Điện Kremlin phản ứng về việc phương Tây dỡ bỏ giới hạn vũ khí tầm xa cho Ukraine
Người phát ngôn Dmitry Peskov cho biết, quyết định này đi ngược lại nỗ lực của Moskva nhằm tìm kiếm một giải pháp hòa bình với Kiev.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 26/5 cho biết, quyết định được cho là của các nước phương Tây ủng hộ Ukraine về dỡ bỏ các hạn chế đối với việc Kiev sử dụng vũ khí tầm xa đi ngược lại những nỗ lực của Nga hướng tới một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột.
Ông Peskov đưa ra nhận xét này để phản hồi phát biểu của Thủ tướng Đức Friedrich Merz, người nói rằng Ukraine không còn phải tuân theo các giới hạn về tầm bắn đối với vũ khí do phương Tây cung cấp.
"Nếu những quyết định như vậy thực sự đã được đưa ra, chúng hoàn toàn trái ngược với nguyện vọng của chúng tôi về một giải pháp chính trị và với những nỗ lực hiện đang được thực hiện hướng tới một giải pháp hòa bình", ông Peskov tuyên bố.
"Những quyết định khá nguy hiểm, xin nhắc lại – nếu chúng thực sự đã được đưa ra", ông nhấn mạnh.
Tại Diễn đàn EuropaForum hôm 26/5, ông Merz cho biết "không còn bất kỳ hạn chế nào về tầm bắn" đối với vũ khí do phương Tây cung cấp mà Ukraine sử dụng để chống lại các mục tiêu quân sự của Nga. "Không có hạn chế nào từ Anh, Pháp, Đức hay Mỹ", Euronews dẫn lời ông nói thêm.
Moskva đã nhiều lần cảnh báo các nước phương Tây không nên tạo điều kiện cho Ukraine thực hiện các cuộc tấn công tầm xa, cho rằng điều này có thể khiến khối quân sự (NATO) trở thành một bên tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột, vì các cuộc tấn công như vậy sẽ đòi hỏi dữ liệu mục tiêu từ vệ tinh của NATO – những khả năng mà Kiev không sở hữu.
Moskva đã cập nhật học thuyết hạt nhân của mình vào tháng 11 năm ngoái, sau các cuộc thảo luận của những nước ủng hộ Ukraine về việc có nên cho phép Kiev sử dụng tên lửa tầm xa do phương Tây cung cấp để tấn công các mục tiêu sâu bên trong lãnh thổ Nga hay không.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã mở rộng danh sách các điều kiện có thể kích hoạt phản ứng hạt nhân, bao gồm các kịch bản mà hành động xâm lược của một quốc gia hoặc một nhóm quốc gia phi hạt nhân được một quốc gia hạt nhân hỗ trợ có thể được coi là một "cuộc tấn công chung".
Kể từ đó, theo RT, các lực lượng Ukraine đã tiến hành nhiều cuộc tấn công tầm xa vào sâu trong lãnh thổ Nga bằng vũ khí do phương Tây cung cấp. Bất chấp những thay đổi, học thuyết này vẫn mô tả vũ khí hạt nhân là "một biện pháp cực đoan và bắt buộc" và nhấn mạnh mục tiêu của Nga là tránh leo thang căng thẳng.
Nga đã liên tục lên án các chuyến hàng vũ khí của phương Tây cho Ukraine, cho rằng chúng chỉ đổ thêm dầu vào lửa và cản trở các nỗ lực hướng tới tiến trình hòa bình. Đầu tháng này, Nga và Ukraine đã tổ chức các cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên kể từ năm 2022. Hai bên đã đồng ý trình bày các đề xuất ngừng bắn chi tiết, thực hiện một cuộc trao đổi tù binh kỷ lục 1.000 đổi 1.000 và tiếp tục đàm phán.
Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov hôm 23/5 cho biết, Moskva đang ở "giai đoạn tiến triển" trong việc chuẩn bị một bản ghi nhớ nêu rõ các nguyên tắc và lịch trình cho một giải pháp hòa bình với Ukraine.