Thời sự

Đoàn đại biểu Quốc hội Nghệ An thảo luận về dự án Luật Điện lực (sửa đổi)

Thành Duy - Phan Tú 26/10/2024 19:11

Chiều 26/10, tiếp tục Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ. Đoàn ĐBQH Nghệ An thảo luận tại Tổ 3 cùng đoàn ĐBQH các tỉnh: Bắc Giang, Quảng Ngãi.

bna_3303083edc3d64633d2c.jpg
Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 3. Ảnh: Phan Tú

Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An có 2 ý kiến về dự án Luật Điện lực (sửa đổi). Theo đó, các đại biểu: Hoàng Thị Thu Hiền - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ Nghệ An và Phạm Phú Bình - Ủy viên Thường trực Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội đều chia sẻ băn khoăn khi đây là một luật rất quan trọng, nội dung sửa đổi nhiều với không ít nội dung phức tạp nhưng lại đang được đề xuất thông qua theo quy trình một kỳ họp.

bna_2ac83f89818b39d5609a.jpg
Đại biểu Phạm Phú Bình - Ủy viên Thường trực Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội, đoàn Nghệ An phát biểu thảo luận. Ảnh: Nghĩa Đức

Đại biểu Phạm Phú Bình nêu quan điểm, trước mắt nên lựa chọn nội dung thực sự cấp thiết cần phải thay đổi ngay để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thì nên sửa đổi theo cách ban hành dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực. Còn việc sửa đổi toàn diện Luật Điện lực nên tiến hành kỹ lưỡng.

Trên cơ sở đối sánh các nội dung trong dự thảo Luật và kinh nghiệm thực tiễn của một số quốc gia, vị đại biểu đoàn Nghệ An cũng nêu ý kiến về yêu cầu đặt ra để đảm bảo tính hợp lý, hiệu quả đối với phát triển nguồn điện từ rác thải, đáp ứng tiêu chuẩn là điện tái tạo.

bna_bb21537bed7955270c68.jpg
Các đại biểu đoàn Nghệ An tại phiên thảo luận chiều 26/10. Ảnh: Nghĩa Đức

Đại biểu Phạm Phú Bình cũng kỳ vọng, thông qua sửa đổi Luật Điện lực sẽ có được các chính sách đột phá để tận dụng tiềm năng điện gió ngoài khơi của nước ta; đặc biệt là có chính sách kết hợp cả khả năng kiểm soát của nhà nước về quốc phòng, an ninh đối với các nhà máy điện gió ngoài khơi, đồng thời thu hút được các nguồn lực khác cả trong và ngoài nước để tận dụng sớm nguồn năng lực này trong bối cảnh chi phí đầu tư là một thách thức.

Cũng liên quan đến dự án Luật Điện lực (sửa đổi), đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền, đoàn Nghệ An đề nghị bỏ việc “giải thích phát triển điện lực như thế nào” trong dự thảo Luật vì không phù hợp.

bna_8961752ecb2c73722a3d.jpg
Đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ Nghệ An phát biểu thảo luận. Ảnh: Nghĩa Đức

Đặc biệt, nêu ý kiến về hoạt động mua bán điện và thị trường điện cạnh tranh, vị đại biểu đoàn Nghệ An cho rằng, dự thảo luật đã đề cập đến cạnh tranh trong mua bán, phát, truyền tải, bán buôn, bán lẻ điện; tuy vậy quy định còn chung chung, đặc biệt là chưa đánh giá những phát sinh trong thực tiễn để luật hóa.

bna_aae1d2966c94d4ca8d85.jpg
Các đại biểu đoàn Nghệ An tại phiên thảo luận chiều 26/10. Ảnh: Nghĩa Đức

Đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền cũng tỏ ra băn khoăn khi Quy hoạch Điện VIII đặt mục tiêu đến năm 2030, năng lượng điện tái tạo sẽ chiếm 30 - 39%; đến 2050 chiếm 67- 71% tổng sản lượng; tuy nhiên, trong dự thảo Luật các chính sách hỗ trợ chưa rõ ràng, cụ thể.

Vị đại biểu đoàn Nghệ An cũng đề nghị, bổ sung trong dự thảo quy định về hành lang bảo vệ an toàn các công trình điện đối với các công trình điện gió để có căn cứ xác định diện tích, đền bù đối với các bên bị ảnh hưởng vốn dĩ lớn trong thực tế và từng được ĐBQH chất vấn tại diễn đàn Quốc hội, nhưng không có căn cứ pháp luật để đền bù.

Đoàn đại biểu Quốc hội Nghệ An thảo luận về dự án Luật Điện lực (sửa đổi)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO