Dịch sốt xuất huyết vẫn tái phát do đâu?

24/10/2016 15:56

(Baonghean) - Sốt xuất huyết lây lan do muỗi vằn Aedes đốt người bệnh nhiễm vi rút sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Kiến thức về bệnh mọi người dân đều biết và có thể phòng, ngăn chặn nhờ công tác vệ sinh môi trường. Tuy vậy hiện nay dịch vẫn tái phát ở nhiều nơi.

Hàng năm, cứ vào tháng 9 dương lịch, ở một số địa phương của Nghệ An lại bùng phát dịch sốt xuất huyết. Đây là lúc thời tiết nắng mưa thất thường, độ ẩm cao, muỗi vằn phát triển mạnh. Năm 2016, địa điểm xuất hiện ca mắc sốt xuất huyết đầu tiên là ở xã Diễn Thịnh (Diễn Châu).

Cụ thể, vào 8 giờ 30 phút sáng ngày 30/9/2016, Trung tâm Y tế huyện Diễn Châu thực hiện giám sát bệnh truyền nhiễm gây dịch tại Bệnh viện Đa khoa Diễn Châu đã phát hiện 2 ca nghi ngờ sốt xuất huyết. Đó là ông Hoàng Văn Nghĩa, 59 tuổi và chị Tạ Thị Huế, 20 tuổi cùng ở xóm 11 B, xã Diễn Thịnh.

Triệu chứng bệnh trước khi nhập viện của hai người giống hệt nhau: bị sốt cao, đau đầu, đau mình mẩy. Sau khi điều trị tại nhà không khỏi, ông Nghĩa nhập viện điều trị ngày 27/9, chị Huế nhập viện điều trị ngày 28/9. Nghi ngờ 2 trường hợp này mắc bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế huyện Diễn Châu đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm gửi lên cấp trên. Đến 16 giờ cùng ngày, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh có kết quả xét nghiệm trả lời 2 mẫu bệnh phẩm đều dương tính với sốt xuất huyết.

Hướng dẫn người dân đậy nắm kín các lon vại để phòng chống muỗi đẻ trứng.
Hướng dẫn người dân đậy nắm kín các lon vại để phòng chống muỗi đẻ trứng.

Ông Cao Đình Minh - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Diễn Châu cho biết: Ngay sau khi có kết quả, trung tâm đã làm việc cùng UBND xã, Trạm y tế xã Diễn Thịnh thông báo tình hình dịch, giám sát kiểm tra thực địa và triển khai các biện pháp phòng chống dịch như khoanh vùng, cung cấp hóa chất và máy phun diệt muỗi tại xóm có dịch; chỉ đạo trạm y tế tổ chức thu dung điều trị.

Qua việc thường trực khám, phân loại, tư vấn phòng chống dịch, số lượng bệnh nhân mắc sốt xuất huyết được phát hiện ngày càng nhiều. Ngày 1/10, phát hiện thêm 6 bệnh nhân mới; ngày 2/10, phát hiện thêm 3 bệnh nhân mới...

Nhận định là dịch lưu hành nội tại, Trung tâm Y tế huyện Diễn Châu đã yêu cầu 39 xã, thị thực hiện vệ sinh môi trường, huy động nguồn xã hội hóa mua hóa chất phun phòng. Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh đã cấp về 150 lít hóa chất Bermethrin để xử lý môi trường phun diệt muỗi toàn bộ các xóm xã Diễn Thịnh. Đến ngày 12/10, dịch đã được kiềm chế. Hiện tại, tất cả các bệnh nhân đều đã khỏi bệnh. Và 10 ngày nay, huyện không phát hiện thêm ca mắc mới nào.

Điều đáng nói là ở Diễn Châu, năm nào dịch sốt xuất huyết cũng hoành hành. Năm 2015, vào cuối tháng 9, ở xã Diễn Ngọc phát hiện ca sốt xuất huyết đầu tiên tại xóm Trung Thành, và sau đó 19 bệnh nhân khác được phát hiện thêm. Tính đến ngày 7/10/2015, tại các xã Diễn Ngọc, Diễn Bích, Diễn Thịnh có 43 ca mắc sốt xuất huyết.

Trên phạm vi toàn tỉnh, bên cạnh huyện Diễn Châu, dịch sốt xuất huyết còn thường tái xuất hiện ở các huyện Hưng Nguyên và Quỳnh Lưu. Năm 2013, Diễn Châu có 52 ca mắc sốt xuất huyết, Quỳnh Lưu 4 ca và Hưng Nguyên 40 ca. Năm 2015, Quỳnh Lưu có 14 người mắc sốt xuất huyết, Hưng Nguyên ghi nhận 37 trường hợp mắc. Các xã trọng điểm dịch ở huyện Hưng Nguyên là Hưng Lĩnh, Hưng Long, còn ở huyện Quỳnh Lưu là Quỳnh Ngọc, Quỳnh Liên, Quỳnh Lương, Quỳnh Bảng, Tiến Thủy, Quỳnh Thọ...

Nguyên nhân của việc tái lặp dịch sốt xuất huyết ở các địa phương nói trên nằm ở sự hạn chế của người dân trong vệ sinh môi trường và công tác đốc thúc phòng chống dịch bệnh của các cấp chính quyền.

Bác sỹ Nguyễn Xuân Hồng - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Trách nhiệm thuộc về chính quyền địa phương, đơn vị y tế tại chỗ và ý thức phòng bệnh của người dân. Và nhìn sâu xa hơn là do chúng ta làm công tác phòng chống dịch bệnh chưa thường xuyên, thiếu quyết liệt. Thực tế cho thấy, ở những trọng điểm của dịch sốt xuất huyết do công tác vệ sinh môi trường ở đây còn nhiều hạn chế”.

Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Hưng Nguyên phun thuốc dập dịch tại cơ sở.
Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Hưng Nguyên phun thuốc dập dịch tại cơ sở.

Dẫu là vùng lưu hành dịch, nhưng nguy cơ sốt xuất huyết hoàn toàn có thể giảm thiểu nếu việc phòng chống được chú trọng. Năm nay, Quỳnh Lưu thực hiện khá tốt công tác này.

Bác sỹ Vũ Hồng Quang - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Quỳnh Lưu cho biết: “Ngay từ đầu tháng 8, trung tâm đã triển khai các kế hoạch phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết xuống tận cơ sở; chỉ đạo các trạm y tế kiểm tra, giám sát, hướng dẫn người dân phòng bệnh”. Đến nay nhận thức của người dân đã được nâng cao.

Lâu nay, Nghệ An đã thực sự làm tốt trong việc phát hiện sớm, bao vây, dập dịch và điều trị tốt cho bệnh nhân. Song điều này cũng mới chỉ như “mất bò mới lo làm chuồng”. Phòng bệnh cần được làm thường xuyên và với tinh thần trách nhiệm cao hơn.

Thanh Sơn

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Dịch sốt xuất huyết vẫn tái phát do đâu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO