Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi)
(Baonghean.vn) - Hội nghị đã lắng nghe 11 lượt thảo luận, đóng góp ý kiến cho Dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) từ đại diện các cơ quan, ban, ngành.
Sáng 18/10, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi). Các đồng chí: Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Trần Nhật Minh - Đại biểu Quốc hội chuyên trách đồng chủ trì hội nghị.
Luật Lưu trữ được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 11/11/2011 (có hiệu lực từ ngày 01/07/2012). Sau hơn 10 năm thực hiện, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Lưu trữ năm 2011 đã bộc lộ những bất cập, hạn chế, một số quy định không còn phù hợp với tình hình thực tiễn, nhất là với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (trong đó có lĩnh vực lưu trữ) để tăng cường hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước.
Dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi) được xây dựng nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII về việc hệ thống pháp luật phải thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển các sản phẩm, dịch vụ trong lĩnh vực lưu trữ nhằm khơi dậy khát vọng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế.
Theo đó, Dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) gồm 9 chương, 68 điều (tăng 2 chương, 26 điều so với Luật Lưu trữ năm 2011).
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận 8 nhóm vấn đề lớn, bao gồm: Quản lý tài liệu lưu trữ và cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ; Hoạt động nghiệp vụ lưu trữ chung; Lưu trữ tài liệu điện tử và tài liệu số; Phát huy giá trị tài liệu lưu trữ; Hoạt động lưu trữ tư; Hoạt động dịch vụ lưu trữ; Quản lý về lưu trữ; Điều khoản thi hành.
Đại diện Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An cho rằng, luật cần có hướng dẫn, căn cứ cụ thể để các tài liệu của cá nhân, dòng họ, làng, xã xưa hiện đang lưu trữ trong dân có thể lập được hồ sơ công nhận di sản tư liệu cấp huyện, thành phố, tỉnh, quốc gia, từ đó, giúp cho việc quản lý và bảo tồn được tốt hơn.
Một số ý kiến đề xuất ban soạn thảo luật cần bổ sung các quy định về dịch vụ lưu trữ tư. Theo đó, các đại biểu cho rằng, Nhà nước cần quan tâm, có chính sách quản lý và tạo điều kiện để hoạt động lưu trữ tư phát triển. Hiện tại, trong dân lưu trữ rất nhiều tư liệu quý, hiếm, đặc biệt là các tài liệu về di sản văn hóa. Nếu nội dung này được quản lý và thực hiện tốt, tài liệu lưu trữ và hoạt động lưu trữ tư sẽ góp phần ổn định xã hội, cung cấp thông tin cho hoạt động quản lý xã hội và phục vụ cho việc nghiên cứu lịch sử.
Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, nên điều chỉnh thời hạn nộp lưu tài liệu vào lưu trữ lịch sử. Theo đó, đối với tài liệu lưu trữ giấy thời gian tối đa 10 năm là quá dài, cần điều chỉnh giảm xuống còn 5 năm để đảm bảo không thất lạc tài liệu.
Đối với Chương IV (Lưu trữ tài liệu điện tử và tài liệu số), các đại biểu góp ý cần bổ sung nội dung về tài liệu lưu trữ trực tuyến, tạo điều kiện để công chúng tiếp cận, nghiên cứu tài liệu. Ngoài ra, các đại biểu cũng có ý kiến góp ý để làm rõ, bổ sung một số hành vi bị nghiêm cấm, những điều khoản chưa chặt chẽ trong dự thảo.
Kết luận hội nghị, đồng chí Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh khẳng định những ý kiến thảo luận tại hội nghị đều xác đáng. Trên cơ sở những nội dung thảo luận tại hội nghị, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ tiếp thu và tổng hợp toàn bộ ý kiến góp ý để hoàn thiện Dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi).