọc như hòa trong tiếng chiêng, tiếng nhạc trầm hùng, lay động làm cả ngàn người nghe cũng thổn thức.
Ở một góc khuất trong khu nghĩa trang, mẹ Nguyễn Thị Lanh giang đôi tay gầy guộc như muốn ôm trọn lấy những phần mộ nghẹn ngào: Các con của mẹ hãy yên nghỉ, không ai trong chúng ta quên các con…
Bài, ảnh: Trần Hải - Thành Chung