'Điểm danh' các lễ hội mùa Xuân Ất Tỵ ở Nghệ An
Nghệ An có dày dặn hệ thống di tích văn hóa - lịch sử. Sau đây là những lễ hội mùa Xuân Ất Tỵ ở Nghệ An.
Lễ hội đền Vua Mai
Thời gian: Ngày 10/2 - 12/2 năm 2025 (tức ngày 13 đến ngày 15 tháng Giêng Âm lịch). Địa điểm: Khu lăng Vua Mai, đền thờ Vua Mai - thị trấn Nam Đàn; mộ Thân mẫu Vua Mai - xã Nghĩa Thái và các di tích có liên quan của huyện Nam Đàn.
Để tưởng nhớ và tri ân công đức Vua Mai Hắc Đế, Mai Thiếu Đế và các tướng lĩnh, hằng năm, chính quyền và nhân dân huyện Nam Đàn long trọng tổ chức lễ hội tại di tích đền Vua Mai.
![1 Vua Mai-Mai hoa](https://bna.1cdn.vn/2025/02/08/1-vua-mai-mai-hoa.jpg)
Năm nay, phần hội gồm nhiều hoạt động sôi nổi mang đậm bản sắc truyền thống tốt đẹp của dân tộc với tinh thần thượng võ, đoàn kết như: đua thuyền, đấu vật, cờ thẻ và các trò chơi dân gian, đấu bóng chuyền…
Lễ hội đền Cả
Thời gian: Ngày 11/2 đến ngày 13/2/2025 (tức ngày 14 đến ngày 16 tháng Giêng Âm lịch). Địa điểm: Đền Cả, thị trấn Hoa Thành, huyện Yên Thành.
Di tích đền Cả là một công trình kiến trúc cổ được xây dựng từ thời nhà Lê. Đền không chỉ có kiến trúc đẹp mà còn nổi tiếng linh thiêng, thờ phụng các vị thần có công bảo quốc hộ dân như Cao Sơn – Cao Các, Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, Bạch Y công chúa; Phối thờ các vị thần tổ của các dòng họ lớn trong vùng.
Phần lễ gồm: Lễ khai quang, Lễ yết cáo; Lễ rước; Lễ mít tinh; Lễ đại tế: Lễ dâng hương và lễ tạ được tổ chức trang nghiêm theo đúng tập quán truyền thống của địa phương.
Phần hội bao gồm các hoạt động: Giải đẩy gậy nam, nữ; Giải bóng chuyền nữ; Giao lưu trống tế giữa các dòng họ trong huyện; Giải kéo co nam, nữ; Giải cờ tướng, cờ thẻ và Hội thi văn nghệ giữa các xóm... thu hút mọi tầng lớp nhân dân hào hứng tham gia.
Lễ hội đền Cờn
Thời gian: Ngày 16/2 đến 18/2/2025 (tức ngày 19 đến ngày 21 tháng Giêng âm lịch). Địa điểm: Đền Cờn, phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai.
Lễ hội đền Cờn là một trong những lễ hội truyền thống được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Lễ hội mang đậm bản sắc vùng biển, được tổ chức hàng năm để tưởng nhớ Tứ Vị Thánh Nương - những nữ thần bảo vệ và phù hộ cho dân chúng làm ăn thịnh vượng và vượt qua hiểm nguy.
![2 Den Cơn - Nguyen Dao](https://bna.1cdn.vn/2025/02/08/2-den-con-nguyen-dao.jpg)
Lễ hội đền Cờn năm nay có nhiều hoạt động trong phần lễ và phần hội đặc sắc, gồm lễ khai quang, lễ yết cáo, lễ khai hội, lễ cầu ngư, lễ hợp tế, lễ yết vị, lễ đại tế và lễ tạ; hội thi chim chào mào, chương trình văn nghệ, thi đấu các môn thể thao như đua thuyền, đẩy gậy, bóng chuyền, kéo co và các trò chơi dân gian truyền thống của địa phương…
Lễ hội đền Quả Sơn
Thời gian: Ngày 16 – 17/02 năm 2025 (tức ngày 19 đến ngày 20 tháng Giêng Âm lịch). Địa điểm: Đền Quả Sơn, xã Bồi Sơn, huyện Đô Lương.
Đền Quả Sơn là 1 trong 4 ngôi đền có tiếng linh thiêng nhất xứ Nghệ “nhất Cờn, nhì Quả, tam Bạch Mã, tứ Chiêu Trưng”. Đền là nơi thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang - vị tri châu có công lao to lớn xây dựng quê hương xứ Nghệ và mở mang, bảo vệ bờ cõi cho Quốc gia.
![3 Qua Son-Hoang Phi](https://bna.1cdn.vn/2025/02/08/3-qua-son-hoang-phi.jpg)
Nét đặc sắc của Lễ hội đền là lễ rước tạ ơn Bà Bụt ở chùa Bà Bụt hay còn gọi là Tiên tích tự ở cách đền 4 km về phía Tây thuộc xã Bạch Ngọc. Tương truyền, Bà Bụt là người thường xuyên linh ứng phù giúp Lý Nhật Quang trong việc kinh bang tế thế và là người chỉ cho ngài nơi quy hóa và hiển thánh dưới chân núi Quả.
Lễ hội đền Vạn - Cửa Rào
Thời gian: Ngày 17/02 – 19/2 năm 2025 (tức ngày 20 đến ngày 22 tháng Giêng Âm lịch). Địa điểm: Đền Vạn, bản Cửa Rào 2, xã Xá Lượng, huyện Tương Tương.
Đền Vạn - Cửa Rào nằm trên địa bàn xã Xá Lượng, vùng đất ngã ba sông nơi hợp lưu của dòng Nậm Nơn và dòng Nậm Mộ. Ngôi đền thiêng này gắn liền với sự nghiệp và công đức của Đoàn Nhữ Hài (đời Trần) - vị Đốc tướng đã hy sinh trên mảnh đất này để bảo vệ giang sơn, bờ cõi và cuộc sống nhân dân.
![4 Van CR- Thanh Cuong](https://bna.1cdn.vn/2025/02/08/4-van-cr-thanh-cuong.jpeg)
Lễ hội là dịp tưởng nhớ công đức của các vị thần được thờ tại đền và cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, bản làng yên ấm, muôn dân no đủ. Ở phần hội, các môn thể thao và trò chơi dân gian diễn ra sôi nổi và đầy hứng khởi.
Lễ hội Hang Bua
Thời gian: Ngày 17/02 – 19/2 năm 2025 (tức ngày 20 đến ngày 22 tháng Giêng âm lịch). Địa điểm: Đền Chiêng Ngam và hang Bua, bản Bua, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu.
Lễ hội Hang Bua là lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc huyện Quỳ Châu nói riêng và vùng Tây Bắc Nghệ An nói chung, nhằm tưởng nhớ công ơn những người có công khai bản lập mường. Phần lễ được tổ chức tại đền Chiêng Ngam và phần hội tổ chức tại hang Bua, thuộc bản Bua, xã Châu Tiến.
![5 Hang Bua - Đtuyen](https://bna.1cdn.vn/2025/02/08/5-hang-bua-dtuyen.jpg)
Lễ hội Hang Bua được tổ chức theo phong tục của đồng bào Thái, luôn đảm bảo tính trang nghiêm, an toàn tiết kiệm, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân và du khách thập phương tham gia.
Lễ hội Pu Nhạ Thầu
Thời gian: Ngày 21- 22/02 năm 2025 (tức ngày 24 đến ngày 25 tháng Giêng Âm lịch). Địa điểm: Đền Pu Nhạ Thầu, bản Na Lượng, xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn.
Đền Pu Nhạ Thầu gắn liền với những truyền thuyết và sự tích được lưu truyền trong dân gian, là nơi thờ Đốc tướng Đoàn Nhữ Hài, Mẫu Thượng Ngàn và các vị thần có công hộ quốc bảo dân...
![6 Pu Nha Thau - HP](https://bna.1cdn.vn/2025/02/08/6-pu-nha-thau-hp.jpg)
Bên cạnh những nghi lễ truyền thống trang nghiêm, với lễ yết cáo, lễ rước và đại tế, lễ hội còn có chương trình giao lưu văn hóa - văn nghệ, trình diễn trang phục dân tộc, uống rượu cần, múa lăm vông và các trò chơi dân gian hấp dẫn như: kéo co, bắn nỏ, ném còn, tò mạc lẹ, đẩy gậy...
Lễ hội đền thờ Nguyễn Xí
Thời gian: Ngày 26/2 – 28/2 năm 2025 (tức ngày 29/01 đến ngày 01/02 Âm lịch). Địa điểm: Đền thờ Nguyễn Xí, xã Khánh Hợp, huyện Nghi Lộc.
Lễ hội Đền Nguyễn Xí là dịp để nhân dân và hậu duệ dòng họ Nguyễn Đình biểu hiện lòng tôn kính, tưởng nhớ đến vị danh thần kiệt xuất của dân tộc, góp phần giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ, đồng thời cũng góp phần bảo tồn phát huy giá trị văn hóa dân tộc.
![7 Nguyen Xi - Dtuyen](https://bna.1cdn.vn/2025/02/08/7-nguyen-xi-dtuyen.jpg)
Phần lễ được tổ chức trang trọng, nghiêm túc, đậm đà bản sắc quê hương, dân tộc, bao gồm: Lễ khai quang, lễ yết cáo, lễ dâng hương, lễ tham tế, lễ đại tế và lễ tạ. Phần hội gồm các hoạt động văn nghệ, thể thao, các trò chơi dân gian...
Lễ hội đền Đức Hoàng
Thời gian: Ngày 25/2 – 28/2 năm 2025 (tức ngày 28/01 đến ngày 01/02 Âm lịch). Địa điểm: Đền Đức Hoàng, xã Phúc Thành, huyện Yên Thành.
Di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia đền Đức Hoàng là nơi thờ Sát Hải Đại Vương Hoàng Tá Thốn, vị tướng có tài bơi lội và giỏi võ nghệ đã có nhiều cống hiến lớn lao trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược vào thế kỷ thứ XIII.
![8 Duc Hoang - Thai Duong](https://bna.1cdn.vn/2025/02/08/8-duc-hoang-thai-duong.jpg)
Năm nay, phần lễ được tổ chức trang nghiêm với các nội dung theo phong tục, tập quán địa phương. Phần hội với nhiều hoạt động phong phú như: Thi đấu bóng chuyền nam, nữ; đua thuyền; thi đánh cờ người; hội diễn văn nghệ quần chúng; các trò chơi dân gian và các trò chơi hiện đại…
Lễ hội đền Thanh Liệt
Thời gian: Ngày 04 – 05 tháng 3 năm 2025 (tức ngày 05 đến ngày 06/02 Âm lịch). Địa điểm: Đền Thanh Liệt, xã Xuân Lam, huyện Hưng Nguyên.
Đền Thanh Liệt tọa lạc bên bờ sông Lam được xây dựng vào thời hậu Lê, để thờ các vị thần có công bảo quốc, hộ dân, đặc biệt là những vị thần gắn liền với miền sông nước: Long Vương, Hà Bá, Sát Hải Đại Vương Hoàng Tá Thốn, Nguyễn Biểu, Sơn Liêu Độc Cước…
![9 Thanh Liet - Huy Thu](https://bna.1cdn.vn/2025/02/08/9-thanh-liet-huy-thu.jpg)
Lễ hội đền Thanh Liệt là dịp sinh hoạt văn hóa dân gian cổ truyền mang đậm dấu ấn của ngư dân miền sông nước khu vực hạ nguồn sông Lam. Nét đặc sắc của lễ hội là lễ rước thần và cầu ngư trên sông. Lễ hội được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Lễ hội làng Vạc
Thời gian: Ngày 06/3 – 08/3 năm 2025 (tức ngày 07 đến ngày 09/02 Âm lịch). Địa điểm: Khu di chỉ khảo cổ học làng Vạc, phường Long Sơn, thị xã Thái Hòa.
Lễ hội Làng Vạc là dịp để nhân dân các địa phương trở về với cội nguồn; đồng thời thể hiện tinh thần đoàn kết cộng đồng, giáo dục ý thức bảo vệ, giữ gìn di tích, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa lịch sử truyền thống.
![9 Lang Vac - QHuy](https://bna.1cdn.vn/2025/02/08/9-lang-vac-qhuy.jpg)
Lễ hội Làng Vạc năm nay sẽ được tổ chức một cách trang nghiêm và có ý nghĩa, xứng tầm với giá trị văn hóa và lịch sử của Khu di chỉ Làng Vạc, thực sự là một hoạt động văn hóa mang đậm tín ngưỡng, tâm linh của đồng bào các dân tộc miền Tây Nghệ An.
Lễ hội đền Bạch Mã
Thời gian: Ngày 07/3 - 09/3/2025 (tức ngày 08 đến ngày 10 tháng 2 Âm lịch). Địa điểm: Đền Bạch Mã, xã Kim Bảng, huyện Thanh Chương.
Lễ hội Đền Bạch Mã được tổ chức nhằm tưởng nhớ, tri ân công đức danh tướng Phan Đà - vị tướng có công lao to lớn giúp nghĩa quân Lam Sơn trong cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược.
