Diện tích thu hẹp, giá mía ép nước tăng kỷ lục

Thanh Phúc 15/07/2022 08:19

(Baonghean.vn) - Vụ mía năm 2021, giá mía ép nước “chạm đáy”, do đó, năm nay người dân các vùng trồng mía giảm mạnh diện tích, sản lượng vì thế cũng sụt giảm, giá thu mua cao gấp 3-4 lần song người dân không đủ mía để cung ứng ra thị trường…

Trồng mía giải khát đang mang lại thu nhập cao cho người dân một số địa phương ở Nghệ An. Ảnh: Thanh Phúc

Gia đình ông Trần Văn Vinh ở xóm Đông Xuân, xã Giang Sơn Đông (Đô Lương) trồng 10 sào mía trên đất màu. Liên tục nhiều năm nay, cây mía là cây trồng chủ lực, mang lại thu nhập chính cho gia đình ông.

Ông Vinh cho biết: “Mỗi sào mía, trừ chi phí còn lãi 12-15 triệu/sào. Tuy nhiên, do năm ngoái, giá mía xuống thấp lại khó tiêu thụ nên năm nay, chúng tôi không dám mở rộng diện tích. Như gia đình tôi còn trồng nhiều chứ nhiều hộ giảm còn một nửa”.

Chẳng hạn như hộ anh Nguyễn Văn Bính ở xóm Nguyễn Tạo năm nay chỉ trồng 3 sào mía (năm ngoái trồng 5 sào), hộ anh Nguyễn Bá Dũng ở xóm Đông Xuân trồng 6 sào, giảm 3 sào so với các năm trước.

Năm ngoái, giá mía ép nước giảm sâu lại khó tiêu thụ nên người dân thu hẹp diện tích sản xuất. Ảnh: Thanh Phúc

Ông Lê Thanh Sơn - Chủ tịch Hội Nông dân xã Giang Sơn Đông (Đô Lương) cho biết: “Mía ép nước (giống mía F34, mía siêu ngọt) là cây trồng truyền thống của xã Giang Sơn Đông. Cây mía chịu hạn tốt, hiệu quả kinh tế cao. Nhiều năm nay, cây mía được đầu tư chăm sóc nhằm tăng năng suất trên đơn vị diện tích; xây dựng cọc bê tông, làm giàn chống mía gãy đổ. Năng suất tăng, hiệu quả kinh tế mang lại thấy rõ. Vậy nhưng, năm 2021, do dịch Covid-19 nên giá mía cây giảm sâu (chỉ còn 20-25 triệu đồng/tấn) lại khó tiêu thụ nên người dân giảm mạnh diện tích. Vụ mía 2022, toàn xã chỉ trồng 1,8ha mía, giảm 75% so với năm trước”.

Do diện tích giảm mạnh nên năm nay, giá mía tăng cao kỷ lục 7-7,5 triệu đồng/tấn (gấp 3 năm ngoái) nhưng người dân không đủ mía cung ứng ra thị trường.

Giá mía bán tại ruộng hiện dao động từ 7 - 7,5 triệu/tấn, cao gấp 3 so với mọi năm. Ảnh: Thanh Phúc

“Chưa năm nào giá mía tăng cao như năm nay, gấp 3-4 lần. Với mức giá này, người trồng mía lãi đậm. Thế nhưng, đáng tiếc là lo ngại dịch bệnh nên người dân thu hẹp diện tích. Giờ thương lái gọi điện đặt hàng, giá thu mua lên đến 8 triệu đồng/sào nhưng vẫn không có để bán nữa”, anh Trần Văn Vinh chia sẻ.

Không riêng gì các hộ dân ở xã Giang Sơn Đông các địa phương có truyền thống trồng loại mía này đều giảm mạnh diện tích trồng mía cây ép nước. Cụ thể như ở các xã Hoa Sơn, Tường Sơn, Cẩm Sơn… (Anh Sơn) giảm 30-50% diện tích so với các năm trước; Diễn Liên, Diễn Đồng (Diễn Châu) cũng giảm khoảng 40% diện tích mía cây ép nước; Tân Kỳ - địa phương với cây mía là cây trồng chủ lực cũng giảm mạnh diện tích loại mía cây giải khát này…

Giá mía tăng cao kỷ lục song người dân lại không đủ sản lượng để cung ứng ra thị trường. Ảnh: Thanh Phúc

Nguyên nhân là do, năm ngoái, cây mía mất mùa, giá thu mua thấp trong khi giá vật tư phân bón tăng cao nên người dân chuyển sang các loại cây trồng khác.

Tại thành phố Vinh, giá mía cây ép nước được bán sỉ với giá từ 9-9,5 triệu đồng/tấn (tăng gấp đôi so với mọi năm).

Chị Nguyễn Hường - chủ một đại lý mía trên đường Nguyễn Cảnh Chân (TP.Vinh) cho biết: “Năm nay, giá mía giải khát tăng đột biến. Mía thu mua tại ruộng đã cao, chi phí vận chuyển đội giá nên mía về đến Vinh đã ở mức 8-8,5 triệu đồng/tấn. Giá mía nhập vào cao nên bán ra phải chênh theo. Thu mua trong tỉnh không đủ nên chúng tôi phải nhập mía từ Hòa Bình về là chủ yếu”.

Giá mía tăng nên giá nước ép mía cũng tăng theo. Ảnh: Thanh Phúc

Giá mía cây “leo thang” nên các hộ kinh doanh nước giải khát cũng gặp không ít khó khăn. Nếu như trước đây, một ly nước mía có giá 7.000 đồng thì nay tăng lên 10.000 đồng; 1 lít nước mía tăng thêm 5.000 - 7.000 đồng.

Mới nhất

x
Diện tích thu hẹp, giá mía ép nước tăng kỷ lục
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO