Dinh Chu - vùng quê trù phú

13/07/2015 19:28

(Baonghean) - Nằm bên tả ngạn sông Lam, làng Dinh Chu, xã Thanh Tường (Thanh Chương) là vùng quê non nước hữu tình, giàu truyền thống văn hoá, lịch sử…

Theo gia phả họ Nguyễn Quang, cụ tổ Nguyễn Quang Đỗ là người khai cơ lập ấp, biến vùng đất 6 núi - “cồn Lục Chu” thành làng Vịnh - làng Dinh Chu từ 500 năm trước. Làng có 7 xóm, quần cư suốt một dải ven sông Lam trù mật, đã từng đi vào bài vè của cụ Tú Cởn xưa: “Đất thanh long triều tả/Mạch càn hợi chuyển lai/Chốn đình vũ yên bài/Dân cường thường cường thịnh/Kẻ già nua đủng đỉnh/Người thơ trẻ vui vầy/Sĩ đèn sách đêm ngày/Nông ruộng nương cày cấy/Buôn bộ thuyền lừng lẫy/Kẻ chạm trổ rồng mây”.

Cổng làng Dinh Chu (Thanh Tường, Thanh Chương).
Cổng làng Dinh Chu (Thanh Tường, Thanh Chương).

Theo cụ Nguyễn Quang Nhị (81 tuổi), làng có đình Dinh Chu ẩn mình dưới cây bàng cổ thụ, thờ Thành hoàng là thuỷ tổ của họ Nguyễn Quang. Đình hạ 3 gian 2 hồi, chạm trổ công phu; hậu cung 1 gian với nhiều đồ tế khí. Hàng năm, các hội văn, võ, nông đều tế ở đình; Rằm tháng 10, cả làng tập trung về đây làm Lễ Tiên Linh. Đình từng là nơi hội họp, tuyên truyền, của những người hoạt động bí mật. Trong chiến tranh, cách mạng, đình là nơi dân làng tập trung đi cướp chính quyền; nơi đưa tiễn con em lên đường ra trận; nơi tổ chức các cuộc hội nghị, các lớp đào tạo cán bộ cấp tốc của Liên khu IV (1947 - 1952); nơi đón tiếp Hoàng thân Xu Pha Nu Vông sang thăm Liên khu IV (1953). Những năm xây dựng hợp tác xã, đình bị mối mọt nên phải dỡ đi. Ngày nay, nơi sân đình thuở trước vẫn còn đó 2 chân móng cổng đình, gợi nhắc cho người làng về một thời quá khứ, cùng bao trăn trở, mong muốn khôi phục lại đình xưa.

Trên núi Bụt Sơn, có nhà thánh (miếu thánh) là nơi thờ Khổng Tử và các vị tiên hiền đậu đạt của làng, phường “tư văn” trong làng, thường đến đây tế lễ. Sau cách mạng, lính Nhật đã từng giúp địa phương huấn luyện dân quân, du kích ở đây. Trước mặt nhà thánh, trên cánh đồng Cửa Thánh, người xưa đã từng đắp nên 2 gò đất lớn, mang hình núi bút, non nghiên, tượng trưng cho truyền thống hiếu học của làng. Ngày nay, núi bút non nghiên đã không còn, nhà thánh mới được dân làng khôi phục, tôn tạo, gồm cổng tam quan, miếu điện uy nghi và công viên sạch đẹp (2012). Nhà thánh trở thành nơi sinh hoạt văn hoá tâm linh của làng; nơi các gia đình, các dòng họ, đầu xuân thường đến cầu yên, cầu mong con cái học hành thành đạt.

Trên núi Phật Sơn, xưa kia có phủ Phật Sơn - công trình đồ sộ nhất vùng, thờ Cao Sơn Cao Các. Phủ có cổng tam quan, voi quỳ, ngựa đứng, nhà dâng hương và 3 toà hạ, trung, thượng điện uy linh. Ngày nay, phủ xưa chỉ còn trong hoài niệm, trên nền đất năm nào là nhà thờ họ Nguyễn Gia, xung quanh nhà dân ở kín; dưới chân núi Phật Sơn, một cổng làng bề thế đã mọc lên.

Làng có chợ Vịnh vốn là chợ cổ, đã từng họp trên bãi bồi ven sông, cạnh con đường cái dẫn về xứ Lường, xứ Rạng. Gần chợ là bến Vịnh tấp nập thuyền bè, khách muôn nơi thường đổ về đây giao lưu, mua bán. Giữa chợ có võ miếu Giang Đình với 2 toà thượng, hạ; là nơi thờ quan, binh, võ tướng của làng. Những năm chiến tranh, chợ phải di chuyển qua nhiều vị trí, nay đã dời về họp ở làng bên. Trong bài vè xưa, vẫn còn đó bóng dáng của làng quê ven sông trù phú: “Chợ sớm chiều đông đúc/Có võ miếu Giang Đình/Có xã hội xã binh/Có ý quan lễ nhạc/Dưới thuyền bè nốc nác/Người buôn ngược bán xuôi”.

Thiên nhiên ưu ái, “làng Vịnh gạo trắng nước trong”, người Vịnh lại khéo tay hay làm, nhiều sản phẩm của làng đã nức tiếng gần xa. Nghề mộc ở đây xuất hiện từ mấy trăm năm, nay vẫn được người làng gìn giữ, phát huy. Mộc Dinh Chu không chỉ “mực chuẩn, sàm chắc, mộng bền” mà còn tinh tế, sống động trong từng mảng hoa văn chạm, khắc. Nghề bún bánh của làng cũng có từ thuở xa xưa, sản phẩm nổi tiếng nhất là “bánh đa chợ Vịnh”, vừa tròn, dày, vừa thơm ngon với hương vị đặc trưng. Bánh đa chợ Vịnh không chỉ là món ăn ngon, món quà quê ưa thích của bao du khách, mà còn là mặt hàng có tên tuổi ở nhiều nơi trên đất Nghệ, cả ở miền Nam như Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh… Nghề thủ công truyền thống ở đây, đã góp phần không nhỏ tạo nên diện mạo mới của làng và đã được UBND tỉnh công nhận là làng nghề từ năm 2007, 2009.

“Đất lành chim đậu”, nhiều dòng họ đã về đây lập nghiệp, hun đúc cho làng nhiều truyền thống vẻ vang. Họ Nguyễn Quang có ông tổ là người khai cơ mở đất Dinh Chu, từng được triều đình tặng bảng vàng “Khai - Tất - Tiên”; có Mạnh tướng quân Nguyễn Quang Mão thời hậu Lê với nhiều công lao “hộ quốc”. Họ Lưu có nhà thờ 300 tuổi năm tuổi, nổi tiếng với Hàn lâm viện kiểm thảo Lưu Sĩ Chương (1884 - 1930). Họ Nguyễn Thế trải qua 20 đời với hơn 400 năm, nổi tiếng với Phụng thành Đại phu - Hàn lâm viện thị giảng Nguyễn Thế Cát (1855 - 1937), dân thường gọi là cụ Thị, từng làm đốc học Thanh Chương, Can Lộc... Lúc cáo quan về làng, cụ mở trường dạy học, nhiều học trò của cụ đã thành danh trên con đường khoa bảng. Khi cụ mất, học trò dựng bia tưởng niệm tại vườn nhà. Hiện ở xóm Đức Nghĩa, ngay trước nhà thờ cụ, bia Vĩnh Am Tiên Sinh (bia cụ Thị) vẫn được con cháu gìn giữ, tôn tạo khang trang, như khẳng định thêm niềm tự hào về một tiền nhân đã làm rạng danh dòng họ.

Từ cổng làng xuyên qua đường Nghinh Thần, đi về những triền đê, chiêm ngưỡng trọn phong cảnh làng quê tươi đẹp. Dinh Chu vấn vương lòng người du lãm, không chỉ bởi cảnh sắc Lam giang và những nét xưa cổ kính, mà ấn tượng hơn, truyền thống bao đời ấy còn là nguồn động lực, tiếp thêm sức mạnh vươn lên cho một vùng quê.

Huy Thư

Mới nhất
x
Dinh Chu - vùng quê trù phú
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO