Đến với Vị Xuyên

Nguyên Nguyên - Thành Cường 25/07/2022 09:37

(Baonghean.vn) - Trong trong bài “Nước mắt Vị Xuyên”, tác giả Kim Hương viết: “Tháng Bảy về... Em đến với Vị Xuyên/Nơi Biên ải gắn liền trong ký ức/Những khốc liệt hằn sâu trong tiềm thức/Mãi vọng về đau nhức trái tim ta…”.

MẢNH ĐẤT KIÊN TRUNG

Mặt trận Vị Xuyên ở Hà Giang là chiến trường ác liệt chống quân xâm lược, diễn ra trong suốt 10 năm (1979-1989). Đã có hơn 4.000 cán bộ, chiến sĩ, dân quân của Việt Nam hy sinh, hơn 9.000 người bị thương. Đến Hà Giang, trước đền Anh hùng liệt sĩ Vị Xuyên ở điểm cao 468, chúng tôi dâng nén hương bày tỏ lòng tri ân với các anh hùng liệt sĩ.

Mảnh đất Vị Xuyên hơn 43 năm về trước là chiến trường ác liệt nhất trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc, diễn ra trong suốt 10 năm (từ năm 1979 đến năm 1989). Nơi đây, các đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân tự vệ đã quyết tâm chiến đấu bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc. Với tinh thần quả cảm “Sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá, bất tử”, bộ đội cùng dân quân và nhân dân các địa phương ở Hà Giang quyết tâm chặn đứng quân xâm lược, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia. Trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc, Hà Giang là địa bàn trọng điểm bị địch tiến hành lấn chiếm và phá hoại nhiều mặt so với toàn tuyến biên giới phía Bắc.

Những người lính trên mặt trận Vị Xuyên (2 ảnh trên); Đại tướng Tổng tham mưu trưởng Đoàn Khuê thăm cán bộ chiến sĩ Sư đoàn 312 vừa hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu ở Vị Xuyên. Ảnh: Tư liệu

Rạng sáng ngày 17/2/1979, Trung Quốc tấn công đưa hơn 60 vạn quân tràn vào biên giới 6 tỉnh biên giới phía Bắc nước ta (gồm Lào Cai, Lai Châu, Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn và Quảng Ninh). Sau đó Trung Quốc vào duy trì 12 sư đoàn và hàng chục trung đoàn độc lập áp sát biên giới Việt Nam, thường xuyên gây tình trạng căng thẳng, tiếp tục lấn chiếm lãnh thổ Việt Nam ở mọi quy mô, thực hiện kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt. Đặc biệt, từ tháng 4/1984 đến tháng 10/1989, Trung Quốc lại mở cuộc tấn công xâm lược lấn chiếm biên giới Việt Nam, tập trung tấn công lấn chiếm một phần đất ở khu vực biên giới huyện Vị Xuyên tỉnh Hà Tuyên (nay là Hà Giang và Tuyên Quang)...

“Hồi ức chiến tranh Vị Xuyên” của Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy – người trực tiếp chỉ huy chiến đấu ở chiến trường Vị Xuyên - Hà Tuyên từ năm 1985-1989 (ông hiện là Trưởng ban Liên lạc toàn quốc cựu chiến binh Mặt trận Vị Xuyên - Hà Tuyên), viết: Ác liệt nhất, có đợt, chỉ trong 3 ngày, Trung Quốc đã bắn hơn 100.000 quả đạn pháo vào khu vực Vị Xuyên về đến thị xã Hà Giang. Cả 5 năm, Trung Quốc đã bắn vào mặt trận Vị Xuyên hơn 1,8 triệu viên đại bác. Sau khi kết thúc cuộc chiến tranh này, ta đo lại, có ngọn núi ở Vị Xuyên bị đánh bạt đi hơn 3m. Ác liệt đến mức mà anh em gọi đó là “Lò vôi thế kỷ”.

Đền Anh hùng liệt sĩ Vị Xuyên được xây ở điểm cao 468, gần cửa khẩu Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, cách biên giới Việt Nam - Trung Quốc vài cây số. Hàng năm, đền thờ tổ chức một ngày giỗ trận vào 12/7 - ngày cách đây 38 năm, gần 1.000 người lính trẻ Việt Nam đã thương vong chỉ trong một buổi sáng, với hơn 600 anh em hy sinh trong chiến tranh biên giới phía Bắc. Nơi đây trở thành biểu tượng của truyền thống “Uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa”, giáo dục truyền thống cách mạng đối với các thế hệ người Việt. Chiến tranh lùi xa, nhưng những đau thương, mất mát luôn nhắc nhở các thế hệ người Việt phát huy khối đoàn kết, phát triển đất nước, bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.

Toàn cảnh đền thờ Vị Xuyên điểm cao 468. Ảnh: Thành Cường

Tại mặt trận Vị Xuyên, đã có hơn một chục sư đoàn bộ binh luân phiên tham gia chiến đấu. Với ý chí "Một tấc không đi, một ly không rời”, quân và dân ta đã chặn đứng quân xâm lược, bảo vệ vẹn toàn biên cương của Tổ quốc. Cuộc chiến đấu đã giành thắng lợi oanh liệt, nhưng tổn thất, hy sinh vô cùng to lớn; hơn 4.000 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh; trên 9.000 cán bộ, chiến sĩ bị thương; hiện vẫn còn gần 2.000 hài cốt của cán bộ, chiến sĩ vẫn chưa tìm thấy và quy tập, hàng ngàn hec-ta đồi núi vẫn còn sót lại bom mìn, vật nổ.

Trước tháng 7 năm nay, đoàn công tác Báo Nghệ An do đồng chí Ngô Đức Kiên - Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập dẫn đầu đến dâng hương lên anh linh các anh hùng liệt sĩ ở đền Anh hùng liệt sĩ Vị Xuyên.

TIẾP NỐI TRUYỀN THỐNG

Đến Hà Giang, gặp gỡ và trò chuyện với nhiều cán bộ, đảng viên và nhân dân, chúng tôi cảm nhận rõ nét những tình cảm son sắt của người dân nơi đây với Đảng, với quân và dân cả nước. Như chia sẻ của đồng chí Nguyễn Trung Thu - Tổng Biên tập Báo Hà Giang, rằng: “Mỗi người dân ở dải biên cương này luôn khắc ghi sự đoàn kết, đùm bọc của quân và dân cả nước. Những chiến tích của cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc còn đó, luôn nhắc nhở mỗi cán bộ, người dân nâng cao cảnh giác, nỗ lực đoàn kết để bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc. Truyền thống cách mạng bất khuất của quân và dân ta được các thế hệ đồng bào ở Hà Giang tiếp nối trong công cuộc hôm nay và mai sau…”.

Ảnh trên xuống, trái sang: Gác chuông và nhà dâng lễ đền thờ Vị Xuyên ở điểm cao 468, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang; Lãnh đạo, phóng viên Báo Nghệ An và Báo Hà Giang tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ trước đền thờ Vị Xuyên; Đồng chí Ngô Đức Kiên - Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập Báo Nghệ An thỉnh chuông trước đền thờ Vị Xuyên. Ảnh: Thành Cường

Điểm cao 468 Vị Xuyên là địa bàn thuộc Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy (huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) quản lý. Cái tên này trùng hợp với Cửa khẩu Thanh Thủy ở huyện Thanh Chương (Nghệ An). Hôm lên điểm cao Vị Xuyên 468, chúng tôi thực sự xúc động khi được gặp đồng hương là Trung tá Nguyễn Thanh Tuấn - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên.

Anh Nguyễn Thanh Tuấn quê ở xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu lên công tác tại Hà Giang từ năm 2002. Hơn 20 năm gắn bó với vùng đất Hà Giang, trải qua nhiều vị trí công tác, anh Tuấn luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Anh Nguyễn Thanh Tuấn chia sẻ: “Đồng bào Hà Giang sống tình cảm chân thành lắm. Mỗi người dân nơi đây kế thừa truyền thống cách mạng, luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước. Điều đó góp phần rất lớn để cùng với Bộ đội Biên phòng và các lực lượng chức năng thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ biên cương của Tổ quốc, để kinh tế - xã hội của quê hương, đất nước phát triển”.

Trong chiến tranh biên giới phía Bắc (1979-1989), có hàng chục nghìn người người con Nghệ An tham gia, trong đó có hàng nghìn người hy sinh ở vùng cao nguyên đá. Hiện nay, có rất nhiều người Nghệ An đang tiếp tục công tác, lao động trên vùng đất này, đóng góp tích cực cho sự phát triển của Hà Giang…

Đồn trưởng Đồn Biên phòng Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang - Trung tá Nguyễn Thanh Tuấn (quê Nghệ An) trao đổi với phóng viên Báo Nghệ An. Ảnh: Thành Cường

Trung tá Nguyễn Thanh Tuấn cho biết, cán bộ chiến sĩ, đồn biên phòng Thanh Thủy hàng năm xây dựng kế hoạch cụ thể giúp đỡ nhân dân trong địa bàn các xã vùng biên được giao phụ trách, cải tạo vườn tạp, phát triển sản xuất, chăn nuôi, giảm nghèo bền vững. Cán bộ, chiến sĩ của đồn hỗ trợ nhiều hộ dân cải tạo vườn cây trồng rau, xây chuồng trại chăn nuôi, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao đời sống. Với sự gắn kết đó, người dân vùng biên Vị Xuyên cùng lực lượng chức năng chung sức, đồng lòng trong bảo vệ đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh trật tự...

Hiện nay, tỉnh Hà Giang đang đẩy mạnh kết nối hạ tầng giao thông để đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp; phát triển du lịch bền vững; phát triển kinh tế biên mậu gắn với đảm bảo quốc phòng an ninh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Mặc dù còn nhiều khó khăn đối với vùng biên, miền núi cao, trải qua thời gian dài trong chiến tranh, nhưng Đảng bộ và nhân dân Hà Giang luôn đoàn kết, nỗ lực để giành được nhiều thắng lợi.

Mới nhất
x
x
Đến với Vị Xuyên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO