Dở khóc dở cười với mua trả góp lãi suất 0%
Mua hàng trả góp qua thẻ tín dụng lãi suất 0% đang rộ lên thời gian gần đây do thủ tục đơn giản, lại không cần phải có tiền mặt ngay. Tuy nhiên, nhiều chủ thẻ đã lâm vào cảnh dở khóc dở cười do không nắm rõ quy trình thanh toán.
Nhiều chuyên gia khuyến cáo người mua hàng trả góp lãi suất 0% qua thẻ phải tìm hiểu kỹ quy trình trước khi thực hiện giao dịch |
Các nhà bán lẻ ghi nhận kể từ khi triển khai chương trình lãi suất 0%, giá trị trung bình các đơn hàng tăng đáng kể do khách có tâm lý chi tiêu mạnh tay hơn so với trả bằng tiền mặt. Tuy nhiên, do thủ tục đơn giản, chỉ cần có thẻ tín dụng nên nhiều chủ thẻ mua trả góp đã vô tình bỏ qua các bước cần thiết.
Mua trả góp thành trả liền
Anh Ngô Minh Nghĩa (Q.11, TP.HCM) cho biết do bị hấp dẫn bởi các chương trình mua hàng cho vay lãi suất 0% nên anh quyết định đổi điện thoại. Tháng 1-2018, anh vào một trang thương mại điện tử mua chiếc iPhone X 256GB với giá 27 triệu đồng theo hình thức trả góp trong vòng 12 tháng qua thẻ tín dụng, mỗi tháng anh chỉ phải trả 2,3 triệu đồng.
Tuy nhiên, đến tháng 7, anh Nghĩa phát hiện tài khoản thẻ tín dụng của mình bị phạt tiền lãi lên đến 3,2 triệu đồng. Liên hệ với ngân hàng, anh Nghĩa mới tá hỏa khi được thông báo khoản 27 triệu đồng trả bằng thẻ tín dụng mua điện thoại được mặc định là khoản thanh toán một lần, chứ không phải theo phương thức trả góp.
"Do không biết nên hàng tháng tôi vẫn trả tiền theo hướng dẫn của khoản vay lãi suất 0%, thành ra mỗi tháng tôi bị phạt tiền lãi chậm hơn 600.000 đồng. Đến thời điểm phát hiện, số tiền lãi trả chậm đã lên hơn 3 triệu đồng" - anh Nghĩa nói, đồng thời cho biết đã liên hệ với nhà bán hàng nhưng bị từ chối giải quyết với lý do khách hàng không nắm rõ quy trình thanh toán.
Tương tự, chị Thùy Dung (ngụ Q.7) cho biết cách đây vài tháng có chọn mua một gói thể dục tại một trung tâm giá 9 triệu đồng/năm theo hình thức trả góp, lãi suất 0%. Nhân viên kinh doanh của công ty đến tận nơi làm việc, cầm theo máy POS để chị Dung quẹt và tư vấn thủ tục chuyển đổi sang hình thức trả góp, đồng thời khẳng định một tuần sau ngân hàng sẽ thông báo thủ tục hoàn tất.
Tuy nhiên, sau gần 2 tháng vẫn không nhận được thông báo, chị Dung gọi lên ngân hàng mới biết phải tự liên hệ với ngân hàng để đăng ký trả góp. "Người bán chỉ mong dụ được khách hàng, trong khi không phải ai cũng có đủ kiến thức tài chính hiểu rõ" - chị Dung nói.
Phải nắm thủ tục chuyển đổi
Theo chuyên gia thương mại điện tử Nguyễn Thành Long, nếu mua trực tuyến khách phải tự chọn "thanh toán trả góp" trên website của nhà cung cấp dịch vụ, hàng hóa khi thực hiện bước thanh toán cuối cùng. Sau đó, các đơn vị cung cấp dịch vụ sẽ chuyển yêu cầu về ngân hàng. Bộ phận chăm sóc khách hàng sẽ liên hệ với khách hàng để xác nhận về yêu cầu và các khoản trả góp hàng tháng mà khách hàng cần thanh toán.
Tại một số sàn thương mại điện tử khác, để sử dụng gói mua hàng trả góp lãi suất 0% với các ngân hàng có liên kết với chủ sàn, khách hàng chỉ nhấn nút "Đã nhận được hàng" trên sàn sau khi nhận hàng, kiểm tra sản phẩm. Khi đó, đơn hàng của khách sẽ được tự động gửi đến ngân hàng để chuyển đổi trả góp. Một số ngân hàng sẽ yêu cầu khách cần điền online form để hoàn tất hồ sơ đăng ký trả góp. Khách không được trả hàng sau khi giao dịch đã chuyển đổi trả góp thành công.
Do thủ tục đơn giản, chỉ cần có thẻ tín dụng nên nhiều chủ thẻ mua trả góp đã vô tình bỏ qua các bước cần thiết. |
Đại diện một ngân hàng cho biết mỗi doanh nghiệp đều đặt ra những điều kiện và thủ tục khác nhau cho khách hàng tham gia chương trình mua hàng trả góp. Nhưng với mua sắm trực tuyến, khách phải lựa chọn "Phương thức thanh toán trả góp" khi muốn sử dụng gói trả góp lãi suất 0%.
"Tùy ngân hàng nhưng thường sau 5 ngày làm việc kể từ ngày mua hàng, khách hàng phải liên hệ phòng chăm sóc khách hàng của ngân hàng để đăng ký trả góp, toàn bộ giao dịch mua hàng lúc này mới bắt đầu được chuyển đổi" - vị này cho biết.
Theo các chuyên gia tài chính, khách hàng sử dụng dịch vụ trả góp lãi suất 0% cần hiểu khi mua trả góp, hạn mức khả dụng trên thẻ tín dụng của họ sẽ bị trừ đi một khoản bằng giá trị giao dịch và sẽ tăng dần tương ứng với khoản tiền trả góp mà khách hàng đã thanh toán qua các kỳ. Do đó, sau khi thực hiện giao dịch cần chủ động theo dõi số dư tài khoản, kiểm tra định kỳ lãi suất phát sinh để tránh những trường hợp bị phạt tiền lãi bất đắc dĩ trong trường hợp khoản thanh toán chưa được chuyển đổi thành gói trả góp.