Kinh tế

Đỉnh núi nứt gãy, sạt trượt, hàng chục hộ dân vùng cao Nghệ An đối mặt nguy hiểm

Hoài Thu - Nguyễn Nam 25/07/2025 21:46

Liên tục có mưa to, khu vực vùng cao, biên giới tỉnh Nghệ An đã xảy ra các sự cố sụt trượt, sạt lở núi, ảnh hưởng đến an toàn tính mạng và gây thiệt hại tài sản cho người dân. Đặc biệt, trong 2 ngày gần đây, tại các xã biên giới Tiền Phong, Mỹ Lý, Mường Xén, hàng chục hộ dân sống trong bất an khi đỉnh núi ngay gần nhà có dấu hiệu nứt gãy, dẫn đến nguy cơ sạt lở bất cứ lúc nào.

Đối diện nguy cơ nhà bị vùi lấp

Sau trận mưa lớn ngày 23/7, sườn núi Pù Cáy Cúm, nằm ngay trên cụm dân Hủa Mương thuộc bản Long Thắng, xã biên giới Tiền Phong tiếp tục sụt trượt và chưa có dấu hiệu dừng lại. Đặc biệt, từ chiều tối 24/7, nhiều người dân không khỏi lo lắng khi phát hiện thêm vết đứt gãy vắt ngang sườn núi ngày càng dài và rộng hơn.

Đất ngày càng sụt trượt, nhất là khi trời mưa to. Ảnh: Nguyễn Na
Đất ngày càng sụt trượt, nhất là khi trời mưa to. Ảnh: Nguyễn Nam

Anh Ngân Văn Dũng, bản Long Thắng, xã Tiền Phong lo lắng nói: Rất lo sợ, mưa xuống không biết núi lở lúc nào”.

Ông Hà Văn Dựng, Trưởng bản Long Thắng khẳng định: Ban quản lý bản luôn cắt cử người ứng trực. Nếu mưa to thì tập trung lực lượng lên nhà văn hóa cộng đồng để giúp dân di dời. Đêm đến, ở đây phải thắp điện ra ngoài để kiểm tra liên tục”.

Vệt đứt gãy ngày càng lớn. Ảnh: Nguyễn N
Vệt đứt gãy ngày càng lớn. Ảnh: Nguyễn Nam

Người dân ở đây còn cho biết, chỉ trong vòng 1 ngày đêm, khu vực sạt lở đất tại chân núi Pù Cáy Cúm đã lên đến hàng ngàn mét khối đất. Hơn nữa, miệng vết đứt gãy nằm ngay phía trên khu vực sạt lở ngày càng mở rộng. Trong trường hợp trời mưa, toàn bộ sườn núi có nguy cơ đổ sập.

Ông Nguyễn Kim Hiệp, chuyên viên Phòng Kinh tế, UBND xã Tiền Phong cho biết: Dự kiến ở đây có hơn 10.000m3 đất có thể đổ sập xuống nhà dân phía dưới chân núi. Còn phía sau lưng nếu sạt tiếp thì khối lượng không thể ước tính được, vì quá lớn”.

Cụm Hủa Mương, bản Long Thắng, xã Tiền Phong nằm ngay dưới điểm sạt lở đất. Ảnh: Nguyễn Nam
Cụm Hủa Mương, bản Long Thắng, xã Tiền Phong nằm ngay dưới điểm sạt lở đất. Ảnh: Nguyễn Nam

Mặc dù nhà cửa được xây dựng kiên cố, trước nguy cơ bị vùi lấp khi sườn núi Pù Cáy Cúm tiếp tục sạt lở, trước mắt, gần 10 căn nhà của người dân ở gần điểm sạt lở đã được xã đưa vào phương án di dời khẩn cấp.

Bà Vi Thị Duyến - Phó Chủ tịch UBND xã Tiền Phong khẳng định: "Nếu có mưa to, chúng tôi sẽ chỉ đạo thôn, bản di dời dân đến địa điểm an toàn ngay lập tức".

Núi xuất hiện vết nứt, người dân sơ tán trong đêm

Tại bản Xằng Trên của xã Mỹ Lý, hôm qua 24/7, gần 20 hộ dân đã phải sơ tán trong đêm. Nguyên nhân do đỉnh núi gần khu vực nhà ở của người dân bản Xằng Trên xuất hiện vết nứt dài khoảng 100m, miệng vết nứt có nơi rộng hơn 20cm.

Vết nứt được người dân phát hiện và báo với chính quyền địa phương, lập tức lực lượng Công an xã và Đồn Biên phòng Mỹ Lý đã đến kiểm tra và yêu cầu bà con di dời đến nơi an toàn.

“Ngay trong đêm, chúng tôi đã hỗ trợ người dân di dời đến ở tạm tại Nhà văn hóa của bản và Trạm kiểm soát Biên phòng Xằng Trên” - Thiếu tá Phan Đức Tâm – Chính trị viên Đồn Biên phòng Mỹ Lý cho biết.

Ảnh màn hình 2025-07-25 lúc 20.21.27
Lực lượng chức năng xã Mỹ Lý khảo sát vết nứt ở bản Xằng Trên. Ảnh: CSCC

Đến sáng 25/7, cùng với động viên, hỗ trợ người dân, lực lượng của xã Mỹ Lý tiếp tục lên đỉnh núi khảo sát, đánh giá hiện trạng vết nứt, cho thấy vết nứt nằm ngang đỉnh núi, và độ dốc của núi không lớn nên trước mắt không gây nguy cơ sạt lở lớn. Vì vậy, chính quyền đã cho người dân trở về nhà tiếp tục dọn dẹp, sửa sang lại nhà cửa sau trận lũ lụt.

Bản Xằng Trên có 170 hộ, hơn 700 nhân khẩu và đợt lũ đêm 22/7 đã làm 36 hộ bị trôi nhà. Hiện cuộc sống bà con bản Xằng Trên cũng như các bản khác của Mỹ Lý đang hết sức khó khăn, thiếu thốn.

Ảnh màn hình 2025-07-25 lúc 20.21.38
Các hộ dân được sơ tán đến nơi an toàn trong đêm. Ảnh: CSCC

Cũng trong ngày 25/7, tại bản Hòa Sơn, xã Mường Xén, người dân sống tại đây cũng phản ánh về tình trạng dãy núi ngay sát khu vực nhà ở của bản xuất hiện vết nứt ngang, chạy khá dài theo sườn núi. “Đứng từ khu vực nhà ở của tôi cũng như các hộ tại bản Hòa Sơn có thể thấy rõ nguy cơ vết nứt và đất đá bắt đầu có dấu hiệu sập. Nguy cơ cả ngọn núi đổ sập rất cao, nhất là khi trời mưa chúng tôi càng thấy bất an. Vì vậy gia đình tôi đã sẵn sàng phương án để di chuyển đi ở nhờ nơi khác, tránh sạt lở núi” – anh Lô Khánh Khang, bản Hòa Sơn cho biết.

Ảnh màn hình 2025-07-25 lúc 21.02.20
Xuất hiện vết sạt lở núi tại bản Hòa Sơn, xã Mường Xén. Ảnh: CSCC

Theo chính quyền xã Mường Xén, sau khi có thông tin người dân báo về nguy cơ nứt gãy, lở núi, các lực lượng chức năng đã cử người khảo sát. Nếu nguy cơ cao xảy ra sạt lở do vết nứt trên đỉnh núi, chính quyền sẽ cho sơ tán người dân trong vùng nguy cơ.

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn, thời điểm này khu vực miền núi tỉnh Nghệ An thường xảy ra thời tiết cực đoan với những đợt mưa lớn. Để đảm bảo an toàn cho người dân, cần sớm rà soát, triển khai các biện pháp khẩn cấp...

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Đỉnh núi nứt gãy, sạt trượt, hàng chục hộ dân vùng cao Nghệ An đối mặt nguy hiểm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO