Kinh tế
Hoàng Vĩnh 14/08/2024 09:22

Đô Lương tạo nền tảng phát triển cho chuyển đổi số

Huyện Đô Lương tập trung nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng, phát triển các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung và chuyên ngành tạo nền tảng cho chuyển đổi số.

Kiểm tra chất lượng đường truyền trước cuộc họp trực tuyến tại UBND huyện Đô Lương. Ảnh Hoàng Vĩnh
Kiểm tra chất lượng đường truyền trước cuộc họp trực tuyến tại UBND huyện Đô Lương. Ảnh: Hoàng Vĩnh

Hoàn thiện đồng bộ hạ tầng số

Để đáp ứng yêu cầu của công tác chuyển đổi số, cùng với việc tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, huyện Đô Lương tập trung đầu tư hoàn thiện đồng bộ hạ tầng số.

Trên địa bàn huyện, các doanh nghiệp viễn thông đã tích cực đẩy mạnh việc phủ sóng Internet di động 3G/4G và Internet băng rộng cố định mặt đất. Hiện nay, các nhà mạng (VNPT; Viettel; Mobifone và Vietnamobile) lắp đặt trên 130 trạm BTS và 190/190 khối, xóm đã phủ sóng Internet 3G/4G, Internet cáp quang.

Nhờ thực hiện việc phát triển hạ tầng số, ở tất cả 33 xã, thị trấn đã thực hiện đầu tư nâng cấp hoặc thiết lập mới hệ thống Đài Truyền thanh cơ sở (TTCS) ứng dụng CNTT – viễn thông, góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền.

Xã Tràng Sơn là một trong những địa phương thực hiện tốt công tác chuyển đổi số, tại xã các doanh nghiệp viễn thông lắp đặt 2 trạm BTS nên 7/7 xóm đã phủ sóng Internet di động 3G/4G và Internet. Xã được đầu tư nâng cấp, thiết lập mới hệ thống đài TTCS ứng dụng CNTT – viễn thông, góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền chuyển đổi số. Cán bộ, công chức xã được trang bị máy vi tính, máy scan, kết nối mạng Internet tốc độ cao và UBND xã được kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng.

Nhờ đó, hệ thống hội nghị trực tuyến của xã Tràng Sơn được vận hành hiệu quả; sử dụng có hiệu quả hệ thống thông tin phục vụ cho công tác chuyển đổi số… Đặc biệt, được sự hỗ trợ của các cấp, ngành liên quan, UBND xã hoàn thành rà soát và xây dựng danh mục cơ sở dữ liệu thuộc phạm vi quản lý nhà nước của UBND xã Tràng Sơn…

Với sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của huyện Đô Lương, thời gian qua UBND các xã, thị trấn đã chủ động xây dựng kế hoạch chuyển đổi số của địa phương. 100% các xã, thị trấn đã thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số và 190/190 xóm, khối thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng.

Lãnh đạo huyện Đô Lương chủ trì cuộc họp giao ban trực tuyến. Ảnh Hoàng Vĩnh
Lãnh đạo huyện Đô Lương chủ trì cuộc họp giao ban trực tuyến. Ảnh: Hoàng Vĩnh

Ông Nguyễn Kim Nam - Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đô Lương cho hay: “Huyện luôn ưu tiên, lồng ghép các vốn hợp pháp nhằm đa dạng hóa nguồn lực để thực hiện chuyển đổi số và bố trí đầu tư công để thực hiện các dự án phát triển hạ tầng, cơ sở dữ liệu, nền tảng, các ứng dụng, dịch vụ của xã. Đồng thời đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp để phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cho ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới phương thức quản lý, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm…

Hiện nay, hệ thống hội nghị trực tuyến của huyện được vận hành ổn định, hiệu quả, đáp ứng tốt các điều kiện để tổ chức các cuộc hội nghị, tập huấn, giao ban trực tuyến giữa cấp huyện với cơ sở. Đồng thời kết nối tham gia cuộc họp giao ban trực tuyến từ Trung ương đến cơ sở. Triển khai thuê dịch vụ các hệ thống thông tin phục vụ cho công tác chuyển đổi số như: Hệ thống phản ánh tương tác trực tuyến giữa người dân và chính quyền. Đã thực hiện đưa lên App điện thoại thông minh, giúp cho người sử dụng dễ dàng cài đặt và sử dụng hệ thống. Triển khai hệ thống phòng họp số Ecabinet của UBND huyện…”.

