Điểm chú ý trong Dự thảo quy định liên kết đào tạo ĐH, CĐ

02/11/2013 20:53

Địa điểm đặt lớp liên kết đào tạo cấp bằng tốt nghiệp CĐ, ĐH hình thức vừa làm, vừa học được đặt tại trụ sở chính của cơ sở phối hợp đào tạo gồm các trường, TTGDTX cấp tỉnh.

Lễ nhận bằng tốt nghiệp của một chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài.
Lễ nhận bằng tốt nghiệp của một chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài.

Nội dung này được đưa ra tại dự thảo quy định về liên kết đào tạo trình độ CĐ, ĐH Bộ GD&ĐT vừa công bố xin ý kiến rộng rãi.

Theo dự thảo, khi thực hiện liên kết đào tạo chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Bộ GD&ĐT, ĐHQG, ĐH vùng; đặt lớp không đúng địa điểm theo quy định; tuyển sinh không đúng đối tượng; các điều kiện liên kết đào tạo không đảm bảo đúng quy định thì cơ sở chủ trì đào tạo và cơ sở phối hợp đào tạo bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, bị đình chỉ hoạt động liên kết đào tạo từ 1 đến 3 năm kể từ ngày có văn bản xử lý vi phạm và thủ trưởng cơ sở chủ trì đào tạo, cơ sở phối hợp đào tạo bị xử lý kỷ luật theo quy định hiện hành.

Cá nhân khi tham mưu tổ chức thực hiện hoạt động liên kết đào tạo trái với quy định hiện hành thì sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định hiện hành và không được tham gia các hoạt động liên quan đến đào tạo từ 1 đến 3 năm.

Việc xử lý các vi phạm về tuyển sinh, đào tạo trong hoạt động liên kết đào tạo được thực hiện theo các quy định hiện hành của Quy chế tuyển sinh và đào tạo vừa làm, vừa học của Bộ GD&ĐT.

Bộ GD&ĐT sẽ công bố công khai trên trang thông tin điện tử của Bộ đối với các trường, TTGDTX cấp tỉnh vi phạm quy định về liên kết đào tạo.

Để được thực hiện liên kết đào tạo, cơ sở chủ trì đào tạo phải có văn bản cho phép mở ngành đào tạo chính quy và tuyển sinh tối thiểu 2 khóa đối với ngành dự kiến liên kết đào tạo; đã ban hành chuẩn đầu ra, công bố công khai các điều kiện đảm bảo chất lượng với ngành đào tạo dự kiến liên kết; có đội ngũ giảng viên cơ hữu tham gia giảng dạy tối thiểu 70% nội dung, khối lượng chương trình đào tạo khi thực hiện liên kết đào tạo với cơ sở phối hợp đào tạo là các trường ĐH, CĐ; 100% nội dung, khối lượng chương trình đào tạo đối với cơ sở phối hợp đào tạo khác…

Với cơ sở phối hợp đào tạo, cần phải được UBND tỉnh nơi cơ sở phối hợp đào tạo đặt trụ sở chấp thuận bằng văn bản thực hiện liên kết đào tạo. Đảm bảo môi trường sư phạm để thực hiện hoạt động đào tạo; có quy định cụ thể về quản lý hoạt động giảng dạy, học tập; có bộ phận chuyên trách quản lý đào tạo, đội ngũ nhân viên thư viện, kỹ thuật viên và hướng dẫn thực hành; có thư viện, phòng thí nghiệm, cơ sở thực hành, trang thiết bị và các cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy, học tập đảm bảo đáp ứng yêu cầu của ngành đào tạo dự định liên kết; có phòng nghỉ giữa giờ cho giảng viên và phòng sinh hoạt chung của sinh viên; có diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo thuộc sở hữu của cơ sở phối hợp đào tạo tối thiểu 1m2/sinh viên và không ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ đào tạo khác của trường…

UBND tỉnh, các bộ, ngành Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo, quản lý và giám sát việc thực hiện liên kết đào tạo của các cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý theo quy định. Sở GD&ĐT là đầu mối giúp UBND tỉnh chịu trách nhiệm quản lý hoạt động liên kết.

Theo GD&TĐ

Mới nhất
x
Điểm chú ý trong Dự thảo quy định liên kết đào tạo ĐH, CĐ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO