Đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc: Cần thận trọng, tránh bị lừa đảo

01/08/2016 17:13

(Baonghean.vn) - Vừa qua, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có công văn về việc ngừng tiếp nhận lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS vào năm 2016 của 44 quận, huyện, thành, thị thuộc 11 tỉnh, thành phố. Trong đó, Nghệ An có 11 huyện, thị. Trước thông tin này, PV Báo Nghệ An phỏng vấn nhanh những người liên quan...

* Anh Lê Đức Huy – xóm 11 xã Nghi Trung, huyên Nghi Lộc: "Tiếp tục chờ cơ hội..."

“Cách đây vài năm, tôi đi xuất khẩu lao động sang Malaysia nhưng sau 2 năm, số tiền tích lũy được chẳng là bao do mức lương thấp. Vì vậy, sau khi về nước, tôi có ý định đi lao động ở Hàn Quốc vì mức lương bên đó cao hơn rất nhiều.

Tháng 5 vừa qua, nghe tin Hàn Quốc mở lại cửa, tiếp nhận lao động Việt Nam, tôi tìm hiểu thủ tục và đăng ký học tiếng Hàn để tham gia kỳ thi tiếng Hàn vào đầu tháng 10 này. Khi biết thông tin, do Nghi Lộc có nhiều lao động cư trú bất hợp pháp nên Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có công văn ngừng tiếp nhận lao động đi làm việc tại Hàn Quốc. Tôi rất thất vọng, nhưng sẽ tiếp tục hoàn thành khóa học tiếng Hàn, hy vọng có cơ hội thi vào năm sau”.

Ông Phạm Anh Nam – Phó Trưởng phòng Lao động, Thương binh và xã hội huyện Hưng Nguyên: "Tăng cường tuyên truyền cho các đối tượng ngay tại Hàn Quốc".

“Tính đến hết tháng 6/2014, Hưng Nguyên có 192 lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc sau khi hết hạn hợp đồng, chiếm tỷ lệ 42,58%, tập trung ở các xã Hưng Tây, Hưng Lợi, Hưng Thắng, Hưng Phú… Thời gian qua, huyện đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, vận động lao động cư trú bất hợp pháp về nước. Từ đầu năm 2016 đến nay, 12 xã, thị trấn có lao động đang làm việc tại Hàn Quốc đều tổ chức các hội nghị tuyên truyền; ngoài ra còn tổ chức ở các cụm, xã. Ngoài phổ biến các quy định pháp luật, các chính sách liên quan của 2 nước, tại các hội nghị còn tổ chức ký cam kết xác định trách nhiệm của gia đình người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, hiệu quả không cao.

Qua tìm hiểu ở các gia đình có con em cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc, hầu hết đều cho rằng do chênh lệch về mức thu nhập, bấp bênh về cơ hội việc làm ở trong nước là nguyên nhân chính khiến con em họ vi phạm pháp luật, chấp nhận rủi ro để ở lại Hàn Quốc sau khi hết hạn hợp đồng lao động. Do đó, theo tôi, để nâng cao nhận thức, ý thức của người lao động thì các ngành liên quan cũng cần tăng cường tuyên truyền ngay tại Hàn Quốc cho đối tượng sắp sửa hết hạn hợp đồng; phía Hàn Quốc nên có chế tài quyết liệt đối với các doanh nghiệp Hàn Quốc đang dung túng lao động nước ngoài cư trú bất hợp pháp".

* Ông Hồ Văn Hùng – Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Nghệ An: "Người lao động cần thận trọng, tránh bị lừa đảo".

"Theo thông báo của Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc, chỉ tiêu tuyển dụng ngành sản xuất chế tạo năm 2016 của cả nước 2.100 người, lấy theo nguyên tắc điểm từ cao xuống (từ năm 2011 trở về trước tuyển dụng 12.000 – 15.000 người/năm).

Theo kế hoạch của Trung tâm lao động ngoài nước – Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, đầu tháng 10/2016 sẽ có kỳ thi tiếng Hàn theo chương trình EPS. Đối tượng được dự thi gồm: Những người đang cư trú dài hạn tại các địa phương không bị tạm dừng tuyển chọn; những người đã từng làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS về nước đúng thời hạn hợp đồng; những người đã từng làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS và ở lại cư trú bất hợp pháp nhưng đã tự nguyện về nước trong thời gian từ ngày 1/4/2016. Trung tâm dịch vụ việc làm sẽ tiếp nhận hồ sơ thi tuyển tiếng Hàn Quốc từ ngày 16-19/8.

Đăng ký XKLĐ tại trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh
Đăng ký XKLĐ tại Trung tâm dịch vụ việc làm Nghệ An.

Với việc Nghệ An có đến 11 huyện, thành, thị trong danh sách tạm dựng tuyển chọn lao động sang Hàn Quốc theo chương trình EPS, chắc chắn sắp tới số lượng hồ sơ đăng ký sẽ không đáng kể. Hiện nay, tại Trung tâm dịch vụ việc làm đang mở 5 lớp dạy tiếng Hàn với gần 250 học viên là lao động có nhu cầu đi làm việc tại Hàn Quốc, chủ yếu là lao động ở 11 huyện bị dừng tiếp nhận lao động. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ động việc những lao động này tiếp tục hoàn thành khóa học để chờ cơ hội trong những năm tiếp theo, tránh lãng phí, thời gian tiền bạc.

Đối với những lao động không thuộc các huyện, thành, thị bị tạm dừng tuyển lao động, chúng tôi khuyến cáo họ đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Nghệ An để nộp hồ sơ dự thi và phí, tránh bị lừa đảo, bởi thời gian qua, lợi dụng tâm lý của người lao động nôn nóng muốn tham gia Chương trình EPS, đã có nhiều tổ chức, cá nhân mặc dù không có chức năng nhưng vẫn quảng cáo rầm rộ trên các tờ rơi hoặc trên một số trang mạng xã hội để tổ chức đào tạo tiếng Hàn và hứa sẽ giúp người lao động thi đỗ trong kỳ thi, thậm chí cam kết sẽ lo được cho người lao động xuất cảnh đi làm việc tại Hàn Quốc".

* Ông Nguyễn Đăng Dương – Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội: "Chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về xuất khẩu lao động"

“Việc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ra công văn tạm dừng tuyển chọn lao động đối với 11 địa phương ở Nghệ An là một tin buồn đối với hoạt động xuất khẩu lao động của tỉnh và các lao động đang chờ cơ hội đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc.

Tuy nhiên, chính sách này không ảnh hưởng nhiều đến chỉ tiêu xuất khẩu lao động của tỉnh năm 2016, do chỉ áp dụng đối với những lao động chưa tham dự kỳ thi tiếng Hàn theo chương trình EPS. Trong khi đó, từ năm 2012 đến nay, không có kỳ thi tiếng Hàn nào được tổ chức, và đến thời điểm này, số lao động Nghệ An đã vượt qua kỳ thi tiếng Hàn nhưng chưa xuất cảnh sang Hàn Quốc chỉ hơn 200 người.

Ông Nguyễn Đăng Dương - Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội.
Ông Nguyễn Đăng Dương - Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội.

Thời gian tới, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về xuất khẩu lao động, xử lý nghiệm các đơn vị môi giới, cung ứng xuất khẩu lao động có hành vi lừa đảo, thu phí vượt quá quy định đối với lao động xuất khẩu nói chung và lao động sang làm việc tại Hàn Quốc nói riêng. Ngoài ra, để không phụ thuộc vào thị trường Hàn Quốc, sẽ mở rộng các thị trường lao động thu nhập cao khác như Nhật Bản, CH Czech…

6 tháng đầu năm 2016, toàn tỉnh có 6.127 người đi xuất khẩu lao động, trong đó thị trường Hàn Quốc là 292 người. Tính đến hết tháng 6/2016, toàn tỉnh có hơn 2.100 lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc, chiếm tỷ lệ 43,18%, đứng thứ 16 cả nước về tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc.

Minh Quân

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc: Cần thận trọng, tránh bị lừa đảo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO