Điểm sáng giải quyết việc làm ở một huyện miền núi
(Baonghean.vn) - Góp phần giải quyết vấn đề việc làm cho lao động hồi hương do Covid-19, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho các học viên trường nghề, huyện miền núi Quỳ Châu đã có sáng kiến hay là tổ chức xưởng may công nghiệp theo hình thức dạy nghề vừa học, vừa làm.
Chung sức gỡ khó
Quỳ Châu là một trong những huyện nghèo của tỉnh Nghệ An. Ảnh: Kế Kiên |
Năm 2021, do dịch Covid-19, số lao động huyện Quỳ Châu làm việc ngoại tỉnh mất việc lớn. Theo thống kê, từ ngày 22/4/2021 - 31/12/2021, số lao động trở về địa phương là trên 5.000 người…
Đứng trước áp lực giải quyết việc làm và cải thiện thu nhập cho người dân, huyện Quỳ Châu đã có chủ trương chỉ đạo các doanh nghiệp xây dựng trên địa bàn ưu tiên tuyển dụng lao động địa phương vào làm việc, tập trung kêu gọi các doanh nghiệp về đầu tư, mở nhà máy tại địa bàn.
Giải pháp đề ra của huyện Quỳ Châu là rõ ràng, song phải nói rằng khi vào thực tế không dễ thực hiện, bởi trên địa bàn huyện, doanh nghiệp không có nhiều, chỉ có một số ít doanh nghiệp gia đình, sử dụng một vài lao động... Doanh nghiệp không mặn mà vào đầu tư, phát triển tại địa phương do các yếu tố hạ tầng giao thông, nguồn nhân lực, phong tục tập quán ảnh hưởng đến lợi nhuận.
Giải quyết việc làm cho lao động địa phương nói chung và lao động hồi hương nói riêng trở thành trăn trở lớn của các cấp, ngành, đơn vị ở huyện Quỳ Châu. Chung một nỗi lo còn có Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện.
Dịch Covid-19 bùng phát, rất nhiều lao động mất việc làm phải hồi hương. Ảnh: Thành Cường |
Ông Bùi Hoàng Báu - Giám đốc Trung tâm kể: Hàng năm, Trung tâm vẫn tổ chức các lớp đào tạo nghề cho lao động địa phương. Sau khi học nghề, lao động thường đi làm tại các khu công nghiệp hoặc xuất khẩu lao động. Nay dịch Covid-19, lao động có tay nghề cũng mất việc thì tương lai các học viên cũng kém phần tươi sáng.
Được biết, để giải quyết việc làm cho lao động là những học viên đã được đào tạo nghề, những năm trước, huyện Quỳ Châu và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện đã tìm kiếm, mời một số doanh nghiệp về cùng liên kết mở xưởng, nhà máy theo hình thức dạy nghề vừa học vừa làm… Tuy nhiên, sau khi khảo sát, các doanh nghiệp cũng “một đi không trở lại”, do các yếu tố kể trên.
Ở thời điểm này, qua sự trao đổi, những trăn trở và nỗi lo của huyện Quỳ Châu đã được 1 doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn đồng cảm, chia sẻ - đó là Công ty TNHH Nguồn nhân lực Phủ Quỳ.
Là người con quê hương, tôi vẫn mong muốn được xây dựng, đóng góp cho Quỳ Châu. Tuy vậy, thực sự để tính toán giữa bài toán kinh doanh - lợi ích của công ty thì rõ ràng còn có rất nhiều vùng đất thuận lợi hơn để phát triển… Nhưng rồi, thấy địa phương gặp khó nên cũng quyết định mạo hiểm.
Qua bàn bạc, thống nhất, Phòng LĐ-TB&XH, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Công ty đã gặp gỡ lãnh đạo huyện Quỳ Châu để xin chủ trương. Theo đó: Công ty TNHH Nguồn nhân lực Phủ Quỳ sẽ mở 1 xưởng may gia công tạm đặt tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên. Trước mắt, công ty sẽ tuyển các lao động mất việc, hồi hương vào làm việc. Lâu dài, công ty sẽ phối hợp cùng trung tâm để liên kết vừa học, vừa làm, giúp học viên có thu nhập ngay từ khi đang còn học nghề… Ý tưởng này đã được lãnh đạo huyện Quỳ Châu ủng hộ hết mình.
Xưởng may gia công tạm đặt tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên. Ảnh: Kế Kiên |
Tháng 7/2021, xưởng may gia công do Công ty TNHH Nguồn nhân lực Phủ Quỳ và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Quỳ Châu phối hợp tổ chức bắt đầu hình thành, thực hiện tuyển dụng công nhân và mua sắm, lắp đặt máy móc. Tháng 8/2021, xưởng may bắt đầu đi vào hoạt động với tổng số 3 dây chuyền may công nghiệp, cùng trên 80 công nhân. Đại đa số những công nhân đang làm việc ở đây là những lao động hồi hương, số còn lại là học viên của trung tâm.
Cần những “tấm lòng vàng”
Sau hơn nửa năm thành lập, xưởng may hiện đã hoạt động ổn định với việc nhận được khá nhiều đơn hàng trong và ngoài nước. Trung bình mỗi tháng doanh thu xưởng đạt 600-700 triệu đồng, thu nhập của công nhân 4-6 triệu đồng. Nhiều lao động hồi hương sau thời gian “tạm” làm việc ở xưởng đã có mong muốn gắn kết lâu dài.
Trong quá trình làm việc, em thấy công việc phù hợp, lương tuy không cao nhưng ổn định, môi trường làm việc tốt, đặc biệt được gần gia đình nên em cũng muốn gắn bó làm việc lâu dài”.
Xưởng may công nghiệp được mở tại huyện Quỳ Châu đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động trong giai đoạn khó khăn. Ảnh: Thành Chung |
Trong quá trình hoạt động, cũng đã có những lao động hồi hương trước đây rời xưởng quay trở lại làm việc tại các công ty cũ. Tuy nhiên, số lao động của xưởng may không hao hụt bởi liên tục có lao động tiếp tục đến xin việc, cũng như số học viên của Trung tâm bù vào.
Học viên sau khi được học lý thuyết tầm 60-70 ngày (thời gian này có chế độ hỗ trợ của Nhà nước 30.000 đồng/ngày) thì được xuống thực hành tại xưởng từ 2-3 tháng sẽ lành nghề. Trong tháng đầu tiên thực hành, mỗi em học viên có thu nhập khoảng 3 triệu đồng/tháng. Tháng thứ 2 trở đi có thu nhập từ 4,5-5,2 triệu đồng/tháng.
Hoạt động có hiệu quả, tại thời điểm này, Công ty và Trung tâm đã và đang xúc tiến mở rộng mô hình theo từng cụm xã trên địa bàn huyện, đặt tại xã Châu Bình và Châu Bính - nơi có lao động hồi hương, công dân trong độ tuổi lao động đông. Ý tưởng này đã nhận được sự hoan nghênh, ủng hộ cao của lãnh đạo huyện Quỳ Châu.
Thu nhập của mỗi công nhân ở xưởng may đạt 4-6 triệu đồng tháng. Ảnh: Kế Kiên |
Ông Nguyễn Thanh Hoài - Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu cho hay: Việc mở rộng mô hình không những tạo thêm được việc làm cho người dân mà quan trọng hơn là giúp cho lao động có tay nghề. Với kỹ năng nghề nghiệp sẵn có, nếu lao động không thích làm việc ở địa phương thì cũng có thể đi làm việc, phát triển ở địa phương khác… Huyện, xã thực hiện hỗ trợ mô hình bằng cách cho mượn các cơ sở công trình dân sinh, nhà văn hóa dư thừa do sáp nhập thôn, bản để thiết lập xưởng.
Phải nói rằng, mô hình xưởng may công nghiệp vừa học, vừa làm ở huyện Quỳ Châu đã có những thành công ban đầu. Tuy chưa đúc rút ra những bài học kinh nghiệm nhưng có thể thấy rõ sự tín hiệu lạc quan này chỉ có thể hình thành nên từ bởi những tấm lòng “vì quê hương”… Song cũng cần nhìn nhận rõ: Kể cả khi mô hình xưởng may công nghiệp vừa học, vừa làm có thể nhân rộng thêm nữa thì số lao động được giải quyết việc làm ở Quỳ Châu cũng mới chỉ tầm 300-400 người. Quỳ Châu còn cần nhiều hơn những doanh nghiệp vào đầu tư và đa dạng hóa lĩnh vực sản xuất, kinh doanh… và không thể chỉ trông chờ vào những “tấm lòng vàng”.
Theo ông Phạm Văn Tiến: Địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, vận động nhiều con em đi học nghề, đa dạng hóa ngành nghề. Ảnh: Kế Kiên |
Ông Phạm Văn Tiến - Giám đốc Công ty TNHH Nguồn nhân lực Phủ Quỳ tâm tình: “Các huyện miền núi nói chung, Quỳ Châu nói riêng thua thiệt nhiều so với các địa phương vùng thuận lợi trong thu hút đầu tư. Một địa phương khi mất đi nguồn lao động thì khó có thể phát triển. Để cục diện thay đổi thì chỉ có bằng cách nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao ý thức và kỹ năng, tác phong làm việc. Đơn cử như ở xưởng may, có công nhân tự động nghỉ về “làm vía” thì xưởng sẽ “đứt chuyền”. Địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, vận động nhiều con em đi học nghề, đa dạng hóa ngành nghề. Lao động qua đào tạo chính là “bàn tay vàng” - lợi thế thu hút đầu tư…”.