Điện đàm Trump - Putin: Nỗ lực mới cho hòa bình Ukraine trước sức ép châu Âu
Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến sẽ có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào hôm nay 19/5 (theo giờ địa phương) để thảo luận về vấn đề hòa bình tại Ukraine.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh các nhà lãnh đạo châu Âu yêu cầu Điện Kremlin chấp nhận một lệnh ngừng bắn ngay lập tức, nhằm chấm dứt cuộc xung đột gây tổn thất nặng nề nhất trong khu vực kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai.
Cuộc xung đột Ukraine bắt đầu vào tháng 2/2022, khơi mào cuộc đối đầu nghiêm trọng nhất giữa Nga và phương Tây kể từ Khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962.
Tổng thống Trump, người nhiều lần bày tỏ mong muốn được ghi nhớ như một nhà kiến tạo hòa bình, đã liên tục kêu gọi chấm dứt "cuộc đổ máu" ở Ukraine.
Dưới áp lực từ ông Trump, phái đoàn từ các quốc gia tham gia vào cuộc xung đột đã gặp nhau tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) vào tuần trước, đánh dấu cuộc gặp đầu tiên kể từ tháng 3/2022. Cuộc gặp diễn ra sau khi Tổng thống Putin đề xuất đàm phán trực tiếp và các nước châu Âu cùng Ukraine yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức.
Trên trang mạng xã hội Truth Social của mình, Tổng thống Trump viết: "Chủ đề của cuộc điện đàm sẽ là chấm dứt 'cuộc đổ máu' đang cướp đi sinh mạng của trung bình hơn 5.000 binh sĩ Nga và Ukraine mỗi tuần, và vấn đề thương mại".
Ông bày tỏ: "Hy vọng đây sẽ là một ngày làm việc hiệu quả, một lệnh ngừng bắn sẽ diễn ra, và cuộc chiến rất bạo lực này, một cuộc chiến lẽ ra không bao giờ nên xảy ra, sẽ kết thúc".
Tổng thống Trump cho biết, ông sẽ điện đàm với Tổng thống Putin vào lúc 10 giờ sáng theo giờ miền Đông nước Mỹ (tức 21h00 giờ Việt Nam) vào ngày 19/5.
Điện Kremlin đã xác nhận công tác chuẩn bị cho cuộc điện đàm đang được tiến hành.
Chính quyền của ông Trump đã làm rõ rằng Nga có thể phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt bổ sung nếu không nghiêm túc trong các cuộc đàm phán hòa bình. Ngoài cuộc điện đàm với Tổng thống Putin, ông Trump cũng cho biết sẽ trao đổi với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và các nhà lãnh đạo nhiều nước thành viên NATO.
Về phía Nga, Tổng thống Putin, với lực lượng đang kiểm soát khoảng 1/5 lãnh thổ Ukraine và tiếp tục các hoạt động quân sự, vẫn giữ vững các điều kiện của mình để chấm dứt xung đột, bất chấp áp lực công khai và riêng tư từ ông Trump cũng như những cảnh báo lặp đi lặp lại từ các cường quốc châu Âu.
Hôm 18/5 vừa qua, Reuters cho biết, Nga đã tiến hành cuộc tấn công bằng máy bay không người lái được cho là lớn nhất vào Ukraine kể từ khi xung đột bắt đầu.
Cơ quan tình báo Ukraine cũng cho biết, họ tin rằng Moskva có ý định bắn một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa vào hôm 18/5, tuy nhiên chưa có xác nhận từ phía Nga.
Trước đó, vào tháng 6 năm 2024, Tổng thống Putin tuyên bố Ukraine phải chính thức từ bỏ tham vọng gia nhập NATO và rút quân khỏi toàn bộ lãnh thổ của bốn khu vực Ukraine đã trưng cầu sáp nhập vào Nga.
Trong một diễn biến liên quan, vào hôm 18/5, Thủ tướng Anh Keir Starmer đã thảo luận về cuộc xung đột tại Ukraine với các nhà lãnh đạo của Mỹ, Italy, Pháp và Đức, theo người phát ngôn Phố Downing.
Sau cuộc điện đàm chung hôm 18/5, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đăng trên mạng xã hội X: "Ngày mai, Tổng thống Putin phải cho thấy ông ấy muốn hòa bình bằng cách chấp nhận lệnh ngừng bắn vô điều kiện trong 30 ngày do Tổng thống Trump đề xuất và được Ukraine cùng châu Âu ủng hộ".
Tuy nhiên, Tổng thống Putin tỏ ra thận trọng với một lệnh ngừng bắn và cho rằng, giao tranh không thể tạm dừng cho đến khi một số điều kiện quan trọng được giải quyết hoặc làm rõ.
Các nhà lãnh đạo châu Âu bày tỏ lo ngại rằng, Tổng thống Putin không thực sự nghiêm túc về hòa bình, đồng thời e ngại rằng ông Trump và ông Putin có thể thúc đẩy một thỏa thuận hòa bình mang tính áp đặt, khiến Ukraine về cơ bản mất đi một phần lãnh thổ và thiếu sự đảm bảo an ninh mạnh mẽ trước các cuộc tấn công tiềm tàng từ Nga trong tương lai.
Trước đó, cựu Tổng thống Mỹ Joe Biden, các nhà lãnh đạo Tây Âu và Ukraine nhiều lần tuyên bố sẽ nỗ lực để các lực lượng Nga phải thất bại. Moskva đã bác bỏ cáo buộc cho rằng họ có thể một ngày nào đó tấn công NATO.
Tổng thống Putin coi cuộc xung đột là một thời điểm mang tính bước ngoặt trong quan hệ của Moskva với phương Tây. Ông cho rằng phương Tây đã làm suy yếu Nga sau khi Liên Xô tan rã năm 1991 thông qua việc mở rộng NATO và xâm phạm vào phạm vi ảnh hưởng của Moskva, bao gồm cả Ukraine.