Điểm lại các vụ tai nạn máy bay thảm khốc của các hàng không Đông Nam Á
Cho đến nay máy bay vẫn được coi là phương tiện giao thông an toàn nhất trên thế giới với tỷ lệ số vụ tai nạn và tử vong thấp nhất so với các phương tiện khác như tàu thuyền, ô tô, xe máy… Tuy nhiên, một khi tai nạn máy bay xảy ra thì nó có thể cướp đi hàng trăm sinh mạng cùng một lúc.
Ngày 9/9/1988: Một chiếc Tupolev Tu-134 xuất phát từ Hà Nội với 81 hành khách rơi trong lúc đang tiến gần đến Bangkok. 78 người thiệt mạng. Chiếc máy bay bị phá hủy hoàn toàn, bị cắt đứt thành ba đoạn. Nguyên nhân do chiếc máy bay đi vào vùng bão và bị sét đánh. Chiếc máy bay nổ sau khi rơi xuống một cánh đồng cách Sân bay quốc tế Bangkok 6 km. Có 3 người may mắn sống sót trong vụ này gồm 1 phi công, 1 nữ tiếp viên và 1 hành khách. Ảnh: AP
Ngày 3/9/1997: Chiếc máy bay Tupolev Tu-134 của Vietnam Airlines trên đường từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Phnom Penh bị rơi khi đang đến gần Sân bay quốc tế Pochentong, thủ đô Phnom Penh, Campuchia làm thiệt mạng 64 trong tổng số 66 hành khách và phi hành đoàn. Chỉ 2 trẻ em sống sót. Chiếc máy bay bị phá hủy hoàn toàn. Trong ảnh: Hiện trường vụ tai nạn máy bay Tu-134 của Vietnam Airlines. Ảnh: otofun.net
Ngày 3/9/2005: Máy bay Boeing 737 của hãng Mandala Airlines (Indonesia) chở 116 hành khách rơi xuống khu vực đông dân cư ngay sau khi cất cánh tại Medan khiến 147 người thiệt mạng, trong đó có 47 người dưới mặt đất. Tuy nhiên có 16 hành khách trên máy bay đã may mắn sống sót. Trong ảnh: Một máy bay của hãng hàng không Mandala.
Ngày 1/1/2007: Máy bay Boeing 737-400 của hãng hàng không giá rẻ Indonesia Adam Air chở có 102 người kể cả phi hành đoàn mất tích trên đảo Sulawesi. Một phi cơ trong lúc tìm kiếm phát hiện thấy xác chiếc máy bay đã bị “phá hủy” và rơi ở vùng núi trên tỉnh Sulawesi. 90 người thiệt mạng, nhưng 12 người may mắn sống sót. Trong ảnh: Một chiếc Boeing 737 của hãng Adam Air. Ảnh: AFP
Ngày 16/9/2007: Chiều 16/9, McDonnell Douglas MD-82 của hãng hàng không giá rẻ One-Two-Go xuất phát từ Bangkok bị cháy và nổ khi hạ cánh xuống Phuket trong lúc mưa to, khiến 88 người thiệt mạng và 42 người bị thương. Khi đáp xuống Phuket, chiếc máy bay như đâm xuống đường băng và trượt đi cho đến khi đụng phải một sườn đồi. Ngay lập tức, đám cháy dữ dội lan khắp phần thân giữa của máy bay và tiếp theo là một tiếng nổ vang lên. Trong ảnh: Phần thân còn lại của chiếc McDonnell Douglas MD-82 chỉ còn là một đống sắt vụn bị cháy và vỡ nát. Ảnh: AP
Ngày 16/10/2013: Một chiếc phi cơ ATR của hãng Lao Airlines đang trong hành trình từ thủ đô Vientiane tới thành phố miền Nam Pakse, đã lao xuống sông Mekong vào khoảng 16h, khi đang cố gắng hạ cánh, khiến toàn bộ hành khách và thành viên tổ bay thiệt mạng, trong đó có 5 người Việt Nam. Hãng thông tấn Lào cho hay chiếc phi cơ gặp phải gió mạnh, khiến nó bị cuốn đi và ra khỏi tầm kiểm soát của radar không lưu. Trong ảnh: Phần thân máy bay Lao Airlines rơi xuống sông Mekong đã được trục vớt lên bờ. Ảnh: Facebook
