Diễn đàn kinh tế thế giới và những vấn đề đặt ra
(Baonghean) - Chiến thắng của Donald Trump và sự rời bỏ Liên minh Châu Âu của Vương Quốc Anh và nhiều nội dung khác sẽ là chủ đề xuyên suốt trong cuộc họp thường niên của các nhà lãnh đạo, tri thức, doanh nhân hàng đầu thế giới tại khu trượt tuyết Davos, Thụy Sĩ từ ngày 17 - 20/1.
Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) là một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Thụy Sĩ với mục tiêu cải thiện tình trạng của thế giới, có sự tham gia của các doanh nhân, nhà chính trị, nhà nghiên cứu, cũng như lãnh đạo khác nhau để định hình quốc tế, khu vực cũng như các lĩnh vực kinh tế liên quan. Diễn đàn tổ chức họp hàng năm tại Davos (Thụy Sĩ) với sự tham gia của hơn 2.000 nhà lãnh đạo ở nhiều lĩnh vực trên thế giới.
Tại diễn đàn WEF năm nay, sẽ có 3.000 quan khách hội tụ để thảo luận về tình trạng của thế giới. Như thường lệ, diễn đàn sẽ là nơi của những bài phát biểu tầm cỡ, với các chuyên gia đến từ mọi lĩnh vực trong bối cảnh an ninh được thắt chặt.
Khu trượt tuyết Davos sẵn sàng đón các chính trị gia, nhà kinh tế, doanh nhân tham gia diễn đàn kinh tế thế giới. Ảnh: Theguardian |
Trump và sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy
Chủ đề chính thức của diễn đàn năm nay là “lãnh đạo cảm thông và có trách nhiệm” có thể coi là kịp thời, với việc ông Trump đang trên con đường nắm giữ quyền lực cao nhất của nước Mỹ.
Trên thực tế, Trump là một người có tư tưởng đi ngược lại với niềm tin của diễn đàn Davos - nơi đề cao sự đa phương hóa trong giải quyết các vấn đề khó khăn thay vì cô lập và bảo hộ. Trump sẽ không có mặt tại Davos, nhưng một trong những cố vấn hàng đầu của ông là Anthony Scaramucci sẽ phác họa những ưu tiên của chính quyền mới.
Cải tổ chủ nghĩa tư bản
8 năm sau cuộc khủng hoảng tài chính, Davos nhận thấy một nền kinh tế phát triển mạnh hơn không đủ để khắc phục các vấn đề của thế giới. Theo báo cáo rủi ro toàn cầu của WEF, sự lớn mạnh của chủ nghĩa dân túy mà ở đó có sự xung đột giữa tầng lớp dân thường và “tinh hoa’’ sẽ đồng nghĩa với việc thị trường của chủ nghĩa tư bản phải cải tổ.
Diễn đàn này cũng sẽ bàn thảo việc liệu đã đến thời điểm cung cấp cho công dân một mức thu nhập cơ bản để hỗ trợ họ trước các bước tiến của công nghệ. Bởi “công nghệ, máy móc phát triển có thể giảm số việc làm, tác động xấu đến một phạm vi rộng trong xã hội không chỉ người nghèo” - theo ông Ugo Gentilini chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới.
Do đó, cung cấp cho người dân một mức thu nhập cơ bản có thể là một lựa chọn cho thời đại công nghệ này.
Trung Quốc lần đầu tiên tham gia diễn đàn
Lần đầu tiên trên diễn đàn Davos, một lãnh đạo Trung Quốc sẽ nói chuyện về sự quan trọng của toàn cầu hóa. Ông Tập Cận Bình cũng là lãnh đạo đầu tiên của Trung Quốc tham gia diễn đàn này với một đoàn đại biểu đông đảo gồm 80 lãnh đạo doanh nghiệp, nhà kinh tế, nhà nghiên cứu cũng như giới báo chí.
Việc Trump lên nắm quyền có thể tạo ra chỗ trống quyền lực trên bình diện toàn cầu, do đó, Trung Quốc kỳ vọng có thể lấp được chỗ trống này. Ông Tập được dự đoán sẽ nói về vấn đề các quốc gia phải đối mặt nếu họ rơi vào chủ nghĩa bảo hộ và biệt lập.
Sự nghèo khổ tại Trung Quốc và Ấn Độ đang ngày càng tồi tệ hơn. Hình ảnh người nhập cư phải tắm bên bể nước công cộng tại New Delhi. Ảnh: theguardian |
Với tuyên bố của Trump về việc rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP, ông Tập có thể sẽ đẩy mạnh một thỏa thuận thương mại mà Bắc Kinh dẫn đầu.
Tuy nhiên, ông này sẽ gặp phải áp lực từ các nhà lãnh đạo châu Âu - những người không mấy hài lòng về các công ty Trung Quốc bán phá giá hàng xuất khẩu như thép trên thị trường các nước này.
Biến đổi khí hậu
Vấn đề môi trường, khí hậu trở nên quan trọng hơn bao giờ hết trong năm nay với bối cảnh chính quyền Trump sẽ bãi bỏ các cam kết của Hoa Kỳ về giải quyết hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Trên thực tế, một nhóm các nhà khoa học đã cảnh báo rằng, nhiệt độ thế giới ở mức cao đáng báo động trong dịp Giáng sinh vừa qua, một số vùng ở Bắc Cực có nhiệt độ cao hơn hàng năm tới 200C. Theo khảo sát của hội nghị, vấn đề môi trường chi phối sự quan tâm về các rủi ro toàn cầu chỉ sau các mối đe dọa hạt nhân.
Tự động hóa
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 lại một lần nữa là mối quan tâm của Davos với những vấn đề tạo ra bởi công nghệ như người máy thông minh hay xe không người lái. Diễn đàn sẽ xem xét liệu các phát minh có làm mất đi hàng triệu việc làm, phá hoại sự gắn kết của xã hội hay làm nổi lên chủ nghĩa dân túy hay không.
Bên cạnh đó, việc sử dụng trí tuệ nhân tạo cũng như Internet đang đặt ra cho doanh nghiệp những mối đe dọa về an ninh mạng. Đây cũng là lĩnh vực mà các quy định còn chưa chặt chẽ, và câu hỏi đặt ra là: thế giới có sẵn sàng trao quyền quyết định cho máy móc?
Brexit
1 năm trước, rất khó để tìm được một người tại diễn đàn kinh tế thế giới nghĩ đến việc nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu. Brexit giống như một đòn giáng mạnh lên nguyên tắc của diễn đàn này và dường như họ không thực sự hiểu những gì diễn ra trên thế giới.
Phan Vũ
TIN LIÊN QUAN |
---|