Đến lượt Anh, Pháp muốn thách thức Trung Quốc ở Biển Đông

tuoitre.vn 04/06/2018 14:21

Phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ngày 3-6, Bộ trưởng quốc phòng Anh và Pháp tuyên bố sẽ điều động tàu chiến đến Biển Đông để thách thức hành động bành trướng quân sự của Bắc Kinh.

Tham vọng rõ ràng của Trung Quốc ở Biển Đông khiến thế giới lo lắng - Ảnh:Reuters

Đây là một diễn biến mới đáng chú ý liên quan đến Biển Đông: Anh và Pháp - hai thành viên Thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ - cụ thể hóa quan điểm phản đối Bắc Kinh bằng cách đồng lòng nối gót Mỹ tiến hành tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Pháp, bà Florence Parly, một nhóm tàu tác chiến của Pháp cùng với trực thăng và tàu chiến Anh sẽ thăm cảng Singapore trong tuần tới, sau đó hạm đội sẽ di chuyển "đến một số khu vực nhất định" ở Biển Đông.

Không đề cập trực tiếp Trung Quốc, bà Parly bóng gió rằng hạm đội sẽ đi vào "vùng biển tranh chấp" ở Biển Đông và có khả năng giáp mặt với "một lực lượng quân sự".

"Vào một thời điểm nào đó, một giọng nói nghiêm khắc sẽ nói vào bộ đàm và yêu cầu chúng tôi đi ra khỏi "vùng nước chủ quyền" - Bộ trưởng Parly diễn tả - "Nhưng chỉ huy của chúng tôi sẽ bình tĩnh trả lời rằng ông sẽ tiếp tục tiến về phía trước, bởi vì theo luật quốc tế, đây là vùng biển quốc tế".

Bà Parly nhấn mạnh dù Pháp không phải là bên có tranh chấp ở Biển Đông, bằng cách tiến hành các chiến dịch tuần tra thường xuyên "với đồng minh và bạn bè", Pháp đang đóng góp vào một trật tự thượng tôn pháp luật.

"Tôi tin rằng chúng ta nên mở rộng nỗ lực này thậm chí xa hơn" - Bộ trưởng Pháp kêu gọi. Bà cho biết châu Âu đang huy động sự ủng hộ rộng rãi đối với hoạt động tuần tra Biển Đông, các nhà quan sát của Đức cũng hiện diện trên hạm đội của Anh và Pháp.

Tàu chỉ huy và đổ bộ Dixmude là chiếc thứ 3 trong lớp tàu Mistral trong chuyến thăm Việt Nam ngày 1-6. Với khả năng mang theo nhiều trực thăng, thậm chí trong tương lai có thể là tiêm kích lên thẳng như F-35, lớp Mistral của Hải quân Pháp được xếp vào lớp tàu sân bay trực thăng - Ảnh: Duy Linh

Đại sứ Pháp tại Việt Nam Bertrand Lortholary nhấn mạnh với tư cách là quốc gia có vùng đặc quyền kinh tế rộng thứ hai thế giới, việc đảm bảo tự do hàng hải và hàng không ở Thái Bình Dương nằm trong lợi ích của nước Pháp.

Phát biểu trên đài chỉ huy tàu sân bay trực thăng Dixmude đang ở thăm Việt Nam ngày 1-6, Đại sứ Lortholary khẳng định: "Là một trong 5 quốc gia thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Pháp có quyền và trách nhiệm trong việc đảm bảo hòa bình, ổn định trên các vùng biển quốc tế.

Trong bối cảnh tranh chấp đang xảy ra giữa một số bên tại Biển Đông , sự hiện diện của hai tàu chiến Pháp ở Việt Nam lần này là chỉ dấu cho thấy sự thiện chí và cam kết của nước Pháp đối với trách nhiệm duy trì tự do hàng hải và hàng không tại khu vực".

Đại sứ Lortholary nhấn mạnh rằng châu Âu nói chung và nước Pháp nói riêng hưởng lợi từ việc đảm bảo dòng chảy thương mại được tự do và ổn định tại châu Á - Thái Bình Dương.

Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson thông báo tại Diễn đàn Shangri-La rằng 3 tàu chiến nước này sẽ được cử đến Biển Đông trong năm nay để "cân bằng ảnh hưởng xấu" và duy trì trật tự luật pháp về lâu dài.

"Chúng tôi muốn nói rõ, tất cả các quốc gia cần phải tuân theo luật pháp, nếu không sẽ phải đối mặt với hậu quả" - Bộ trưởng Williamson cảnh báo.

Có mặt tại Shangri-La, các đại diện của Bắc Kinh tỏ ra khá bình tĩnh trước kế hoạch của Anh và Pháp, họ bình luận rằng Biển Đông "là nơi tự do và luôn mở rộng cho tất cả, và không có bất cứ giới hạn nào trong tự do hàng hải".

"Nhưng vi phạm chủ quyền của Trung Quốc sẽ không được chấp nhận" - Trung tướng Hà Lôi -Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học quân sự Trung Quốc kiêm trưởng phái đoàn Trung Quốc nói thêm.

Một vị khác là đại tá Zhou Bo - Giám đốc Trung tâm Hợp tác An ninh thuộc Bộ Quốc phòng Trung Quốc, cho rằng câu hỏi phải là liệu Anh và Pháp có ý định đi vào phạm vi 12 hải lý xung quanh các thực thể do Trung Quốc kiểm soát hay không.

"Các thực thể của Trung Quốc không nằm trên tuyến hàng hải quốc tế thông thường, nên nếu họ cố tình đi vào phạm vi 12 hải lý, Trung Quốc sẽ xem hành động đó là khiêu khích" - ông Zhou cảnh báo.

Mới nhất
x
Đến lượt Anh, Pháp muốn thách thức Trung Quốc ở Biển Đông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO