Thời sự

Đoàn đại biểu Quốc hội Nghệ An thảo luận tại tổ về 1 dự án luật, 2 dự thảo nghị quyết

Thành Duy - Phan Hậu 15/05/2025 20:47

Chiều 15/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV tiến hành thảo luận tại Tổ.

bna_quoc-hoi.jpg
Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 4. Ảnh: Nghĩa Đức

Nội dung thảo luận về: dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.

Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An thảo luận tại Tổ 4 cùng Đoàn thành phố Hải Phòng và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Rà soát, bổ sung đầy đủ đối tượng làm công tác xây dựng pháp luật được hỗ trợ

Thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, ông Trần Nhật Minh - ĐBQH chuyên trách đoàn Nghệ An cho rằng tên gọi hiện nay có thể gây hiểu nhầm về phạm vi áp dụng.

Theo đại biểu, nghị quyết không bao quát toàn bộ hoạt động tổ chức thi hành pháp luật, mà chỉ điều chỉnh một số hoạt động có liên quan trực tiếp đến xây dựng pháp luật.

Do đó, đại biểu đề xuất chỉnh sửa tên nghị quyết thành: “Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong xây dựng pháp luật và một số hoạt động tổ chức thi hành pháp luật”, nhằm phản ánh đúng nội hàm và phạm vi điều chỉnh được nêu trong dự thảo.

bna_tran-nhat-minh.jpg
Ông Trần Nhật Minh - ĐBQH chuyên trách đoàn Nghệ An phát biểu thảo luận. Ảnh: Nghĩa Đức

Đại biểu bày tỏ đồng tình với tờ trình và báo cáo thẩm tra về việc bổ sung chính sách hỗ trợ cho người làm công tác xây dựng pháp luật tại địa phương, nhưng cho rằng danh mục đối tượng trong dự thảo hiện còn thiếu sót.

Cụ thể, theo dự thảo chỉ có đại biểu HĐND chuyên trách thuộc Ban Pháp chế và một số chức danh thuộc Sở Tư pháp được hưởng hỗ trợ.

Trong khi đó, thực tiễn cho thấy nhiều đại biểu chuyên trách tại các ban khác của HĐND cấp tỉnh như: Ban Kinh tế - Ngân sách, Ban Dân tộc, Ban Văn hóa - Xã hội... cũng trực tiếp tham gia xây dựng, thẩm tra nghị quyết có tính pháp quy nhưng lại không nằm trong danh sách được hưởng chính sách.

“Ví dụ tại Nghệ An, Ban Kinh tế - Ngân sách là đơn vị có số lượng nghị quyết thẩm tra nhiều nhất qua mỗi kỳ họp”, đại biểu dẫn chứng và đề nghị bổ sung các đại biểu chuyên trách ở các ban khác thuộc HĐND cấp tỉnh vào danh mục được hỗ trợ.

Ngoài ra, đại biểu Trần Nhật Minh cũng kiến nghị đưa vào danh sách hỗ trợ cán bộ, công chức thuộc Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND cấp tỉnh, những người trực tiếp tham mưu, phục vụ công tác xây dựng pháp luật.

Quoc-hoi 2
Các ĐBQH đoàn Nghệ An tại phiên thảo luận Tổ 4 chiều 15/5. Ảnh: Nghĩa Đức

Tham gia thảo luận dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, đại biểu Nguyễn Vân Chi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội cho biết: Khi đọc dự thảo phụ lục liệt kê các cơ quan, bộ phận được hưởng chế độ phụ cấp theo quy định, thấy có quy định “các bộ phận làm công tác pháp chế tại các bộ”.

Tuy nhiên, từ thực tế công tác, đại biểu nhận thấy rằng trong nhiều bộ, việc xây dựng pháp luật, tức là trực tiếp soạn thảo dự thảo luật thường do các vụ chuyên môn đảm nhiệm. Còn vụ pháp chế chủ yếu làm nhiệm vụ rà soát, thẩm định để đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và thống nhất của văn bản theo quy định pháp luật.

Theo đại biểu Nguyễn Vân Chi, nếu chỉ quy định trợ cấp đối với bộ phận pháp chế mà không bao gồm các vụ chuyên môn trực tiếp xây dựng luật thì sẽ là chưa phù hợp với thực tế triển khai nhiệm vụ và đề nghị cơ quan soạn thảo lưu ý trong quá trình hoàn thiện chính sách.

Cần có chính sách cụ thể cho phụ nữ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình

Thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân, đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Nghệ An đề nghị chỉnh lý khái niệm "doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo".

Theo đại biểu, phần giải thích từ ngữ trong dự thảo nghị quyết về cơ chế chính sách phát triển kinh tế tư nhân chưa thật thỏa đáng. Cụ thể, khái niệm "doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo" được giải thích là “doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng và rủi ro cao”. Cách định nghĩa này không phản ánh đúng bản chất và chưa phù hợp.

Theo đại biểu không nên nhấn mạnh yếu tố “rủi ro cao”, vì điều đó dễ gây hiểu sai về tính chất của loại hình doanh nghiệp này.

Đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền cũng băn khoăn về bố cục dự thảo nghị quyết. Cụ thể, sau chương quy định chung, chương tiếp theo lại là nội dung về thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm, trong khi đây là một nghị quyết nhằm tạo đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân.

“Lẽ ra, sau chương quy định chung, cần tập trung vào các chính sách hỗ trợ, cơ chế ưu đãi để thúc đẩy phát triển. Việc đặt chương thanh tra, kiểm tra lên quá sớm dễ tạo cảm giác không phù hợp với tinh thần của nghị quyết”, đại biểu góp ý và đề xuất điều chỉnh lại thứ tự các chương để phản ánh đúng tinh thần khuyến khích và hỗ trợ khu vực tư nhân.

bna_hoang-thi-thu-hien.jpg
Đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Nghệ An phát biểu ý kiến. Ảnh: Nghĩa Đức

Về dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, vị đại biểu đoàn Nghệ An đề xuất điều chỉnh tên gọi luật để phản ánh đầy đủ bản chất của việc tham gia và góp ý một số nội dung liên quan đến quy định về vị trí, chức năng của lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc…

Đại biểu đặc biệt quan tâm đến điều kiện tham gia của lực lượng dân sự trong bối cảnh nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại nhiều quốc gia, đặc biệt là ở châu Phi, vốn có điều kiện khí hậu khắc nghiệt, an ninh bất ổn.

Trong khi công tác huấn luyện, trang bị cho lực lượng quốc phòng và an ninh được quy định rõ ràng, thì nội dung tương tự với lực lượng dân sự lại chưa được đề cập đầy đủ. Đại biểu đề nghị bổ sung các quy định về đào tạo, huấn luyện và chính sách hỗ trợ đặc thù cho lực lượng dân sự, nhất là trong giai đoạn triển khai thực tế tại các vùng nhiệm vụ.

Đại biểu đồng tình với ý kiến trước đó của đại biểu Trần Nhật Minh về việc cần có chính sách cụ thể cho phụ nữ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình. “Không chỉ dừng ở khuyến khích chung, luật cần có quy định rõ ràng về chế độ hỗ trợ đặc thù đối với nữ giới khi tham gia nhiệm vụ ở nước ngoài, nhằm bảo đảm an toàn, an tâm công tác và thể hiện sự bình đẳng thực chất về giới”, đại biểu nói.

Trong ngày làm việc, Quốc hội đã biểu quyết thông qua việc điều chỉnh chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV; nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết số 71/2022/QH15 của Quốc hội; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật. Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

Đoàn đại biểu Quốc hội Nghệ An thảo luận tại tổ về 1 dự án luật, 2 dự thảo nghị quyết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO