Dẻo thơm bún bánh Quy Chính
(Baonghean) - Trong cái rét lạnh của những ngày cuối tháng Chạp, không khí sản xuất ở Làng nghề bún bánh Quy Chính, xã Vân Diên (Nam Đàn) càng nhộn nhịp hơn. Trên con đường bê tông chạy dài khắp làng nghề san sát những nong miến gạo trắng phơi sáng lấp lóa. Nhà nào cũng tích cực sản xuất để đảm bảo nguồn hàng phục vụ nhu cầu thị trường áp Tết đang tăng mạnh...
Có lẽ ai đến Quy Chính lần đầu cũng không khỏi ngỡ ngàng trước cảnh "đô thị hóa" hiện đại của một làng quê nông nghiệp với san sát những ngôi nhà cao tầng to rộng đủ màu sơn nổi bật nối dài khắp cả làng nghề. Chủ nhân của những ngôi nhà đẹp ấy là những người nông dân cần mẫn với ruộng đồng và nghề làm bún bánh truyền thống. Trước sân nhà hai tầng màu xanh nước biển mới làm xong năm ngoái, cả gia đình ông Nguyễn Văn Hoài đang tập trung làm tơi sợi miến để đem phơi, mỗi ngày làm hơn 1 tạ gạo, sản xuất đến đâu khách đến mua hết tới đó, chỉ khi nào khách không mua sỉ hết thì bà vợ ông Hoài mới phải đem đi chợ bán.
Tháng Chạp sức tiêu thụ mạnh nên đầu ra không lo bị đọng hàng. Gia đình ông Hoài làm nghề này đã hơn 20 năm, nhờ chăm chỉ làm nghề mới đủ điều kiện nuôi 6 người con ăn học trưởng thành, nay các con đã lập gia đình riêng, 3 người con tiếp tục kế nghiệp nghề làm bún truyền thống. Hàng năm gia đình ông Hoài luôn duy trì làm 6 sào ruộng vừa để phục vụ lương thực vừa chủ động nguồn gạo ngon để làm bún, miến. Nhờ nguồn nguyên liệu gạo ngon, sạch mà làm ra sợi miến, bún săn dẻo được khách hàng ưa thích.
Gia đình bà Chín ở xóm Quy Chính 1 xã Vân Diên (Nam Đàn) phơi miến |
Ghé thăm gia đình bà Phan Thị Chín xóm Quy Chính 1- một trong những hộ làm nhiều miến ở làng nghề. Đã gần 12 giờ trưa, các thành viên trong gia đình vẫn miệt mài rải miến ra nong để phơi khô. Bà Chín cho biết: "Chỉ còn 2 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán nên những ngày này nhu cầu thị trường tiêu thụ miến gạo tăng mạnh trong khi thời tiết mưa kéo dài ảnh hưởng đến việc phơi bún khô, do đó sản xuất không đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng. Tháng Chạp hàng năm luôn là quãng thời gian bận rộn nhất trong năm của người làm nghề, bởi Tết đến ở vùng nông thôn hầu như nhà nào cũng có nhu cầu giữ trữ vài cân miến khô để dùng tiện lợi trong mấy ngày Tết. Do đó mà người làng nghề tranh thủ tối đa thời gian, phát huy hết công suất làm việc có thể để làm ra được nhiều sản phẩm nhất."
Từ đầu tháng 11 âm lịch đến nay hầu như ngày nào gia đình bà Chín cũng sản xuất hơn 2 tạ miến khô, làm đến đâu bán hết đến đó. Tuy bận rộn với công việc suốt ngày nhưng cả nhà đều rất vui vì sản phẩm của họ làm ra được khách hàng đón nhận. Ngày nào cũng có các tư thương đến lấy hàng đưa đi tiêu thụ ở thị trường các huyện lân cận, TP.Vinh, và sang cả thị trường Hà Tĩnh. 1 tạ gạo làm được 90 kg miến khô, với giá bán sỉ 15.000 đồng/kg, nếu thời tiết thuận lợi mỗi ngày sản xuất được 2 tạ miến khô, sau khi trừ chi phí gia đình bà Chín thu về lãi ròng 500 ngàn đồng.
Nguồn gốc của nghề làm bún Quy Chính được bắt nguồn từ một người con gái quê ở xã Nam Lộc lấy chồng về Vân Diên mang theo nghề bún truyền cho xứ này. Ấy là bà Lưu Thị Trúc năm nay vừa tròn 100 tuổi. Bà Trúc kể rằng, ngày xưa khoảng những năm 1960 nghề làm bún bị cấm sản xuất vì gạo khan hiếm sợ không đủ cơm ăn nên phải làm dấu diếm ban đêm. Bún làm xong cũng chỉ bán trao đổi trong nhà còn đưa ra khỏi ngõ là bị công an bắt trịch thu hết. Bữa mô lén đem đi chợ bán phải dấu bún dưới đáy rổ chồng mấy lớp lá chuối ngụy trang nhưng nhiều khi vẫn bị phát hiện...
Ngày xưa, làm bún thủ công tuy vất vả tốn công nhưng ăn sợi bún dẻo thơm, yên tâm. Để làm được bún ngon trước hết phải ủ gạo 3 ngày rồi đem vo sạch, tiếp đó bỏ vào cối đâm thành bột, lóng ra nước, tiếp tục đùm bột nén khô, luộc bột chín, rồi lại đâm bột, vặn bún làm rất vất vả. Nhà mô cũng thích ăn bún, đem đổi 1kg gạo lấy 2kg bún, nhưng gia đình bà Trúc chẳng có sức mà làm cho xuể! Nhất là mỗi dịp lễ 2/9 hàng năm, cả nhà bà Trúc phải làm bún thâu đêm, hai anh trai cả đâm gạo thậm thịch suốt đêm, còn hai chị em gái phụ mẹ vặn bún. Thế mà vẫn không đủ bún để phục vụ nhu cầu của người dân trong xã. Nhiều hộ còn đưa cả thịt đến để đổi bún, bà Trúc đành bớt khẩu phần của nhà mình để ưu tiên cho hàng xóm...
Nhớ lại thời kỳ đó, giọng bà Trúc vẫn còn sang sảng: "Hơn 70 tuổi tui vẫn đi bộ gánh 20 kg bún đưa xuống chợ Quán, chợ Cầu (Vinh) bán, nhiều bữa còn gánh bún lên tận chợ Cồn (Thanh Chương), mãi đến năm 80 tuổi sức khỏe yếu không còn gánh hàng được nữa thì nghỉ làm nghề. Song cả 8 người con đều kế nghiệp cha mẹ làm nghề truyền thống của gia đình, nghề làm bún đã cho các con cháu cuộc sống đầm ấm. Bây giờ làng nghề phát triển sôi động, nhu cầu tiêu thụ mạnh, bún, miến hàng hóa mua bán trao đổi liên tục hàng ngày, người làng nghề làm bún bằng máy không còn phải kỳ cạnh đâm gạo thâu đêm như xưa nữa..."
Người dân Làng nghề Quy Chính phơi miến trong sân nhà |
Làng nghề bún bánh Quy Chính xã Vân Diên (Nam Đàn) được UBND tỉnh công nhận năm 2005, đến nay làng có khoảng gần 200 hộ làm nghề với các sản phẩm bún, miến gạo, bánh mướt. Ở làng nghề này hầu như nhà nào cũng làm nghề và chính nghề bún bánh đã đem lại cuộc sống ổn định cho đa số người dân nơi đây. Trong xóm có 12 chiếc máy sản xuất miến chuyên làm dịch vụ cho bà con làng nghề, bình quân 1 ngày chế biến khoảng 3 tấn gạo nguyên liệu phục vụ làm miến. Nhớ lại thời xưa tráng bột gạo xong tay thước tay dao xắt sợi miến, mỗi nhà làm ngày chỉ mấy cân gạo mà cũng lần hồi nuôi nghề. Đến thời có cái máy quay tay cán sợi, rồi máy nổ tải dây cua-roa gắn vào cái trục quay tay... cho đến bây giờ hệ thống xay, hấp cán chạy điện. Người làm nghề xuất phát từ chỉ đơn thuần mưu sinh mà đã gây được tâm huyết yêu nghề. Miến Quy Chính được làm từ những hạt gạo quê đậm đà, gạo đem xay ép bột nước xong cho vào hấp cán, không đập bột khô rồi chế nước vào trộn cán như nơi khác, nên sợi miến săn dai. Miến là sản phẩm để được lâu, vận chuyển tiêu thụ đi khắp các huyện trong tỉnh.
Cùng với miến khô, bún và bánh mướt làng nghề Quy Chính nổi tiếng từ lâu được khách hàng tấm tắc ngợi khen. Bánh mướt Quy Chính có bánh thường và bánh mướt cuốn, còn bún cũng có bún thường, bún lá. Từ 3- 4 giờ sáng khi mọi người còn chìm trong giấc ngủ nồng thì làng nghề đã rậm rịch tiếng nói cười bán, mua của chủ và khách thập phương. Bánh mướt Quy Chính được các bà, các chị tráng mỏng mịn màng, xắt ngang xắt dọc ra các miếng đều chằn chặn, rồi tay người như múa gấp cuốn trăm chiếc như một xếp tăm tắp như nong tằm.
Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Chủ tịch UBND xã Vân Diên cho biết thêm: Làng Quy Chính có nhiều con em đi xuất khẩu lao động nên tốc độ kiến thiết nhà cửa mạnh, ở đây nhiều nhà cao tầng mọc lên san sát như phố thị. Đường thôn cũng đã bê tông hóa khang trang sạch đẹp. Song điều đáng mừng là ở làng nghề này người dân đã tự xây cống thoát nước gắn nắp đậy kín đáo, một số hộ gom nước thải phục vụ chăn nuôi nên không thấy nặng mùi như nhiều làng nghề bún bánh ở các địa phương khác. Hơn nữa, trong bối cảnh vệ sinh an toàn thực phẩm đang báo động như hiện nay thì những sản phẩm sạch được làm từ gạo quê không sử dụng chất bảo quản hay các phụ phẩm khác như miến gạo lại được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn.
Rời làng Quy Chính khi trời vừa chập choạng tối, trong làn mưa bụi lây rây của ngày đông cuối năm vẫn nồng ấm với những bếp lửa bập bùng của làng nghề đã chuẩn bị sản phẩm cho ngày mai...
Quỳnh Lan
TIN LIÊN QUAN