Điều gì đang chờ đợi EU vào năm 2025?
Đội ngũ của Liên minh châu Âu vừa được bầu ở Brussels sẽ đối mặt với nhiều thách thức lớn trong năm 2025. Liệu họ có thể vượt qua những thách thức này khi không có sự liên minh mạnh mẽ giữa Pháp và Đức?
Theo DW, đối với Liên minh Châu Âu (EU), 3 thách thức lớn nhất trong năm 2025 sẽ xoay quanh các “từ khóa”: Ukraine, Nga và Donald Trump.
Tình hình đối với khu vực này càng trở nên nghiêm trọng hơn bởi các vấn đề nội bộ như nền kinh tế trì trệ, mức nợ cao và khả năng hành động chính trị hạn chế, đặc biệt là ở Đức và Pháp.
Nói cách khác, triển vọng năm 2025 đối với EU không mấy sáng sủa. Vậy điều gì đang chờ đợi đội ngũ mới ở Brussels?
Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Antonio Costa và đại diện cấp cao của EU về chính sách đối ngoại Kaja Kallas đã nhậm chức từ ngày 1/12/2024. Bà Ursula von der Leyen vẫn tại nhiệm, nhưng Ủy ban Châu Âu của bà đã được tái tổ chức một cách hoàn toàn.
Theo Steven Everts - Giám đốc Viện Nghiên cứu An ninh của Liên minh Châu Âu, đội ngũ mới này ít nhất mang đến một cơ hội.
“Hiện tại, một ban lãnh đạo mới đang tiếp quản EU”, ông nói. “Đây là thời điểm chúng ta có thể suy nghĩ lại, thích nghi và làm mới chính sách đối ngoại của EU”.
Sự hỗ trợ Ukraine
Đứng đầu danh sách các nhiệm vụ cấp bách của EU có lẽ vẫn sẽ là viện trợ tài chính và quân sự cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.
Theo truyền thông phương Tây, EU đã lên kế hoạch chuyển 1,5 tỷ Euro (tương đương 1,6 tỷ USD) mỗi tháng từ ngân sách chung vào ngân khố nhà nước của Kiev trong năm 2025. Ngoài ra, còn có khoản vay 50 tỷ Euro từ G7 dành cho Ukraine, được “tài trợ” từ nguồn lợi nhuận của các tài sản Nga bị đóng băng.
Theo DW, lượng lớn đạn dược và vũ khí cũng sẽ phải được các quốc gia châu Âu tài trợ để hỗ trợ Ukraine, quốc gia đang là ứng viên gia nhập EU. Tuy nhiên, hóa đơn này có thể còn tăng lên nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump thực hiện các đe dọa cắt giảm hoặc hủy bỏ viện trợ của Mỹ cho Ukraine.
Tính đến nay, Mỹ là quốc gia đã tài trợ gần một nửa tổng viện trợ cho Ukraine.
Theo các nhà ngoại giao EU, Brussels đang có những suy đoán căng thẳng về số tiền có thể phải chi.
“Chúng ta sẽ phải chờ xem. Chúng ta chưa thực sự chuẩn bị đủ để ứng phó với ông Trump”, một nhà ngoại giao EU nói trong các cuộc thảo luận kín.
Phòng thủ của EU
Ngoài Ukraine, EU sẽ tập trung vào việc bảo vệ chính mình trước quốc gia mà họ cho là mối đe dọa - Nga trong năm 2025.
Andrius Kubilius - Ủy viên đầu tiên của EU về quốc phòng và không gian, không được giao nhiệm vụ thành lập một quân đội của châu Âu mà thay vào đó là điều phối tốt hơn các chính sách vũ khí và mua sắm của các quốc gia thành viên EU.
Ngân sách của nhiều quốc gia EU quá hạn chế để có thể nhanh chóng mua thêm vũ khí hoặc tăng số lượng binh lính. Áp lực này có thể tăng thêm nếu ông Trump quyết định cắt giảm chi tiêu của Mỹ cho quốc phòng châu Âu và yêu cầu các quốc gia châu Âu đóng góp nhiều hơn.
Theo ước tính của Viện Nghiên cứu kinh tế Ifo tại Munich, chỉ riêng Đức đã có thâm hụt 230 tỷ Euro trong ngân sách quốc phòng trung hạn. Tại Italy, con số này là 120 tỷ Euro; ở Tây Ban Nha là 80 tỷ Euro.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính mới của Đức, Jörg Kukies, đã nhanh chóng bác bỏ ý tưởng của một số quốc gia muốn tài trợ chi tiêu quân sự thông qua khoản nợ chung của EU.
Quản lý nợ
Năm 2025 không chỉ đòi hỏi tăng chi tiêu quân sự mà còn cần đầu tư vào tái cấu trúc kinh tế và hỗ trợ kinh tế theo hướng thân thiện với khí hậu, cũng như tài trợ tái thiết ở Gaza, Liban và Syria.
Cựu Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu, ông Mario Draghi, người Italy, đã nhấn mạnh nhu cầu đầu tư 800 tỷ Euro hồi đầu năm nay trong một báo cáo đầy kịch tính về khả năng cạnh tranh của nền kinh tế EU. Ông cũng khuyến nghị vay thêm để tài trợ cho các startup nhằm thu hút các nhà đầu tư tư nhân.
Tuy nhiên, Pháp và Italy hiện đang phải đối mặt với các thủ tục liên quan đến vấn đề thâm hụt từ Liên minh Châu Âu. Tây Ban Nha cũng có thể sớm gia nhập nhóm này.
Mặc dù Đức vẫn nằm dưới giới hạn nợ của EU, nhưng Berlin không thực sự có khả năng hành động về tài chính do cuộc bầu cử liên bang sắp tới vào tháng 2/2025. Hệ quả là, bộ trưởng tài chính tương lai sẽ không thể trình bày ngân sách liên bang cho năm 2025 trước mùa Xuân hoặc thậm chí là mùa Hè.
Các cuộc đàm phán về chính phủ mới của Đức cũng sẽ trì hoãn khuôn khổ tài chính mới của EU.
Chính sách thương mại
Năm 2025 cũng có thể sẽ là một năm khó khăn về mặt chính sách thương mại.
Một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc về xe điện đang hiển hiện. Và một xung đột nghiêm trọng có thể nảy sinh từ các mức thuế trừng phạt mà ông Trump muốn áp đặt lên châu Âu, Trung Quốc, Mexico và Canada.
Tuy nhiên, Valdis Dombrovskis - Ủy viên kinh tế EU, quyết tâm nhắc nhở tổng thống mới của Mỹ và các cố vấn của ông rằng họ sẽ tự làm hại mình nếu áp dụng thuế.
“Chiến tranh thương mại không tốt cho ai cả, ông Trump cần phải học điều đó”, ông nói tại một sự kiện do Trung tâm Chính sách Châu Âu tổ chức. “Chúng ta cần cho ông ấy thấy các con số. Sự phân mảnh của nền kinh tế thế giới sẽ mang lại hậu quả. Thuế toàn diện có thể lấy đi 7% GDP toàn cầu. Hãy so sánh điều đó với những năm 30 của thế kỷ trước khi chủ nghĩa biệt lập đang thịnh hành”, ông nói thêm, ám chỉ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu của những năm đó và sự trỗi dậy của Đức Quốc xã.
Trong khi đó, một chút hy vọng đã le lói nhờ thỏa thuận thương mại mà EU ký với nhóm Mercosur ở Nam Mỹ vào đầu tháng 12. Tuy nhiên, thỏa thuận này vẫn cần được các cơ quan EU phê duyệt vào năm 2025.
Duy trì tình đoàn kết
Chuyên gia EU Janis Emmanouilidis từ Trung tâm Chính sách Châu Âu không lạc quan về năm mới 2025. “EU luôn là bên bảo đảm cho sự thỏa hiệp. Nhưng khả năng này đã mất đi”, ông nói tại một sự kiện ở Brussels hồi đầu tháng 12, ám chỉ những thách thức về chính sách đối ngoại và quân sự của EU. “EU không còn là câu trả lời cho nhiều vấn đề. Chính trị đã trở nên mang màu sắc dân tộc chủ nghĩa hơn”.
Theo ông, nhiều người, bao gồm cả những người ở các quốc gia ứng viên EU ở Tây Balkan, đã mất hy vọng rằng, khối 27 thành viên này sẽ thực sự giữ lời hứa trong tương lai.
“Pháp và Đức hiện cần thiết làm đầu tàu lãnh đạo trong EU”, ông nói.
Tuy nhiên, Pháp hiện đã suy yếu bởi các cuộc khủng hoảng trong chính phủ và khả năng hành động của Đức cũng bị giới hạn do cuộc bầu cử liên bang vào tháng 2/2025.
Chính phủ thiểu số của Tây Ban Nha có thể vẫn thất bại do các vấn đề ngân sách. Italy do một chính phủ cực hữu lãnh đạo. Bỉ và Áo chỉ có các chính phủ lâm thời, và tình hình chính trị ở Romania vẫn chưa rõ ràng.
Trong khi đó, ở Hà Lan, Hungary và Slovakia, các nhà lãnh đạo hoài nghi về EU đang nắm quyền.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban tin rằng, ông đã làm cho hòa bình ở Ukraine trở nên khả thi hơn bằng cách tiến gần hơn với Nga trong nhiệm kỳ Chủ tịch Hội đồng EU của đất nước mình. Ông cũng mong chờ sự trở lại của ông Trump tại Nhà Trắng.
Cho đến nay, tất cả những gì có thể chắc chắn về năm 2025: Sáng sủa nhất đó sẽ là một năm mới rất thú vị, và rất có thể là một năm đầy sóng gió đối với EU.