Hàng loạt nguy cơ sức khoẻ trong mùa nắng nóng
(Baonghean.vn) - Vào mùa Hè, thời tiết nắng nóng sẽ gây nên nhiều vấn đề nguy hiểm cho sức khỏe người dân, cũng như làm bùng phát nhiều loại dịch bệnh…
Phóng viên Báo Nghệ An có cuộc trao đổi cùng Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Đức Phúc - Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An xung quanh vấn đề này.
P.V:Vào mùa Hè, thời tiết Nghệ An thường nắng nóng kéo dài, nhiệt độ có nơi lên đến trên 40 độ C. Mùa Hè năm 2024, với ảnh hưởng của Elnino, dự báo hiện tượng nắng nóng đặc biệt gay gắt có thể xảy ra. Xin ông cho biết những vấn đề nguy hiểm về sức khỏe do nắng nóng gây nên?
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Đức Phúc: Vào mùa Hè, thời tiết nắng nóng sẽ làm cho thân nhiệt tăng đột ngột, cơ thể không kịp thích nghi nên có thể dẫn đến phù do nhiệt, phát ban, chuột rút, ngất xỉu, kiệt sức, thậm chí sốc nhiệt dẫn đến đột quỵ.
Khi nhiệt độ môi trường tăng cao, các mạch máu giãn ra để thải nhiệt và gây phù. Biểu hiện của bệnh phù do nhiệt là phù ở phần thấp cơ thể như mắt cá, bàn chân. Triệu chứng này biến mất khi cơ thể thích nghi trong thời gian vài giờ hay một vài ngày. Nếu triệu chứng không tự mất đi, bệnh nhân nên kê cao chân khi ngủ để mạch máu lưu thông bình thường. Ở mức độ nhẹ không cần dùng thuốc.
Khi nắng nóng, những vùng da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời hay nhiệt độ cao bên ngoài dễ bị kích thích làm xuất hiện mẩn ngứa, mề đay. Sau một thời gian bệnh sẽ tự phục hồi, không cần điều trị đặc hiệu. Nếu xuất hiện tình trạng ngứa nhiều, mọi người có thể dùng các loại thuốc kháng dị ứng thông thường, hạn chế tiếp xúc với ánh nắng, sau đó, cơ thể tự điều chỉnh và các triệu chứng sẽ biến mất.
Với bệnh chuột rút, bệnh thường xuất hiện ở người lao động nặng hay vận động viên phải tập luyện với cường độ cao. Biểu hiện của bệnh là cảm giác đau ở các bắp thịt, đặc biệt ở bắp đùi, cẳng chân. Khi bị chuột rút, mọi người có thể sử dụng các loại thuốc giảm đau thông thường, nghỉ ngơi, di chuyển đến nơi thoáng mát, bù nước có muối khoáng. Sau khi nghỉ ngơi, bù nước, các triệu chứng sẽ tự giới hạn và biến mất.
Vào mùa Hè, tình trạng ngất xỉu có thể xảy ra và thường gặp ở những người phải ra ngoài nắng nhiều khiến cơ thể mất muối, nước, làm giảm huyết áp, giảm lưu lượng máu lên não. Sơ cứu người bị ngất xỉu rất quan trọng. Để sơ cứu, cần cho người bệnh nằm đầu thấp xuống, di chuyển đến vùng không khí thoáng mát, nới rộng áo, quần, bù nước có muối khoáng. Theo dõi khoảng 30 phút, nếu tình trạng nạn nhân ổn định thì không cần đến bệnh viện.
Khi tình trạng mất muối và nước kéo dài hơn so với các tình huống trên sẽ dẫn đến kiệt sức. Khi đó, bệnh nhân không chỉ ngất xỉu mà còn kèm theo các triệu chứng thần kinh như đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, nôn... Nếu được sơ cứu kịp thời thì cơ thể phục hồi hoàn toàn. Sơ cứu người bị kiệt sức do nhiệt cũng giống như khi ngất xỉu nhưng cần phải theo dõi kỹ hơn. Có thể dùng khăn lạnh chườm vào những vùng có nhiều mạch máu như trán, lưng, nách, bẹn... Uống càng nhiều nước càng tốt. Trong vòng từ 30 phút đến 1 giờ, triệu chứng không được cải thiện thì nên đưa bệnh nhân đến bệnh viện.
Với bệnh sốc nhiệt thì đây là bệnh có tỷ lệ tử vong tương đương với đột quỵ do tim hay đột quỵ do não. Sốc nhiệt xảy ra khi bị mất muối và nước kéo dài đi kèm sự quá tải khả năng hoạt động của trung tâm điều nhiệt. Tăng thân nhiệt kéo dài làm tổn thương hệ tim mạch, hô hấp, gan, thận, đặc biệt là hệ thần kinh. Sốc nhiệt có thể hay gặp ở người già, cơ thể suy nhược, trẻ em, người có bệnh tim mạch, bệnh thần kinh hay các rối loạn nội tiết. Dấu hiệu nhận biết là nhiệt độ cơ thể nạn nhân có thể lên đến trên 40 độ C, kèm các triệu chứng thần kinh như đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, lơ mơ, rối loạn tri giác, co giật, thậm chí hôn mê…
Khi có triệu chứng sốc nhiệt, cần sơ cứu tạm thời cho nạn nhân bằng cách đặt nạn nhân nằm đầu thấp xuống, di chuyển ra khỏi vùng có nhiệt độ cao, làm giảm nhiệt bằng cách dùng quạt hay ngâm người trong nước mát vài phút, dùng gạc hoặc khăn thấm nước lạnh hay nước đá đặt ở các vị trí có nhiều mạch máu như trán, lưng, nách, bẹn... để giúp cơ thể thải nhiệt nhanh hơn. Đồng thời, gọi cấp cứu 115 để chuyển nạn nhân đến bệnh viện ngay.
P.V: Theo các thống kê y tế, vào mùa Hè, nắng nóng kéo dài, có nhiều người cao tuổi bị đột quỵ não. Ông có thể nói rõ hơn về tình trạng này?
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Đức Phúc: Trước hết, chúng ta cần hiểu về đột quỵ não: Đột quỵ não còn gọi là tai biến mạch máu não. Bệnh xảy ra khi mạch máu bị vỡ, máu thoát khỏi thành mạch chảy vào nhu mô não, khoang dưới nhện và não thất...; khi một nhánh mạch máu não bị tắc nghẽn, tại nhánh đó bị thiếu máu và gây hoại tử.
Có nhiều yếu tố gây đột quỵ não, trong đó, nắng nóng là một trong các yếu tố có thể gặp gây đột quỵ não ở người cao tuổi (mức dao động nhiệt càng lớn, nguy cơ đột quỵ càng tăng. Nếu biểu đồ dao động nhiệt độ tăng thêm 5 độ C, thì tỷ lệ đột quỵ sẽ tăng lên đến 6%). Đặc biệt, nguy cơ với người có tuổi mang trong mình bệnh về tim (suy tim, tiền sử nhồi máu cơ tim...), bệnh về mạch máu như tăng huyết áp, xơ vữa động mạch hoặc do mỡ máu cao thường xuyên, đái tháo đường...
Vào những ngày nắng nóng, cơ thể phải thải nhiệt bằng cách ra mồ hôi, thở nhanh, đi tiểu, giãn mạch ngoài da, tăng hoạt động của tim để đẩy máu ra bề mặt cơ thể nhằm thoát nhiệt... Với cơ thể người cao tuổi thì việc điều hòa thân nhiệt kém hơn do mọi chức năng đã bị suy giảm. Vậy nên, nhiệt độ cơ thể tăng cao gây rối loạn chức năng điều phối hoạt động sống của hệ thần kinh trung ương, làm rối loạn hô hấp và tuần hoàn, suy giảm lượng máu nuôi não và sẽ dẫn đến đột quỵ.
Trời càng nắng nóng, càng dễ gây ra đột quỵ ở người cao tuổi, nhiệt độ càng cao thì mức độ đột quỵ càng nặng. Khi nhiệt độ ngoài trời từ 39 – 40 độ C trở lên, rất dễ gây đột quỵ não ở người cao tuổi. Vì vậy, hãy coi những ngày nắng trên 39 – 40 độ C là ngưỡng nhiệt độ nguy hiểm để có biện pháp bảo vệ cho người cao tuổi, phòng tránh đột quỵ.
Các triệu chứng thường xuất hiện đột ngột, thậm chí không nặng nhưng có thể ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Triệu chứng thường gặp là xuất hiện liệt vận động hoặc rối loạn cảm giác ở một bên của cơ thể. Có thể là liệt chi trên hoặc chi dưới hay chỉ là tê bì các chi.
Hoặc thấy một bên miệng bị trễ xuống, nhân trung lệch, đồng thời nói khó hoặc khó khăn khi tìm từ phù hợp, hoặc không hiểu lời người khác nói; mắt nhìn mờ, giảm thị lực hoặc mù hoàn toàn một bên mắt; có thể đột ngột đau đầu dữ dội, đặc biệt, kèm theo buồn nôn, nôn hay chóng mặt; loạng choạng và mất phối hợp động tác.
Các triệu chứng này có thể biến mất hoàn toàn sau một vài giây hoặc một vài phút, trường hợp này được gọi là “tai biến mạch máu não thoảng qua”. Tuy vậy, người bệnh cần phải thăm khám ngay với bác sĩ chuyên khoa ngay cả khi không còn triệu chứng, vì đây là dấu hiệu báo trước cơn tai biến sẽ xảy ra.
Khi có nạn nhân bị đột quỵ não, cần phải ngay lập tức gọi xe cấp cứu. Trong thời gian chờ hỗ trợ, xe cấp cứu, cần đặt bệnh nhân sang tư thế nằm nghiêng nhằm bảo vệ đường thở của bệnh nhân. Bởi vì, nếu bệnh nhân nôn trong khi đang nằm ngửa và ý thức không hoàn toàn tỉnh táo sẽ dễ dàng hít phải các chất nôn vào phổi, gây tắc đường thở hoặc suy hô hấp, rất nguy hiểm. Nếu người bệnh hôn mê, khi nằm ngửa, lưỡi sẽ bị tụt xuống họng, gây cản trở, bít tắc đường thở.
P.V:Thời tiết mùa Hè với khí hậu nóng ẩm kéo dài, tạo điều kiện cho nhiều loại vi-rút, vi khuẩn, ký sinh trùng phát triển khiến nhiều dịch bệnh gia tăng, bùng phát, khó kiểm soát ở cả người lớn và trẻ em. Có những loại dịch bệnh mùa Hè phổ biến nào và cơ chế lây lan dịch bệnh ra sao?
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Đức Phúc: Vào mùa Hè, nhiệt độ tăng cao, thời tiết nắng nóng, khí hậu nóng ẩm mưa nhiều ký sinh trùng, vi-rút và vi khuẩn gây bệnh có cơ hội phát triển mạnh mẽ làm cho mọi người rất dễ bị bệnh làm suy giảm sức đề kháng… Bên cạnh đó, tập quán sinh hoạt của người dân, vùng, miền cũng khiến dịch bệnh mùa Hè có nguy cơ bùng phát cao.
Có rất nhiều loại dịch bệnh mùa Hè, có thể kể đến như: Bệnh cảm cúm, bệnh sốt xuất huyết, bệnh thủy đậu, bệnh do vi-rút Zika, bệnh tay chân miệng, bệnh tiêu chảy. Với bệnh cảm cúm - căn bệnh không nguy hiểm nhưng có thể gây biến chứng viêm đường hô hấp trên hoặc mắc các bệnh mãn tính ở trẻ nhỏ, người cao tuổi. Đối với những phụ nữ mang thai nếu nhiễm cúm trong 3 tháng đầu của thai kỳ dễ dẫn tới dị tật cho thai nhi.
Với bệnh thủy đậu - bệnh truyền nhiễm do vi-rút Varicella Zoster gây ra và rất dễ lây lan, có thể lây qua đường hô hấp. Người lành dễ bị nhiễm bệnh nếu hít phải những giọt nước bọt bắn ra khi bệnh nhân thủy đậu ho, hắt hơi hoặc nhảy mũi... nhất là trẻ em. Ngoài ra, bệnh có thể lây từ bóng nước khi bị vỡ ra, lây từ vùng da bị tổn thương hoặc lở loét từ người mắc bệnh.
Bệnh do vi-rút Zika là bệnh truyền nhiễm cấp tính, chủ yếu do muỗi vằn Aedes, có thể gây thành dịch. Bệnh lây truyền từ người sang người qua đường tình dục, đường máu, lây từ mẹ sang con. Hiện nay, bệnh này chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc-xin phòng bệnh.
Vào mùa Hè, dịch bệnh tay chân miệng không chỉ bùng phát ở trẻ nhỏ, mà đã xuất hiện ở người lớn, tác nhân gây bệnh vẫn là do vi-rút. Bệnh lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với người bị nhiễm bệnh (tiết dịch mũi hoặc dịch họng, nước bọt, chất lỏng từ mụn nước, ho hoặc hắt hơi). Bệnh không có cách điều trị bệnh và vắc-xin phòng ngừa.
Mùa Hè cũng là thời điểm gia tăng bệnh tiêu chảy. Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh, trong đó có nguyên nhân do vi-rút, vi khuẩn, nguy hiểm nhất là tiêu chảy do phẩy khuẩn tả (còn gọi là bệnh tả). Bệnh lây theo đường tiêu hóa qua thức ăn, nước uống bị nhiễm khuẩn, bệnh có liên quan chặt chẽ với điều kiện môi trường, nước, an toàn thực phẩm và thói quen vệ sinh của người dân.
P.V:Để chủ động phòng bệnh trong mùa Hè nắng nóng, người dân cần lưu ý gì?
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Đức Phúc: Trong mùa Hè nắng nóng mọi người cần hạn chế đi ra ngoài đường, ngoài trời nóng khi không thật cần thiết. Nếu bắt buộc phải đi ra đường, ngoài trời nóng thì phải đội mũ, mặc quần áo, đeo kính, khẩu trang... chống nóng.
Tích cực uống nhiều nước, đặc biệt là những người lao động ngoài trời, mất nước nhiều nên uống bổ sung nước chanh hoặc nước pha muối loãng, nước pha Oresol..., tuy nhiên, không nên uống nhiều nước đá hoặc nước quá lạnh dễ gây viêm họng. Không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp; không để gió quạt thổi trực tiếp gần vào người.
Thực hiện ăn chín, uống chín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tăng cường dinh dưỡng, ăn thêm hoa quả để đảm bảo đủ vitamin, tăng cường sức đề kháng của cơ thể. Tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh. Vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.
Thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn, ghế, sàn nhà, đồ chơi trẻ em, dụng cụ học tập... bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Vệ sinh môi trường thật tốt; tích cực diệt loăng quăng, bọ gậy, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh…
P.V:Xin cảm ơn ông!