Trụ cột của chuyển đổi số

Trong quá trình thực hiện chuyển đổi số, huyện Đô Lương ưu tiên tập trung vào 3 trụ cột của chuyển đổi số là: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Đô Lương đang hướng tới trở thành thị xã, thì việc xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số một cách hiệu quả là rất cần thiết. Trước thực tế đó, huyện tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng hệ thống quản lý văn bản và điều hành, hệ thống thư điện tử, Cổng thông tin điện tử huyện, Trang thông tin điện tử huyện, Cổng thông tin điện tử các xã, thị trấn,… bảo đảm an toàn thông tin khi trao đổi văn bản trên môi trường mạng. Hiện nay, hệ thống quản lý văn bản và điều hành VNPT - IOffice tại địa chỉ https://ubnddoluong.vnptioffice.vn đã triển khai cho 63 đơn vị; theo số liệu từ ngày 10/12/2023 đến 30/7/2024, có 858 tài khoản sử dụng, tỷ lệ người dùng thường xuyên hệ thống của UBND huyện đạt 98,45%; Tỷ lệ văn bản đến lãnh đạo duyệt trên hệ thống đạt 100%; Tỷ lệ văn bản đi được ký số trên phần mềm đạt 97,32%.

Trung tâm phục vụ hành chính công UBND huyện Đô Lương đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân trong việc cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số. Ảnh Hoàng Vĩnh
Trung tâm phục vụ hành chính công huyện Đô Lương đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân trong việc cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số. Ảnh: Hoàng Vĩnh

Một trong những hiệu quả khá rõ của chính quyền số, là hệ thống giao ban trực tuyến. Thời gian qua, huyện ứng dụng hiệu quả hệ thống giao ban trực tuyến do tỉnh đầu tư, hệ thống giao ban huyện - xã sử dụng phần mềm MegaV-Meeting. Từ ngày 01/01/2024 đến ngày 30/7/2024, đã tổ chức và tham gia 12 cuộc họp giao ban trực tuyến kết nối từ Trung ương cho tới cơ sở.

Ông Nguyễn Đăng Hồng – Giám đốc Trung tâm phục vụ hành chính công huyện Đô Lương chia sẻ: “Trung tâm phục vụ hành chính công sau khi đi vào hoạt động đã đảm bảo minh bạch, rõ ràng, cơ bản đúng hẹn, bước đầu được người dân và doanh nghiệp đến giao dịch đánh giá cao. Trung tâm phấn đấu đến cuối năm 2024, có 100% hồ sơ TTHC được tiếp nhận qua Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh và Cổng DVC quốc gia. Tỷ lệ tiếp nhận hồ sơ TTHC trực tuyến đạt từ 80% trở lên. Tỷ lệ số hóa thành phần hồ sơ TTHC khi tiếp nhận và số hóa kết quả giải quyết TTHC đạt 100%. Các thủ tục hành chính có yêu cầu nghĩa vụ tài chính được triển khai thanh toán trực tuyến. Tỷ lệ hồ sơ TTHC giải quyết sớm hạn và đúng hạn đạt trên 99%. Tỷ lệ công khai minh bạch đạt và mức độ hài lòng đạt 100%”.

Mục tiêu của huyện Đô Lương về kinh tế số và xã hội số là Ít nhất 50% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác, sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử; 100% cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập đã thực hiện việc chi trả lương qua tài khoản. 26/35 sản phẩm OCOP đã được giới thiệu, quảng bá trên sàn thương mại điện tử 37nghean.com, postmart.vn.

Đô Lương là vùng đất khá năng động về phát triển kinh tế, bởi vậy khi thực hiện chuyển đổi số khối doanh nghiệp đã nhận được sự tham gia tích cực của 452 doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các doanh nghiệp đã nhanh chóng ứng dụng công nghệ số vào quản lý, quy trình sản xuất, phát triển sản phẩm…

Song song với đó, lĩnh vực chuyển đổi số cho người dân đã tạo được sự thay đổi quan trọng trong việc thanh toán không sử dụng tiền mặt khi ứng dụng các nền tảng thanh toán trực tuyến. Hiện nay các hộ kinh doanh, cửa hàng buôn bán đã sử dụng hình thức thanh toán chuyển khoản (quét mã QR) và áp dụng khi nộp học phí, thanh toán tiền điện, nước, đồng thời chi trả lương hưu, trợ cấp, bảo trợ xã hội,… qua tài khoản.

Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, mục tiêu và động lực của chuyển đổi số, thời gian tới, huyện Đô Lương đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, kỹ năng số, tăng cường tương tác với người dân, doanh nghiệp, trong đó chú trọng công tác truyền thông về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số và ứng dụng các kênh truyền thông đa dạng để nâng cao nhận thức, hình thành văn hóa số cho người dân, tạo điều kiện tiếp cận các dịch vụ chính quyền điện tử, chính quyền số. Huyện tập trung phát triển các mô hình kết hợp giữa các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và nghiên cứu, hợp tác để làm chủ, ứng dụng hiệu quả các công nghệ, đồng thời thu hút nguồn lực công nghệ thông tin…

Bà Nguyễn Thị Anh Quang - Phó Chủ tịch UBND huyện Đô Lương

Mới nhất

x
Đô Lương tạo nền tảng phát triển cho chuyển đổi số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO