Đô Lương đạt chuẩn huyện nông thôn mới:Động lực quan trọng để trở thành thị xã trước năm 2030
Thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Đô Lương luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, ngành và sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở, đặc biệt là sự đồng thuận của Nhân dân, nên đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng đời sống Nhân dân…
Ghi nhận kết quả đó, ngày 15/11/2023 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1370/QĐ-TTg công nhận huyện Đô Lương đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022.
Xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể từ huyện đến cơ sở, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Đô Lương đã ban hành và triển khai thực hiện quyết liệt các nghị quyết, kế hoạch chuyên đề về xây dựng nông thôn mới.
Trong quá trình thực hiện, huyện thành lập, kiện toàn và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban Chỉ đạo phụ trách từng xã, từng tiêu chí đã được huyện chỉ đạo thực hiện sớm; đồng thời, thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện, giúp các xã đẩy nhanh tiến độ thực hiện hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Đến hết năm 2021, 32/32 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó có 7 xã đạt chuẩn giai đoạn 2014-2015 là Thịnh Sơn, Yên Sơn, Văn Sơn, Hòa Sơn, Tân Sơn, Thái Sơn, Thượng Sơn), có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (xã Yên Sơn), thị trấn Đô Lương đạt chuẩn văn minh đô thị.
Huyện đã chỉ đạo các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2014-2021, tổ chức rà soát, thực hiện đầy đủ các nội dung bộ tiêu chí xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao của Thủ trướng Chính phủ ban hành giai đoạn 2021-2025. Đến hết năm 2024, có 9/32 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (tỷ lệ 28,125%) và 2 xã đang phấn đấu đạt chuẩn NTMKM.
Huyện đã thực hiện đạt 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới theo Quyết định số 320/QĐ-TTg ngày 8/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ và được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022 tại Quyết định số 1370/QĐ-TTg ngày 15/11/2023.
Quá trình xây dựng nông thôn mới ở Đô Lương đã làm thay đổi toàn diện nhận thức của cán bộ, đảng viên, Nhân dân trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện. Đặc biệt, kinh tế tiếp tục phát triển, an sinh xã hội đảm bảo, đời sống Nhân dân không ngừng được nâng lên, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ huyện xuống cơ sở nên tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 10 năm luôn duy trì ở mức khá cao, giai đoạn 2010 - 2015 tăng trưởng bình quân đạt 10,16 %; giai đoạn 2016 - 2020 tăng trưởng bình quân đạt 12,53%, năm 2024 đạt 11,01%; đến năm 2024 cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; thu ngân sách hàng năm đạt trên 300 tỷ đồng, đến năm 2024 đạt 1.065,669 tỷ đồng.
Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2024 đạt 80,25%. Tỷ lệ nghèo đa chiều năm 2022 là 4,64%, đến năm 2024 còn 1,23%; 100% tỷ lệ hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 23,2 triệu đồng năm 2010 đến năm 2024 đạt 81,54 triệu đồng/người/năm.
Xác định công tác quy hoạch có vai trò quan trọng trong quá trình thực hiện nông thôn mới và xây dựng Đô Lương trở thành thị xã, thời gian qua, huyện Đô Lương đã tập trung triển khai công tác quy hoạch, cụ thể: Quy hoạch chung xây dựng đô thị Đô Lương, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An (tỷ lệ 1/10.000): Đồ án đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 4129/QĐ-UBND ngày 22/12/2022.
Theo Đồ án Quy hoạch đã được phê duyệt, tổng diện tích 7.930 ha và xác định 3 phân vùng phát triển: Vùng I có tổng diện tích đất 2.860,60 ha, bao gồm toàn bộ thị trấn Đô Lương (hiện hữu), các xã: Đà Sơn, Lưu Sơn, Lạc Sơn và một phần các xã: Tràng Sơn, Đông Sơn, Yên Sơn, Văn Sơn, Thịnh Sơn, Hòa Sơn; Vùng II có tổng diện tích đất 2.932,60 ha, bao gồm toàn bộ xã Bồi Sơn, phần lớn diện tích xã Tràng Sơn và một phần diện tích các xã: Đông Sơn, Yên Sơn, Văn Sơn; Vùng III gồm diện tích đất 2.136,80 ha, bao gồm các xã: Nam Sơn, Bắc Sơn, Đặng Sơn.
Cùng với đó, huyện quy hoạch xây dựng vùng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050: Đồ án đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 168/QĐ-UBND ngày 18/01/2023. Trên cơ sở quy hoạch xây dựng vùng huyện được phê duyệt, UBND huyện đã chỉ đạo lập, phê duyệt 4 đồ án quy hoạch xây dựng chung các xã: Trung Sơn, Xuân Sơn, Thịnh Sơn và Thượng Sơn và đang chỉ đạo các xã còn lại triển khai thực hiện hoàn thành theo kế hoạch. Đồng thời, tiến hành quy hoạch chung xây dựng khu chức năng…
Chất lượng giáo dục luôn giữ vững vị trí tốp đầu toàn tỉnh về chất lượng đại trà và chất lượng mũi nhọn. Tỷ lệ học sinh giỏi tiếp tục tăng ở các bậc học và đứng tốp đầu trong tỉnh. Điểm đầu vào các trường THPT công lập xếp tốp đầu toàn tỉnh; tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT năm 2024 - 2025 đạt 99,96%; tham gia thi học sinh giỏi tỉnh lớp 12 năm học 2024 - 2025 đạt kết quả cao, có 161/202 em được công nhận... Huyện có 5 trường trung học phổ thông, trong đó có 4 trường trung học phổ thông công lập và đến hết năm 2024 đã có 4/4 trường trung học phổ thông công lập đạt chuẩn Quốc gia, đạt 100%.
Một trong những thành tích nổi bật của Đô Lương về chương trình nông thôn mới là kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đã được quan tâm, đầu tư nâng cấp, đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển. Đến hết năm 2022, có 7 tuyến quốc lộ, 5 tuyến tỉnh lộ với chiều dài 180 km đi qua địa bàn huyện; đầu tư làm mới được trên 1.050 km đường nhựa, bê tông; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã thuận lợi; hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng được đầu tư nâng cấp; xây mới, sửa chữa 2.054 phòng học, chức năng ở các cấp học; xây mới 15 trạm y tế; đầu tư nâng cấp, xây dựng 2 nhà máy nước sạch, nâng tỷ lệ hộ dân sử dụng nước máy lên 28,1%.
Sản xuất nông nghiệp chuyển dịch theo hướng hàng hóa, ứng dụng khoa học công nghệ gắn với xây dựng chuỗi giá trị sản xuất huyện đã hoàn thành việc chuyển đổi ruộng đất, kết hợp nâng cấp hệ thống giao thông thủy lợi nội đồng; tích cực đưa một số giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao như lúa, rau màu, dưa lưới, hành tăm, chanh không hạt vào sản xuất, hình thành vùng sản xuất tập trung; xây dựng nhiều mô hình sản xuất trong nhà lưới ở các xã áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, đã có các sản phẩm nông nghiệp công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Công tác xúc tiến thu hút đầu tư, liên kết với các doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho cho nông dân đạt kết quả cao, đã có các doanh nghiệp vào liên kết sản xuất; chuyển chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư sang chăn nuôi theo hướng tập trung công nghiệp, bán công nghiệp, trang trại, gia trại.
Hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh, an ninh, quốc phòng được củng cố, giữ vững. Ngành Y tế, Giáo dục có bước phát triển toàn diện và các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn, phát huy...
Công tác thu hút đầu tư tiếp tục được quan tâm chỉ đạo thực hiện trên các lĩnh vực góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, phát triển kinh tế địa phương: Số lượng và quy mô các dự án đầu tư ngày càng tăng, góp phần giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động.
Thực hiện các cơ chế và triển khai huy động nguồn lực trong xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả. Tổng kinh phí đã thực hiện giai đoạn 2011-2022: 5.513.490 triệu đồng. Trong đó: Ngân sách Nhà nước: 2.033.405 triệu đồng, chiếm 36,88 %; Vốn vay tín dụng: 1.973.876 triệu đồng, chiếm 35,8%; Vốn doanh nghiệp hỗ trợ: 252.374 triệu đồng, chiếm 4,57 %. Vốn dân góp: 1.253.836 triệu đồng, chiếm 22,74%. Đến nay, huyện Đô Lương không còn nợ đọng xây dựng cơ bản trong Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Để nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, thời gian tới, huyện Đô Lương tập trung vào các giải pháp: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền và tập trung phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân nông thôn. Tiếp tục đầu tư phát triển giáo dục, đào tạo, y tế, đồng thơi đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa - xã hội và đảm bảo an ninh, trật tự.
Tiếp tục xây dựng, củng cố hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh và xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa, xây dựng nông thôn văn minh, hiện đại. Tăng cường bảo vệ tài nguyên, môi trường, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai. Tiếp tục củng cố, kiện toàn bộ máy, tổ chức tham mưu, giúp việc Ban Chỉ đạo và triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới từ huyện đến cơ sở. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước và phát huy vai trò các tổ chức chính trị - xã hội từ huyện đến xã, xóm.
Ngày 19/5/2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU, về “ lXây dựng, phát triển huyện Đô Lương đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đây là động lực quan trọng để huyện thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới. Thực hiện cơ chế, chính sách huy động nguồn lực, lồng ghép các nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình dự án hỗ trợ có mục tiêu.
Huy động nguồn vốn của các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; vốn của các cá nhân trong và ngoài nước, đóng góp của con em làm ăn xa quê hương. Tiếp tục vận động xã hội hóa thực hiện chương trình trên cơ sở phù hợp với sức dân; khơi dậy, phát huy tính tự giác, tự nguyện của người dân, công khai rõ ràng để tạo sự tin tưởng cho các các tổ chức cá nhân hỗ trợ giám sát thực hiện.Xây dựng kế hoạch duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Được công nhận là huyện nông thôn mới là động lực quan trọng để thực hiện mục tiêu xây dựng huyện Đô Lương trở thành thị xã trước năm 2030; là đô thị phát triển toàn diện, văn minh, hiện đại, đậm đà bản sắc văn hóa xứ Nghệ.