Đinh Hữu Dư - Hãy là cánh chim bay cao trên trời mây Yên Bái
Ba ngày qua, không chỉ những cán bộ, phóng viên dưới mái nhà Thông tấn xã Việt Nam mà cả nhiều đồng nghiệp trong làng báo trĩu nặng niềm đau khi nghe tin dữ. Trưa 11/10, trong lúc đang đưa tin về tình hình mưa lũ địa phận cầu Thia tại thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái, phóng viên Đinh Hữu Dư, thuộc Cơ quan thường trú TTXVN tại Yên Bái, đã bất ngờ bị lũ cuốn trôi. Liên tiếp những bản tin thời sự trên các trang báo điện tử, trên các kênh truyền hình và phát thanh, hay ở những dòng trạng thái trên mạng xã hội, ai cũng cầu mong một điều kỳ diệu đến với Dư.
Đinh Hữu Dư trên đường tác nghiệp (Ảnh: Nội san TTXVN) |
Nhưng phép lạ không xảy ra. Chiều 13/10, Dư đã được tìm thấy ở cách khu vực xảy ra sự cố gần 100km.
Phóng viên Đinh Hữu Dư, sinh năm 1988 tại một làng quê ở Tân Trung, Tân Thành, thành phố Ninh Bình. Em tốt nghiệp K27, Học viện Báo chí và Tuyên truyền hệ chính quy, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam ngay tại trường đại học, rồi tiếp tục hoàn thành bằng Thạc sỹ báo chí. Trúng tuyển kỳ thi tuyển phóng viên của TTXVN năm 2016, em nhận nhiệm vụ tới công tác tại Yên Bái từ ngày 1/10/2016.
Sự ra đi của chàng phóng viên nhiệt huyết Đinh Hữu Dư khiến cho tất cả người thân, bạn bè và đồng nghiệp bàng hoàng và đau đớn. Lâu lắm rồi, nước mắt mới rơi nhiều như thế! Kể cả những người chưa hề gặp cậu trai trẻ mới làm việc được hơn một năm tại cơ quan, cũng không khỏi rưng rưng lệ. Còn những người đã biết em, đã từng làm việc với em, hoặc chỉ có dịp đôi lần trò chuyện với Dư, đều cảm thấy như mất đi một người thân yêu trong gia đình.
Không ai tin nổi người bạn, người em với nụ cười dễ mến ngày nào đã không bao giờ trở về nữa. Chúng tôi không còn được gặp lại người đồng nghiệp dù ít tuổi nghề nhưng luôn sẵn sàng ở tuyến đầu, độc giả không còn được đọc những bài viết xúc động, xem những thước hình em quay với bút danh Giang Phong quen thuộc.
Câu chuyện của chàng phóng viên trẻ măng Đinh Hữu Dư với những người cầm bút là câu chuyện sẽ được kể mãi không dứt về hy vọng, về sự dấn thân không ngừng nghỉ của những người làm báo.
Đinh Hữu Dư ơi, dù không thể hoàn tất giấc mơ giản dị của riêng mình, thì với chúng tôi, em vẫn là cánh chim bay cao trên trời mây Yên Bái, một cánh chim lướt như cơn gió vượt sông núi như bút danh em hay dùng. Em sẽ mãi nhắc chúng tôi phải biết sống và cống hiến hết mình như em đã từng như thế.
Buổi sáng định mịnh và chiếc mũ giữa dòng nước lũ
Ba ngày trôi qua kể từ khi Đinh Hữu Dư - phóng viên Cơ quan thường trú TTXVN gặp nạn trong quá trình tác nghiệp, đưa tin về tình trạng mưa lũ tại khu vực cầu Thia (huyện Văn Chấn, Yên Bái), bạn bè, đồng nghiệp vẫn không khỏi bàng hoàng.
“Tim tôi như thắt lại khi biết Dư bị lũ cuốn đi. Từ khoảnh khắc ấy, tôi vẫn luôn không ngừng hy vọng về một điều kỳ diệu sẽ xảy ra. Thế nhưng, điều ước đã không thành hiện thực! Sự giận dữ của thiên nhiên đã cướp đi sinh mạng của người em, người đồng nghiệp thân thiết của tôi. Xót xa khi đối diện với sự thật, em sẽ vĩnh viễn không về, không bao giờ cùng rong ruổi với tôi trên đường tác nghiệp; nhưng cảm thấy được an ủi phần nào vì em đã không phải nằm cô quạnh, lạnh lẽo một nơi nơi bùn đất ấy nữa. Em sẽ được đưa về với gia đình, quê hương, trở về với vòng tay cha mẹ,” Phạm Thế Duyệt - phóng viên cơ quan thường trú TTXVN tại Yên Bái trải lòng.
Hiện trường cầu Thia bị mưa lũ đánh sập và trôi mất 2 trụ cầu. (Ảnh: Chí Tuệ/Tuổi trẻ) |
Chiếc mũ dập dềnh trên sóng nước
Trong câu chuyện với chúng tôi, Phạm Thế Duyệt không giấu được sự xúc động. Nhiều lần, giọng anh nghẹn lại. Những khoảng lặng kéo dài đan xen giữa câu chuyện. Duyệt đang cố trấn tĩnh bản thân.
“Chưa bao giờ tôi có thể hình dung, anh em tôi sẽ không bao giờ có thể gặp lại nhau, để cùng say sưa trong những câu chuyện nghề, chuyện đời,” anh thổn thức.
Theo lời kể của Phạm Thế Duyệt, sáng 11/10, nghe tin lũ về, nước lên cao tại khu vực thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái), anh cùng đồng nghiệp Đinh Hữu Dư lập tức di chuyển bằng xe máy từ thành phố Yên Bái vào thị xã Nghĩa Lộ để đưa tin, cập nhật và phản ánh tình hình.
“Chúng tôi xuất phát lúc 10 giờ. Sau khoảng hai tiếng đồng hồ chạy xe liên tục, chúng tôi có mặt ở hiện trường. Khi ấy, trời mưa rất to, nước sầm sập táp vào mặt, cảm giác rát và tầm nhìn bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo như phân công công việc ban đầu, tôi sẽ chụp ảnh hiện trường, Dư sẽ quay phim, ghi lại hình ảnh khi lũ về,” Duyệt nói.
Ký ức ùa về như thước phim quay chậm, mở ra trước mắt anh những hình ảnh buồn đau. Hai phóng viên của TTXVN chọn cầu Thia - cây cầu gồm 5 nhịp nối huyện Văn Chấn với thị xã Nghĩa Lộ của tỉnh Yên Bái làm vị trí đứng tác nghiệp.
Và khi đó, dòng nước lũ cuộn xiết, đục ngầu, ào ào dội về.
“Khoảng 12 giờ trưa 11/10, tôi sử dụng ống tele để chụp ảnh. Tuy nhiên, do trời mưa lớn, ống kính nhanh chóng bị nhòe. Tôi nói với Dư (lúc ấy đang quay phim trên cầu) rằng, tôi vào chỗ có mái che để thay ống kính, sau đó sẽ quay lại ngay. Thật chẳng ngờ, đó là những giấy cuối cùng chúng tôi đứng sát vai bên nhau, những câu nói cuối cùng nhắn nhủ với nhau. Chuyến tác nghiệp định mệnh!,” Phạm Thế Duyệt nhớ lại, giọng nghẹn ngào.
Khi đang thay ống kính, bỗng dưng, Duyệt nghe tiếng nước gầm thét ầm ào. Theo phản xạ tự nhiên của một phóng viên đưa tin thời sự, anh lập tức quay lại phía cầu. Đứng ở phía thành cầu, khi đang giơ máy lên chụp, bỗng dưng anh thấy một nhịp cầu bị dòng nước dữ đánh sập, nổi trôi dưới dòng nước hình ảnh một chiếc mũ bảo hiểm - đó là chiếc mũ của Đinh Hữu Dư.
Choáng váng. Thất thần. Duyệt như không tin vào mắt mình. Định thần lại, anh nhận ra, nhịp cầu gãy kia là nơi đồng nghiệp của anh vừa đứng ghi hình. Vậy là Dư đã bị ngã xuống và cuốn vào dòng nước chảy xiết. Chiếc mũ bảo hiểm ẩn hiện giữa sóng nước. Nó cứ mờ dần, nhỏ dần theo dòng chảy.
“Dư đâu rồi?! Tim tôi như thắt lại. Tôi như không tin vào mắt mình. Cảm giác bàng hoàng tâm can, bất lực nhìn theo phía chiếc mũ mà không thể với tay ra để níu giữ Dư lại. Kể từ khoảnh khắc ấy, tôi vẫn mong một phép màu sẽ xảy ra. Em sẽ được một ai đó kéo vào bờ…,” phóng viên Phạm Thế Duyệt chia sẻ.
Anh bảo, trước đây, khi nghe tin một ai đó mất tích trong bão lũ, anh luôn cảm thấy rất đau lòng. Thế nhưng, trong thời khắc định mệnh trưa 11/10 ấy, khi tận mắt chứng kiến người đồng nghiệp, người em thân thiết của mình bị cuốn theo dòng nước dữ, anh thực sự thấm thía cảm giác mất mát, đớn đau.
Hình ảnh chiếc mũ bảo hiểm dập dềnh trên dòng nước ấy cứ chập chờn, ám ảnh trong tâm trí Duyệt. “Lúc nào, tôi cũng như thấy Dư đang ở trước mặt mình. Em cười hiền từ, mải miết làm việc trong cơn mưa tầm tã,” Duyệt tâm sự.
Giây phút tìm thấy Dư, người thân, đồng nghiệp, bạn bè lặng đi, khóc nghẹn. |
Về đi Dư
Ngay sau khi nhận được thông tin, chiều 11/10, lãnh đạo cơ quan Thông tấn xã Việt Nam tại Hà Nội đã khẩn trương thành lập tổ công tác đặc biệt trực tiếp lên Yên Bái, phân công cán bộ về liên hệ và đón thân nhân gia đình phóng viên Đinh Hữu Dư từ Ninh Bình đến hiện trường nơi phóng viên mất tích để triển khai các hoạt động tìm kiếm.
TTXVN và tỉnh Yên Bái phối hợp chặt chẽ, huy động các lực lượng chia làm 7 mũi tìm kiếm các nạn nhân bị lũ cuốn trôi mất tích; đồng thời tiến hành những phương án phù hợp đối với các tình huống xảy ra.
Từ hiện trường tìm kiếm cứu nạn, phóng viên Phạm Thế Duyệt cho biết, tổ công tác cho rằng, phóng viên Đinh Hữu Dư bị nước cuốn đi, sau đó có thể mắc kẹt vào những bụi tre lớn xung quanh khu vực. Bởi vậy, cơ quan đã trực tiếp thuê người dân địa phương chặt tre, tìm kiếm theo hướng này.
Sau những giờ phút kinh hoàng của lũ dữ, khu vực ấy trở lại với dáng vẻ yên ả như thường nhật. Sự tan hoang, xác xơ ám ảnh tâm trí những người có mặt ở đây. Ánh mắt ai cũng đầy vẻ khắc khoải, đau đáu hướng về phía nhịp cầu gãy - nơi Dư gặp nạn, với một niềm hy vọng khôn nguôi.
Từ Hà Nội, Đoàn Thanh niên TTXVN cùng hàng chục đồng nghiệp các báo khác cũng phát động phong trào quyên góp, ủng hộ để chia sẻ sự khó khăn, mất mát của gia đình Đinh Hữu Dư trong công tác tìm kiếm.
Thế nhưng, cuối giờ chiều 13/10, thông tin chính thức đã tìm thấy thi thể người phóng viên xấu số được thông báo. Người thân, đồng nghiệp và bạn bè anh một lần nữa lặng đi, khóc nghẹn.
Trong các cuộc kháng chiến giành độc lập của dân tộc, đội ngũ đông đảo những người làm báo của TTXVN thực sự là những nhà báo-chiến sỹ. Họ có mặt ở những nơi nóng bỏng nhất của cuộc chiến, cùng sống, cùng chiến đấu với bộ đội và nhân dân. Không chỉ ghi lại các sự kiện như những nhân chứng lịch sử, họ còn trực tiếp tham gia và góp phần làm nên những sự kiện lịch sử ấy.
Lớp lớp phóng viên, kỹ thuật viên của TTXVN đã lên đường ra trận và hơn 260 người trong số đó đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường. Máu của các anh, các chị thấm trong mỗi dòng tin, bài viết, bức ảnh, thước phim được gửi về từ chiến trường khốc liệt. Những thông tin mang giá trị tiếp sức, chia lửa với chiến trường từ các vùng nóng bỏng đạn bom đã góp phần làm nên những chiến thắng vĩ đại của dân tộc trong sự nghiệp giải phóng và bảo vệ Tổ quốc.” (trích bài viết “Thông tấn xã Việt Nam - 70 năm trưởng thành cùng đất nước”)
Đến lượt mình, Đinh Hữu Dư lại tiếp tục viết tiếp vào bản hùng ca bi tráng của TTXVN trong thời bình.
Không một cán bộ, phóng viên nào của TTXVN có thể tin được khi đất nước không còn tiếng súng, vẫn có một đồng nghiệp của họ ngã xuống.
Và em còn quá trẻ, Dư ơi...
"Sao không về ăn cơm cô nấu Dư ơi"
Trong ấn tượng của đồng nghiệp, bạn bè, Đinh Hữu Dư là một chàng trai lành lẽ, trầm lặng và hay suy tư. Để đến với nghề báo, anh đã phải trải qua nhiều thăng trầm và biến cố. Thế nhưng, chưa bao giờ, tình yêu trong trái tim của chàng phóng viên trẻ ấy nguội lạnh.
Thậm chí tới tận lúc ngã xuống trên cầu Thia sang 11/10, Dư vẫn giữ được mối nhiệt huyết ấy.
Phóng viên VietnamPlus đã ghi lại chia sẻ của những đồng nghiệp gắn bó với phóng viên Hữu Dư.
Nhà báo Phạm Thanh Hà (Tổng Biên tập Tạp chí Phụ Nữ Mới)
Nghe tin dữ, Đinh Hữu Dư, phóng viên TTXVN bị lũ cuốn khi đang tác nghiệp tại Yên Bái, bàng hoàng, tôi ngồi lục hồ sơ cũ trên máy tính, tìm tờ trình mà Ban Thời Nay gửi lên Ban Biên tập Báo Nhân Dân xin cho Dư được ký hợp đồng. Đấy là năm 2011.
Có lẽ thời gian Dư ở lâu nhất trong một tòa soạn chính là thời gian ở Thời Nay, dù không phải phóng viên chính thức.
Năm ấy, Dư mới ra trường, nhưng thời gian cộng tác với báo Thời Nay thì nhiều hơn thế, hình như từ năm thứ 3 đại học. Dư chăm chỉ, dạo còn đi học thì tuần ghé qua tòa soạn đôi lần, nhưng tốt nghiệp rồi, thì hầu như ngày nào cũng qua xem có được giao tin bài gì không. Ban Thời Nay luôn có nhiều phóng viên trẻ mới ra trường hoặc sinh viên đang thực tập, nên thường ồn ào. Tính Dư trầm lặng, cháu hay ngồi một chỗ.
Tôi không nhớ rõ, hình như Dư để trên mặt bàn chỗ hay ngồi ấy một bức ảnh Lenin. Cậu sinh viên trẻ bộc lộ mơ ước trở thành một phóng viên chính trị. Năm thứ ba đại học Dư đã là Đảng viên, và dường như Dư xác định nơi Dư muốn trở thành phóng viên nhất chính là cơ quan báo Đảng.
Nhưng ban Thời Nay lúc ấy theo Ban Biên tập là đã đủ người. Tờ trình Ban Thời Nay đưa lên không được Vụ Tổ chức chấp thuận, dù viết rất tốt về Dư. Dư lặng lẽ chờ, chờ và đi học thêm thạc sĩ. Lúc Dư nói đi học, tôi hơi trách, học tốn kém mà nhà nghèo, cháu nên tìm cách đi làm đi. Nhưng Dư vẫn học cho xong, và vẫn mong đơn xin việc của mình được chấp thuận.
Đôi khi nhìn Dư đến ngồi vào chỗ quen thuộc của mình, như Dư và mọi người trong ban gần ba năm tin là thế, tôi thấy xót ruột bởi cái niềm tin kiên nhẫn ấy. Biết quá rõ rằng vì sao mà chúng tôi không được nhận thêm phóng viên, một ngày kia tôi phải nói thẳng với Dư, ở ban Thời Nay sẽ không có hy vọng. Cháu cứ viết để đăng, cháu là cộng tác viên ruột của Thời Nay, nhưng để chính thức về đây cô nghĩ là khó lắm.
Tôi sẽ chẳng bao giờ quên ánh mắt thất vọng của Dư lúc ấy. Giống như sụp đổ. Và tôi hiểu không phải chỉ một chỗ làm, mà là mong ước trở thành nhà báo viết chính luận của Dư tan vỡ. Nhưng chẳng thể nói khác, lúc ấy dù thương lắm, tôi vẫn nghĩ tan vỡ là cách thức mà các phóng viên trẻ đương nhiên phải đối đầu. Cuộc sống còn dài mà.
Dư mong được là phóng viên Thời Nay, mong đến nỗi rất lâu sau khi hồ sơ không được vụ tổ chức chấp nhận vì Thời Nay không được lấy thêm người, Dư vẫn cứ đến hàng ngày, bữa trưa ăn cơm tôi nấu.
Rồi, vì thương cháu, một ngày kia tôi bảo Dư: “Cơm cô luôn có, nhưng việc ở đây không có hy vọng, Dư phải đi tìm việc chỗ khác thôi.”
Ít lâu sau Dư đi, cháu thi vào Tạp chí Cộng sản điểm khá cao, nhưng lấy từ trên xuống vẫn chưa được. Thằng bé chăm chỉ mà long đong, nghĩ thương nhưng chẳng biết làm cách nào. Đôi khi Dư ghé về báo Nhân Dân, nơi nhiều bạn bè, về Thời Nay, rồi thưa dần và không thấy Dư nữa.
Cho đến nửa năm trước đây, Dư kết bạn với tôi trên Facebook, và trả lời câu hỏi cháu thế nào, Dư vui vẻ báo cháu đã thi được vào Thông tấn xã, giờ cháu thường trú Yên Bái. Mừng vì Dư đã có công việc ở một tòa soạn lớn, Dư có thể trở thành nhà báo theo cách Dư mong muốn.
“Cuộc sống còn dài lắm, và cháu còn rất trẻ” - tôi nhớ lúc nói với Dư rằng đừng thất vọng, khi không thể ở báo của chúng tôi. Cánh cửa này khép lại sẽ có những cánh cửa khác mở ra, cháu cứ đi đi, cứ tin tưởng vào mình…
Long đong cả 5 năm trời để thành một phóng viên, vậy mà cánh cửa lớn vừa mới mở với cuộc đời cháu cũng là nơi khép lại bởi một dòng lũ dữ.
Nhà báo Nguyễn Hồng Minh (Phó ban Nhân dân điện tử)
Mấy năm trước Dư là sinh viên báo chí về thực tập tại Báo Thời nay - một ấn phẩm của báo Nhân Dân. Quãng thời gian đó và sau này khi đã xong thời gian thực tập, Dư có gửi tin bài cộng tác sang báo Nhân Dân điện tử. Thường chúng tôi nhận được từ Dư là những tin nóng, và cả những bài chuyên sâu. Ngay từ đầu tôi đã có ấn tượng với cái tên bạn ký dưới bài, bởi những tin bài như vậy ít thấy ở sinh viên thực tập, thậm chí với những phóng viên đã vào nghề cũng còn phải cần nhiều trải nghiệm mới có được.
Tôi nhớ nhất là loạt bài Dư viết về ô nhiễm môi trường ở sông Đáy, khi chúng tôi biên tập và đăng loạt bài ấy, đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi từ bạn đọc.
Với nghề báo, có lẽ sự lăn lộn, say nghề, trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ và kể cả phẩm chất đều sẽ lộ rõ qua những “sản phẩm” của mỗi người. Chúng tôi nhìn thấy ở Dư - một sinh viên thực tập những điều rất đáng quý.
Chính vì vậy, khi đồng nghiệp của chúng tôi ở Yên Bái gửi tin về tòa soạn về một phóng viên Thông tấn xã Việt Nam bị lũ cuốn, đọc đến cái tên chúng tôi đều bàng hoàng nhớ ra em.
Chiều hôm ấy, cùng với việc xử lý nhiều tin bài khắp các tỉnh gửi về báo cáo thiệt hại vì lũ quét, chúng tôi ở tòa soạn rất muộn, cho đến đêm khi xong việc rồi vẫn cứ day dứt và ám ảnh mãi gương mặt trẻ trung cương nghị của em. Sáng hôm sau tòa soạn họp giao ban, mọi người cũng lặng đi khi nói về em - một người đồng nghiệp trẻ tuổi, có thể nói đã gửi những bài báo đầu tiên của mình cho chúng tôi - vô cùng thương xót.
Nghề báo là như vậy - luôn đi về phía trước, dấn thân trước hiểm nguy. Sự mất mát này khiến cho chúng tôi rất nhiều day dứt và suy nghĩ.
Mong là những người thân của Dư vượt qua sự mất mát này, và luôn tự hào về Dư.
Phóng viên Phạm Đức Chung (Trung tâm tin tức VTV24)
Tháng 8/2014, tôi và anh Dư cùng vào làm việc tại VTV24, rồi lại có cơ duyên cùng vào nhóm giao thông. Ấn tượng đầu tiên của tôi về anh là một anh chàng có chiều cao khiêm tốn, đôi lông mày rậm, nụ cười mộc mạc, hiền lành và lúc nào cũng xách theo chiếc cặp da cũ cũ bên mình như “cán bộ xã.”
Anh ít nói lắm! Chẳng mấy khi va chạm với ai. Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh một người thanh niên mặc chiếc quần ống rộng với chiếc áo sơmi kẻ carô đã sờn màu ngồi chăm chú viết bài ở một góc phòng làm việc.
Vì cùng một nhóm nên tôi và Dư có nhiều cơ hội đi tác nghiệp, nói chuyện và còn cùng nhau viết bài. Hồi đó, tôi còn mới mẻ với nghề báo, còn anh là người đã có kinh nghiệm trước đó.
Khi ra hiện trường với anh, tôi đã học thêm được nhiều điều, từ cách tiếp cận vấn đề đến khai thác thông tin. Còn khi về viết bài, dù là phản biện hay góp ý, anh cũng chỉ “thỏ thẻ” mà chưa bao giờ lớn tiếng một câu, dù tôi thua anh đến 4-5 tuổi.
Anh Dư là một trong những người ở lại nhóm giao thông với tôi lâu nhất trước khi Anh chia tay VTV24.
Ngày anh dừng công việc, cũng chẳng có gì hoa mỹ, chúc tụng nhiều ngoài một câu chào nhỏ nhẹ, nụ cười hiền lành và cái bắt tay chân thành như con người của anh vậy.
Phóng viên Phan Hải Tùng Lâm (Cơ quan thường trú TTXVN tại Bắc Giang)
Trời hửng nắng làm tôi nhớ tới một ngày Hà Nội mưa sụt sùi, ngày mà lần đầu tiên tôi và anh gặp nhau. Đó là một căn phòng rất đông người, nơi mà một lớp phóng viên “mới toe” được chào đón ở Thông tấn xã Việt Nam.
Với tôi, anh là người nổi bật nhất trong ngày hôm đó, với dáng người thấp nhỏ, một bộ quần áo giản dị, sự trầm ngâm, lặng lẽ... giữa một nơi ồn ào với một rừng trang phục lịch sự, bóng bẩy. Đó là những ấn tượng đầu tiên của tôi về anh – Đinh Hữu Dư.
Chúng tôi được phân vào cùng nhóm trong suốt hơn một tháng trời, ngày nào cũng gặp nhau, trò chuyện và bàn bạc. Tôi không thích nói chuyện công việc, còn anh thì không thích nói chuyện đời tư. Tưởng như chẳng thể hợp nhau nhưng thực ra lại rất hợp, bởi một đứa thì thích nói còn một đứa lại thích nghe. Anh nghe tất cả về tôi mà không một lời bình luận, chỉ có những nụ cười. Rồi ngày cuối cùng, trước khi chúng tôi nhận nhiệm vụ mới, lên đường đến những nơi xa xôi, anh bảo tôi: “Tao quý mày, rất quý mày Lâm ạ.”
Chàng phóng viên trẻ với nụ cười hiền lành. |
Anh Dư yêu Hà Nội. Từ ngày đi xa, thỉnh thoảng, anh lại đăng một tấm ảnh tháp rùa hoặc phố cổ lên Facebook với một vài dòng tâm sự “nhớ Thủ đô.” Có dịp về quê, anh thường nán lại Hà Nội một vài giờ đồng hồ, đi bộ quanh Hồ Gươm và tìm cách để gặp gỡ chúng tôi. Chúng tôi hay ngồi ở những quán càphê nhỏ, hàn huyên đủ thứ chuyện, từ chuyện đời đến chuyện nghề.
Anh Dư là một nhà báo chuyên viết cho cái đẹp. Anh thường kể với tôi về những chuyến đi của anh, vào những nơi sâu nhất, xa nhất, những vùng khó khăn nhất. Có lần vào Trạm Tấu – xã khó khăn và khó đi bậc nhất nhất của tỉnh Yên Bái vào mùa mưa, anh và đồng nghiệp bị hỏng mất một chiếc ống kính máy ảnh do va đập trong lúc tác nghiệp. Kể với tôi, anh chỉ cười, cười rất tươi, vì anh cho là “đáng.”
Anh viết về những sự kiện văn hóa, những phong tục tập quán là nét đẹp của người địa phương, những tấm gương người tốt làm đẹp cho cuộc sống. Trong các đề tài, anh thường ưu tiên cho trẻ em, nhất là lũ trẻ vùng cao. Anh mong cây bút của mình có thể đem lại thêm quần áo ấm, thêm sách vở và thêm những ngôi trường cho lũ trẻ.
Đầu năm 2017, anh là một trong những người đứng lên phát động một phong trào quyên góp sách cũ tặng trẻ em vùng cao của những huyện khó khăn như Mù Cang Chải và Trạm Tấu. Tôi tin chắc, phong trào ấy sẽ hoàn thành, những cuốn sách ấy sẽ tới tận tay lũ trẻ, bằng cách này hay cách khác.
Trưa ngày 11/10, trong lúc đang đưa tin về tình hình mưa lũ tại thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái, phóng viên Đinh Hữu Dư của Thông tấn xã Việt Nam đã bất ngờ bị lũ cuốn trôi. Suốt hơn hai ngày, công cuộc tìm kiếm không hề dừng lại. Đồng nghiệp, bạn bè, người thân của Dư vẫn mỏi mòn trông về Yên Bái với hy vọng không hề nguội tắt.
Phóng viên Đinh Hữu Dư (thứ hai bên phải) tác nghiệp tại Mù Cang Chải (Ảnh: Nội san TTXVN). |
Những hy vọng không mòn
Khi chúng tôi đặt bút viết những dòng này thì cuộc tìm kiếm Dư đã đi tới hồi kết. Phép màu mà tất cả chúng tôi mong chờ cuối cùng đã không thể xảy ra. Chàng phóng viên trẻ tuổi quê Ninh Bình đã vĩnh viễn nằm lại với đất trời Yên Bái.
Tất cả những người biết Dư đều chết lặng khi nghe tin buồn từ vùng lũ. Trong suốt hơn hai ngày qua, niềm hy vọng là thứ duy nhất không bị mài mòn đi. Từ người thân, bè bạn rồi đồng nghiệp... tất cả đều tin rằng Dư chỉ bị lạc đi trong những bản làng, và rằng rồi em sẽ trở về, để ngồi lại cùng nhau sẻ chia về cơn hoạn nạn hôm nào...
Mang theo niềm tin ấy, hàng chục con người đã vượt lũ vào Nghĩa Lộ, đi tìm dọc từng mét suốt lòng sông Thia đục ngầu bùn đất. Hàng trăm hàng ngàn người khác nóng lòng dõi theo, cầu nguyện an yên cho em từ xa.
Những người bạn thân nhất đã từ chối chia sẻ về cậu phóng viên đang gặp nạn cũng bởi niềm hy vọng ấy. Với họ, Dư, vẫn như mọi lần, đang mải mốt với một chuyến đi đã lên kế hoạch trước và sẽ trở về nay mai...
“Cái thằng vừa hiền, vừa khổ sẽ sớm về thôi. Nó đi thế này, bọn em vừa thương vừa tức mà không biết phải làm sao nữa,” một cô bạn thân từ thời Đại học của Dư nức nở.
Phan Hải Tùng Lâm, một đồng nghiệp cùng vào Thông tấn xã Việt Nam cùng ngày với Hữu Dư cũng đau đáu vì lời hẹn chưa thực hiện được: “Anh ấy còn hẹn cuối tuần này sẽ về, rồi uống với nhau một chén rượu. Tôi vẫn đợi lời hứa ấy thành hiện thực.”
Tới tận phút cuối cùng, không một ai dừng tin tưởng như thế đấy, Dư ạ! Không ai dám nghĩ, chuyến đi cầu Thia lại là chuyến hành trình cuối cùng của em trong cõi đời hiện tại.
Giờ phút này, trên Facebook đã ngập tràn hình ảnh của chàng phóng viên trẻ Đinh Hữu Dư cùng những lời chia sẻ đầy xúc động.
Một người em, một người đồng nghiệp đau đến xé lòng viết: “Anh à, biết nói gì đây, hẹn em tối mai mà lại về sớm thế? Rượu phải chăng để em uống một mình? Anh à, kỳ lạ nhỉ, người làm dở dang đề tài ‘Những cây cầu dang dở’ lại chấp nhận dang dở cuộc đời ở một cây cầu phương xa dở dang như thế? Thôi thì đến cuối, món nợ nhỏ, món nợ to với đời anh cũng trả sạch sành sanh!”
Nhà báo Bùi Đời thì xót xa:
“Này Dư ơi, vội về đi với chứ!
Bạn bè em đón đợi phía chân cầu
Gia đình em vọng ngóng ngút niềm đau
Đừng đi nữa, phía xa...cuồn cuộn xoáy
A xin em, xin em ngàn lần đấy!
Về đi em, viết nốt bản tin chiều
Về đi em, bạn gái nói lời yêu
Bao đồng nghiệp, chén rượu chiều ngóng đợi
Ông trời hỡi, đọa đày chi hạ giới
Tội tình chi bão kép, lũ chồng
Đồng nghiệp con, bút sáng lòng trong
Sao ông nỡ...chớp mắt...thành đau xót.”
Nhìn những bức ảnh của chàng trai trẻ măng luôn thường trực nụ cười lành lẽ trên môi, tôi lại chạnh lòng. Tuổi trẻ, đam mê và hoài bão vừa mới chớm trong em thì đã đột ngột dừng lại. Nhưng Dư ạ, những người ở lại sẽ viết tiếp hành trình của em, sẽ tìm cách nối dài con đường em tạm dừng chân.
Cuộc hành trình của Dư sẽ không bao giờ kết thúc…
Viết tiếp hành trình Đinh Hữu Dư
“Về Dư nhé, muôn triệu lòng lửa đốt
Về để còn viết nốt những giấc mơ…”
Trong suốt cuộc đời làm báo ngắn ngủi, Đinh Hữu Dư luôn đau đáu với cái đói, cái nghèo trên mảnh đất Yên Bái nơi em làm việc.
Nhớ về người đồng nghiệp, phóng viên Phan Hải Tùng Lâm chia sẻ: “Trong các đề tài, anh thường ưu tiên cho trẻ em, nhất là lũ trẻ vùng cao. Anh mong cây bút của mình có thể đem lại thêm quần áo ấm, thêm sách vở và thêm những ngôi trường cho lũ trẻ.”
Chính vì đau đáu thế, nên đầu năm 2017, Đinh Hữu Dư là một trong những người đứng lên phát động một phong trào quyên góp sách cũ tặng trẻ em vùng cao của những huyện khó khăn như Mù Cang Chải và Trạm Tấu. Theo nhà báo Thu Trang (Báo Tin tức-Thông tấn xã Việt Nam), Dư còn có ý định thành lập thư viện sách cho trẻ em vùng cao Yên Bái nên “mỗi lần về Hà Nội lại khệ nệ vác đi một đống sách, cứ một mình, một mình làm mọi thứ.”
Dự định của Dư chưa kịp thành hiện thực thì người phóng viên tử tế ấy đã vĩnh viễn nằm lại với trời mây Yên Bái. Bạn bè, đồng nghiệp chỉ còn kịp bàng hoàng nhắc lại giấc mơ của anh trong chua xót.
Thế nhưng một điều chắc chắn là hành trình của Dư sẽ không dừng lại ở cầu Thia Nghĩa Lộ. Hành trình của em sẽ được chính những người ở lại nối tiếp. Như Tùng Lâm khẳng định: “Tôi tin chắc, phong trào ấy sẽ hoàn thành, những cuốn sách ấy sẽ tới tận tay lũ trẻ, bằng cách này hay cách khác…”
Đinh Hữu Dư nằm lại khi đang thực hiện nhiệm vụ của mình trên mặt trận thông tin. Em vĩnh viễn nằm xuống để dòng tin được chảy mãi…
Viết đến đây, tôi nhớ đến một bút danh mà Dư hay dùng, đồng thời cũng là tên hiệu em dùng trên Facebook: Giang Phong – cái bút danh như ám vận vào số phận vốn gắn bó với sông núi của người phóng viên bạc mệnh đất Hoa Lư. Tôi lại chợt nghĩ: Giờ phút này, chàng trai trẻ phóng khoáng từng mang khát vọng bay bổng với núi và sông của Tổ quốc ấy đã thanh thản hoá thành một cánh chim tung cánh giữa trời mây Yên Bái.
Và, tôi có một niềm tin đến ngây ngô rằng: Cánh chim Giang Phong của Dư sẽ không bao giờ mỏi, và tiếp tục dõi theo mảnh đất anh từng gắn bó và yêu thương.
Đã đến lúc em tự do bay với giấc mơ riêng của mình rồi, Dư ạ. Việc em chưa làm, những người ở lại sẽ chung tay để nối tiếp hành trình mang tên Đinh Hữu Dư…
Theo Vietnam+
TIN LIÊN QUAN |
---|