Định hình cục diện Châu Á - Thái Bình dương

(Baonghean) - Hội nghị G20 đã diễn ra trong 2 ngày (15-16/11) tại Australia, Hội nghị này không chỉ bàn về kinh tế, mà còn đáng chú ý bởi những vấn đề chính trị - an ninh được cho là đã định hình cục diện Châu Á - Thái Bình dương ít nhất là từ nay đến năm 2020. Để làm rõ những vấn đề dư luận quan tâm, phóng viên Báo Nghệ An đã có cuộc trao đổi với PGS. TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương - Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược và Khoa học Bộ Công an.

Phóng viên: Xin Thiếu tướng đánh giá khái quát kết quả Hội nghị G20 tổ chức tại Australia vừa qua? 
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Thông thường, Hội nghị G20 chỉ bàn những vấn đề kinh tế toàn cầu. Lần này, Thủ tướng Australia Tony Abbott cùng những người đứng đầu 20 nền kinh tế trên thế giới tập trung mọi nỗ lực làm cho GDP toàn cầu tăng 2% trong 5 năm tới, tức là tăng khoảng 2000 tỷ USD. Qua đó hàng chục triệu người trên thế giới có việc làm và đời sống vật chất của một bộ phận cư dân trên hành tinh được cải thiện rõ rệt. 
Hội nghị G20 tại Australia. 	Nguồn: Tin tức
Hội nghị G20 tại Australia. Nguồn: Tin tức
Thực tế trong 2 ngày (15 - 16/11), G20 không chỉ bàn về những vấn đề kinh tế toàn cầu, mà họ còn đề cập đến những vấn đề rộng lớn hơn, bao gồm cả những vấn đề về chính trị - an ninh, cả Đông và Tây bán cầu: khủng hoảng ở Ukraina, mâu thuẫn giữa Nga và phương Tây, vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và Biển Hoa Đông... G20 còn bàn đến ứng phó với biến đổi khí hậu, tập trung vào hướng phát triển xanh, phát triển bền vững. Tổng thống Obama công bố với thế giới rằng Mỹ sẽ hỗ trợ 2 tỷ USD, Nhật cũng theo đó sẽ hỗ trợ 1,5 tỷ USD cho các mô hình phát triển xanh, phát triển bền vững ứng phó với biến đổi khí hậu. Lần đầu tiên vấn đề chống tham nhũng cũng làm nóng nghị trường. Theo nhiều nghiên cứu, mỗi năm thế giới chi khoảng 1.000 tỷ USD cho tham nhũng, chính tham nhũng đã cản trở sự phát triển của nhiều nền kinh tế trên thế giới, làm chậm quá trình khôi phục nền kinh tế toàn cầu sau khủng hoảng từ năm 2008. Chính tham nhũng là cản trở trên con đường cộng đồng quốc tế phấn đấu đạt tăng trưởng 2% trong 5 năm tới. Như vậy, trên mọi phương diện thì G20 tại Australia đã có kết quả và dấu ấn tốt.
Phóng viên: Thưa Thiếu tướng, vậy vấn đề chính trị - an ninh có vị trí như thế nào trong diễn đàn G20?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Về chính thức, trong 2 ngày họp không có buổi nào dành riêng cho việc thảo luận những vấn đề nóng về chính trị - an ninh trên thế giới. Nhưng những hoạt động không chính thức bên lề Hội nghị G20 nổi lên có mấy sự kiện lôi cuốn sự chú ý của thế giới, đặc biệt là khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. 
Sự kiện thứ nhất là phát biểu của Tổng thống Mỹ Obama tại Trường Đại học Queesland ở Australia. Tổng thống Mỹ khẳng định cho dù còn khó khăn, còn mắc kẹt tại một số điểm nóng khu vực, như cuộc khủng hoảng ở Ukraina, cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo cực đoan tự xưng (IS), vấn đề hạt nhân bị nghi ngờ của Iran, vấn đề rút quân khỏi Afganistan... nhưng Mỹ vẫn kiên quyết thực hiện quyết tâm chiến lược xoay trục sang Châu Á – Thái Bình Dương. Đáng nói là chiến lược xoay trục này được Tổng thống Obama phát biểu lần đầu tiên vào tháng 11/2011 tại Quốc hội Australia, cách đây vừa đúng 3 năm. Lần này, người đứng đầu Nhà Trắng lại tuyên bố công khai với thế giới sẽ thực hiện đến cùng chiến lược đó.
Đây có thể hiểu là một thông điệp gửi đến 2 đối tượng: Thứ nhất là trấn an sự lo lắng của các nước Đông Á, Tây Thái Bình Dương về khả năng xoay trục của Hoa Kỳ. Obama đã truyền đạt thông điệp rằng các nước Đông Á cần hiểu rõ và cần ủng hộ, tạo điều kiện để Hoa Kỳ thực hiện điều này. Đối tượng thứ hai mà Obama muốn gửi đến là Bắc Kinh, rằng Oasinhton tiếp tục xoay trục sang Châu Á – Thái Bình Dương, cho dù Bắc Kinh có bất bình hay phản đối như thế nào đi nữa thì cũng không cản trở được Mỹ thực hiện chiến lược này. Do đó phát biểu của Tổng thống Obama có giá trị như một thông điệp định hình cục diện chính trị - an ninh Châu Á – Thái Bình Dương trong nhiều thập kỷ tới, ít ra là từ nay đến năm 2020. 
Sự kiện thứ 2 là tại cuộc gặp 3 bên: Tổng thống Mỹ Obama, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng Australia Tony Abbott. Ba bên đã cam kết hợp tác chặt chẽ với nhau để đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải ở Đông Á, Tây Thái Bình Dương. 3 nhà lãnh đạo này đã yêu cầu các bên tranh chấp chủ quyền ở Biển Hoa Đông và Biển Đông phải giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế. Tất cả các bên tranh chấp phải đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải, đảm bảo thông thương qua đường hàng hải ở phía Tây Thái Bình Dương và Đông Á. Đây có thể xem là một thông điệp gián tiếp gửi đến Trung Quốc rằng: Mọi giải quyết tranh chấp ở Biển Hoa Đông và Biển Đông phải dựa vào luật pháp quốc tế và không được dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực, không được thay đổi hiện trạng ở Biển Hoa Đông và Biển Đông. Tôi cho đây là một thông điệp mạnh mẽ. Nên nhớ rằng liên minh Mỹ - Nhật – Hàn có vai trò như một tường thành có khả năng ngăn chặn bất cứ một quốc gia nào muốn thay đổi hiện trạng ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương nói chung, ở vùng Đông Á và Tây Thái Bình Dương nói riêng.
Vấn đề an ninh của G20 thể hiện khá rõ qua 2 sự kiện nói trên. Thực chất, đây là giới hạn mà Mỹ vạch ra và yêu cầu Trung Quốc không được vượt qua để đảm bảo an ninh ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Qua 2 sự kiện này, cộng đồng quốc tế đón nhận với một phản ứng tích cực quan điểm nhất quán của Mỹ.
Phóng viên: Theo Thiếu tướng, Trung Quốc đã phản ứng như thế nào đối với 2 sự kiện nói trên?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Tôi tin rằng ông Tập Cận Bình đủ điều kiện để hiểu được ẩn ý của Tổng thống Obama như đã nói trên. Trong bối cảnh hiện nay, ông Tập Cận Bình lựa chọn phản ứng rất khôn ngoan là im lặng. Thật ra thì ngoài im lặng thì cũng không có phản ứng gì hơn được. 
Phóng viên: Thưa Thiếu tướng, từ Hội nghị APEC ở Bắc Kinh cách đây 10 ngày, đến Hội nghị G20 ở Australia, Thiếu tướng có dự báo thế nào về quan hệ Trung – Mỹ thời gian tới?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Về khoa học mà nói thì xu hướng quan hệ Trung – Mỹ như thế nào là do lợi ích của 2 nước chi phối. Hiện nay, tương quan lực lượng về tổng thể thì Trung Quốc chưa theo kịp Mỹ trên nhiều phương diện: kinh tế, trình độ phát triển, tiềm lực quốc phòng, vị thế ngoại giao trên thế giới... Dù tổng lượng GDP của Trung Quốc gần đuổi kịp Mỹ, thì cũng chưa nói được điều gì về sức mạnh tổng hợp của Trung Quốc cả. 
Trong thời đại Tập Cận Bình, chúng ta khó đoán định xa hơn, nhưng từ nay đến năm 2020, có thể đến năm 2022 (nếu không có gì thay đổi, đó là năm kết thúc nhiệm kỳ thứ 2 của Chủ tịch Tập Cận Bình – khi đó Tập Cận Bình sẽ trao vị trí lãnh đạo cho thế hệ thứ 6 ở Trung Quốc), trong 8 năm còn lại, tập thể lãnh đạo thế hệ thứ 5 của Trung Quốc mà nòng cốt là Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường, Trung Quốc sẽ tập trung đuổi kịp Mỹ về sức mạnh tổng hợp quốc gia, trước hết là về kinh tế. Do đó, từ nay đến năm 2022, Trung Quốc sẽ không đối đầu với Mỹ, vì lúc này Trung Quốc đối đầu với Mỹ chẳng khác nào tự sát, xét trên mọi phương diện Trung Quốc chưa đủ lực lượng. Vì thế Trung Quốc bằng mọi cách hòa hoãn với Mỹ, thực hiện cái mà Tập Cận Bình gọi là “quan hệ nước lớn kiểu mới” với Mỹ. Đó là không xung đột, không đối đầu nhau, tôn trọng nhau, không xâm phạm lợi ích cốt lõi của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Mỹ và Trung Quốc sẽ hợp tác với nhau, về kinh tế thì theo phương châm là Trung Quốc và Mỹ cùng thắng. 
Khi Tập Cận Bình đề nghị với Tổng thống Obama về xây dựng “quan hệ nước lớn” vào tháng 6/2013, trong 1 năm nay Nhà Trắng vẫn rất dửng dưng. Tổng thống Obama và chính phủ của ông vẫn không mặn mà với quan điểm mà Chủ tịch Trung Quốc nêu ra. Điều này chứng tỏ dù Trung Quốc có phát triển mạnh bao nhiêu nữa, thì đến thời điểm này chính giới Mỹ vẫn chỉ xem Trung Quốc là cường quốc khu vực thôi. Họ chưa chấp nhận Trung Quốc là một cường quốc của thế giới. 
Tuy nhiên, từ nay đến năm 2022 thì cạnh tranh, va chạm giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ ngày càng lớn. Vì Mỹ quyết tâm xoay trục sang Châu Á – Thái Bình Dương, Trung Quốc phản ứng gay gắt, nhưng không dẫn đến đối đầu, đổ vỡ. Tôi cho rằng đó là kịch bản hiện thực nhất.
Với kịch bản nói trên, đối với các nước trong khu vực Đông Á trong đó có Việt Nam, sẽ là cơ hội cần phải tận dụng để đẩy nhanh phát triển. Với Việt Nam thì phải thu hẹp tụt hậu so với các nước khác, vươn lên một quốc gia hùng mạnh. Chỉ có Việt Nam mạnh mới bảo vệ được chủ quyền trên Biển Đông.
Phóng viên: Xin cảm ơn Thiếu tướng về cuộc trao đổi này!
Chí Linh Sơn (Thực hiện)

tin mới

Bản tin quốc tế: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'

Bản tin quốc tế: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'

(Baonghean.vn) - Bản tin quốc tế ngày 22/4 gồm những thông tin: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'; Tư lệnh quân đội Israel phê duyệt kế hoạch tiếp tục cuộc chiến ở Gaza; Iraq phóng tên lửa vào căn cứ quân sự của Mỹ ở Syria; Iran bác tin đàm phán trực tiếp với Mỹ.

Chuyên gia quân sự Đức kêu gọi NATO bắn hạ tên lửa Nga trên bầu trời Ukraine

Chuyên gia quân sự Đức kêu gọi NATO bắn hạ tên lửa Nga trên bầu trời Ukraine

(Baonghean.vn) - Chuyên gia quân sự Đức Nico Lange - một thành viên cấp cao tại Hội nghị An ninh Munich cho rằng, NATO đã đến lúc phải sửa chữa "sai lầm đắt giá" và thay đổi chiến lược ở Ukraine, NATO nên sử dụng hệ thống phòng không của mình bắn hạ tên lửa Nga ở sườn phía Đông của liên minh.

Nga đẩy nhanh quá trình phi công nghiệp hoá Ukraine

Nga đẩy nhanh quá trình phi công nghiệp hoá Ukraine

(Baonghean.vn) - Trong một thời gian dài, Nga đã chỉ tập trung vào quá trình phi quân sự hoá và phi phát xít hoá Ukraine. Tuy nhiên, các cuộc đối đầu ngày càng gia tăng ác liệt, và quy mô tàn phá đã cho thấy cách Nga tiếp cận với việc phi công nghiệp hoá Ukraine ngày càng rõ nét.

Chuyên gia lý giải vì sao Pháp không đủ khả năng tiến hành chiến tranh khốc liệt ở Ukraine

Chuyên gia lý giải vì sao Pháp không đủ khả năng tiến hành chiến tranh khốc liệt ở Ukraine

Nước Pháp, bất chấp những tuyên bố hung hăng của Tổng thống Emmanuel Macron, không có đủ tiềm lực để tham gia vào cuộc chiến khốc liệt ở Ukraina; thậm chí nước này có thể chỉ có đủ đạn dược trong 2-3 ngày, theo Cyril de Lattre - chuyên gia hàng không, cựu phi công Pháp nói với Sputnik.