Đến với Cách mạng

03/02/2013 17:22

LTS: Cụ Nguyễn Đình Trâm (1909 - 1995), đảng viên 1930 - 1931, nguyên Giám đốc Trường Chính trị miền Tây Nghệ An (nay là Trường Chính trị Nghệ An). Sau khi về hưu vào năm 1971, cụ đã dành thời gian ghi lại những năm tháng hoạt động, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của mình. Những ghi chép của cụ được con cháu giữ gìn cẩn thận. Báo Nghệ An xin trân trọng trích đăng giới thiệu phần nội dung ghi chép của cụ Trâm về nhỮng năm tháng tuổi trẻ hồ hởi, hăng say tham gia các hoạt động yêu nước và được đứng vào hàng ngũ Đảng Cộng sản để theo đuổi lý tưởng đấu tranh giành thắng lợi cuối cùng...

(Baonghean) - LTS: Cụ Nguyễn Đình Trâm (1909 - 1995), đảng viên 1930 - 1931, nguyên Giám đốc Trường Chính trị miền Tây Nghệ An (nay là Trường Chính trị Nghệ An). Sau khi về hưu vào năm 1971, cụ đã dành thời gian ghi lại những năm tháng hoạt động, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của mình. Những ghi chép của cụ được con cháu giữ gìn cẩn thận. Báo Nghệ An xin trân trọng trích đăng giới thiệu phần nội dung ghi chép của cụ Trâm về nhỮng năm tháng tuổi trẻ hồ hởi, hăng say tham gia các hoạt động yêu nước và được đứng vào hàng ngũ Đảng Cộng sản để theo đuổi lý tưởng đấu tranh giành thắng lợi cuối cùng...



Cụ Nguyễn Đình Trâm

Gieo mầm

Quê tôi là một làng nhỏ nằm ở phía Đông núi Thiên Nhẫn - một nhánh của dãy Trường Sơn. Ngày xưa, lúc tôi chưa sinh, địa giới cắt dọc theo sông Lam Giang nên làng tôi thuộc về phủ Anh Sơn, huyện Thanh Chương, xã Tiên Đào, làng Thiên Lộc, sau đổi tên làng Đa Lộc. Sau này địa giới huyện cắt ngang sông nên làng tôi thuộc huyện Nam Đàn, tổng Nam Kim. Trước, đây là một làng hẻo lánh, cây cối rậm rịt, gò đồi nhấp nhô, lam sơn chướng khí, bệnh đậu mùa, sốt rét, dịch tả thường xuyên xẩy ra, dân làng ốm yếu, bụng beo chết non, chết yểu, dân số thì không phát triển, người các làng khác không muốn di dời về đây sinh sống, thậm chí họ có con gái cũng không muốn gả chồng về làng này.

...Năm 1922, tôi khoảng 14 tuổi có được đi xem một vụ Tây đồn Linh Cảm - Hà Tĩnh sang bắn chết người rải rác trên bờ đường, bờ ruộng ở xóm Tam Láng, xã Nam Kim, ở phía Nam làng tôi. Nguyên nhân do vài người dân xóm Tam Láng sang lấy phân trâu ở đồng ruộng người Kẻ Thượng - Hà Tĩnh. Người Kẻ Thượng ra ngăn cấm rồi đập đánh nhau... Vụ việc lớn, nên sau đó quan 2 tỉnh (Nghệ - Tĩnh) về hiện trường để xét xử, nhưng nhân dân Tam Láng vẫn chịu đau đớn, thiệt thòi.

Qua vụ này, ai cũng rất căm thù hành động can thiệp vô lý, trắng trợn của Tây lính đồn Linh Cảm, và rất cảm phục tinh thần gan góc, kiên cường của nhân dân Nam Kim.

Năm 1923 - 1924, nhân nghỉ học chữ Hán vào một buổi chiều mùa Thu, tôi đi theo anh,chị tôi trồng khoai lang giống. Anh tôi vừa làm vừa kể chuyện, đầu thì nói cách trồng khoai, nói đến nắng hạn mất mùa, lo đói tháng 8, lo nạp đủ thuế, đến chuyện chứng sưu thuế ở đâu đâu, rồi đến chuyện nước Nga hiện nay người ta lấy của nhà giàu chia cho nhà nghèo và ở nước ta có cụ Giải San (Phan Bội Châu) đang đi xuất dương để về cứu nước. Bỗng nhiên, tôi bột phát một ý nghĩ ngấm ngầm là muốn làm sao được đi theo cụ Giải San?

...Năm 1924, sau khi xây dựng xong Trường Pháp-Việt, ở tổng Nam Kim để có học sinh đi học vào niên khóa 1924-1925, quan huyện Nam Đàn gửi giấy về các làng xã phải có học sinh đi học, làng tôi dân ít, đã lạc hậu mà không ai muốn đi học, nên tôi và một người em con chú được làng cử đi học và cấp cho mỗi người một sào ruộng gọi là "học điền" để phụ cấp thêm cho học phí trong thời gian ra trường là được nghe ở trong Nam, ngoài Bắc có các cuộc bãi công ở các nhà máy đòi tăng lương bớt giờ làm... Đến năm 1925, lại được nghe phong trào cả nước rầm rộ đòi ân xá cụ Phan Bội Châu. Rồi sang năm 1926 lại có phong trào cả nườc làm Lễ Truy điệu cụ Phan Chu Trinh, nhất là sau khi được nghe bài văn truy điệu cụ Phan Chu Trinh khiến lòng tôi càng rạo rực muốn làm sao đi theo được cụ Phan Bội Châu mà lúc này nghe nói cụ đã ở Huế.

Năm 1927, sau khi đậu yếu lược không kịp thi vào lớp nhì ở huyện, thầy đốc học trường cũ xin cho tôi vào học bàng thính. Không thích học ngoại ngạch nên tôi về nhà nghỉ học một năm.

Khi ở nhà thấy làm ruộng quá bận bịu tù túng, không đi được đâu theo ý nguyện của mình, nhân ở xã Nam Kim có cậu Bính đi học Trường Quốc Tử Giám ở Huế về nghỉ hè định đưa cả cháu vào Huế học, nghe được thế, tôi phàn nàn với bạn bè của tôi là muốn đi theo cậu Bính vào Huế học và nhờ cậu ấy bày kèm cho. Mẹ tôi nghe được chuyện này, một hôm ngồi hỏi riêng tôi rồi nói lại với anh chị tôi bàn bạc trong gia đình. Gia đình tôi có 5 anh chị em, anh đầu, 3 chị em giữa, chị thứ 4 bị chết yếu, còn tôi là con út lại bị mồ côi cha từ khi mới được 8 tháng tuổi, người tuy ốm yếu nhưng cũng có những nét khôi ngô, cả nhà ai cũng thương, bàn bạc cùng nhau, tuy nhà thiếu thốn khó khăn nhưng đều cố gắng cho tôi đi theo cậu Bính và 2 cháu của cậu Bính vào Huế học.

Dấn thân

Thế là niên khóa 1927-1929, tôi đi vào Huế học. Mục đích học không những là học cho biết thêm văn hóa, xem hiểu được sách vở, làm được giấy tờ cần thiết... mà ý riêng cũng muốn gặp cho được cụ Phan Bội Châu.

Vào Huế, tôi cùng ăn ở chung với chú cháu cậu Bính trong thành ngoại. Tôi xin vào học trường Queiguee ở về phía đường Gia Hội, đi ra phía Đông Bắc ngoại thành. Học kỳ 1 học lớp nhì đệ nhị, học kỳ 2 được lên lớp nhì đệ nhất.



Những trang hồi ký của cụ Trâm

...Trong những ngày nghỉ hoặc ngày chủ nhật, tôi và 2 cháu của cậu Bính thường ôm áo quần ra bến Nghinh Lương Đình của nhà vua bên bờ sông Hương để tắm giặt, bình thường đã được nghe nói thuyền cụ Phan Bội Châu khi đậu chỗ này, chỗ khác hay đi lảng vảng trên sông Hương. Nhiều lần đi tắm mà thấy được thuyền cụ. Lần đầu thấy thuyền cụ còn ở xa chưa tiện vào được, các lần sau thấy thuyền cụ đậu gần bến Nghinh Lương Đình nên tôi và 2 cháu của cậu Bính có dịp tới lân la vào thuyền cụ thăm cụ 3, 4 lần. Khi vào thuyền cụ, thấy cụ mặc áo lương đen dài ngồi trong thuyền. chúng tôi chào, cụ hỏi lại và bảo chúng tôi vào thuyền, Lần đầu tiên được gặp cụ, tôi vô cùng mừng rỡ và nhìn cụ rất kỹ, chú ý từ mắt, mũi, chân, tay đến tính tình lời nói, rồi cụ liền bảo người chèo thuyền đưa các bài thơ cụ làm ra cho đọc và hỏi thăm việc học hành quê quán... và lần khác còn hỏi: "Mỗi khi ở thuyền cụ ra về, có ai hỏi han gì không?" Cụ sợ chúng tôi bị mật thám theo dõi vì từ khi cụ bị đưa về Huế quản thúc, Đế quốc Pháp và Nam Triều đã bố trí 1.700 mật thám ngầm theo dõi cụ và người qua lại quan hệ đến cụ.

Đến Tết Nguyên đán 1/1/năm Kỷ Tỵ (10/1/1929), ba đứa chúng tôi lại nhà cụ Phan ở Bến Ngự, chúc tuổi cụ. Khi chúng tôi đến thì đã thấy nhiều người ngồi ở đó rồi, ba chúng tôi cũng như những người đó và những người tiếp đến sau đều được xếp ngồi hai bên một dãy bàn dài, cụ ngồi đầu cùng dãy bàn và cho người phục vụ đưa bánh quy ra mời tất cả mọi người cùng ăn Tết. Sau những câu chuyện thân mật hỏi thăm nhắc nhở, cụ cho người đứng ra đọc những bài thơ cụ làm cho mọi người nghe, trong thơ ca của cụ toàn là thơ ca cổ động cách mạng, tôi được nghe rất nhiều bài, nhưng tôi thích nhất là bài ca "Chúc Tết thanh niên" và bài "Mày có chồng chưa"... Trước khi ra về, chúng tôi là học sinh người nhỏ nhất trong số những người đến mừng tuổi cụ, nên cụ có mừng tuổi cho 3 chúng tôi mỗi đứa 2 hào bạc trắng, chúng tôi không dám nhận, nhưng mọi người đều nói: Đầu năm, cụ mừng tuổi cho là các em cứ nhận đi. Chúng tôi mới nhận và cảm ơn chào cụ ra về. Riêng tôi cảm động và thương thầm cụ bị giam lỏng không có điều kiện hoạt động được nữa, nhưng những khí phách trong các bài thơ ca vẫn như thôi thúc lòng tôi và kêu gọi nhân dân ra cứu nước.

...Đến tháng11/1929, tôi sang học Trường Chung Anh. Sang học trường này được vài tuần thì tôi tìm hiểu được hai người bạn học cùng lớp nhất là người Thanh Chương, đó là anh Lê Văn Địch và anh Nguyễn Văn Đạo. Hai anh vào trường trước tôi, nên anh Địch đã có người bắt liên lạc trước do ở với nhau. Được biết hoàn cảnh tình hình và xu hướng của nhau nên đến cuối năm 1929, tôi cũng như anh Đạo đều được anh Địch giới thiệu kết nạp vào Sinh Hội đỏ. Thế là ba chúng tôi đã trở thành một tổ chức quần chúng cách mạng của Đảng Cộng sản ở Trường Chung Anh-Huế. Sau này mới biết là do đồng chí Hải Triều và đồng chí Lê Viết Lượng phụ trách.

Từ tháng 2, 3/1930, chúng tôi đã được nghe ở ngoài Bắc, ngoài Nghệ-Tĩnh có nhiều cuộc biểu tình đình công của công nhân các nhà máy đòi tăng lương bớt giờ làm, và mặt khác cũng nghe nói đế quốc Pháp và Nam Triều ra sức khủng bố ác liệt.

Sang tháng 4/1930, tình hình ở Huế có phần nghiêm ngặt, lính cẩm thường qua lại nhiều hơn, nhất là vùng Bến Ngự. Đến cuối tháng 4 thì lính cẩm bố trí khắp các ngả đường và cũng ngày cuối tháng 4 này, chúng tôi được trên giao cho một bó truyền đơn và nhiệm vụ thả xung quanh vùng Tòa khâm sứ để kỷ niệm ngày 1/5/1930.

Đồng chí Địch họp chúng tôi lại bàn kế hoạch thực hiện, phân công mỗi người một ngả đường xung quanh tòa khâm, rồi chia cho mỗi người một bó truyền đơn ai nấy tự tìm cách thực hiện nhiệm vụ của mình. Tôi lại bằng cách ra hiệu chữa xe đạp, thuê xe đạp để tập đi và tìm cách thả hết truyền đơn. Khoảng 9 giờ đêm, kẻ trước người sau đều hoàn thành nhiệm vụ trở về an toàn vô sự.

Thế là sáng 1/5/1930, không những riêng vùng tòa khâm mà các đường phố khác ở Kinh đô Huế bên phía bảo hộ cũng như bên phía Nam Triều đều có truyền đơn rải kỷ niệm ngày 1/5. Vì là lần đầu tiên truyền đơn xuất hiện một cách rộng khắp ở Huế, nên bọn thống trị hết sức hốt hoảng. Chúng cho lính cẩm và mật thám ngầm lùng sục khắp nơi để bắt những người mà chúng đã tình nghi, trong đó chúng để ý nhất là người Nghệ-Tĩnh.

Chúng tôi làm xong nhiệm vụ đó và việc học thì đã thi primaire, rồi tiếp đến là dịp nghỉ hè. Riêng tôi, cuộc sống có phần khó khăn, muốn tìm nơi ở lại để dạy học, nhưng ai cũng ngại là người Nghệ-Tĩnh, không ai muốn mời. Tháng 6/1930, chúng tôi đành trở về quê nghỉ hè...

Lời dẫn: Bắt đầu từ đây, hồi ký của cụ Nguyễn Đình Trâm đã ghi lại những tháng năm sôi nổi và anh dũng tham gia đấu tranh cách mạng trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930 -1931), cho đến khi cụ được chính thức đứng vào hàng ngũ Đảng Cộng sản. Xin lược trích phần hồi ký thời điểm vụ được kết nạp Đảng.

Kết nạp Đảng

...Ngày 3/10/1930 (12/8/CN), ông Phạm Ôn (một cán bộ cách mạng ở Nam Kim - BNA) tin cho tôi đi cùng tới nhà anh Phạm Bảy (con cố Cựu Tám). Đến đó, đã thấy cán bộ thượng cấp và anh Phạm Bảy ngồi chờ sΩn. Tôi chào hỏi, ngồi vào thứ tự. Ông Phạm Ôn giới thiệu cho tôi và anh Phạm Bảy, đồng chí Dương là phái viên của thượng cấp về theo dõi công tác ở vùng này và hôm nay, đến kết nạp hai chúng tôi vào Đảng. Đồng chí Dương tuyên bố: Kể từ ngày hôm nay chúng tôi là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng chí nói thêm vài lời dặn dò và tuyên bố giải tán. Một sự kiện vô cùng sung sướng đối với tôi. Tôi tưởng lâu nay, liên lạc với ông Ôn để hoạt động là tốt lắm rồi, ai ngờ nay tôi được chính thức là người của tổ chức, người của Đảng Cộng sản mà tôi hằng ước mơ từ khi ở Huế về. Tôi phấn khởi vui mừng, nhưng lòng cũng rất lo làm sao để hoàn thành nhiệm vụ...
___________

Đầu đề và lời dẫn do Báo Nghệ An đặt

Mới nhất
x
Đến với Cách mạng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO