Điểm tựa của nhân dân vùng biên cương Quế Phong

02/03/2017 16:50

(Baonghean.vn)- Từ chỗ là nạn nhân của vụ buôn bán người, được bộ đội biên phòng giải cứu, chị Thu trở thành tuyên truyền viên, cùng với chiến sỹ biên phòng ngăn chặn tình trạng buôn bán người qua biên giới.

» Linh mục Nguyễn Đình Thục kích động giáo dân

Cho đến bây giờ các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hạnh Dịch, huyện Quế Phong, Nghệ An vẫn chưa quên được chuyên án mang bí số 321L vào ngày 28/9/2013.

Khi đó, qua công tác nắm tình hình, đồn nhận được tin báo của quần chúng có 2 đối tượng đã vào địa bàn tiếp xúc, dụ dỗ, lừa gạt một số "sơn nữ" đang có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Chuyên án được Đồn biên phòng Hạnh Dịch xác lập. Vào hồi 18 giờ 20 phút, ngày 28/9, tại km số 406, Quốc lộ 1A thuộc xã Quỳnh Giang, huyện Quỳnh Lưu lực lượng phá án đã phối hợp với Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Nghệ An kiểm tra xe khách mang biển kiểm soát 14B - 00439 chạy tuyến Nghệ An - Móng Cái và bắt quả tang hai đối tượng đang trên đường đưa người ra Móng Cái (Quảng Ninh) để đưa sang Trung Quốc bán.

Chị Lương Thị Thu (phải) trong một cuộc họp phụ nữ xã. Ảnh: Hiến Chương

Qua đấu tranh khai thác, 2 đối tượng khai tên là Lang Thị Mai, SN 1981, trú tại bản Moòng, xã Cắm Muộn, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An và Vi Thị Hiểu, SN 1981, trú tại bản Piêng Chào, xã Châu Kim, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An. Cả hai đều là nạn nhân bị lừa bán, đều đã lấy chồng ở Trung Quốc, nay trở về quê, tìm người mang đi bán kiếm lời.

Chị Lương Thị Thu ở bản Khốm xã Hạnh Dịch huyện Quế Phong là một trong 3 nạn nhân đã được giải cứu trong chuyên án này.

Nhớ lại thời điểm đó, chị Thu cho hay: "Sau khi nghe theo lời của "đồng hương" rằng đi qua bên kia dễ kiếm việc, mức lương cao,.. tôi không hề nghi ngờ mà một mực làm theo những gì họ căn dặn. Chỉ đến khi được các anh biên phòng giải cứu, nói cho biết là đang bị đưa đi bán thì tôi mới ngớ người ra. Với tôi, sau khi được các anh bộ đội giải cứu đưa về nhà, tôi như được hồi sinh trở lại".

Đáng nói, từ bi kịch và nỗi đau đã trải qua, chị đã trở thành một tuyên truyền viên, tham gia tích cực các hoạt động trong công tác phụ nữ. Hiện nay, chị đang đảm nhiệm chức vụ Chi hội trưởng chi hội phụ nữ bản Khốm. Ngày ngày, chị cùng với các chiến sỹ đồn biên phòng Hạnh Dịch xuống từng nhà dân, tuyên truyền, vận động người dân không mắc lừa kẻ xấu, không qua biên giới trái phép...

Sự đứng dậy mạnh mẽ của chị Thu ngoài nỗ lực của bản thân chị, còn cho thấy tính hiệu quả trong công tác tuyên truyền, phòng ngừa đấu tranh chống tội phạm buôn người của cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Hạnh Dịch.

Để chủ động đấu tranh chống tội phạm buôn bán người, Đảng ủy, Ban Chỉ huy Đồn xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và lâu dài, ra nghị quyết lãnh đạo và xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện. Bố trí lực lượng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện ra vào khu vực biên giới; nắm rõ âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại đối tượng, chủ động đề ra các biện pháp đấu tranh có hiệu quả.

Khu vực biên giới xã Hạnh Dịch. Ảnh: Hiến Chương

Đại úy Cao Văn Cầm - Chính trị viên phó Đồn BP Hạnh Dịch cho biết, để đạt được hiệu quả cao, đồn đã phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động bà con, chú trọng chỉ rõ âm mưu phương thức, thủ đoạn của các đối tượng nhất là tội phạm mua bán người, từ đó để bà con nhận thức rõ các âm mưu thủ đoạn, cảnh giác không bị lôi kéo mua chuộc dụ dỗ theo các đối tượng.

Bên cạnh công tác xây dựng cơ sở chính trị, củng cố quốc phòng, an ninh, những năm gần đây Đồn Biên phòng Hạnh Dịch còn tập trung vào xây dựng các mô hình phát triển kinh tế giúp dân. Chỉ tính riêng trong hai năm qua, đơn vị đã giúp dân xây dựng thành công 2 mô hình phát triển chăn nuôi, mỗi năm thu trên 13 triệu đồng/ hộ. Điều đáng nói, nhờ cuộc sống ổn định, tình hình ANTT trên địa bàn xã Hạnh Dịch được giữ vững, từ năm 2013, đặc biệt sau chuyên án 321L đến nay không còn xảy ra các vụ việc buôn bán người.

Cán bộ, chiến sỹ Đồn BP Hạnh Dịch giúp dân làm đường giao thông.
Cán bộ, chiến sỹ Đồn BP Hạnh Dịch giúp dân làm đường giao thông. Ảnh: Phương Chi.

Tự hào nói về những chiến sỹ mang quân hàm xanh nơi biên cương Hạnh Dịch, Chủ tịch UBND xã Lương Tiến Lê khẳng định, sự phối hợp hiệu quả giữa biên phòng và chính quyền địa phương đã và đang làm đổi thay vùng đất nghè này. “Hàng tháng, anh em bộ đội biên phòng và chính quyền xã đi xuống các thôn bản thông qua các cuộc họp dân để tuyên truyền các nội dung pháp luật của nhà nước. Bên cạnh đó, phối hợp đội ngũ các già làng trưởng bản làm tốt công tác phòng tội phạm buôn bán người và tội phạm ma túy. Từ đó, nhận thức hiểu biết về pháp luật của người dân được nâng lên, do đó tình trạng vi phạm pháp luật của người dân giảm hẳn. Trong những năm qua, đồn đã thực sự trở thành điểm tựa của quân, dân Hạnh Dịch", ông Lương Tiến Lê cho biết.

Đồn Biên phòng Hạnh Dịch (BĐBP Nghệ An) được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 20,5km đường biên giới quốc gia tuyến Việt Nam - Lào với 6 cột mốc. Đồn cũng được giao phụ trách địa bàn 2 xã biên giới với 18 bản, là Hạnh Dịch và Nậm Giải (Quế Phong).

Hiến Chương

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Điểm tựa của nhân dân vùng biên cương Quế Phong
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO