Điểm mặt các dự án thua lỗ dưới thời ông Đinh La Thăng
(Baonghean.vn) - Những dự án "tai tiếng'"ở Tập đoàn Dầu khí Việt Nam khi ông Đinh La Thăng giữ vai trò chủ tịch là không ít; gây thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng, thất thoát nhiều tài sản Nhà nước.
"Vũng lầy" Trịnh Xuân Thanh cùng PVC lỗ hơn 3.300 tỷ đồng
Ngày 26/4/2017 Ủy ban Kiểm tra Trung ương phát đi thông tin về một số vi phạm của Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) giai đoạn 2009 - 2015, trong đó đề nghị xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Đinh La Thăng hiện đang giữ chức vụ Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.
Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) từng được xem là con cưng của PVN khi là một trong những doanh nghiệp đầu tiên của Tập đoàn niêm yết. Nhưng cũng từ đó PVC trở thành cục nhọt của ngành dầu khí nói chung và PVN nói riêng.
Được cựu Chủ tịch Trịnh Xuân Thanh cầm trịch, năm 2009, PVC niêm yết trên HNX vốn điều lệ nhanh chóng tăng từ 2.500 tỷ vào năm 2010 lên 4.000 tỷ đồng năm 2012. Trong đó có tới 86% (tương đương 3.371 tỷ đồng) được PVC mang đi góp vốn vào 40 công ty thành viên.
Tính đến hết tháng 6/2013, tình hình sản xuất kinh doanh và tài chính của công ty này rất khó khăn. |
Các công ty này đổ tiếp tục đổ tiền vào lĩnh vực xây lắp, bất động sản, đầu tư tài chính. Đến năm 2011, nhiều công ty bắt đầu thua lỗ, PVC rơi vào vũng lầy đa ngành. Năm 2013, PVC lỗ lũy kế gần 3.300 tỷ đồng.
Trước những thua lỗ nghiêm trọng đó, ôngTrịnh Xuân Thanh cùng dàn lãnh đạo cấp cao của PVC đã bị Bộ Công an khởi tố và bắt tạm giam.
Dự án PVTex "đắp chiếu", thua lỗ 7.000 tỷ đồng
Một khoản đầu tư khá tai tiếng của PVN là Nhà máy xuất xơ sợi polyester Đình Vũ - PVTex (Hải Phòng). PVN nắm trên 75% vốn cổ phần với tổng vốn đầu tư 325 triệu USD (tương đương khoảng 7.000 tỷ đồng).
Theo kế hoạch nhà máy có công suất 170.000 tấn sản phẩm xơ sợi/năm từ nguyên liệu nhập khẩu và dự kiến hoạt động từ năm 2012, tuy nhiên đến khi vận hành vào tháng 5/2014, nhà máy đã phải đối mặt với việc không bán được hàng và buộc tạm dừng.
Thua lỗ và cạn vốn hoạt động, PVN đề nghị Bộ Tài chính áp thuế nhập khẩu và hạn ngạch đối với sản phẩm sơ xợi polyester nhập khẩu. Đồng thời xin miễn giảm nhiều loại thuế, phí như thuế giá trị gia tăng; chi phí điện, nước, thuê đất, cuản lý, xử lý nước thải của Khu công nghiệp Đình Vũ với PVTex trong hai năm…
Một góc Nhà máy Sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ (Hải Phòng). |
Chưa dừng ở đó, PVN còn xin Bộ Công thương yêu cầu các doanh nghiệp dệt may trong nước phải dùng sản phẩm của PVTex. Đến nay, PVTex vẫn đắp chiếu, nguyên Tổng Giám đốc Vũ Đình Duy vẫn đang bị Công an truy nã đặc biệt về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Do lỗ nặng nên nhà máy chạy phập phù và nhiều lần phải 'đắp chiếu', đến cuối năm 2015 thì dừng hẳn
Mất 800 tỷ đồng góp vốn từ PVN vào OceanBank
Với mục tiêu xây dựng một tập đoàn đa lĩnh vực, năm 2008, PVN bắt đầu đầu tư vào Oceanbank.
Cụ thể, PVN là cổ đông chiến lược với 20% cổ phần tại Oceanbank; với sự sụp đổ của Oceanbank cùng vụ án Hà Văn Thắm, việc góp vốn vào OceanBank đã khiến PVN mất trắng 800 tỷ đồng.
Năm 2008, Oceanbank tăng vốn điều lệ lên 2.000 tỷ đồng nên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) góp 400 tỷ đồng (tương ứng 20% cổ phần) bằng cách chuyển từ tài khoản tiền gửi sang tài khoản của Oceanbank. Tiếp đó, Oceanbank tăng vốn lên 3.500 tỷ đồng vào năm 2009, 4.000 tỷ năm 2011 thì PVN góp thêm tương ứng 300 tỷ và 100 tỷ nhằm giữ được tỉ lệ 20% cổ phần.
Theo tài liệu công bố, đến ngày 31/3/2014, OceanBank nợ xấu gần 15.000 tỷ đồng, trước thuế lỗ hơn 10.000 tỷ đồng, âm vốn 249% vốn chủ sở hữu.
Tháng 5/2015, Ngân hàng Nhà nước đã mua lại OceanBank với giá 0 đồng và đổi tên thành Ngân hàng Thương mại TNHH một thành viên Đại Dương. Điều này cũng đồng nghĩa với việc 800 tỷ đồng tương đương 20% cổ phần của PVN cũng sẽ mất trắng.
Trong thời gian là góp vốn vào Oceanbank, để thực hiện quản lý, giám sát vốn, PVN cử người sang Oceanbank và họ phải báo cáo về theo từng tháng, quý, năm. Tuy nhiên, tất cả các báo cáo không có cảnh báo hoặc tín hiệu nguy hiểm về vốn. Ngoài ra, PVN còn thực hiện giám sát ngoài, quá trình này cũng không phát hiện sai phạm nào.
Loạt dự án nhiên liệu sinh học dang dở
3 Nhà máy nhiên liệu sinh học ethanol ở Phú Thọ, Quảng Ngãi, Bình Phước được PVN quyết định đầu tư từ tháng 10/2007 - 3/2009. Công suất mỗi nhà máy là 80.000 tấn etanol nhiên liệu/năm, nguồn vốn đầu tư do các cổ đông góp 30%, còn lại vay tín dụng 70%. Tuy nhiên nay đều chung tình trạng "đắp chiếu".
Theo kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ, số tiền bỏ ra cho dự án ethanol Dung Quất hơn 2.100 tỷ đồng, vượt tổng mức đầu tư được duyệt hàng trăm tỷ đồng. Hoàn thành năm 2014 với kỳ vọng tạo nguồn nguyên liệu xăng E5 giá rẻ thân thiện môi trường, nhưng từ đó đến nay, xưởng máy chỉ vận hành để bão dưỡng.
Nhà máy ethanol Bình Phước trị giá hơn 2.200 tỷ đồng, được khởi công năm 2010 và khánh thành vào tháng 12/2012, có công suất 300.000 lít xăng E5/ngày. Song năng lực quản trị yếu kém, năng lực tài chính cạn kiệt khiến tình hình kinh doanh u ám, kể từ 2015 đến nay, nhà máy đã phải trùm mền.
Dự án ethanol Phú Thọ "đắp chiếu" khi đang đầu tư dang dở. |
Chung cảnh ngộ, Nhà máy Nhiên liệu sinh học ethanol Phú Thọ vốn 2.400 tỷ đồng dự kiến đi vào sản xuất từ năm 2012 nhưng do thiếu vốn, cuối năm 2011, dù khoảng 80% khối lượng công việc đã xong, nhà máy dừng thi công, những người nông dân trước đây phải nhường hơn 50 ha đất xây dựng nhà máy không khỏi tiếc nuối.
Thua lỗ tại dự án nhiệt điện Thái Bình 2
Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, việc chỉ định gói thầu EPC tại Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 vi phạm pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng.
Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 do PVN làm chủ đầu tư, PVC được giao làm nhà thầu có nhiệm vụ thiết kế bản vẽ thi công, mua sắm hàng hoá, thiết bị vật tư, xây lắp, nghiệm thu, đào tạo và bàn giao vận hành…
Nhóm cán bộ chủ chốt của PVC là người trực tiếp ký duyệt các thủ tục về tài chính dự án nhà máy nhiệt điện có công suất thiết kết 1.200 MW với tổng mức đầu tư hơn 34.295 tỷ đồng (tương đương 1,7 tỷ USD).
Được biết, PVC đã ký hợp đồng EPC với Ban quản lý Dự án Điện lực Dầu khí Thái Bình 2 – PVN với giá trị khoảng 918 triệu USD và 5.874 tỷ đồng. Cũng ngay trong năm 2011, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) ký hợp đồng EPC đã tạm ứng cho dự án này 1.312 tỷ đồng và 6,6 triệu USD.
Liên quan tới dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, theo báo cáo tài chính hợp nhất của PVC, đến thời điểm tháng 6/2016, tổng giá trị hợp đồng tạm tính Tổng công ty đã ký với các nhà thầu phù cho công trình này đã vượt giá trị hợp đồng EPC ký.
Mất hơn 500 triệu USD trong siêu liên doanh 1,8 tỷ USD với Venezuela
Giai đoạn 2006 - 2011, PVN còn vung tiền ở một số dự án nước ngoài, trong đó có siêu liên doanh 1,8 tỷ USD khai thác dầu tại Venezuela. Theo tỷ lệ vốn góp 40%, PVN có thể thu về 4 triệu tấn dầu/năm, dự kiến hoàn vốn sau 7 năm.
Khi đó, lãnh đạo PVN đã để ngoài tai những khuyến cáo của giới chuyên môn và các bộ, ngành Việt Nam về tình hình chính sự Venezuela, trữ lượng dầu không như PVN dự báo.
PVN còn vung tiền ở một số dự án nước ngoài, trong đó có siêu liên doanh 1,8 tỷ USD khai thác dầu tại Venezuela. |
Kết quả là dự án chi được màn ra mắt hoành tráng để rồi không đi tới đâu. Riêng tiền mặt mà PVN trực tiếp trao cho Venezuela đã lên đến 532 triệu USD không quay trở lại, chưa kể các chi phí đầu tư lên đến hàng trăm triệu USD.
Tháng 4/2013, vẫn chưa thu được giọt dầu nào, ban lãnh đạo mới của PVN quyết định bỏ dự án này để "cứu" khoản tiền phải nộp lên đến 142 triệu USD, chấp nhận bỏ hơn 500 triệu USD.
Công ty "ma" PVFC Invest vốn 500 tỷ bán lại giá 20 triệu đồng
Thành lập từ 2007, đến năm 2010, CTCP Đầu tư và Tài chính Dầu khí (PVFC Invest) gần như không có hoạt động đầu tư nào, ngoài nhận vốn ủy thác từ Tổng CTCP Tài chính Dầu khí (PVFC), sau đó mua đi bán lại cổ phần, rót vốn đầu tư vào các dự án “trên giấy”.
PVN là công ty mẹ sở hữu 78% vốn tại công ty con PVFC, PVFC lại sở hữu 59% vốn của công ty cháu PVFC Invest.
Tính đến hết năm 2010, PVFC Invest lỗ lũy kế 559 tỷ đồng, âm vốn điều lệ 59 tỷ đồng, công ty rơi vào tình trạng đặc biệt khó khăn và hoàn toàn đủ điều kiện phá sản.
Đến năm 2012, sau nhiều lần đổi tên, PVFC Invest được bán với giá 20 triệu đồng, tức 1 đồng/cổ phiếu. Cùng với đó, PVFC có hơn 8.500 tỷ đồng nợ xấu của hầu hết khách hàng không có khả năng trả như Vinashin, Vinalines…
Ngọc Anh
(Tổng hợp)
TIN LIÊN QUAN |
---|