Di tích Quốc gia lèn Hai Vai (Diễn Châu) có nguy cơ thành phế tích?
(Baonghean.vn) - Lèn Hai Vai nằm trong quần thể được xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia từ năm 1994, nhằm để gìn giữ, bảo tồn. Tuy nhiên, 30 năm kể từ ngày được xếp hạng, di tích này vẫn chưa được cắm mốc bảo vệ, thường xuyên bị xâm hại, khiến lèn đá trở nên méo mó.
"Xẻo" di tích để làm đường
Những ngày đầu tháng 3, nhiều đoàn công tác đã được thành lập, trực tiếp đến hiện trường kiểm tra sau khi nhận được thông tin phản ánh Di tích lịch sử Quốc gia lèn Hai Vai (xã Minh Châu, huyện Diễn Châu) bị xâm hại. Dưới chân di tích, một chiếc máy múc vẫn đang khẩn trương vá lại những “vết thương” vừa bị xâm hại. Đây là vị trí mà hàng trăm khối đất đá đã bị xúc đi để đắp đường trong suốt nhiều ngày qua.
“Tôi không biết những ngày trước ai xúc trộm đất đá ở đây đi cả. Tôi chỉ là người lái máy thuê, có nhiệm vụ khắc phục lại những hố sâu bị đào bới”, người đàn ông điều khiển máy múc nói rồi nhanh chóng điều khiển máy san gạt, dùng đất đá tại chỗ để lấp vào những vết khoét.
Theo ghi nhận của phóng viên, nhiều vị trí dưới chân lèn Hai Vai vẫn còn dấu vết bị đào bới, tạo thành những hố sâu. Hàng trăm tảng đá cũng được múc lên, chưa kịp di chuyển. Cạnh đó là một con đường chạy quanh chân lèn, với vết bánh xe tải hằn sâu do qua lại nhiều.
Vụ việc do một doanh nghiệp đang thi công dự án đường dây điện 500KV gây ra.
Sau khi phát hiện vụ việc, chúng tôi đã lập biên bản đình chỉ và yêu cầu khắc phục, trả lại nguyên trạng ban đầu. Vụ việc cũng đã được chúng tôi báo cáo lên UBND huyện và thẩm quyền xử lý như thế nào thuộc về cấp huyện.
Theo ông Quyền, để thi công 2 cột điện nằm giữa đồng gần vị trí lèn Hai Vai, đơn vị thi công bắt buộc phải làm đường cho xe chở vật liệu đi vào. “Khi biết được việc này, xã cũng đã yêu cầu đơn vị thi công không được múc đất ở di tích đắp đường, nhưng họ vẫn không nghe. Ngày 15/2, họ bắt đầu dùng máy múc xúc đất đá, đến ngày 28/2 thì xã phát hiện và đình chỉ”, ông Quyền nói và cho hay, lượng đất đá ở di tích bị múc đi khoảng 300 khối.
Liên quan đến vụ việc này, ngày 5/3, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã có văn bản gửi UBND huyện Diễn Châu. Văn bản này cho hay, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp nhận tin của công dân phản ánh tình trạng khai thác khoáng sản trái phép tại lèn Hai Vai nhưng chưa được các cấp chính quyền kiểm tra và xử lý kịp thời.
Căn cứ chức năng nhiệm vụ đã được phân công, phân nhiệm, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu tổ chức kiểm tra thực địa và xử lý hoạt động khai thác khoáng sản trái phép tại khu vực lèn Hai Vai (nếu có) theo quy định pháp luật và các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh. Ngoài ra, UBND huyện Diễn Châu cần yêu cầu các phòng, UBND các xã tập trung rà soát, xử lý hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn và xử lý theo đúng quy định pháp luật hiện hành.
Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị UBND huyện Diễn Châu kiên quyết xử lý kỷ luật đối với những tập thể, cá nhân có hành vi bao che hoặc né tránh trong quá trình thực thi nhiệm vụ xử lý hoạt động khai thác khoáng sản trái phép (nếu có); Phối hợp với Công an huyện Diễn Châu kiểm tra, xác minh làm rõ và xử lý việc khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn. Thành lập Đoàn kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động khoáng sản đối với các tổ chức được cấp phép khai thác khoáng sản trên địa bàn theo Chỉ đạo của Ban cán sự đảng UBND tỉnh tại Thông báo số 51-TB/BCS ngày 20/2/2023 và Công văn số 9374/UBND-NN ngày 02/11/2023 của UBND tỉnh.
Di tích bị lãng quên?
Lèn Hai Vai là một khối đá tự nhiên có chiều dài 800 m, nơi rộng nhất 120 m, nơi cao nhất 141 m. Từ năm 1964, các nhà khảo cổ học phát hiện tại đây xương người hóa thạch, một số công cụ bằng đá và nhiều bình gốm. Phát hiện này chứng tỏ lèn Hai Vai từng là địa bàn có người nguyên thủy sinh sống. Lèn Hai Vai có cấu trúc khá độc đáo, với hình dáng đúng như tên gọi. Đây cũng là nơi gắn liền với nhiều giai thoại, câu chuyện linh thiêng, thần bí được người dân địa phương truyền tụng từ đời này qua đời khác.
Trước đây, khu vực này là rừng cây rậm rạp, hoang vu. Trên lèn là nhiều hang động sâu, với những khối thạch nhũ có hình thù kỳ lạ. Theo người dân địa phương, trước kia các nho sỹ vẫn vào đây nghỉ mát, ôn luyện văn chương. Thời nhà Nguyễn, lèn Hai Vai là căn cứ địa khởi nghĩa của Nguyễn Xuân Ôn. Thời kỳ 1930-1931; 1936-1939 lèn Hai Vai là nơi in ấn tài liệu của Đảng, là nơi tập hợp hợp quần chúng mít tinh biểu tình. Thời kỳ 1939-1945, đây trở thành nơi luyện tập quân sự, dự trữ vũ khí để khởi nghĩa giành chính quyền…
Tuy nhiên, vào thập niên 80 của thế kỷ trước, lèn bị người dân xung quanh khai thác đá ồ ạt. “Hồi đó, ngày nào cũng có hàng trăm người mang mìn lên nổ lấy đá. Cứ như thế, lèn Hai Vai bị xẻo đi rất nhiều, khiến hình dáng bị méo mó. Nó không còn rõ nét giống đôi vai của một người như ngày xưa nữa”, ông Nguyễn Trung Hoàng (72 tuổi, người dân xã Minh Châu) nói.
Năm 1994, lèn Hai Vai được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Người dân địa phương cứ ngỡ rằng, sau khi được xếp hạng là di tích quốc gia, lèn sẽ được bảo vệ, tôn tạo. Tuy nhiên, 30 năm sau ngày đó, lèn Hai Vai vẫn chưa được cắm mốc để bảo vệ. Cũng chính vì thế, di tích này vẫn thường xuyên bị đục khoét để lấy trộm đất, đá. Nhiều năm nay, thậm chí khu vực này còn trở thành bãi tập kết rác thải.
Theo ghi nhận của phóng viên, ngay vị trí đầu tiên khi bước chân tới lèn Hai Vai là những bãi rác chất ngổn ngang, bốc mùi hôi thối. Cạnh vị trí vừa bị đơn vị thi công đường dây 500KV múc để đắp đường, còn có những hố sâu đã cũ, do người dân trước đó lén lút khai thác. Ngoài ra, còn có nhiều dấu vết máy múc san gạt để trồng tràm mới được ít ngày. Theo lãnh đạo xã Minh Châu, việc trồng tràm trên đất di tích do xã hợp đồng với nhân viên bảo vệ.
Sau khi nhận được thông tin phản ánh Di tích lịch sử Quốc gia lèn Hai Vai bị xâm hại, ông đã trực tiếp tới hiện trường để kiểm tra. Hiện nay, chúng tôi đang xây dựng báo cáo để tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo. Hiện đơn vị cũng đang có kế hoạch, trong năm 2024 sẽ triển khai khoanh vùng, cắm mốc bảo vệ cho di tích lịch sử này.
“Tại buổi kiểm tra, chúng tôi cũng yêu cầu xã tăng cường trồng cây ở lèn Hai Vai. Gần đây thì xã có hợp đồng bảo vệ, đưa máy móc lên múc đá để trồng tràm nhưng chúng tôi đề nghị không nên. Vì trồng tràm thì sau ít năm họ lại khai thác, còn gây hại cháy rừng và ảnh hưởng nhiều tới di tích. Phải trồng cây lâu dài. Ngoài vị trí vừa bị doanh nghiệp múc để thi công đường dây điện, chúng tôi cũng đang đối chiếu tọa độ để kiểm tra xem tuyến đường chạy ven chân lèn có xâm phạm đến di tích này hay không”, ông Hoàng nói thêm.
Sau khi nhận được thông tin phản ánh, huyện đã yêu cầu xã Minh Châu báo cáo. Hiện nay, UBND huyện cũng đã thành lập đoàn để kiểm tra vụ việc này.