![10 Bach Ma-Mhoa](https://bna.1cdn.vn/2025/02/08/10-bach-ma-mhoa.jpg)
Phần lễ diễn ra trang nghiêm, phần hội diễn ra các hoạt động văn hoá, thể thao sôi nổi, thu hút đông đảo người dân, du khách tham gia, gồm thi đấu bóng chuyền nam, các trò chơi dân gian: vật cù, đập niêu, cờ tướng, bóng chuyền, kéo co...
Lễ hội đền Choọng
Thời gian: Ngày 10 – 11/3 năm 2025 (tức ngày 11 đến ngày 12/02 Âm lịch). Địa điểm: Bản Choọng Bùng, xã Châu Lý, huyện Quỳ Hợp.
Lễ hội Đền Choọng là dịp để đồng bào dân tộc Thái khu vực Tây Bắc Nghệ An nhớ về cội nguồn, ghi tạc công ơn của người con gái có tên Nang Phốm Hóm (tiếng Thái nghĩa là Nàng tóc thơm) - người có công lớn giúp nghĩa quân Lam Sơn đánh đuổi giặc Minh ở thế kỷ XV.
Ngoài phần lễ gồm có: lễ yết cáo, nộp trâu, lễ rước linh giá, lễ đại tế và lễ tạ, phần hội có chương trình giao lưu văn nghệ với những tiết mục hát múa dân gian truyền thống, mang đậm bản sắc dân tộc Thái, Thổ và các vùng miền.
Lễ hội đền Cuông
Địa điểm: Đền Cuông, xã Diễn An, huyện Diễn Châu. Thời gian: Ngày 13 - 14/3 năm 2025 (tức ngày 14 đến ngày 15/02 Âm lịch)
Đền Cuông tọa lạc trên núi Mộ Dạ, thờ Thục Phán An Dương Vương - người đã kế nghiệp Vua Hùng lãnh đạo nhân dân Lạc Việt đánh Tần chống Triệu ở thế kỷ III trước công nguyên. Tại đền còn phối thờ các vị thần đã có công bảo quốc hộ dân.
![11 den Cuong-MGiang](https://bna.1cdn.vn/2025/02/08/11-den-cuong-mgiang.jpg)
Nét đặc sắc của lễ hội là lễ rước kiệu Thục Phán An Dương Vương và Công chúa Mỵ Châu. Ngoài ra, còn có các hoạt động như hội trại, giải bóng chuyền, hát ca trù, trưng bày sản phẩm OCOP địa phương...
Lễ hội Đền Chín Gian
Thời gian: Ngày 13/3 – 14/3 năm 2025 (tức ngày 14 đến ngày 15/02 Âm lịch). Địa điểm: Đền Chín Gian, xã Châu Kim, huyện Quế Phong.
Đền Chín Gian là nơi thờ Thẻn Phà (trời), Náng Xỉ Đả (con gái trời) và Tạo Ló Ỳ - người được coi là có công đầu trong việc khai mường, lập đất theo quan niệm của đồng bào Thái. Lễ hội Đền Chín Gian được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
![12 Chin Gian - Sach Nguyen](https://bna.1cdn.vn/2025/02/08/12-chin-gian-sach-nguyen.jpg)
Lễ hội Đền Chín Gian diễn ra với nhiều hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào vùng cao như lễ hiến trâu, lễ rước, giao lưu văn nghệ, các trò chơi dân gian…
Lễ hội đền chùa Rú Gám
Thời gian: Ngày 12/3 – 14/3 năm 2025 (tức ngày 13 đến ngày 15/02 Âm lịch). Địa điểm: Đền Chùa Rú Gám, xã Xuân Thành, huyện Yên Thành.
Đền - chùa Gám tọa lạc trong cùng 1 khuôn viên, là quần thể di tích cổ kính, linh thiêng, có kiến trúc đẹp, độc đáo với những nét chạm khắc tinh xảo, thể hiện sự khéo léo, tinh tế.
![13 Chua gam - Huy thu](https://bna.1cdn.vn/2025/02/08/13-chua-gam-huy-thu.jpg)
Lễ hội diễn ra với nhiều hoạt động đặc sắc: Lễ khai quang, lễ yết cáo, lễ rước thần, lễ đại tế, lễ tạ, lễ cầu an, lễ khai mạc, các trò chơi dân gian (đẩy gậy nam – nữ, bịt mắt đập niêu, bịt mắt bắt vịt...) thi đấu bóng chuyền, võ cổ truyền…