Dịch tả lợn châu Phi bùng phát ở Thanh Chương
Bệnh dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp trên địa bàn huyện Thanh Chương, hiện đã có 94 hộ chăn nuôi thuộc 37 thôn, xóm của 13 xã có lợn chết và tiêu hủy với số lượng 692 con lợn với tổng trọng lượng hơn 33 tấn.
Thanh Phong - "điểm nóng" của dịch
Tại xã Thanh Phong - một trong những “điểm nóng” của dịch tả lợn châu Phi hiện nay, chỉ trong chưa đầy 1 tháng đã tiêu hủy hàng chục con lợn, tập trung ở các xóm 5, 6, 7.

Gia đình ông Nguyễn Duy Phú (xóm 5) mất trắng cả đàn lợn sau khi dịch bùng phát đầu tháng 5. Dẫn chúng tôi ra khu vực chuồng trại chăn nuôi lợn cho thấy, toàn bộ hệ thống 4 ô chuồng đều trống trơn, đã được rắc vôi bột trắng xóa.
Ông Phú cho hay, ngày 4/5 có 2 lợn thịt chết, cán bộ thú y lấy mẫu xét nghiệm kết quả cho thấy dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi. Sau đó ít ngày, toàn bộ 2 con lợn nái, mỗi con trọng lượng trên dưới 200kg và đàn lợn con cũng bị nhiễm dịch, buộc phải tiêu hủy. Sau khi tiêu hủy lợn, gia đình phun hóa chất và rắc vôi bột khử trùng trong và ngoài khu vực chuồng trại, cùng đó rắc vôi bột trước cổng nhà. Tuy nhiên, theo ghi nhận, công tác tiêu độc, khử trùng sau tiêu hủy tại đây còn sơ sài, chưa tuân thủ khuyến cáo của ngành chuyên môn.

Không chỉ gia đình ông Phú, nhiều hộ khác ở xóm 5 như: Nguyễn Văn Thông, Nguyễn Cảnh Ngũ... và nhiều hộ ở xóm 6, 7: Trịnh Xuân Nhu, Võ Thị Lan... cũng lâm cảnh tương tự.
Theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, sau khi tiêu hủy lợn do nhiễm dịch tả lợn châu Phi, bà con cần thu dọn vệ sinh chuồng trại gọn, sạch, sau đó sử dụng vôi nước quét lên bờ bao, đồng thời rắc vôi bột trong và ngoài khu vực chuồng trại, kết hợp thường xuyên phun hóa chất khử trùng, nhằm tiêu diệt mầm bệnh nhanh nhất và hiệu quả nhất.
Ông Trịnh Xuân Thị - Chủ tịch UBND xã Thanh Phong cho biết: Năm 2025 này, bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra trên địa bàn xã từ đầu tháng 5. Đáng lo ngại là dịch ngày càng xuất hiện nhiều, chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng, số lợn nhiễm dịch, phải tiêu hủy lên đến 88 con, tổng trọng lượng hơn 3 tấn. Dịch chủ yếu xảy ra tại 3 xóm: 5, 6 và 7.

“Nguyên nhân khiến dịch bùng phát là do khó kiểm soát hoạt động vận chuyển, mua bán lợn ra vào địa bàn; thời tiết thất thường cùng với việc người dân chưa chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch”, ông Trịnh Xuân Thị - Chủ tịch UBND xã Thanh Phong cho hay.
Theo ông Nguyễn Duy Quế, cán bộ thú y xã Thanh Phong, hiện nay tổng đàn lợn trên địa bàn xã Thanh Phong có 2.824 con, trong đó 452 con nằm trong vùng có dịch và 1.045 con lợn nằm trong vùng bị dịch uy hiếp.
"Thời tiết đang diễn biến phức tạp, công tác tiêu độc khử trùng không được thường xuyên, chăn nuôi nhỏ lẻ không áp dụng các biện pháp an toàn sinh học… mầm bệnh đã tồn tại trong môi trường chăn nuôi và động vật. Do đó, dịch có thể sẽ lây lan và bùng phát trên diện rộng trong thời gian tới là rất cao", ông Nguyễn Duy Quế nhận định.

Thiếu quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch
Trên toàn huyện Thanh Chương, nhiều địa phương vẫn còn tình trạng giấu dịch, chưa quyết liệt xử lý ổ dịch. Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Thanh Chương, từ đầu năm đến ngày 21/5/2025 trên địa bàn huyện, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 94 hộ trên địa bàn 37 thôn, xóm của 13 xã, gồm: Ngọc Sơn, Kim Bảng, Thanh Liên, thị trấn Dùng, Thanh An, Đại Đồng, Thanh Hà, Thanh Phong, Thanh Tiên, Thanh Tùng, Thanh Quả, Thanh Thủy, Phong Thịnh.
Số lợn chết tiêu hủy là 692 con, trong đó lợn nái 93 con, lợn đực giống 1 con, lợn thịt 397 con, lợn con 201 con, tổng trọng lượng lợn chết phải tiêu hủy là 33 tấn, một số địa phương dịch xảy ra nhiều là thị trấn Dùng, Thanh Phong, Thanh Tùng, Thanh Liên…
Theo ông Trần Phi Hùng - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện, nguyên nhân sâu xa là do chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm tỷ lệ lớn, chưa đảm bảo an toàn sinh học. Một số xã còn chủ quan, thiếu quyết liệt trong tuyên truyền và tổ chức phòng, chống dịch.
Huyện Thanh Chương đang yêu cầu các xã giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, xử lý triệt để các ổ dịch cũ, tăng cường tuyên truyền về tính nguy hiểm của dịch tả lợn châu Phi và các biện pháp phòng, chống hiệu quả.
Đầu tháng 5 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ đã chủ trì cuộc họp triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh. Trong đó, nhấn mạnh công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương. Theo đó, các địa phương, thực hiện tốt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định, không được lơ là, chủ quan.