Điều trị F0 tại nhà – Bài 1: Bùng phát và thích nghi

Xã Thanh Lĩnh là địa phương có số lượng bệnh nhân tăng cao trên địa bàn huyện Thanh Chương với gần 200 ca F0 và hàng trăm đối tượng F1 khác đang phải cách ly. Dịch bệnh bùng phát bắt đầu từ một đám cưới trên địa bàn xã vào ngày mùng 6 Tết. Người lây bệnh là một trường hợp đến từ xã Thanh Phong và làm việc tại một công ty may ở huyện Đô Lương – một trong những ổ dịch lớn. Ngay sau khi xuất hiện ca bệnh đầu tiên, chính quyền xã Thanh Lĩnh cũng đã tiến hành truy vết và xác định các đối tượng có nguy cơ cao. Tuy vậy, vì số lượng người tham dự đám cưới lên đến hàng trăm người, ăn chung, uống chung và sau đó còn có thể sử dụng micro chung để hát hò nên sau đó dịch lây lan nhanh chóng. Ông Nguyễn Trường Tam – Chủ tịch xã Thanh Lĩnh cho biết: “Tại thời điểm này, những bệnh nhân F0 trên địa bàn xã đã được quản lý và yêu cầu cách ly theo quy định. Nhưng đáng lo ngại là những bệnh nhân F0 đang tiềm ẩn trong cộng đồng và có thể không khai báo. Trong đó, rất nhiều trường hợp là công nhân vì sợ công bố nhiễm bệnh sẽ phải nghỉ việc”.

Bệnh nhân F0 đến test tại Trạm y tế ở thành phố Vinh
Bệnh nhân F0 đến test tại Trạm y tế ở thành phố Vinh

Điều lo lắng của lãnh đạo xã Thanh Lĩnh là hoàn toàn có cơ sở bởi theo thống kê của xã hiện nay đang có khoảng 600 công dân là người địa phương đang làm việc tại các nhà máy xí nghiệp ở các khu công nghiệp thuộc các huyện Hưng Nguyên, Đô Lương và Nam Đàn. Đây đều là những nơi có nguy cơ lây lan dịch bệnh lớn và đã xuất hiện rất nhiều bệnh nhân F0. Tuy nhiên, hiện nay, phần lớn các ca F0 đều có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng, việc đi lại của bệnh nhân F0 và cả đối tượng F1 (có tiếp xúc gần và thường là người nhà) không được quản lý và giám sát nên không tránh khỏi trường hợp là bệnh nhân cố tình giấu bệnh. Thực tế, phần lớn các ca bệnh ở xã Thanh Lĩnh hiện nay đều là công nhân đang làm việc tại các nhà máy quanh địa bàn huyện.

Từ sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần đến nay Thanh Chương luôn nằm trong nhóm những địa phương có bệnh nhân Covid-19 nhiều nhất của tỉnh. Theo ông Nguyễn Văn Chiến – Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương: “Từ khi bùng phát dịch đến nay, toàn huyện có hơn 4.000 bệnh nhân F0 và mỗi ngày có trên 200 ca bệnh mới. Hiện nay, huyện đã dừng cách ly F0 tại tuyến xã bởi không thể kích hoạt kịp. Tuy nhiên, huyện đang có hai cơ sở thu dung điều trị tại trung tâm y tế dã chiến của huyện với trên 200 bệnh nhân. Vì dịch bệnh còn diễn biến phức tạp nên từ sau Tết, huyện Thanh Chương tạm thời chuyển từ hình thức dạy học trực tiếp sang trực tuyến, ngừng các hoạt động tập trung đông người. Mặc dù vậy, việc phòng chống dịch của huyện vẫn rất khó khăn bởi dân cư đông. Trước và sau Tết có khoảng 19.000 người địa phương trở về từ ngoại tỉnh nên rất khó quản lý”.

Điện thoại là phương tiện trao đổi chính đối với bệnh nhân F0 đang điều trị tại nhà và nhân viên y tế
Điện thoại là phương tiện trao đổi chính đối với bệnh nhân F0 đang điều trị tại nhà và nhân viên y tế

Huyện Yên Thành cũng là địa phương có số bệnh nhân F0 gia tăng nhanh sau Tết và đến thời điểm này 29/39 xã đã ở cấp độ 3, còn lại là cấp độ 4. Hiện, trung bình mỗi ngày Yên Thành có khoảng 600 – 700 ca bệnh mới và nâng tổng số F0 trên toàn huyện tính đến nay là hơn 12.000 người. Theo ông Hoàng Danh Truyền – Phó Chủ tịch UBND huyện: “Do số ca bệnh F0 tăng nhanh nên huyện quyết định đưa đội ngũ y tế thôn bản để tăng cường vào các trạm y tế lưu động nhằm giám sát ca F0 trên địa bàn của từng xóm, từng xã, hướng dẫn người dân điều trị tại nhà và tư vấn các ca F0 có biểu hiện chuyển nặng để liên hệ cơ quan chức năng thực hiện chuyển tuyến. Hiện nay, bệnh nhân F0 ở Yên Thành cũng chủ yếu tự điều trị tại gia đình bởi bệnh viện thu dung của huyện cũng chỉ đáp ứng được khoảng 200 bệnh nhân”.

Lũy kế từ đầu mùa dịch đến ngày 28/2 trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 75.791 ca mắc COVID-19. Lũy kế số bệnh nhân điều trị đã khỏi bệnh, ra viện là 48.780 người. Lũy kế số bệnh nhân tử vong là 105 người. Số bệnh nhân hiện đang điều trị là 26.906 người.

Chiều 23/2, anh Trần Đức (thành phố Vinh) nhận được kết quả dương tính với Covid-19. Sau đó, anh đã trực tiếp đến Trạm Y tế của phường để khai báo về tình trạng bệnh và xin hướng dẫn của nhân viên y tế. Với một số triệu chứng cơ bản như đau họng, ho anh được hướng dẫn về điều trị tại nhà; kèm theo đó là tờ quyết định cách ly y tế và hướng dẫn chăm sóc tại nhà đối với người nhiễm Covid – 19. Từ khi bị bệnh đến nay, anh được nhân viên y tế gọi điện hỏi thăm một lần về tình trạng bệnh và có một số tư vấn về cách điều trị. Còn lại, gia đình anh hoàn toàn tự chữa bệnh và thực hiện các biện pháp phòng dịch. Anh cũng được một số người thân giới thiệu vào các nhóm điều trị bệnh nhân F0 do một số bác sỹ đang công tác tại các bệnh viện trực tiếp hướng dẫn. Tuy vậy, với số lượng bệnh nhân của mỗi nhóm lên đến gần 1.000 người bệnh thì số lượng tương tác giữa bệnh nhân và bác sỹ không đáng là bao. Để theo dõi bệnh cho bản thân, anh Đức phải vào các trang mạng, tự tìm kiếm các thông tin. Một số trường hợp anh phải gọi điện cho người nhà hoặc tham khảo thêm những người đã từng bị bệnh và chữa khỏi.

Bệnh nhân F0 đến khai báo tại Trạm y tế phường Vinh Tân
Bệnh nhân F0 đến khai báo tại Trạm y tế phường Vinh Tân

“May mắn là triệu chứng của tôi khá nhẹ và tôi cảm giác mình vẫn đang kiểm soát được bệnh. Nhưng nếu bệnh chuyển biến nặng thì chúng tôi không biết bám víu vào đâu vì trạm y tế hiện nay chủ yếu chỉ làm chức năng tiếp nhận thông tin bệnh nhân. Còn lại, người bệnh đều đang tự biên, tự diễn…”, anh Trần Đức chia sẻ.

Tuy vậy, không phải tất cả các trường hợp bệnh nhân F0 có triệu chứng nhẹ đều có thể yên tâm điều trị tại nhà. Như trường hợp một bệnh nhân 62 tuổi ở thành phố Vinh, chỉ sau một ngày được phát hiện mắc Covid – 19, đã qua đời trong sự ngỡ ngàng của gia đình và mọi người. Trước đó, bệnh nhân này đã tiêm 3 mũi vắc-xin phòng Covid-19, không có bệnh nền và chỉ có những triệu chứng thông thường như nôn và tiêu chảy. Người nhà bệnh nhân qua tìm hiểu các thông tin từ bạn bè đều thấy rằng bệnh nhân Covid – 19 hiện tại chỉ có các triệu chứng nhẹ và không quá lo lắng nên yên tâm cho người thân điều trị tại gia đình. Tuy nhiên, chỉ trong một thời gian rất ngắn, bệnh nhân diễn biến xấu do nôn nhiều và bị mất nước, chỉ số SpO2 xuống 93. Đến khi cấp cứu vào bệnh viện thì phổi của bệnh nhân đã trắng và tử vong ngay sau đó.

Nhân viên y tế cơ sở đang phải làm việc quá tải.
Nhân viên y tế cơ sở đang phải làm việc quá tải.

Qua theo dõi các bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 3 ở thị xã Cửa Lò, bác sỹ Lê Văn Sáu – Giám đốc Bệnh viện cho biết: “Hiện nay bệnh viện chúng tôi chủ yếu điều trị bệnh trên 65 tuổi, bệnh nhân trên 50 tuổi có bệnh nền và bệnh nhân từ 3 tháng – 49 tuổi có nồng độ oxy trong máu (SpO2) dưới 95. Tất cả các bệnh nhân này đều đã được sàng lọc từ tuyến dưới là trạm y tế và các trung tâm y tế các huyện, thành, thị và khi đến bệnh viện đều được theo dõi sức khỏe thường xuyên. Vì vậy, nếu bệnh nhân F0 thuộc các đối tượng này, khi có bệnh phải báo ngay cho trạm y tế, không giấu bệnh và phải khai báo đầy đủ tiền sử bệnh để tránh nguy cơ bị chuyển biến nặng. Khó nhất hiện nay là một số người không hiểu đầy đủ về bệnh nên đang mang tâm lý chủ quan và đến khi bệnh chuyển biến xấu thì khó xử lý kịp thời”.

Ý kiến bạn đọc(1)

  1. Nguyễn khắc Thuần

    Bài viết tốt , gần thực tiễn