Ngày 8/3/2014: Chiếc máy bay Boeing số hiệu MH370 của hãng hàng không Malaysia chở 239 người gồm hành khách và phi hành đoàn đã biến mất khỏi màn hình radar. Toàn bộ số người trên máy bay đều được cho là đã tử nạn. Đến nay, việc tìm kiếm những nguyên nhân liên quan đến vụ rơi máy bay này vẫn chưa có kết quả cuối cùng. Trong thời gian qua, đã có nhiều giả thuyết được đưa ra cho nguyên nhân chiếc máy bay của Malaysia biến mất một cách bí ẩn như: phi công tự sát, không tặc, bị tên lửa bắn trúng hay người ngoài hành tinh tấn công… Trong ảnh: Một máy bay của hãng hàng không Malaysia. Ảnh: SA Paul Rowbotham
Ngày 17/7/2014: Chiếc máy bay mang số hiệu MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines bị rơi xuống miền Đông Ukraine, cướp đi mạng sống của 298 người và khiến cả thế giới bàng hoàng và chìm trong đau thương. Máy bay đang trong hành trình bay từ Amsterdam đến Kuala Lumpur. Trong số các nạn nhân có ba mẹ con người Việt Nam mang quốc tịch Hà Lan sống ở thị trấn Delft, ngoại ô thủ đô Amsterdam. Nhiều giả thuyết, cáo buộc đã được đưa ra sau tai nạn thảm khốc này, trong đó có cáo buộc máy bay bị lực lượng ly khai ở Ukraine bắn rơi, trong khi nhiều ý kiến lại cho rằng quân đội chính phủ đã bắn hạ bằng tên lửa đất đối không. Trong ảnh: Mảnh vỡ máy bay MH17 - Ảnh: russia-insider.
Ngày 28/12/2014: Khi ký ức đau lòng về hai thảm kịch MH370 và MH17 chưa nguôi, người dân Malaysia không khỏi bàng hoàng về chuyện xảy ra với chuyến bay QZ8501. Máy bay Airbus A320-200 thực hiện chuyến bay số hiệu QZ8501 từ đảo Surabaya của Indonesia đến Singapore đã rơi xuống biển Java trong điều kiện thời tiết mưa bão. Tai nạn làm 162 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng. Trong ảnh: Một chuyên viên Cơ quan tìm kiếm cứu nạn Indonesia chỉ vào nơi nhận được tín hiệu cuối cùng của chuyến bay QZ 8501. Ảnh: AFP
Ngày 30/6/2015: Chiếc Lockheed C-130 Hercules chở 122 người, trong đó có 12 thành viên phi hành đoàn và 9 trẻ em, đã gặp nạn chỉ sau vài phút cất cánh, rơi xuống một khu vực đông dân cư ở Medan, thành phố lớn nhất trên đảo Sumatra. Toàn bộ những người có mặt trên chuyến bay đã thiệt mạng. Ngoài ra, vụ rơi máy bay còn cướp đi mạng sống của khoảng 20 người khác trên mặt đất bị máy bay rơi trúng. Trong ảnh: Chiếc máy bay Hercules C-130 của quân đội Indonesia gặp nạn. Ảnh nguồn: VTC
Ngày 29/10/2018: Vào lúc 7h50 sáng 29/10 (giờ địa phương), chiếc máy bay Boeing-737 Max 8 mang số hiệu JT610 của hãng hàng không Lion Air thực hiện lộ trình bay từ thủ đô Jakarta, Indonesia đến Pangkakpinang thuộc tỉnh Bangka Belitung đã rơi xuống biển. Thông báo mới nhất của Bộ Giao thông Vận tải Indonesia xác nhận có 188 người đi trên máy bay Boeing 737 MAX 8, bao gồm cả phi hành đoàn. Cơ quan tìm kiếm và cứu nạn quốc gia Indonesia xác nhận không còn ai sống sót. Trong ảnh: Đội ngũ cứu hộ trục vớt mảnh vỡ từ máy bay Lion Air rơi trên biển Java hôm 29/10. Ảnh: Cơ quan tìm kiếm cứu nạn Indonesia.