Điều tất yếu

ĐIỀU TẤT YẾU

Hôm nay bạn a lô: “Này, trong vụ án tại Tổng công ty Viễn thông MobiFone, ai là người đáng ghét nhất?”.

Bạn là dân tự do, câu hỏi đột ngột, lại có chút là lạ nên không khỏi phân vân. Như đài báo đã đưa tin, trong vụ án sai phạm sử dụng vốn đầu tư công tại Tổng công ty Viễn thông MobiFone, Cơ quan Cảnh sát điều tra đề nghị truy tố hai cựu bộ trưởng  Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn cùng với cựu Tổng giám đốc MobiFone Cao Duy Hải, cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên MobiFone Lê Nam Trà với các tội danh nhận hối lộ và vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng. Cơ quan Cảnh sát điều tra cũng xác định trong 4 người này, ông Lê Nam Trà nhận hối lộ 2,5 triệu USD, ông Cao Duy Hải nhận 500.000 USD, ông Trương Minh Tuấn nhận 200.000USD; còn ông Nguyễn Bắc Son, nhận hối lộ với số tiền lên đến 3 triệu USD.

Dè dặt trả lời bạn: “Nắm giữ chức vụ cao mà nhận hối lộ gây hậu quả nghiêm trọng thì ai cũng đáng ghét cả. Nhưng trong số này, có lẽ người đáng ghét nhất là ông… Nguyễn Bắc Son”. Bạn nhẹ nhàng: “Thế à. Nhưng theo mình thì ông Trương Minh Tuấn mới là người đáng ghét nhất. Trên Facebook có nhiều người cũng nghĩ như vậy đấy…”.

Lướt Facebook thì quả vậy. Dù Trương Minh Tuấn nhận hối lộ với số tiền khá “khiêm tốn” so với 3 người còn lại, nhưng ông này lại nhận “được” nhiều lời bỉ bôi nhất. Lý do là vì đứng vai chủ biên cuốn “Phòng chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về tư tưởng trong cán bộ, đảng viên hiện nay”. Trên Facebook, rất nhiều người cập nhật thông tin vụ án. Họ đăng tải hình ảnh Trương Minh Tuấn cùng bìa cuốn “Phòng chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”  về tư tưởng trong cán bộ, đảng viên hiện nay”, và dành những cụm từ: “không trung thực”, “dối trá”, “lừa đảo”, “đạo đức giả”… cho ông này. Thậm chí, có không ít người còn bày tỏ mong muốn cơ quan chức năng xem xét thu hồi cuốn sách.

Ngẫm nghĩ, những gì mà người sử dụng Facebook “ưu ái” cho Trương Minh Tuấn là điều hiển nhiên. Bởi sự giả dối luôn bị khinh, ghét. Nhất là sự giả dối lại đến từ một cá nhân có vị trí cao, thường xuyên có những tuyên ngôn, lời lẽ rao giảng về đạo đức, lại là chủ biên một cuốn sách để huấn thị cán bộ, đảng viên về cái sự “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”…

Nói lại những suy nghĩ này với bạn, anh rất vui. Rồi anh kể về câu chuyện Bác Hồ bác đơn xin tha tội chết của Đại tá Trần Dụ Châu – Cục trưởng Cục Quân nhu hồi năm 1950, sau khi bị Tòa án binh kết án tử hình vì tội “Biển thủ công quỹ, nhận hối lộ, phá hoại công cuộc kháng chiến”; nhắc lại lời Bác Hồ “nếu phải giết đi một con sâu mà cứu được cả rừng cây thì việc đó là cần thiết, hơn nữa còn là một việc làm nhân đạo”.

Và anh tâm sự rằng ban đầu khi thấy báo chí thông tin tội danh nhận hối lộ với số tiền khủng của một số quan chức dịp Quốc khánh và kỷ niệm 50 thực hiện Di chúc của Bác Hồ thì cũng băn khoăn. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, thì xác định đây là điều tất yếu, hết sức cần thiết. Anh nói: “Mình cảm nhận mọi người cũng cùng chung suy nghĩ như vậy. Vụ án tại Tổng công ty Viễn thông MobiFone liên quan đến một số quan chức có thể nói là một đại án trong thời điểm hiện tại. Công khai kịp thời minh bạch như vậy, toàn xã hội thêm một lần nữa thấy được quyết tâm chống tham nhũng của Đảng, sẽ tăng thêm được niềm tin…”.