Điểm sàn đại học 2025: Nhiều ngành HOT tụt dốc, chưa đến 5 điểm/môn thi
Mùa tuyển sinh 2025 chứng kiến sự điều chỉnh đáng kể của điểm sàn tại nhiều trường đại học, với không ít ngành HOT công bố mức nhận hồ sơ chưa đến 5 điểm/môn thi.
Điểm sàn chạm đáy: Loạt trường công bố mức thấp kỷ lục
Các trường đại học trên cả nước đang lần lượt công bố điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển năm 2025. Đây là mức điểm tối thiểu để thí sinh đủ điều kiện đăng ký nguyện vọng, khác biệt hoàn toàn so với điểm chuẩn trúng tuyển chính thức sẽ được Bộ GD&ĐT công bố sau khi lọc ảo vào ngày 16/8.
Đáng chú ý, điểm sàn năm nay dao động từ 12-24 điểm, được đánh giá là ở mức thấp kỷ lục, thậm chí "chạm đáy" so với mức 15/30 điểm của năm 2024.
Đại học Lao động Xã hội thông báo điểm sàn ngành Luật kinh tế là 18/30 điểm, các ngành còn lại là 14/30 điểm.
Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên nhận hồ sơ từ 14 điểm/3 môn thi tốt nghiệp THPT.
Mức điểm nhận hồ sơ thấp nhất hiện tại thuộc về Đại học Hùng Vương (TP.HCM) với 12 điểm/3 môn.
Đại học Quang Trung cũng có điểm sàn xét điểm thi tốt nghiệp chỉ từ 13-14 điểm/3 môn.
Nhiều trường đại học công bố điểm sàn từ 15 điểm, chủ yếu là các trường ngoài công lập như Đại học Nguyễn Tất Thành, Quốc tế Sài Gòn, Quốc tế Hồng Bàng, Hoa Sen, Văn Lang.
Ngay cả một số trường đại học công lập uy tín như Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP.HCM cũng nhận hồ sơ từ 16 điểm/3 môn.
Đặc biệt, Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP.HCM nhận hồ sơ xét tuyển từ 15-24 điểm/tổ hợp 3 môn thi tốt nghiệp THPT.

Điểm sàn ngành hot "tụt dốc"
Xu hướng giảm điểm sàn không chỉ dừng lại ở các ngành thông thường mà còn lan sang cả những ngành được coi là "hot". Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP.HCM công bố điểm sàn dao động từ 16-24 điểm.
Mặc dù hai ngành Công nghệ bán dẫn và Thiết kế vi mạch vẫn giữ mức cao tương đương năm 2024 do nằm trong chương trình 1017 của Chính phủ, nhiều ngành khác của trường lại giảm từ 0,5 đến 6 điểm.
Đáng chú ý, ngành Khoa học dữ liệu đã "tụt dốc" từ 24 điểm (năm 2024) xuống còn 18 điểm.
Các ngành như Trí tuệ nhân tạo, nhóm ngành Máy tính và Công nghệ thông tin, Khoa học máy tính (chương trình tiên tiến) và Công nghệ thông tin (chương trình tăng cường tiếng Anh) cũng giảm tới 4 điểm, còn 20 điểm.
Đại học Văn Lang cũng chứng kiến điểm sàn nhiều ngành hot giảm 1 điểm, từ 16 điểm (năm 2024) xuống còn 15 điểm đối với Truyền thông đa phương tiện, Thiết kế đồ họa, Luật, Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Hàn Quốc.
Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, với hàng loạt ngành thời thượng như Trí tuệ nhân tạo vạn vật, Kỹ thuật điện tử viễn thông, Điều khiển tự động hóa, cũng có điểm sàn chung giảm 3 điểm, từ 22 điểm (năm 2024) còn 19 điểm/tổ hợp.
Thí sinh đăng ký nguyện vọng cần tránh "bẫy điểm sàn"
Các chuyên gia nhận định rằng có hai nguyên nhân chính dẫn đến sự đồng loạt giảm điểm sàn của các trường.
Thứ nhất, việc Bộ GD&ĐT quy định tất cả cơ sở giáo dục không được tuyển sinh sớm (trừ tuyển thẳng theo quy chế) khiến các trường không thể xác định được số lượng thí sinh thực tế tham gia xét tuyển. Những năm trước, việc tuyển sinh sớm giúp nhiều trường đã tuyển được một lượng lớn chỉ tiêu, tạo tâm lý tự tin để đưa ra điểm sàn cao hơn. Do đó, năm nay, nhiều trường chấp nhận đưa ra mức điểm sàn "chạm đáy" để đảm bảo tuyển đủ chỉ tiêu.
Thứ hai, phổ điểm năm nay giảm do đề thi phân hóa tốt hơn. Ngoài ra, một nguyên nhân khách quan khác là nguy cơ thiếu nguồn tuyển do năm nay khối trường quân đội quay trở lại tuyển sinh hệ dân sự và các trường tốp trên tiếp tục tăng chỉ tiêu.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng đặc biệt lưu ý thí sinh cần thận trọng, tránh rơi vào "bẫy điểm sàn".
Thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương, Giám đốc Trung tâm Marketing và Phát triển thương hiệu Đại học Công nghệ TP.HCM, nhấn mạnh sự khác biệt giữa điểm sàn và điểm chuẩn. Điểm sàn chỉ là mức tối thiểu để đăng ký, trong khi điểm chuẩn là điểm trúng tuyển sau khi trường xét theo thứ tự từ cao xuống.
Do đó, thí sinh nên tham khảo dữ liệu phổ điểm và điểm chuẩn các năm trước khi đưa ra quyết định đăng ký nguyện vọng để tăng cơ hội trúng tuyển.