Điều ít biết về sự nghiệp của nghệ sĩ Mai Ngọc Căn: 'Viết kịch là nghề tay trái, đóng phim mãi là đam mê'

Ngọc Linh 04/11/2022 15:39

Trong một bài phỏng vấn hiếm hoi của nghệ sĩ Mai Ngọc Căn, ông đã có những chia sẻ thú vị về cuộc đời và sự nghiệp. Dù từng tham gia viết kịch, dựng kịch nhưng với ông diễn xuất vẫn mãi là đam mê.

Những vai diễn làm nên tên tuổi của nghệ sĩ Mai Ngọc Căn

Nghệ sĩ Mai Ngọc Căn sinh ra và lớn lên ở quê hương Bắc Ninh. Vì đam mê với điện ảnh nên năm 19 tuổi, Mai Ngọc Căn lên Hà Nội thi tuyển diễn viên và đỗ vào Trường Sân khấu - Điện ảnh khóa đầu tiên cùng với các nghệ sĩ Trà Giang, Lâm Tới, Ngọc Lan, Anh Thái, Đức Lưu, Tuệ Minh…

Ông cũng chính là một trong những nghệ sĩ tốt nghiệp diễn viên điện ảnh khóa I (1959-1963). Khán giả thường nhớ đến nghệ sĩ Mai Ngọc Căn qua vai diễn ông Hào trong phim Đất và người. Tuy nhiên, ít ai biết, vai diễn có ý nghĩa đặc biệt với nghệ sĩ Mai Ngọc Căn là bộ phim Trên vĩ tuyến 17.

Cuộc sống giản dị của nghệ sĩ Mai Ngọc Căn. Ảnh: ST

Năm 2012, trong một bài phỏng vấn độc quyền, cố nghệ sĩ Mai Ngọc Căn tiết lộ: "Trên vĩ tuyến 17 là bộ phim đáng nhớ nhất trong cuộc đời làm nghệ thuật của tôi. Nó không chỉ đánh dấu vai diễn đầu tiên của tôi, mà bộ phim còn là những kỷ niệm khó quên của thời làm phim giữa hai bờ sống - chết. Trong phim, tôi vào vai Xuân, binh nhất công an vũ trang. Bộ phim kể về cuộc chiến đấu anh dũng của lực lượng công an nhân dân vũ trang với địch tại sông Bến Hải - con sông chia cắt hai miền. Câu chuyện tưởng chừng như đơn giản nhưng đặt trong bối cảnh thời bấy giờ thì hết sức nặng nề và nguy hiểm".

Để hoàn thành vai diễn, ông đã phải can đảm diễn cảnh bơi ra giữa dòng sông - ranh giới của sự sống và cái chết chỉ để có 30 giây chân thực, sống động trên màn ảnh.

Nghệ sĩ Mai Ngọc Căn từng tiết lộ, thời ấy công nghệ làm phim còn nhiều khó khăn, hạn chế như thiết bị cũ kỹ, nghèo nàn, nhưng tinh thần làm việc của diễn viên thì rất hăng hái. "Quay phim, đạo cụ, phụ trách ánh sáng, diễn viên... làm ngày, làm đêm mà không có một đòi hỏi gì. Chỉ cần được xem bản nháp, thấy đẹp là ai cũng hồ hởi, sung sướng lắm rồi", nghệ sĩ Mai Ngọc Căn nói.

Sau nhân vật Xuân (Công an bờ Bắc) trong phim Trên vĩ tuyến 17, nghệ sĩ Mai Ngọc Căn tham gia vào hầu hết những bộ phim kinh điển của điện ảnh Việt Nam thời bấy giờ như: Kim Đồng, Vợ chồng A Phủ, Một ngày đầu Thu, Khói trắng...

Nghệ sĩ Mai Ngọc Căn - ông già khắc khổ, hiền hậu trên màn ảnh Việt

Từ những năm 2000, khán giả bắt đầu nhìn thấy nghệ sĩ Mai Ngọc Căn xuất hiện trên màn ảnh với những vai ông già kham khổ, hiền lành, phúc hậu. Nghệ sĩ Mai Ngọc Căn vào vai ông bố trong phim Vòng tròn tình yêu của Xưởng phim truyện Việt Nam.

Sau đó là nhiều vai diễn với những tính cách, hoàn cảnh khác nhau, như vai ông Hào trong phim Đất và người; ông Trọng trong phim Những ngọn nến trong đêm; ông Tửu trong Người chiếu bóng; ông Thăng chủ nhiệm hợp tác xã trong Đường đời; cụ Năm trong Lều chõng; ông Long trong Nếp nhà… Nghệ sĩ Mai Ngọc Căn cũng cho biết, ông đặc biệt thích vai diễn ông bố trong phim Tình yêu ở cuối con đường.

Nghệ sĩ Mai Ngọc Căn (bên phải) thời trẻ. Ảnh: ST

Bài báo phỏng vấn hiếm hoi về nghệ sĩ Mai Ngọc Căn được thực hiện vào năm 2012, thời điểm đó ông đã ở tuổi 73. Khi ấy ông cũng đã tham gia được 83 bộ phim, trong đó có nhiều phim dài tập.

Theo thông tin có trong bài phỏng vấn này, nghệ sĩ Mai Ngọc Căn cho biết thêm, năm 1969, khi đang công tác tại Đoàn Văn công Công an vũ trang, ông được cử đi học lớp đạo diễn sân khấu tại Trường Sân khấu - Điện ảnh. Sau đó, ông tiếp tục được chọn đi học tại Trường Đại học Lômônôxốp (Liên Xô trước đây).

Năm 1980, khi thành lập Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Việt Nam, NSND Đình Quang - Hiệu trưởng nhà trường đã có lời mời ông về làm Trưởng phòng Đào tạo kiêm Chủ nhiệm lớp diễn viên.

Nghệ sĩ Mai Ngọc Căn: "Diễn xuất mãi là đam mê"

Nghệ sĩ Mai Ngọc Căn bắt đầu viết kịch từ những năm 80 của thế kỷ trước. Vở kịch đầu tiên của ông là Nắng soi dòng suối Păng Pơi. Sau đó, nhiều vở kịch khác được ông thực hiện.

Năm 1989, nghệ sĩ Mai Ngọc Căn lên Cục Nghệ thuật biểu diễn, được 3 tháng ông sang Nga để bảo vệ sau đại học, sau đó, ông tiếp tục về Cục công tác. Năm 2000, ông chính thức về hưu và trở lại với niềm đam mê của mình là đóng phim.

"Tôi chỉ coi viết kịch là nghề tay trái. Với tôi, đóng phim vẫn là niềm đam mê, tôi vẫn tham gia những bộ phim truyền hình có kịch bản hay với những nhân vật hiền lành, chất phác và đầy tính nhân hậu. Bà con khu phố thường gọi tôi với cái tên trìu mến: Người nghệ sĩ của nhân dân. Đó là một phần thưởng cao quý của hơn 50 năm tôi gắn bó với điện ảnh", nghệ sĩ Mai Ngọc Căn trả lời.

Bức ảnh kỷ niệm 50 năm ngày cưới của vợ chồng nghệ sĩ Mai Ngọc Căn gây "bão" mạng xã hội một thời. Ảnh: ST

Tháng 11/2018, nghệ sĩ Mai Ngọc Căn nhập viện để điều trị căn bệnh ung thư thận. Khi phát hiện bệnh ông đã cắt 1 quả thận, một phần bàng quang từ 1 năm trước đó. Những năm gần đây, do tuổi cao sức yếu và chống chọi với bệnh tật nên ông không đóng phim. Bộ phim cuối cùng nghệ sĩ Mai Ngọc Căn tham gia là Cưới đi kẻo ế do NSND Khải Hưng đạo diễn năm 2018.

Chiều 2/11, gia đình của nghệ sĩ Mai Ngọc Căn cho biết, ông qua đời sau thời gian dài chống chọi với bệnh tật, hưởng thọ 83 tuổi. Lễ viếng nghệ sĩ Mai Ngọc Căn diễn ra lúc 9h45 ngày 5/11 tại Nhà tang lễ Bệnh viện Thanh Nhàn. Sự ra đi của ông khiến đồng nghiệp, bạn bè và người hâm mộ không khỏi xót xa.

Với những khán giả phim Việt Nam, nghệ sĩ Mai Ngọc Căn trở thành một phần ký ức tuổi thơ của nhiều người. Hình ảnh ông lão nông thôn khắc khổ, hiền lành vẫn còn mãi trong tâm trí những người yêu phim Việt.

Theo danviet
Copy Link

Mới nhất

x
Điều ít biết về sự nghiệp của nghệ sĩ Mai Ngọc Căn: 'Viết kịch là nghề tay trái, đóng phim mãi là đam mê'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO