Điểm tựa vùng biên
(Baonghean) - Cách thị trấn hơn 20km đường rừng, đồn biên phòng Phúc Sơn được giao nhiệm vụ quản lý và bảo vệ tuyến biên giới phía tây của huyện miền núi Anh Sơn. Những năm qua, nhờ thực hiện tốt công tác quốc phòng an ninh , xây dựng cơ sở chính trị vùng biên, Phúc Sơn đang thay da, đổi thịt từng ngày nhờ đóng góp của những người lính mang quân hàm xanh…
Không khí yên ả, thanh bình của núi rừng biên cương vào buổi sáng mùa Thu bị phá vỡ bởi tiếng hô dõng dạc trên thao trường, tiếng súng tiểu liên AK vang rền trong đợt kiểm tra bắn đạt thật của Đồn Biên phòng Phúc Sơn. Trên 75% cán bộ, chiến sĩ của đơn vị đạt loại khá, giỏi với bài bắn: mục tiêu ẩn hiện, vận động ban ngày và ban đêm ở địa hình rừng núi. Thượng tá Lê Tham Mưu - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Phúc Sơn chia sẻ: Đợt diễn tập nhằm thực hiện phương châm xây dựng đơn vị vững mạnh, chính quy, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới, đồng hành cùng nhân dân trong công cuộc phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.
Phúc Sơn là xã biên giới duy nhất của huyện miền núi Anh Sơn, địa bàn rộng (chiếm tới gần 1/4 tổng diện tích toàn huyện), địa hình rừng núi hiểm trở, đi lại khó khăn, điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng không thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp. Đặc điểm tự nhiên này tác động không nhỏ tới đời sống của đồng bào các dân tộc đang định cư bên dòng sông Giăng. Đa số các hộ dân đều có thu nhập thấp, trình độ dân trí không đồng đều. Để giúp đỡ nhân dân vùng biên có cuộc sống ổn định, cùng tham gia tốt phong trào bảo vệ quốc phòng, an ninh, Đồn Biên phòng Phúc Sơn đã chủ trương xây dựng đơn vị vững mạnh kiểu mẫu, trở thành tấm gương để nhân dân noi theo. Vừa vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, Đồn Biên phòng Phúc Sơn vừa bắt tay vào làm mẫu cho người dân bản địa xem. Trại chăn nuôi, trồng trọt của đơn vị được hình thành không chỉ đáp ứng đủ nhu cầu về thực phẩm, rau xanh cho đơn vị mà còn như một mô hình khảo nghiệm để nhân dân địa phương làm theo. Khi đồng bào nơi đây đã cảm thấy “ưng cái bụng”, cán bộ, chiến sĩ của đồn bắt tay ngay vào việc hướng dẫn, giúp đỡ họ.
Mồ hôi của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Phúc Sơn không chỉ đổ trên thao trường. Trên từng thửa ruộng, bờ kè của nhân dân ở địa bàn này, bước chân của những người lính mang quân hàm xanh đã trải khắp. Ruộng của nhân dân thiếu nước, bộ đội giúp khơi thông nước, ao cá hỏng bờ kè, bộ đội giúp đắp kè. Ở tại bất cứ nơi đâu, với bất cứ công việc gì có lợi cho nhân dân, bộ đội đều chung tay giúp đỡ. Diện tích khai hoang của nhân dân ở 4 bản Cao Vều dần được mở rộng, cơ cấu nuôi trồng đã được thay đổi phù hợp với điều kiện địa phương, bộ mặt bản làng dần khởi sắc.
Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Phúc Sơn xóa mù chữ cho bà con bản Trống. Ảnh: Thành Chung |
Sự đổi thay trên một vùng quê biên giới có sự góp công, góp sức của cả một tập thể, và những nỗ lực bà con dân bản gửi gắm niềm tin vào lực lượng bộ đội biên phòng. Trong đó có những người như Thượng tá Trần Đình Nghi, chính trị viên, đã gần 10 năm gắn bó với địa bàn. Anh dành hết tâm huyết với công cuộc xóa đói giảm nghèo trên tuyến biên giới này. Anh là người khởi xướng phong trào trồng cây keo thay cho cây màu trên vùng đất đồi, đất cao cưỡng. Hiệu quả từ cây keo đã tác động tích cực vào tinh thần của người dân. Diện tích trồng keo trên địa bàn được mở rộng lên hàng chục ha. Kinh tế nhiều gia đình đã ổn định hơn.
Các chiến sĩ đồn biên phòng tích cực vận động nhân dân tăng cường phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, hướng dẫn, giúp đỡ dân bản từ khâu chọn giống đến cách chăm sóc. Trang trại của đơn vị cũng là nơi nhân giống để phát triển đàn lợn cho nhiều hộ dân trong xã. Gia đình anh Nguyễn Bá Ngọ, bản Cao Vều 2 là một trong những hộ điển hình đã thử nghiệm thành công mô hình chăn nuôi lợn và đại gia súc, kết hợp đào ao, thả cá dựa vào sự giúp đỡ của các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Phúc Sơn.
Khi phong trào xây dựng nông thôn mới đến với các bản, làng vùng biên xã Phúc Sơn, bộ đội biên phòng thêm một lần nữa khẳng định vai trò và trách nhiệm của mình. Trước hết, đó là việc đẩy mạnh công tác vận động quần chúng, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và nhân dân đồng tâm thực hiện tốt 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đích thân cán bộ chỉ huy đồn cùng anh em cán bộ, chiến sĩ đã đến từng bản vận động nhân dân tham gia vào việc chung, đặt lợi ích tập thể lên trên để xây dựng bản làng no ấm.
Những con đường được cải tạo, công trình thủy lợi được xây dựng, nâng cấp; hệ thống nước sạch, vấn đề vệ sinh môi trường từng bước cải thiện là những điểm nhấn thể hiện sự quan tâm chia sẻ của bộ đội biên phòng đối với bà con dân bản. Theo Thượng úy Lộc Văn Xao - Đội trưởng Đội vận động quần chúng thì thành công lớn nhất mà bộ đội biên phòng đã làm được là khơi dậy trong toàn dân tinh thần đoàn kết, biết hy sinh vì lợi ích cộng đồng.
Trong công tác chính trị, năm nay Đồn Biên phòng Phúc Sơn đã cử 3 cán bộ đảng viên chuyển về sinh hoạt tại các chi bộ đảng trên địa bàn. Qua đó góp phần hỗ trợ công tác xây dựng đảng, nắm bắt tình hình tư tưởng của đảng viên, quần chúng nhân dân ở các khu dân cư; đã xóa thành công tình trạng bản trắng không có đảng viên.
Xã biên giới Phúc Sơn đang đổi thay từng ngày. Đồng bào Thái, đồng bào Kinh giờ đây đã hòa chung tư duy mới trong làm ăn, phát triển kinh tế, hứa hẹn đẩy nhanh công cuộc xóa đói giảm nghèo trên mảnh đất cằn. Đó cũng là cơ sở để cán bộ, chiến sĩ và nhân dân vùng biên bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới. Trên bước đường đầy vất vả, chông gai của công cuộc xóa đói giảm nghèo, sẽ còn nhiều thử thách, cam go mà cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Phúc Sơn phải nỗ lực vượt qua. Nhưng niềm tin, trách nhiệm và tình thương đối với đồng bào nơi khu vực biên giới sẽ là động lực để thôi thúc các anh hoàn thành nhiệm vụ, xứng đáng là những người lính mang quân hàm xanh nơi tuyến đầu Tổ quốc.
Tuấn Dũng